Minh Anh
Căng thẳng giữa Liên Hiệp Châu Âu và các hãng dược trong việc cung cấp vac-xin ngừa Covid-19 làm lộ rõ sự tụt hậu ngành công nghiệp dược phẩm tại châu lục. Cuộc khủng hoảng Covid-19 buộc khu vực này phải chấp nhận đau đớn thay đổi chiến lược về y tế và đây là một cơ hội vàng để Nga và Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng.
Những dấu hiệu bấn loạn đầu tiên bắt đầu từ việc Hungary – thành viên của Liên Hiệp Châu Âu mở cửa cho vac-xin Trung Quốc và Nga. Theo AFP, 40.000 liều thuốc tiêm Sputnik V đầu tiên đã đến Hungary hôm 02/02. Thủ tướng Viktor Orban còn khẳng khái tuyên bố rằng khi đến lượt, ông chắc chắn sẽ tiêm bằng vac-xin của Trung Quốc.
Trước nguy cơ thiếu vac-xin để đạt những mục tiêu đề ra do các hãng dược Anh, Mỹ thông báo sẽ giao hàng trễ, rồi việc tạp chí khoa học The Lancet công nhận vac-xin Nga hiệu quả đến hơn 91%, lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, sau nhiều tháng do dự, hoài nghi, đành để ngỏ khả năng sử dụng đến vac-xin Nga và Trung Quốc nhưng có điều kiện.
Vì đâu nên nỗi ? Châu Âu luôn tự hào có một nền y học tân tiến, một hệ thống y tế hoàn hảo, nhưng lại không đủ vac-xin để phòng bệnh cho dân ? Cây bút xã luận Etienne Lefebvre, trên báo Les Echos nêu ra ba khuyết điểm lớn của khối 27 nước, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng vac-xin sẽ chưa chấm dứt, sự chậm trễ của châu Âu khó thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Thứ nhất, đúng là một số hãng dược đã thất hứa trong các cam kết giao hàng, như trường hợp của AstraZeneca. Việc các hãng dược đổ lỗi cho Liên Hiệp Châu Âu chậm trễ đặt hàng là không thuyết phục. Mọi cặp mắt đổ dồn về phía các cổ đông hãng dược Mỹ, dường như gây khó khăn cho việc cung cấp số hàng đặt từ châu Âu.
Thứ hai, nếu như châu Âu có tham vọng hướng đến dự án Y tế châu Âu, theo mô hình quản lý Barda của Mỹ, để có thể đầu tư ồ ạt và quản lý việc đặt mua vac-xin nhằm tránh cuộc chiến tranh giành vac-xin nổ ra trong lòng khối 27 nước, thì Ủy Ban Châu Âu – cơ quan quản lý lại không xứng tầm với những hứa hẹn của mình.
Châu Âu chỉ lo vấn đề đặt hàng nhưng lại thiếu sự giám sát – khâu quan trọng trong xử lý khủng hoảng. Sự việc cũng cho thấy rõ bộ máy hành chính đã không được trang bị như một chính phủ quốc gia để bảo đảm việc giám sát này. Tự bản thân các nước phải huy động đến nguồn lực riêng của mình – mà Pháp đang đi đầu, vận động sự tham gia của mọi dây chuyền sản xuất để vượt qua trở ngại, tập hợp lực lượng và tăng tốc sản xuất.
Bài học thứ ba, có lẽ là bài học đau đớn nhất. Sự chậm trễ trong sản xuất là do thiếu đầu tư trong các ngành công nghiệp về y tế tại châu Âu trong 20 năm gần đây. Năng suất kém của AstraZeneca tương phản với khả năng của Ấn Độ. Tương tự, Pfizer và Moderna cũng đang đối mặt với khó khăn trong việc sản xuất đại trà loại vac-xin bào chế dựa trên công nghệ ARN thông tin. Một công nghệ mà châu Âu lại khan hiếm các điểm sản xuất.
Sau khủng hoảng khẩu trang, giờ đây, khủng hoảng vac-xin giữa Liên Hiệp Châu Âu với các hãng dược mở rộng đường hơn cho Nga và nhất là Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. Bắc Kinh với các chiến dịch cung cấp « khẩu trang, vac-xin », một phần trong chiến lược ngoại giao y tế đang có những bước tiến dài.
Các nước không còn quan tâm đến mầu sắc chính trị của quốc gia cung cấp vac-xin, mà họ chỉ để ý đến tính hiệu quả và khả năng cung ứng. Với nhà nghiên cứu địa chính trị, Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), sự biểu dương sức mạnh của Nga và Trung Quốc cho thấy phương Tây đang mất tầm ảnh hưởng cả trên bình diện công nghệ và kinh tế. Một thế mạnh mà phương Tây thống lĩnh từ 5 thế kỷ qua !