Dề cơm cháy!

Đoàn Xuân Thu

Vì thổ nhưởng, khí hậu thích hợp cho việc trồng lúa mì nên Tây nó ăn bánh mì. Vì thổ nhưởng, khí hậu thích hợp cho việc trồng lúa nước, nên ta ăn cơm. Bánh mì bán ế, Tây đem nướng lại, già chút lửa, cắt thành lát, vô bọc bán. Mình mua về trét bơ, rắc đường cát trắng mịn lên, ăn dòn rụm hè. Cơm của ta cũng vậy! Nấu cơm chín rồi chỉ cần già thêm một chút lửa là có ngay dề cơm cháy. Mình trét mở nước và tóp mở lên, rắc thêm chút đường cát trắng mịn, đút vô miệng nhai dòn rụm hè.

Mà nói tới cơm cháy thì tui lại nhớ tới thời đi lính ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Nhứt là 9 tuần đầu huấn nhục, Tân Khóa sinh. Cán bộ quân trường không cần biết đứa nào có cha mẹ giàu hay nghèo gì ráo trọi, tất cả đều phải đi ăn cơm nhà bàn.

Trường Bộ Binh Thủ Đức, KBC (tức Khu Bưu Chính) là 4100, đọc là bốn ngàn một trăm, nên mấy cha nội huynh trưởng, cũng như tui từng dẫm gót giày ‘saut’ trên đồi Tăng Nhơn Phú đều biết cách đọc trệch đi là bốn người một mâm. Một “ca-rê (carré) bốn người, 4 cục thịt kho nhỏ bằng ngón tay cái. Biết đời lính ‘ắc ê’, ‘on đơ’, mau đói lắm nên em yêu tuần nào lên Khu Tiếp tân thăm chàng đều cẩn thận lận theo một lon ‘guigoz’ thịt chà bông hay tép rang hơi mặn (ăn cho ít hao và ít bị hư) cho chàng ăn để nhớ tới tình em, người yêu của lính. He he!

Hàng ngày, Tiểu đoàn cử vài Sinh viên Sĩ quan thuộc Trung đôi trực vào ban ẩm thực để kiểm soát lượng và chất của thực phẩm do nhà thầu cung cấp và mấy hỏa đầu quân, lính cơ hữu của quân trường tay nhám nhúa, có chôm chỉa bớt hay không?

Thịt thà, cá tép thì tui không biết có bị chôm hông nhưng cơm đồ lòng gà vịt thì chắc có. Ông Nội ba gai nào tối trực tuyến B, đêm tiền đồn Mả đá ngang Học viện Cảnh sát Quốc gia, dám lén bò ra Chợ Nhỏ nhậu, kêu một dĩa gan, lòng, mề gà xào chua với dưa leo chấm muối tiêu. Dĩa mồi đầy ứ ự; hai thằng đưa cay cù cưa cù nhằn hoài, nhậu tới Tết còn chưa có hết!

Mấy chú trực Nhà bàn này, sáng sớm phải theo xe GMC của hỏa đầu quân đi chợ. Chú nào cũng được ăn hủ tiếu, bánh bao, bánh mì xíu mại, uống cà phê sữa khỏi tốn tiền. Trưa, chiều, tới giờ cơm thì xơi trước thiên hạ. Quá đã! Thịt cá ê hề nên chú nào háo ăn, ăn hoài vẫn thấy đói, quyết liệt chạy chọt với thư ký đại đội giành trực Nhà bàn. Nhứt là mấy đứa con bà phước, hổng có ai thăm nuôi hết ráo.

Tui thì giành với tụi nó không có lại để trực Nhà bàn nên khi thằng nằm giường trên, giỏi bon chen, nói với tui mai nó đi trực Nhà bàn, tui biểu nó: “Đem về cho tao vài dề cơm cháy!”

Nó nói:“Mầy xin cơm cháy để làm gì? Cơm cháy khô cứng ngắt, ăn gãy răng. Mấy chú hỏa đầu quân chỉ mang cơm cháy về cho vợ nó nuôi heo. Để tao lựa cơm ngon giữa chảo đụn đem về cho mầy nhe!”

Tui nói: “Cơm cháy đã ráo nước, giữ được lâu, tao bóp vụn ra, bỏ vô lon ‘guigoz’ để dành. Lúc muốn ăn, tao nấu nước sôi chế vô, chờ nó nở ra ăn với tép rang hoặc cá chà bông của em yêu tao cho thì ngon gấp mấy lần cơm sấy ăn với đồ hộp của Mẽo!”

***

Nói gì thì nói chớ cái vụ dề cơm cháy nầy tui rành sáu câu vọng cổ. Có người cho rằng bà con mình, người Miền Tây, hay phát âm ‘gi’ thành ‘d’. Nên ‘giề lục bình’ nổi trên mặt nước thành ‘dề lục bình’. Nhưng tui lại cho rằng chữ ‘giề’ và ‘dề’ viết khác là do nghĩa nó khác nhau. ‘Giề lục bình’ là một đám lục bình dày cui, xà nẹo với nhau trên mặt sông, còn ‘dề cơm cháy’ là lớp cơm mỏng tang dưới đáy nồi bị cháy.

“Con nhớ Má quê nhà bếp tỏa. Khói lên trời ẩm ướt chiều hôm. Già chút lửa, thương dề cơm cháy. Cho dòn tan, bùi, ngọt tới quê người!”

Quê người giờ nấu cơm dễ ợt vì có nồi cơm điện do Nhựt Bổn nó làm. Xúc gạo đổ vô nồi, đổ nước vào ngập cỡ lóng tay, ấn nút rồi là cơm chín hè. Chỉ còn một việc là bới ra ăn thôi. Chớ hồi xưa lạng quạng thiếu củi lửa là cơm nó sình, dưới chín trên sống. Già lửa quá thì cơm khê, đổ cho chó nó ăn nó còn chê. Bữa nào ăn kho quẹt thì nấu cơm hơi nhão. Bữa nào có canh thì cơm phải hơi khô. Muốn có cơm cháy thì còn khó hơn nữa đó nhe mấy em yêu! Riêng cái vụ nấu cơm nầy là Má của tui hay số dách, hay hơn hết ráo Má của thiên hạ.

Hồi xưa, Má là gái quê, chưn cẳng phèn không, theo chồng về phố chợ. Của hồi môn, ông Ngoại cho đem theo về với chồng chỉ là một cái nồi đồng. Nó là vật gia bảo đời bà sở, bà sơ, bà cố tui để lại.

“Cơm chín nồi đồng, già thêm chút lửa.

Dưới đáy nồi, dề cơm cháy vàng rơm.

Rãi chút đường, Má rắc thêm tóp mỡ.

Của quê nghèo, thương quá Má- quê hương!”

Nồi đồng nầy nầy Má cưng dữ lắm! Ít khi Má đem ra xài; trừ lúc mấy anh em tui thèm mỡ, thèm đường đòi ăn cơm cháy. Bằng không, Má chỉ xài nồi đất, nồi gang hoặc nồi nhôm. Nồi đất là ‘dách lầu’ nhưng dễ bể, nồi gang thì dòn, hay bị sứt quai. Đời của tui gẫm lại giống như cái nồi đất trong bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine.

“Nồi Gang đến chơi nhà nồi Đất.

Đề nghị cùng nhau dắt đi chơi.

Đất rằng: “Yếu đuối như tôi. Chỉ quanh xó bếp suốt ngày là khôn!

Bởi lẽ đệ xương mòn da mỏng. Nếu chạm va tất hỏng cuộc đời!”

Má của tui không hề muốn tui đi xa Má; vì Má biết tui vốn chết nhát, vừa hèn vừa yếu; Má sợ tui ra đời đụng chạm không có lại người ta.

***

Theo các khảo cổ học, nhân loại đã trải qua các thời kỳ: đồ đá, đồ đồng, đồ sắt và nay là ‘đồ đểu’.

Gọi là ‘đồ đểu’ đúng quá xá luôn, không cãi được vì ngay cơm cháy ngày xưa bây giờ nó cũng chơi đểu, treo đầu dê bán thịt chó! Nó xài bếp ‘gas’ nóng tới vài trăm độ C. Cho cơm mới chín lên chảo gang. Lấy cái vá, nhận lớp cơm cho đều. Tráng qua, tráng lại lại chừng 5 phút thì ra được ‘dề cơm cháy’ bằng cái chảo nhỏ. Xong thêm tôm khô, thịt ba rọi, lạp xưởng gì gì đó lại càng trật sách vở. Cái nầy đâu có gọi là ‘dề cơm cháy’ được nè mà là ‘dề cơm chiên cháy’. Nó khô cứng vì không xài dầu, xài mỡ.

Cơm cháy quê hương, là cơm cháy đồng nội với khói lam chiều xưa. Cơm cháy của người con gái theo chồng bỏ ruộng bưng về chợ nấu cho đám con lóc nhóc ăn nó khác. Bữa nào đám con tha thiết, khẩn thiết đến hết biết đòi ăn cơm cháy, Má tui mới đem cái nồi đồng ra xài. Cơm nấu bằng gạo lúa mùa, bếp chụm than đước. Cơm vừa chín tới, Má cời than cho đều, già thêm chút lửa. Xong bắt nồi xuống, Má cầm cái đủa bếp bằng tre cạy lớp cơm cháy tróc ra một cách dễ dàng. Má chỉ cần chan vài muỗng mỡ nước, rải tóp mỡ và rắc đường cát vàng lên dề cơm cháy. Cho mỗi đứa một miếng, dòn rụm nhai là nhớ tới già hè.

***

Nhưng khi CS Bắc Việt tấn công Miền Nam làm: Binh lửa cháy lan nhà, quê cũ.

Bồng bế nhau đi, khói lửa mịt mờ.

Đi đi mãi… thương phận người ủ rũ.

Dạt quê người đành nhận đó quê hương!

Bây giờ, quê người nấu cơm chỉ xài nồi cơm điện thì” làm sao già thêm chút lửa?

Dưới đáy nồi, dề cơm cháy… là mơ!

Bao năm sống quê người… chạng vạng,

nẻo chưa về; chỉ thấy bóng hoàng hôn!

Thiệt tình trong bụng, tui chỉ muốn chủ nghĩa CS nó ‘on-bon phi-nan’ để đất nước mình được tự do. Lúc đó, tui sẽ lò dò dắt em yêu, vì hai đứa đã già háp cả rồi, bay về quê cũ, nhà cũ. Để tui lục ra cái nồi đồng của Má tui để lại. Tui đi mua than đước Cà Mau, mua gạo Nàng hương Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An. Tui sẽ tự tay nấu cơm cháy, chớ không có dóc tổ, cái lưỡi dài hơn cái tay như VC đâu nhe. Cơm cháy xịn, người ta tiến Vua; còn tui tiến em yêu sẽ có màu vàng nhạt, giòn tan, chan mỡ nước, rải tép mỡ, rắc chút đường là ngon bá cháy.

Còn bây giờ thì thân tui:

Nước mắt cơm chiều, người viễn xứ.

Con mơ về nhà cũ đêm đêm.

Ba đọc báo, Má ngồi may vá.

Anh em con, dề cơm cháy, bên hè.

Nói nào ngay:

Dề cơm cháy không phải dề cơm cháy.

Là bữa cơm chiều: có Má, có Ba.

Có anh, có em, quây quần mỗi tối.

Có thanh bình, có những ngày vui!

Nhớ hồi xưa thương thằng em, cho mầy một miếng.

Để sau này mày lãnh anh qua.

Để Má mất anh em mình đều khóc!

Má mất rồi, dề cơm cháy còn đâu?!

Hu hu!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

Related posts