Khẩu chiến Mỹ Trung và cái mặt của Tập Cận Bình

Phạm Đức Đồng Hùng

Bị Mỹ và bị chính mình dồn mình vào thế cùng, Tập Cận Bình không thể xuống nước. Đó là lý do khiến Mỹ bị nếm mùi ngoại giao chiến lang trong cuộc đối thoại cao cấp tại Alaska trong hai ngày 18-19.3.2021.

Đây là hội đàm Mỹ – Trung cao cấp nhất kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống và tại đây Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan chính thức hội đàm với phái đoàn ngoại giao Trung Quốc gồm ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại trung ương đảng và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Trong thời gian qua quan hệ hai nước liên tục căng thẳng vì nhiều vấn đề, nên hội đàm này có thể xem là một cuộc đàm phán đúng nghĩa để hai bên giải quyết các bất đồng tuy nhiên bất đồng đã không thể giải quyết, hai bên đều bịt tai mình, chỉ biết nói vào tai đối thủ những gì mình muốn nói.

Dồn Bắc Kinh vào thế cùng

Để chuẩn bị cho chuyến gặp gỡ này, Mỹ đã bủa lưới giăng vây với chuyến đi ngoại giao vòng cung đến Nhật, Nam Hàn, là hai nước nằm sát nách Trung Quốc của nhị vị Bộ trưởng Ngoại giao – Quốc phòng, ông Antony Blinken và Lloyd Austin.

Thông báo chung Mỹ Nhật nêu rõ: “Mỹ và Nhật cho rằng Trung Quốc có hành vi không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, dẫn đến những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và kỹ thuật đối với liên minh Mỹ – Nhật và cộng đồng quốc tế. Các bộ trưởng của Mỹ và Nhật cam kết phản đối hành vi ép buộc và gây hấn đối với các nước trong khu vực, làm suy yếu hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Các bộ trưởng Mỹ và Nhật tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do thương mại và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Mỹ – Nhật nghiêm túc lo ngại về những diễn biến gây rối gần đây trong khu vực, chẳng hạn như luật hải cảnh mới của Trung Quốc”

Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết bảo vệ Nhật bằng toàn bộ sức mạnh quân sự, bao gồm cả sức mạnh hạt nhân. Hai bên thảo luận về việc Mỹ cam kết bảo vệ Nhật theo hiệp ước an ninh chung và hiệp ước này có giá trị cả trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp”.

Trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố: “Đặc biệt, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp mạnh tay nếu cần thiết, đặc biệt khi Trung Quốc có những hành vi ép buộc hoặc gây hấn để đạt được mục đích của họ.”

Lâu nay Mỹ cũng như Nhật và các đồng minh khác đều lên án các hành vi “gây hấn và bắt nạt” của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực, trong đó có Biển Đông. Tuy nhiên lần này Mỹ và Nhật đã cùng có tiếng nói chung đanh thép chưa từng thấy: “Sẽ mạnh tay nếu cần thiết!”

Sau Nhật, ngày 17.3.2021, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc Phòng Austin tới Seoul tiếp tục cuộc gặp gỡ với các đồng nhiệm Nam Hàn nhằm khẳng định lại những cam kết chung đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Hàn và tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Trước đó Mỹ cũng đã dồn dập tiến hành các hoạt động ngăn chặn ảnh hưởng và và gây áp lực mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh.

Trung tuần tháng Hai Mỹ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng của “tứ giác kim cương” gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ. Ngày 12.3, Mỹ lại tổ chức hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất thuộc chính quyền 4 nước trong nhóm rồi đưa ra chiến lược rất cụ thể với chương trình sản xuất 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 để viện trợ các nước mà Trung Quốc đang ve vãn. Kèm theo đó, nhóm Quad còn đưa ra chính sách hợp tác về kinh tế, cụ thể là phối hợp phát triển chuỗi cung ứng. Tất cả tạo nên một áp lực tổng thể nhằm vào Bắc Kinh.

Không những vậy, ông Kurt Campbell, Điều phối viên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sự vụ của chính phủ Mỹ, đã công khai hóa thông điệp mà Mỹ đã chuyển tải với Trung Quốc: nếu muốn Mỹ bình thường hóa quan hệ, Trung Quốc phải từ bỏ trò dọa nạt kinh tế với Úc.

Mỹ đã dồn Trung Quốc vào thế cùng, khiến Tập Cận Bình mắc bẫy của chính mình.

Tập mắc bẫy của mình

Để củng cố tư thế lãnh đạo tuyệt đối của mình Tập đã khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa kiểu Đại Hán tộc, huỵch toẹt bày tỏ ý đồ “bành trướng ra thế giới” và xét lại trận tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Bây giờ, nếu Tập tỏ vẻ mềm yếu trước Mỹ, các đối thủ chính trị của Tập trong nội bộ đảng sẽ thừa cơ ngóc đầu dậy.

Đặc biệt, gnăm 2021 này là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, mọi sự nhún nhường hay hình ảnh Trung Quốc yếu đi trước nước khác đều sẽ làm tổn thương hình ảnh của Tập,

Tập Cận Bình mắc bẫy của chính mình, bị ket trong tư thế ngồi trên lưng cọp và chính vì thế trong hội đàm, phái đoàn Trung Quốc đã không ngần ngại đóng vai trò ngoại giao chiến lang.

Ngoại giao chiến lang

Hội nghị cao cấp Trung-Mỹ lần này có 3 vòng đối thoại, 2 vòng đối thoại được tổ

chức vào ngày 18 và 1 vòng đối thoại vào ngày 19. Vòng đối thoại đầu tiên là vòng duy nhất mở cửa cho giới truyền thông. Nhưng ngay vòng đầu tiên, giới truyền thông đã chứng kiến màn đấu khẩu gay gắt giữa giới chức hai bên. Bài phát biểu khai mạc dự kiến dài 8 phút đã kéo dài tới hơn 90 phút.

Sau màn chào hỏi theo đúng phép lịch sử, ông Blinken đã ngay lập tức vào vấn đề khi đề cập đến Hồng Kông, Đài Loan… và các cuộc tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ và đe dọa các đồng minh của Mỹ từ Trung Quốc. Ông Brinken tuyên bố: “Những hành động này đe dọa trật tự dựa trên luật lệ, trật tự này duy trì sự ổn định của thế giới”. Ông Blinken của Mỹ dùng đúng thời gian quy định là bốn phút.

Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan thì chỉ trích Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công vào các giá trị căn bản của Mỹ và khẳng định: “Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh khốc liệt”.

Nhưng Dương Khiết Trì đã trả đũa một cách giận dữ, phá bỏ quy định hai phút, ông xổ ra một tràng tiếng Quan thoại trong vòng 15 phút, mặt mày đỏ tía, tay vung loạn xạ, bảo rằng nước Mỹ không có quyền dạy bảo Trung Quốc về nhân quyền, nước Mỹ sai tùm lum trong chuyện đối xử với người da đen kia kìa.

Các viên chức Mỹ sửng sốt vì chuyện phá quy định này, nhưng để họ Dương xả hết sân hận.

Dương Khiết Trì xả: “Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, nỗ lực không ngừng vì hòa bình và phát triển quốc tế và khu vực, đồng thời bảo vệ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, không giống nước Mỹ thường sử dụng vũ lực, khiến thế giới hỗn loạn, bất an… Cả Trung Quốc và Mỹ đều là những cường quốc… Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thay đổi tư duy trò chơi có tổng bằng không và từ bỏ cách làm sai trái… Mỹ không đủ tư cách chuyện với Trung Quốc với thái độ bề trên, người Trung Quốc sẽ không bị lừa vì chiêu này. Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Trung Quốc.Nhiều người ở Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Mỹ, và họ có nhiều quan điểm khác nhau về chính phủ Mỹ.”

Trước phản ứng này, ngoại trưởng Blinken nhỏ nhẹ bảo: “Nước Mỹ chúng tôi không hoàn hảo, nhưng chúng tôi công khai xét xử những vụ đó.”

Kế tiếp, ông Vương Nghị cũng có bài phát biểu dài gần 4 phút.

Tuy nhiên, sau khi phía Trung Quốc có phản hồi, đại diện Mỹ thể hiện họ còn điều muốn nói và ra hiệu các phóng viên không nên rời đi. Cứ như vậy, hai phái đoàn liên tục yêu cầu các phóng viên trở lại hội trường để đưa tin thêm phát biểu của họ, khiến bài phát biểu vượt thời gian dự kiến, kéo dài tận 90 phút.

Hãng tin CNN (Mỹ) dẫn lời một giới chức cao cấp đã tham dự cuộc họp cho rằng, phía Trung Quốc vi phạm nghi thức ngoại giao khi cố tình kéo dài bài phát biểu quá thời gian dự kiến mà hai bên đã thống nhất. Theo giới chức này thì những nhà lãnh đạo phái đoàn Trung Quốc đã “cố tình khoa trương để thu hút sự chú ý, công khai làm màu chứ không mang nội dung thực chất“. Ông phát biểu: “Chúng ta đều biết rằng những bài phát biểu lên gân của các nhà ngoại giao Trung Quốc thường có mục đích hướng đến người dân trong nước.”

Cố tình khoa trương: cuộc chiến giữa Dương và Vương

Trước khi lên làm Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại trung ương đảng thì Dương Khiết Trì đã đảm nhiệm vai trò ngoại trưởng (thời Hồ Cẩm Đào), là người tiền nhiệm và cấp trên của Vương Nghị. Tuy nhiên thời gian qua Trì, hiện 70 tuổi, tỏ ra lu mờ hơn Nghị, 67 tuổi.

Trì từng được xem là chuyên gia về Mỹ, có quan hệ cá nhân với của Tổng thống Bush, từng là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vào đầu những năm 2000. Từ năm 2007 đến 2013, Trì là ngoại trưởng Trung Quốc khi Hồ Cẩm Đào chú trọng đến quan hệ với Mỹ.

Trì tiếp tục là ngôi sao của ngành ngoại giao khi và được Tập Cận Bình “cơ cấu” vào Bộ Chính trị mùa thu năm 2017 với hy vọng là Trì sẽ xây dựng một quan hệ hiệu quả với chính quyền Donald Trump. Tuy nhiên Trì đã thất bại, không đáp ứng được kỳ vọng của ông Tập. Kể từ đó Trì vắng mặt dần và các chiến dịnh ngoại giao quốc tế đều do Vương Nghị đảm nhận.

Thời gian qua Nghị đã đi khắp thế giới và xuất hiện trước công chúng nhiều hơn so với Trì và rõ ràng Trì đã bị thất sủng trong khi Nghị chiếm được lòng tin của Bình.

Theo trang Nikkei, thông điệp của Dương Khiết Trì rất rõ ràng: “Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch coronavirus, hệ thống của nó vượt trội hơn so với nền dân chủ kiểu Mỹ, vốn đã thất bại thảm hại trước phản ứng với đại dịch”.

Việc Trì nói dài, nói dai,nói mạnh miệng hơn hẳn Nghị cho thấy y không chỉ cố hướng đến người dân Trung Quốc mà đang cố lấy lại lòng tin của “hoàng đế” Tập Cận Bình.

Phục vụ chính trị nội bộ

Phe diều hâu, tức phe thân Tập Cận Bình, đã mau chóng chộp lấy diễn biến tại Alaska để kích động tinh thần Đại Hán.

Cảnh Dương Khiết Trì công kích Blinken được truyền thông nhà nước Trung Quốc phát đi phát lại nhiều lần.

Tờ Hoàn cầu Thời báo Hoàn cầu (phụ trương của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) bình luận rằng “sự hiếu chiến và coi thường các nghi thức ngoại giao của Mỹ cùng các cuộc phản công nhanh chóng và sắc bén của phái đoàn Trung Quốc khiến cả thế giới chú ý”.

Lü Xiang, nhà nghiên cứu về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 19.3 rằng phát biểu khai mạc của các đại biểu Trung Quốc thể hiện rõ ràng lập trường kiên quyết của nước này với các lợi ích cốt lõi của họ. Điều này đang nói với Mỹ và thế giới cho dù cuộc đối thoại sẽ kéo dài bao lâu, lập trường của Trung Quốc sẽ không thay đổi.

Trong khi đó thì báo Nhân Dân ghép hình để kích động tinh thần Đại Hán, nhắc lại Hiệp ước Tân Sửu 120 năm trước và so sánh với cuộc khẩu chiến ở Alaska.

 Hiệp ước Tân Sửu được nhà Thanh ký kết với liệt cường gốm 11 nước vào ngày 7.9.1901 sau vụ nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn và Liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh. Trung Quốc coi đây là một nỗi ô nhục và đã mang lại nhiều tổn thất nhất cho Trung Quốc cả về vật chất lẫn quyền lực của nhà nước và thể diện quốc gia.

Trung Quốc cố nhấn mạnh thông điệp rằng Trung Quốc bây giờ đã khác, với cảnh đốp chát không nao núng của Dương Khiết Trì, là điều mà dân tộc Trung Quốc đã kiên nhẫn chờ đợi trong 120 năm qua.

Nhưng vẫn chìa tay

Hội đàm Mỹ – Trung này dường như không mang lại đột phá ngoại giao nào. Thế nhưng, phái đoàn Trung Quốc cho biết “cả hai bên đều chia sẻ hy vọng tiếp tục loại hình liên lạc chiến lược cao cấp như vậy”.

Chính Tân Hoa xã đưa tin: “Hai bên cũng đồng ý rằng họ sẽ duy trì đối thoại và liên lạc, tiến hành hợp tác cùng có lợi, tránh hiểu lầm và đánh giá sai cũng như tránh xung đột và đối đầu, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của các mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ”.

Tân Hoa xã cho biết thêm là sau cuộc họp rằng hai bên đã “cam kết tăng cường giao tiếp và hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”.

Họ cũng sẽ tổ chức các cuộc hội đàm để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà ngoại giao và cơ quan đại diện lãnh sự, “cũng như về các vấn đề liên quan đến các phóng viên truyền thông trên tinh thần có đi có lại và cùng có lợi.

Năm ngoái, khi căng thẳng trở nên tồi tệ hơn, hai nước đã trục xuất các nhà báo và Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Hai bên cũng thảo luận về việc điều chỉnh các chính sách du lịch, thị thực theo tình hình đại dịch COVID-19 và “dần dần thúc đẩy bình thường hóa trao đổi nhân sự giữa hai nước”.

Riên Dương Khiết Trì nói với đài truyền hình CGTN của Trung Quốc rằng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng và có lợi, “nhưng tất nhiên, vẫn có những khác biệt”.

Thái độ này cho thấy rằng trong thời điểm Trung Quốc vẫn đang rất lo lắng về xung đột với Mỹ, nhất là xung đột quân sự với Mỹ. Nếu bây giờ xung đột quân sự nổ ra và Trung Quốc không thể giành chiến thắng một cách dứt khoát, không chỉ Tập có thể bị lật đổ và tính chính đáng của chế độ sẽ sụp đổ.

Do đó Trì và Nghị phải làm căng để bảo vệ ngai vàng cho Tập, nhưng cũng phải chừa chỗ xì hơi để Mỹ thấy rằng họ vẫn chừa chỗ để hai bên cùng làm việc tiếp!

Nói theo nhà bình luận Stan Grant trên Đài ABC của Úc thì Trung Quốc “ngay cả khi huyên náo và hiếu chiến nhất cũng ý thức rằng chiến tranh với Mỹ sẽ là một thảm họa.”

Còn Mỹ

Chính quyền Biden hiểu rằng chính sách đối phó Trung Quốc tốt nhất cần bắt đầu ở Mỹ. Mỹ phải cứng rắn vơi Trung Quốc và nhắc nhở các đồng minh rằng họ Mỹ là đồng minh chung thủy. Mỹ sẽ lắng nghe đồng minh và tìm mọi cách để bảo vệ đồng minh, và đó là những gì mà Mỹ đã áp dụng với Úc.

Nghĩa là Mỹ đang tập hợp các đồng minh thành một bó đũa, không cho Tập Cận Bình lần lượt bẻ gãy từng chiếc trước khi tung đòn vào Mỹ.

Related posts