GIỮA ĐẠI DỊCH, VÌ SAO NHẬT KHÔNG HỦY THẾ VẬN HỘI OLYMPIC?

ANDREAS ILLMER

“…Cho dù gió ngược chiều ngày càng lớn, IOC từ chối xem xét khả năng hủy Thế vận hội khiến hầu hết các nhà quan sát cho rằng Olympic năm nay sẽ vẫn diễn ra và khai mạc vào ngày 23/7 – mặc dù nó sẽ diễn ra theo hình thức nào chúng ta vẫn chưa rõ…”

tokyo_olympics
Tình trạng khẩn cấp vì virus corona được tuyên bố sẽ kéo dài thêm ở thủ đô Tokyo

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày khai mạc Olympic Tokyo, và những ý kiến đề nghị hủy Thế vận hội này ngày càng mạnh hơn. Vậy vì sao Nhật Bản không bàn đến chuyện hủy Olympic? Hóa ra câu trả lời không đơn giản.

Tình hình đại dịch không mấy sáng sủa ở Nhật.

Tình trạng khẩn cấp vì virus corona được tuyên bố sẽ kéo dài thêm ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lớn khác trong lúc số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng.

Hiện chưa có lời nào về việc hủy Thế vận hội, nhưng cả các chuyên gia y tế và ý kiến công chúng đều không ủng hộ việc tổ chức sự kiện thể thao toàn cầu này.

Các trưng cầu dân ý hiện tại cho thấy 70% dân số không muốn Olympic tiếp diễn, nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn tiếp tục khăng khăng rằng sự kiện sẽ diễn ra.

Nhật Bản từ lâu khăng khăng rằng Olympics, lẽ ra được tổ chức hồi cuối hè năm ngoái, sẽ diễn ra và sẽ an toàn.

Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Yoshihide Suga lần đầu tiên dường như chịu sức ép của công chúng khi ông nói rằng chính phủ sẽ “không đặt Olympic lên trên hết” – nhưng ông cũng nói thêm rằng cuối cùng thì quyết định sẽ là do IOC đưa ra. 

Vậy ai thực sự có quyền quyết định hủy Thế Vận Hội – và chuyện hủy có khả năng xảy ra?

Thế Vận Hội có thể bị hủy ra sao?

Hợp đồng giữa IOC và thành phố chủ nhà Tokyo là rất rõ ràng: Có một điều khoản về chuyện hủy và nó chỉ cho phép IOC có quyền hủy, không phải thành phố chủ nhà.

Đó là vì Thế vận hội Olympic là “tài sản độc quyền” của IOC, luật sư thể thao quốc tế Alexandre Miguel Mestre nói với BBC. Và là “chủ sở hữu” của Thế vận hội, chính IOC có thể ngừng hợp đồng.

Một lý do có thể cho phép hủy – ngoài những điều như chiến tranh hay loạn lạc – là nếu “IOC có cơ sở hợp lý để tin rằng, hoàn toàn theo ý của họ, sự an toàn của những người tham gia Thế vận hội có thể bị đe dọa hay phá hoại một cách nghiêm trọng vì bất kỳ lý do nào”. Và đại dịch có thể được cho là một mối đe dọa như vậy.

Hiến chương Olympic cũng quy định rằng IOC phải đảm bảo “sức khỏe của các vận động viên” và khuyến khích “thể thao an toàn”, ông Mestre nói. Nhưng bất chấp những điều này, IOC dường như vẫn kiên quyết muốn tổ chức Olympic Tokyo.

Liệu Nhật Bản có thể đi ngược lại IOC và rút khỏi chức chủ nhà không?

“Theo nhiều điều khoản khác nhau trong hợp đồng của thành phố chủ nhà, nếu Nhật Bản muốn đơn phương hủy hợp đồng, thì nói chùng, rủi ro và thiệt hại sẽ do ủy ban tổ chức nước chủ nhà chịu,”GS Jack Anderson tại Đại học Melbourne nói với BBC.

“Các hợp đồng thường dự phòng những trường hợp khẩn cấp nhất định, nhưng tính chất của tình hình đại dịch hiện nay là chưa từng gặp,”ông nói.

“Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất, và Nhật Bản cũng như IOC có rủi ro mất hàng tỷ đô la tiền bản quyền phát sóng. Đây là một sự kiện khổng lồ và có nhiều nghĩa vụ hợp đồng lớn cho tất cả các bên.”.

Vì thế, kịch bản thực tế duy nhất là Nhật cùng rút lui chung với IOC, theo khuôn khổ của hợp đồng. 

Nếu điều đó xảy ra, bảo hiểm sẽ được tính đến: IOC có bảo hiểm, ủy ban tổ chức nước chủ nhà có bảo hiểm và các hãng truyền hình và tài trợ cũng có bảo hiểm.

“Có lẽ chúng ta có thể nói nếu Olympic Tokyo bị hủy, đây sẽ là sự kiện có thanh toán bảo hiểm lớn nhất, không nghi ngờ gì về chuyện đó,”GS Anderson nói.

Bảo hiểm có thể sẽ chi trả các chi phí trực tiếp của nhà tổ chức, nhưng sẽ gần như không trả cho các chi phí gián tiếp từ các khoản đầu tư trên khắp cả nước Nhật – chẳng hạn khách sạn và nhà hàng -với mong đợi đón khách du lịch tới dự Olympic.

cancel_tokyo_olympics
Ở Nhật, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hủy Thế vận hội Tokyo 2020/2021

Làn gió ngược chiều ngày càng thổi mạnh

Cho tới giờ, vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn về Olympic Tokyo. 

Con đường cho tới nay là rất gập ghềnh – Olympic bị hoãn năm ngoái, rước đuốc bị gián đoạn nhiều lần, cổ động viên quốc tế không được sang Nhật dự và giờ đây có khả năng các sự kiện thi đấu sẽ diễn ra trong sân vận động trống.

Rất ít vận động viên đã lên tiếng về vấn đề này và có lẽ họ cũng rất trăn trở. Với những người sẽ tham gia, Olympic là điểm nhấn quan trọng trong sự nghiệp của họ và là cột mốc mà họ đã khổ luyện để hướng tới trong nhiều năm. 

Nhưng cùng lúc, họ lo ngại cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng giữa một đại dịch toàn cầu.

Ngôi sao thể thao nổi tiếng nhất Nhật Bản, quán quân tennis Naomi Osaka là một trong những người lên tiếng, dù khá rụt rè.

“Tất nhiên tôi muốn Olympic được tổ chức,”cô nói trong tuần này. “Nhưng tôi nghĩ có rất nhiều điều quan trọng đang diễn ra, đặc biệt là trong năm qua.

“Với tôi, tôi cảm thấy nếu Thế vận hội gây rủi ro cho mọi người, mà tôi cho là ngay lúc này là như vậy, … thì nhất định phải bàn lại. Xét cho cùng, tôi chỉ là một vận động viên, và trên thế giới đang có đại dịch.”

Đội điền kinh Mỹ hồi đầu tuần hủy lịch tập huấn trước Olympic ở Nhật vì lo ngại an toàn cho vận động viên. Và ngay cả tỉnh trưởng nơi dự kiến đoàn điền kinh Mỹ sẽ ở, cũng nói ông tin rằng “họ đưa ra quyết định tốt nhất có thể trong tình hình hiện tại”.

Một số thị trấn ở vùng Tokyo dự kiến sẽ đón các vận động viên cũng được cho là đã rút lui vì lo ngại nguy cơ Covid lây lan sẽ tăng lên.

Một tỉnh trưởng cho biết trong tuần này ông đã từ chối yêu cầu tìm thêm giường bệnh [phòng xa] cho các vận động viên. Thay vào đó, ông thúc giục các bên xem xét kế hoạch hoãn hay thậm chí hủy Olympic.

Một nghiệp đoàn bác sỹ tuần này viết thông cáo cho chính phủ nói rằng “không thể” tổ chức Thế vận hội trước những diễn biến của đại dịch.

Dù những ý kiến trên không phải là lời kêu gọi nên hủy Thế vận hội rõ ràng, nhưng với những cảnh báo của các chuyên gia y tế và ý kiến không tán thành của công chúng, số người lo ngại đang lớn dần trong vài tuần qua.

Không chỉ có tiền

Hủy Thế vận hội sẽ không chỉ gây ra thiệt hại tài chính.

Theo lịch thì Thế vận hội tiếp theo sẽ diễn ra sang năm, Thế vận Hội Mùa đông dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2022, do nước kình địch Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh. 

Vì thế không có nghi ngờ gì rằng Nhật Bản có nỗ lực cao nhất để tổ chức Olympic Tokyo.

Lần cuối cùng Nhật đăng cai Thế vận hội Mùa hè là năm 1964 và khi đó, sự kiện được coi là biểu tượng quan trọng cho quá trình tái thiết đất nước sau Thế chiến Thứ Hai.

vaccine_covid_nhatban
Tới nay, chỉ khoảng 1% dân số Nhật được vaccine đầy đủ

Đối với Olympic Tokyo 2020/2021, một lần nữa lại có ý nghĩa biểu tượng, GS Anderson giải thích : 

“Nhật Bản có sự trì trệ kinh tế trong thời gian dài, và đã có thảm họa sóng thần và hạt nhân ở Fukushima, nên Thế vận hội sẽ là biểu tượng phục hồi cho Nhật Bản,”ông nói.

Cuối cùng, câu hỏi liệu Thế vận hội có nên diễn ra khác với câu hỏi liệu nó có diễn ra không. Trong lịch sử Olympic hiện đại, chỉ có ba lần ngày hội thể thao toàn cầu bị hủy: vào năm 1916, 1940 và 1944 – cả ba lần đều do chiến tranh thế giới. 

Cho dù gió ngược chiều ngày càng lớn, IOC từ chối xem xét khả năng hủy Thế vận hội khiến hầu hết các nhà quan sát cho rằng Olympic năm nay sẽ vẫn diễn ra và khai mạc vào ngày 23/7 – mặc dù nó sẽ diễn ra theo hình thức nào chúng ta vẫn chưa rõ.

Andreas Illmer

Related posts