Tin trong nước sáng thứ Tư 26/5: Thêm 447 ca trong 24 giờ; Bộ trưởng y tế: Phải dập bằng được ổ dịch ở Bắc Giang, nếu không sẽ thất bại

Hiểu Minh

Thêm 447 ca trong 24 giờ

VnExpress – Trong 24 giờ tính đến tối ngày 25/5 Việt Nam ghi nhận 447 ca, trong đó có 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay tính theo ngày. Bắc Giang cũng đạt kỷ lục ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất tính theo ngày, với 375 ca được công bố.

Riêng tối 25/5 có 287 ca  trong nước, gồm tại Bắc Giang 243, Bắc Ninh 26, Hà Nội 11, Lạng Sơn 3, Hà Nam 3, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều một.

Số ca nhiễm mới tối 25/5 nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 1.399, Bắc Ninh 533, địa bàn Hà Nội 328 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 49 ca ở Bệnh viện K), Lạng Sơn 44, Hà Nam 39. 

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 2.793, ghi nhận ở 30 tỉnh thành. Tổng số ca của đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay cao gấp 3,4 lần so với tổng số ca của đợt dịch từ ngày 28/1.

Bộ trưởng y tế: Phải dập bằng được ổ dịch ở Bắc Giang, nếu không sẽ thất bại

VnExpress – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 25/5 cho biết, bình thường COVID-19 trong phòng thí nghiệm đến ngày thứ 3-4 mới mọc, trong đợt dịch này chỉ cần 2 ngày đã nhân lên rất nhiều.

Họp khẩn chiều 25/5 khi Bắc Giang ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong ngày – hơn 300 ca, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng lây nhiễm lần này rất nhanh, rất mạnh, lan rất rộng, đặc biệt nó có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất rộng.

“Trên phòng thí nghiệm, bình thường ngày thứ 3-4 virus mới mọc, lần này ngày thứ 2 đã mọc rất nhiều, nên phát tán mầm bệnh rất nhanh”, Bộ trưởng nói.

Kết quả giải trình tự gene virus một số mẫu bệnh nhân tại Bắc Giang cho thấy thuộc biến chủng xuất hiện từ Ấn Độ. Đây là chủng đã được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh sách biến chủng nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm nhanh gấp 1,7 lần so những chủng khác, có thể lẩn tránh kháng thể, lây trong không khí, đặc biệt lây nhanh trong môi trường kín.

Láy ví dụ, tại công ty Hosiden, mật độ người rất đông, công nhân ngồi làm việc cách nhau nửa mét, môi trường khép kín, nhà vệ sinh tập thể, khu ăn cũng chung. Hàng chục nghìn người làm việc, sinh hoạt như vậy nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Tỷ lệ F1 (tiếp xúc gần) tại đây trở thành F0 (mắc Covid-19) lên tới 55%.

Theo Bộ trưởng Long, Bắc Giang đã dồn tổng lực lấy mẫu xét nghiệm số lượng lớn, kết quả là 3 ngày qua phát hiện rất nhiều ca nhiễm. Những ngày tới tình hình tiếp tục phức tạp, sẽ ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn. Điểm tạm an tâm là hầu hết trường hợp dương tính mới đều đã trong khu phong tỏa, nhà máy, khu công nghiệp, nên nguy cơ lây nhiễm cộng đồng dù có nhưng không lớn.

Hiện tại Bắc Giang được hỗ trợ bởi đội ngũ y tế dày dặn kinh nghiệm nhất. Bộ trưởng Long cho rằng công tác phòng chống dịch đi đúng hướng nhưng đang phải đối mặt thách thức rất lớn là số ca nhiễm tăng lên và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới.

“Làm sao phải phòng chống, dập dịch bằng được ổ dịch ở Bắc Giang. Nếu không làm được là ta thất bại, sẽ lây lan ra các tỉnh thành khác”, Bộ trưởng Long nhận định.

Chủ tịch xã ở Bắc Giang tạm dừng điều hành công việc để đưa công nhân đi cách ly tập trung

Tuoitre – Chiều 25/5, UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) thông tin chủ tịch huyện vừa ký quyết định tạm dừng nhiệm vụ điều hành của chủ tịch xã Quang Châu Nguyễn Tài Hải, để vị này tập trung nhiệm vụ đưa toàn bộ công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hosiden trú tại xã thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung. 

“Việc tạm dừng điều hành đối với ông Hải là để thực hiện nhiệm vụ cấp bách, cần kíp, chứ không phải do chủ tịch xã này vi phạm khuyết điểm”, quyết định nêu rõ.

Thời gian ông Hải được yêu cầu tạm dừng điều hành các nhiệm vụ khác là 24 tiếng để hoàn thành việc đưa công nhân đi cách ly tập trung. Chậm nhất là 24h ngày 25/5, ông Hải phải thực hiện xong nhiệm vụ trên.

Được biết, xã Quang Châu là địa phương bao xung quanh Khu công nghiệp Quang Châu, nơi có Công ty Hosiden là 1 trong 3 ổ dịch bùng phát từ đầu mùa dịch tới đây tại Bắc Giang.

Riêng thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu), đêm 17-5, lực lượng y tế đã lấy mẫu dịch tễ xét nghiệm cho gần 8.000 công nhân trọ tại thôn này.

Đây cũng là thôn có công nhân thuê trọ tập trung số lượng lớn. Có những hộ dân có hàng chục phòng trọ, số lượng công nhân thuê trọ lên tới cả trăm người trong một gia đình.

Thôn Núi Hiểu được khoanh vùng, thực hiện giãn cách từ chiều 16/5 tới nay.

Theo thống kê, toàn bộ xã Quang Châu có hơn 2 vạn công nhân ngoại tỉnh thuê trọ. Tại thôn Núi Hiểu, số lượng công nhân thuê trọ khoảng 8.000 công nhân, trong đó công nhân làm việc tại Công ty Hosiden là khoảng 2.000 người.

Cũng trong chiều 25-5, theo thông tin từ bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, đến đầu giờ chiều 25-5 tại Bắc Giang đã ghi nhận thêm 375 trường hợp dương tính .

Số lượng các ca dương tính này được phát hiện nhờ tổng lực tăng tốc xét nghiệm trong 3 ngày qua mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang và các lực lượng y tế triển khai tại tất cả các khu công nghiệp, các nhà máy và khu lưu trú của công nhân ở Bắc Giang. 

Tất cả công nhân dương tính này đều đang lưu trú tại khu vực giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Chiều cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã họp khẩn nhằm bàn kế hoạch ứng phó, tìm giải pháp để kịp thời khống chế ổ dịch với số lượng ca nhiễm “khủng” được ghi nhận trong 1 ngày trên.

Hiện nay, số ca nhiễm virus tại tỉnh Bắc Giang đã lên tới hơn 1.400 trường hợp, chiếm 1/4 số ca nhiễm trên cả nước.

Bắc Giang họp trong đêm lên phương án triển khai test nhanh tại điểm nóng dịch bệnh

Vtv – Dự kiến ngày 26/5, Bắc Giang sẽ triển khai test nhanh virus tại 3 điểm là Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng (huyện Việt Yên).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay trong đêm 25/5, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phối hợp với tổ công tác của Bộ phận thường trực Bộ Y tế gồm PGS.TS Trần Như Dương và GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (2 Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) họp tại huyện Việt Yên lên phương án thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR bằng test kháng nguyên nhanh, sàng lọc những người có nguy cơ cao.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, cần xác định Việt Yên là trọng tâm về dịch. Việc xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần ở những điểm có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng… là vô cùng quan trọng nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch. Cần phong tỏa, đóng băng, khóa chặt đưa thiết chế cách ly tập trung tại ổ dịch, nhưng phải kiên trì mới làm được.

Kế hoạch cụ thể về việc test nhanh ngày 26/5 sẽ diễn ra tại 3 điểm là Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng (huyện Việt Yên). Báo cáo từ lãnh đạo huyện Việt Yên cho biết, hiện tổng số dân cư của 3 điểm này hiện có 18.723 người.

Về vật tư phục vụ công tác test nhanh ngày mai tại Việt Yên, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện đang sẵn có 14.500 bộ sinh phẩm test nhanh, đêm 25/5 tiếp tục lấy thêm 12.800 bộ nữa từ Hà Nội về.

Nói về cách thức triển khai việc test nhanh, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho rằng, không nên tập trung mà cần phát trước phiếu điền thông tin cho người dân, sau đó cán bộ tới lấy mẫu tại từng nhà. Đối với phương pháp test nhanh này thì 15 phút sẽ có kết quả (độ chính xác lên tới 70-75%).

Sau khi lắng nghe đầy đủ các ý kiến, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kết luận: Giao huyện Việt Yên đêm 25/5 làm xong phiếu thông tin cho người dân, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng thôn sắp xếp quy trình làm việc vào ngày mai thật rõ ràng, cụ thể.

Về nhân lực sẽ có 400 người phục vụ việc test nhanh. Địa bàn Trung Đồng, Tam Tầng giao cho đoàn Quảng Ninh phụ trách; Núi Hiểu giao cho đoàn Hải Dương. Đối với trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính, cuối buổi tổng hợp báo cáo, Ban Chỉ đạo sẽ sắp xếp đưa vào đâu và lấy lại mẫu PCR. Mỗi nhóm lấy mẫu sẽ có 2 người, tới từng nhà thực hiện nhiệm vụ. Ông Pích nhấn mạnh, nếu kiểm soát được Việt Yên thì Bắc Giang mới thắng dịch. Ngày 26/5, công tác test nhanh tại các địa điểm trên, trước 16h phải cơ bản hoàn thành.

Tạm ngưng quảng cáo, chưa tổ chức tour tiêm vắc-xin tại Mỹ trong năm 2021

TuoitreCác doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ tạm ngưng quảng cáo, chưa tổ chức tour tiêm vắc xin tại Mỹ trong năm 2021, đồng thời chờ đến đầu năm 2022 để có thời gian theo dõi thêm diễn biến dịch bệnh, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của khách.

Các doanh nghiệp chào bán tour tiêm vắc-xin ở Mỹ hiện nay đều ở TP.HCM. Tại buổi làm việc với Sở Du lịch TP. HCM, các doanh nghiệp cho biết, chỉ mới giới thiệu tour để thăm dò thị trường và nhu cầu của khách hàng. 

Trước các tác động của tour đi Mỹ tiêm vắc xin cũng như khuyến cáo của Sở Du lịch, các doanh nghiệp du lịch đồng ý tạm ngưng quảng cáo các chương trình này trên các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đến hết năm 2021.

Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ chờ đến đầu năm 2022, để có thời gian theo dõi thêm diễn biến dịch bệnh và rà soát, chuẩn bị kỹ để đảm bảo các điều khoản trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và khách hàng. 

Trước đó, đại diện Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, tour du lịch sức khỏe, trong đó đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh và hiện nay là để tiêm vắc xin không quá mới mẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện chống dịch COVID-19 hiện nay, tour tiêm vắc xin tại Mỹ sẽ có nhiều rủi ro, nếu tổ chức không kỹ sẽ dễ xảy ra xung đột giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Mặc khác, đại diện Vụ Lữ hành nói: “Diễn biến của dịch bệnh là rất khó lường, việc xét duyệt nhập cảnh được hay không lại phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch, trong đó có tình huống các chuyến bay bị hạn chế. Quan điểm của chúng tôi là không ủng hộ sản phẩm này ở bối cảnh hiện tại vì không phù hợp, có thể tạo ra rủi ro cho khách hàng và doanh nghiệp”.

Đại diện Vietravel cũng chia sẻ trong lúc này, ưu tiên của doanh nghiệp là tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch của Chính phủ, cũng như các quy định của Tổng cục Du lịch. 

Đại diện Vụ Lữ hành kết luận: “Đây là sản phẩm tour du lịch sức khỏe, lại diễn ra trong bối cảnh dịch nên khi xây dựng phải có một kế hoạch cụ thể. Tour tiêm vắc xin khi được triển khai cần có sự tham khảo của cơ quan quản lý, đặc biệt là Ban chỉ đạo chống COVID-19 quốc gia. Nếu được đồng ý, danh chính ngôn thuận thì doanh nghiệp mới triển khai”.

Tiêu thụ điện ở TP.HCM lại phá kỷ lục, hóa đơn tiền điện tăng

Tuoitre – Mức tiêu thụ điện trong mùa nắng nóng tại TP.HCM tiếp tục phá kỷ lục của năm 2019, khiến tiền điện của người dân tháng 4 và tháng 5 tiếp tục tăng cao.

Theo Tuổi Trẻ, ngày 25-5, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết từ cuối tháng 4 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ của TP vẫn duy trì ở mức rất cao. 

Đặc biệt, trong các ngày 11, 12 và 14/5, lượng điện tiêu thụ lần lượt là 90,32 triệu kWh, 90,27 triệu kWh và 90,69 triệu kWh, cao nhất từ trước đến nay và vượt mức kỷ lục 90,038 triệu kWh được lập vào ngày 24/4/2019.

Lượng điện tiêu thụ tính theo tuần từ ngày 10 đến 16-5 đạt 602,34 triệu kWh, là con số cao nhất từ trước đến nay và bằng 153% so với bình quân tuần trong tháng 2-2021.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho hay việc tiêu thụ điện tăng cao khiến tiền điện các kỳ tháng 4, tháng 5 tăng cao so với kỳ tháng 3.

Bên cạnh đó là cách tính theo bậc thang theo biểu giá điện hiện hành, cũng khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, nhất là các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kWh/tháng tăng lên trên 200 kWh/tháng, ứng với các bậc 4 – 6 có mức tăng trên 150% so với bậc 1.

Mỹ kết luận lốp ô tô Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá

Vneconomy – Ngày 24/5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra kết luận rằng, lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Việt Nam đã được trợ cấp không bình đẳng, thông qua việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp hơn giá trị thực.

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo từ DOC nói, lốp ô tô từ Việt Nam đang được trợ cấp thông qua việc chuyển đổi USD sang VND, với tỷ giá hối đoái thấp hơn giá trị thực của VND. Đây là phán quyết cuối cùng của DOC trong cuộc điều tra thương mại đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, báo cáo cũng nói rằng, qua điều tra, DOC phát hiện thấy lốp xe nhập khẩu vào Mỹ từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã được bán dưới giá thị trường ở Mỹ.

Theo báo cáo, lốp xe từ Việt Nam bán phá giá tới 22%; lốp Hàn Quốc bán phá giá tới 27% và lốp Thái Lan bán phá giá tới 21%.

Dựa trên kết luận điều tra này, DOC đưa ra mức thuế chống trợ cấp đối với lốp ô tô từ Việt Nam, với mức từ 6,2% đến 7,9%. Cùng với thuế chống trợ cấp, lốp xe từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn bị áp thuế chống bán phá giá, với thuế suất khoảng 22%, ngoại trừ lốp của một số công ty như Kenda Rubber, Kumho Tire. 

Theo trang Modern Tire Dealer, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan là 4 trong số những nguồn cung cấp lốp xe lớn nhất của Mỹ, và có sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi Mỹ áp thuế quan lên ốp ô tô từ Trung Quốc.

Bán xăng kém chất lượng, 2 cửa hàng bị phạt hơn 400 triệu đồng

Tuoitre – Tổng cục Quản lý thị trường ngày 24-5 cho biết, lực lượng chức năng Bà Rịa – Vũng Tàu vừa đề nghị UBND tỉnh xử phạt hơn 400 triệu đồng, đối với 2 cửa hàng kinh doanh xăng kém chất lượng trên địa bàn.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã đề nghị UBND tỉnh xử phạt đối với cửa hàng xăng dầu Nhà Bè 8, địa chỉ số 205 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Vũng Tàu và cửa hàng xăng dầu Nhà Bè, địa chỉ ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa với tổng tiền phạt là 409 triệu đồng.

Trước đó, tháng 3-2021, đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì, đã kiểm tra cửa hàng xăng dầu Nhà Bè 8, và sau đó là cửa hàng xăng dầu Nhà Bè. Kết quả kiểm tra mẫu xăng Ron 95-III đang kinh doanh tại hai cửa hàng trên có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Chủ cửa hàng cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Thời gian qua, nạn kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng xảy ra tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Long An, TP.HCM… với hàng triệu lít xăng dầu bị phát hiện. 

Qua điều tra, nhiều cá nhân trong đường dây sản xuất, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng đã bị bắt, khởi tố. Đơn cử như gần đây kết quả điều tra mới nhất xét xử đường dây xăng giả của ‘ông trùm’ Trịnh Sướng cho thấy đường dây này đã bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng giả, và hơn 15 triệu lít dầu DO giả.

Cơ quan điều tra xác định, Trịnh Sướng dù không đủ điều kiện pha chế, sản xuất xăng dầu, nhưng đã mua dung môi, hóa chất để pha trộn với hỗn hợp màu Azô và xăng nền tạo thành xăng giả; pha trộn dung môi với dầu DO tạo thành dầu DO giả để bán ra thị trường nhằm hưởng lợi.

Ông Sướng sử dụng nhiều công thức pha chế khác nhau để tạo thành các loại xăng A95, A92 và E5 RON 92 giả, tùy thuộc vào nguồn xăng nền, dung môi, hóa chất.

Theo điều tra, mỗi lít xăng giả sau khi pha chế bán ra thị trường, ông Sướng hưởng lợi 8.000 đồng; mỗi lít dầu giả sau khi pha chế bán ra thị trường, hưởng lợi 300 đồng. Qua đó, cơ quan điều tra xác định ông này thu lợi bất chính hơn 155 tỷ đồng.

Related posts