Trịnh Châu thiệt hại to lớn về người và của, nhưng ĐCSTQ chỉ muốn ‘đưa tin tích cực’

Ngọc Mai

Mưa lũ khiến thành phố Trịnh Châu, Hà Nam ngập trong biển nước (ảnh: Youtube/正氣歌).

Lũ lụt tại Trịnh Châu, Hà Nam đã gây ra hậu quả thảm khốc: Đường phố biến thành sông, ô tô phương tiện bị cuốn trôi, thậm chí xuất hiện cảnh video quay lại những hành khách mắc kẹt trong tàu điện ngầm khi nước dâng quá nửa người khiến nhiều người bàng hoàng. Ít nhất 58 người được cho là đã thiệt mạng, tuy nhiên các cư dân mạng Trung Quốc và một số phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng số nạn nhân còn lớn hơn nhiều. 

Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc chỉ trích rằng, trong bối cảnh này, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ chỉ tập trung đưa tin về sự dũng cảm của lực lượng cứu hộ, hoặc mải miết chế giễu thảm họa nước ngoài, sử dụng những lời lẽ xảo biện để “hạ thấp” nguyên nhân và tình hình của thảm họa Hà Nam. Thậm chí khi dân thường chụp ảnh thảm họa và đăng tải lên Internet còn bị cấm. 

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, thương vong do lũ lụt ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc tiếp tục nhận được sự quan tâm, người dân muốn tìm ra sự thật và rút ra bài học. Tuy nhiên những chỉ trích, bình luận và những video người dân quay không có lợi cho chính phủ sẽ bị cấm. 

Trên mạng, một người dùng Trung Quốc nói anh đã bị cảnh cáo khi đăng lại một video về thảm họa lũ lụt Trịnh Châu trên nhóm WeChat. Trong khi, chủ nhóm này được cảnh sát mạng ủy quyền để điều tra về những đoạn video “mang năng lượng tiêu cực”.

Một cư dân mạng họ Vương ở Sơn Đông đã bị buộc tội “xúc phạm người dân Hà Nam trong thảm họa” và bị cảnh sát giam giữ trong 10 ngày.

Các báo cáo truyền thông chính thức của ĐCSTQ có xu hướng kể về công việc khó khăn và thành tích của lực lượng cứu hộ, các khoản quyên góp từ các công ty và người nổi tiếng. Đối với dân chúng gặp nạn trong trận lũ thì đưa tin là hầu hết bọn họ được “giải cứu” và “không nguy hiểm đến tính mạng”. 

Trước đó vào hôm 17/7, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu của ĐCSTQ đã lên Weibo chỉ trích về chủ nghĩa nhân đạo của phương Tây. Hồ Tích Tiến viết: “Từ sự sụp đổ của [tòa nhà ở] Miami [nước Mỹ] đến lũ lụt ở Đức, chủ nghĩa phản nhân văn của phương Tây đã thể hiện chính nó”. Ông tuyên bố nếu những sai sót tương tự xảy ra ở Trung Quốc, các quan chức chính phủ có trách nhiệm đã bị trừng phạt từ lâu. Nhận định này đã bị truyền thông Đức chỉ trích là đạo đức giả. 

Theo một báo cáo của Pháp, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, các quan chức tỉnh Hà Nam và các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã cố gắng thuyết phục người dân địa phương rằng lũ lụt là thảm họa tự nhiên gây ra bởi những trận mưa cực đoan trong điều kiện biến đổi khí hậu. 

Tuy nhiên các tài liệu nội bộ của Trịnh Châu bị rò rỉ trên Internet khiến dân mạng đặt câu hỏi, dường như đây là một thảm họa nhân tạo. Hồ chứa nước Trường Trang, cách thành phố Trịnh Châu 2 km, đã xả lũ vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 20/7. 14 giờ sau, vào lúc 1 giờ sáng vào ngày 21/7, trên Weibo chính thức của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Trịnh Châu mới có bài đăng thông báo. 

Ngoài ra, phương tiện truyền thông của nhà nước “Nhân dân Nhật báo” lại đưa tin mâu thuẫn rằng, Hồ chứa Trường Trang đã xả lũ vào tối ngày 20 do một tình huống nguy hiểm .

Trong ngày 20/7, Cục Khí tượng Trịnh Châu cũng đã phát báo động màu đỏ 5 lần về mưa lớn trong ngày nhưng chính quyền thành phố đã không tuân theo hướng dẫn của Cục Khí tượng và thông báo đình chỉ các lớp học sau khi cảnh báo đỏ được phát đi.

Related posts