Du Uyên
Trận đại dịch này đã biến rất nhiều mong ước, mong cầu của nhân loài thành sự thật, nhưng đa số chỉ thỏa được một nửa… Mà một nửa sự thật không phải là sự thật, thoả một nửa mong ước có khi lại tạo ra bi kịch!
– Dịch đến, từ giãn cách đến phong tỏa rồi nay lại có lệnh giới nghiêm, tuy đường vẫn ngập khi có mưa, người ngoại tỉnh không thể về quê, thành phố vẫn đông nhưng nhìn có vẻ tiêu điều vì rất ít người có thể ùa ra đường kiếm sống. Trong cái rủi có cái may, các con đường đông đúc nhất đã không còn kẹt xe, không khí thoáng đãng và rộn tiếng chim ca. Các anh cảnh sát giao thông cũng chẳng thèm núp nữa, họ đứng hùng dũng ở nhiều chốt chặn giữa đàng…
Mong ước thị dân thỏa một nửa, nhưng không phải thoải mái như mơ mà là tù túng hơn, vì đi đâu, làm gì không còn là quyền lợi của chính mình mà phụ thuộc vào tâm tình và định nghĩa «thiết yếu» của cán bộ canh chốt. Chính vì vậy, không ít người lại đăng đàng mơ về một bữa bình thường bon chen, hứa không than phiền như xưa.
Có vài bạn trẻ, từng tối ngày mơ mộng là sau này có thiệt nhiều tiền sẽ bỏ ra cả tuần để tha hồ ăn rồi ngủ, nằm lướt mạng, không thèm đi ra khỏi nhà… để bù đắp những tháng ngày “khởi nghiệp” hoặc đi làm hai ba nơi căng thẳng, mệt mỏi – Giờ như nguyện, các bạn tha hồ ở nhà, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, không ai bắt làm việc trong vài tháng trời. Tuy chưa có tiền, đôi khi cũng không còn thực phẩm, nhưng coi như thực hiện được nửa giấc mơ rồi. Nhưng coi bộ, không mấy ai vui vẻ, vì hàng tích trữ không còn, hàng “cứu trợ” từ ba má đôi khi không tới tay được hoặc tới tay đã hư hỏng vì ông nhà nước ngăn sông cấm chợ, phạt vạ lung tung, nhiều người giao hàng chán nản, bớt yêu nghề – rủ nhau đình công. Nhiều sinh viên trẻ, khỏe nhưng lại đói, không phải vì lười lao động mà vì không thể làm việc.
Tôi có người bạn trung niên có cái cái doanh nghiệp nhỏ, trước dịch thì tối ngày anh ta mơ mộng có chuỗi ngày sống chậm chút, không doanh số, không họp hành, không bon chen giữa dòng xe kẹt giờ tan sở, muốn “bỏ phố về rừng” lắm nhưng yêu những tiện nghi phố thị hơn nơi “khỉ ho cò gáy”, wifi chập chờn – Giờ anh ta toại nguyện một nửa, đường vắng tanh không một bóng người sau 6 giờ chiều bởi lệnh giới nghiêm, ban ngày cũng vắng vẻ vì ai ra đường cũng bị tra hỏi, quan trọng là sau gần 2 năm dịch dã, không được hỗ trợ gì từ nhà nước, lãi ngân hàng ngày một nặng, ảnh đã được nghỉ ngơi tẹt ga vì công ty đã tuyên bố phá sản. Thế là anh tha hồ “sống chậm” (hoặc chết chậm)…
Như bình thường, các cô vợ tối ngày đòi tìm một ông chồng không có tứ đổ tường như: Không tụ tập nhậu nhẹt, không cà phê tán dóc, không bồ bịch gái gú, không đi sớm về trễ, không bạn bè rủ rê, suốt ngày ngoan ngoãn ở trong nhà, vợ chửi mắng đuổi đi cũng không dám bỏ ra đường – Vì người đàn ông trưởng thành mà không có ít nhiều tật xấu trên giữa xã hội đầy cám dỗ như Việt Nam là vô cùng khó, có người bi quan đến độ cho rằng tìm một người đàn ông như trên chỉ có nước tìm trong tù mà thôi! Nhưng nay, cơ hội đó chẳng còn gì là hiếm hoi nữa, bởi đa số các ông chồng không thể đi đâu, ngay cả bực mình ra đầu hẻm đứng hút thuốc chiêm nghiệm sự đời, hối tiếc vì đã “lầm lỡ” bước chân vào “nấm mồ hôn nhân”… cũng không thể, nếu không muốn mất hai đến bốn triệu tiền phạt, kèm bị đưa hình ảnh lên mạng để người đời bêu riếu…
Nhưng liệu ông chồng không “tứ đổ tường” thì ổng có tốt hơn trong mắt vợ hay không? Khi ổng không thể “nộp” tiền lương đủ đầy như mọi tháng nữa (vì ngưng các giao dịch, không còn xã giao hay việc làm), trong khi đó thì tất cả mọi sản phẩm thiết yếu đều lên giá và trở nên thiếu thốn trong mùa dịch vì vận chuyển khó khăn. (Ngay cả tiền, băng vệ sinh, tã, sữa… mà nhiều ông canh chốt còn cho là không thiết yếu mà) – cơm áo không đùa với mọi thứ, không chỉ khách thơ mà còn là hôn nhân. Hàng trăm người lên báo vì đi bộ từ Sài Gòn về quê – quê họ ở miền Trung, miền Bắc, miền Tây. Hàng trăm người nằm sắp lớp ngoài quốc lộ vì quá mệt mỏi trên con đường hồi hương, chạy trốn cúm Vũ Hán, chạy trốn những bức bách tiền ăn, tiền trọ, tiền sinh hoạt ở Sài Gòn. Tôi nghĩ những người đó lúc này không còn nghĩ gì tới “tứ đổ tường” đâu! Nhưng liệu họ và gia đình họ có hạnh phúc không? Trong khi ở xã hội Việt Nam, số người không lo về cơm áo gạo tiền còn quá ít, những người đau khổ như trên và hơn thế nữa lại quá nhiều (Ngoài ra, đối với mấy người dư dả tiền bạc ở Việt Nam, họ muốn “tứ đổ tường” khi nào cũng được, bất kể dịch hay không dịch vì họ có “ông Ngoại” bảo kê, nên có lẽ trường hợp này không tính.)
Khi tôi hỏi một người bạn bên Mỹ về đời sống hôn nhân trong mùa dịch ở bển có tệ hơn không? Bạn nói theo vài thống kê thì không. Thậm chí khi vợ chồng sống gần nhau, chia sẻ khốn khó, họ lại thương nhau hơn, tỉ lệ ly hôn giảm thấp nhất so với 50 năm qua (cũng có thể là do giãn cách, họ khó khăn trong việc nộp đơn ly hôn?). Lý do bạn tôi đưa ra là, người Mỹ không mệt mỏi với cái ăn hay tiền bạc mùa dịch, vì nhu yếu phẩm, thực phẩm vẫn bán đầy đủ, không lên giá (chỉ giới hạn số lượng với vài mặt hàng). Người dân sẽ được hỗ trợ hết mình từ chính phủ, như nhận trợ cấp thất nghiệp của Liên Bang, trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang, phụ cấp cho con cái… Khác với xã hội Việt – người có thu nhập càng thấp sẽ càng khốn đốn trong mùa dịch, thậm chí ăn mì gói, cãi nhau sống qua ngày, thì ở Mỹ – những người thu nhập thấp lại sống tốt hơn trong mùa dịch vì nhận được nhiều sự quan tâm hơn ngày thường rất nhiều. Quan trọng là, xã hội Mỹ quá bận rộn và áp lực, không có cám dỗ và giải trí ở mọi nơi như xã hội Việt, con người cũng có tư duy và sở thích khác. Ðòi hỏi của những bà vợ và những ông chồng ở Mỹ dành cho nhau cũng khác ở Việt Nam. Ông nào mà lỡ… chân đi karaoke trong mùa dịch ở Mỹ cũng không bị gắn biển tuyên dương, nhốt lại 21 ngày, vừa mất tự do vừa xấu mặt với cả thế giới (ví dụ thôi, vì ở bển luật pháp nghiêm minh, khó có tiệm nào dám “lách luật”).
Có thể vì tâm lý con người luôn đứng núi này trông núi nọ, được voi đòi Hai Bà Trưng, thấy cỏ bên kia đồi xanh hơn… nên các ông chồng và bà vợ hiếm khi thấy người bên cạnh mình là hoàn hảo – ngay cả khi không có cúm Vũ Hán. Cúm Vũ Hán chỉ làm mọi thứ rõ ràng hơn thôi, vì vậy, tỷ lệ ly hôn ở Châu Á và Châu Âu tăng cao trong mùa dịch.
Ðời luôn không như là mơ, được như mơ chưa chắc “đã đời”! Cho nên, khi đạt được mong ước, nhiều người nhận ra là mình không ước mong hiện trạng đó cho lắm, như trên. Giống như tôi, trước đây rất ghét chỗ đông người, tuy tôi sống ở nơi có mật độ dân số dày đặc nhất Việt Nam, sống ở ngay cái đại lộ mà không bao giờ ngớt tiếng còi xe inh ỏi, dầu là ba-bốn giờ sáng. Vậy mà gần đây, chiều chiều tôi lại chạy ra ban công ngó xuống đường, tha thiết nhìn những dòng xe vội vã chạy về nhà trước giờ giới nghiêm – 6 giờ chiều. Ðể an tâm là thành phố mình ở vẫn lặng lẽ hoạt động, không là “thành phố chết” như cư dân mạng viết trên Internet.
Hoặc, trước đây tôi rất ghét hôn nhân, tôi cảm thấy vấn đề một người lúc nào cũng dễ giải quyết hơn vấn đề giữa hai con người. Tôi mong mình sẽ là một phú bà độc thân giàu có, tuy nhiên, sau chuỗi ngày đạt được một nửa ước mơ – là độc thân. Tôi bắt đầu muốn hỏi các anh cán bộ canh “chốt” ngoài kia: “Chồng” có thiết yếu hông?