Bắc Kinh tấn công ngành công nghệ số Trung Quốc

Thanh Hà

Một gian hàng của mạng Trung Quốc Sina Weibo tại Hội Nghị Internet Di động Toàn cầu, Bắc Kinh. AP – Mark Schiefelbein

Ngành công nghệ số Trung Quốc lao đao. Bắc Kinh đưa các tập đoàn internet Trung Quốc vào khuôn phép, gần 1.000 tỷ đô la trị giá chứng khoán bốc hơi. Tương tự như chiến dịch bài trừ tham nhũng, các biện pháp nhằm « chống cạnh tranh bất bình đẳng trên mạng » của Bắc Kinh còn nhằm những mục đích chính trị và an ninh.

Ngay từ đầu năm 2021, Cơ Quan Giám Sát Không Gian Mạng Trung Quốc CAC công bố dự luật kiểm soát chặt chẽ hơn công nghệ digital. Những cái tên quen thuộc với dân cư mạng từ Alibaba đến ByteDance, Weibo hay Tencent … là những mục tiêu trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Trung Quốc kiểm soát các công ty mạng dưới hình thức nào và với những mục đích gì ? Đâu là những hệ quả kèm theo và chiến lược mới đó ảnh hưởng thế nào đến cuộc đọ sức công nghệ Mỹ-Trung ?

Kiểm duyệt kho dữ liệu cá nhân
Vào lúc các tập đoàn trong nhóm GAFAM của Mỹ đang trong chu kỳ thịnh vượng chưa từng thấy, ở góc đài bên kia, các đối thủ Trung Quốc của những nhà cung cấp mạng trong vùng thung lũng Silicon đang điêu đứng. Chỉ số CSI, tập hợp các ông vua công nghệ của Trung Quốc tham gia sàn chứng khoán Hồng Kông và New York, trong tháng 7/2021 mất giá trên 26 %.  Lý do : Bắc Kinh thông báo một loạt các biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động của các con chim đầu đàn về công nghệ số. Cổ phiếu của Alibaba mất giá 13 %, Tencent là 18 %. Tệ hơn nữa chỉ số chứng khoán của Meituan chuyên giao hàng tận nhà cho tư nhân giảm 29 %.

Báo tài chính Anh Financial Times nói đến một sự « hoảng loạn » trên các sàn chứng khoán Trung Quốc hồi tháng trước. Hôm 20/08/2021 Bắc Kinh thông qua luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng nhằm « chống mọi hành vi gian lận » gây thiệt hại cho người sử dụng internet.

Trên thực tế, từ cuối 2020 đầu 2021 lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh. Tương tự như Mỹ và Châu Âu, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn « điều chỉnh lại luật hiện hành » liên quan đến các dịch vụ trên mạng. Báo kinh tế của Pháp Les Echos đưa ra một số thí dụ cụ thể như là luật về mua bán trên mạng của Trung Quốc được quy định từ năm 2000. Mục tiêu khi đó chỉ nhằm bảo đảm là những dịch vụ trao đổi trên mạng này không làm phương hại đến an ninh và quyền lợi quốc gia. Nhưng trong hai thập niện qua, số người sử dụng internet đã nhẩy vọt từ 23 triệu lên thành 940 triệu. Kèm theo đó hàng loạt các nhà cung cấp như Tencent hay ByteDance đã lần lượt ra đời.

Một sự điều chỉnh cần thiết nhưng quá mạnh tay
Tương tự như ở châu Âu và Mỹ, dân Trung Quốc ngày càng dùng điện thoại di động với những ứng dụng để thanh toán trên mạng, để giao lưu với người thân, để gọi xe taxi … Không ít trong số các công ty đó lại hoạt động cả tại Hoa Lục lẫn ở hải ngoại. Do vậy, theo giải thích của chuyên gia Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada và cũng là một cây bút trên tạp chí Asialyst, kiểm soát các luồng thông tin và dữ liệu lưu hành trên mạng là mục tiêu hiển nhiên :

« Trong trường hợp này, tất cả vấn đề liên quan đến các dữ liệu. Bắc Kinh muốn biết các tập đoàn công nghệ số đang nắm giữ những dữ liệu nào, chúng được cất giữ ở đâu và có nguy cơ bị thất thoát ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc hay không. Phần còn lại, những quy định mới của dự luật kiểm soát các hoạt động internet hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn thu nhập của các công ty trong ngành, ngoại trừ mảng liên quan đến các công nghệ được ngành giáo dục sử dụng. Trung Quốc muốn kiểm soát các dữ liệu và mục tiêu sau cùng, là kiểm soát các luồng thông tin về tất cả những gì liên quan đến Trung Quốc : những dữ liệu nào được đưa vào Hoa lục và những thông tin nào về Trung Quốc có thể thất thoát ra bên ngoài. Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát công nghệ số chỉ với mục đích đó là chính ».

Ít ảnh hưởng đến quyền lợi tài chính của các doanh nghiệp
Vẫn trong cuộc trả lời dành cho RFI tiếng Việt, ông Payette lưu ý về trường hợp đặc biệt của các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong công việc giảng dậy. Ở đây liên quan trực tiếp đến gần 200.000 trường dậy tư trên toàn quốc, và doanh thu trong ngành lên tới 100 tỷ đô la một năm. Theo Alex Payette, Trung Quốc không che giấu mục tiêu kiểm duyệt nội dung các chương trình giáo dục, loại bỏ một số nguồn thông tin trong sách giáo khoa được trích dẫn của nước ngoài, kiểm soát nội dung giảng dậy trong các chương trình lịch sử, tôn giáo …

Ngoài lĩnh vực giáo dục như vừa nói, về câu hỏi chính quyền Trung Quốc can thiệp vào công nghệ số dưới những hình thức nào, bên cạnh các công cụ pháp lý mà Bắc Kinh đang từng bước kiến tạo, The Wall Street Journal nói đến hiện tượng chính quyền để cho một vài quỹ đầu tư dùng vốn mua lại cổ phần của những đối tượng muốn nhắm tới để đổi lấy một lá phiếu trong hội đồng quản trị của các những nhà cung cấp dịch vụ trên mạng. Đó là một hình thức để can thiệp trực tiếp làm chủ kho dữ liệu cá nhân trên mạng.

Việc Nhà nước Trung Quốc nhòm ngó đến các kho dữ liệu cá nhân trong tay những tập đoàn như Didi cung ứng dịch vụ gọi xe taxi hay của mạng xã hội Vi Bác/Weibo không ảnh hưởng gì đến thu nhập hay khoản tiền lời của những công ty này. Nhưng đó là một tín hiệu xấu Bắc Kinh gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài khi mà các con chim đầu đàn của nền công nghệ Trung Quốc tham gia sàn chứng khoán Hồng Kông hay New York. Đó là lý do khiến từ đầu năm 2021 cổ phiếu của Alibaba hay Tencent … mất giá. Alex Payette, công ty tư vấn Cercius – Montréal nhìn nhận việc đưa ngành công nghệ vào « khuôn phép » theo logic của Bắc Kinh nhằm mục đích kiểm duyệt nhưng quyết định này cũng có phần nào chính đáng.

« Phản ứng của thị trường là trị giá cổ phiếu của các công ty công nghệ số Trung Quốc đã rơi mạnh Tuy nhiên tiếc là mọi người không nhìn kỹ vào nội dung dự luật của Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, có thể nói thị trường đã phản ứng quá đáng và quá mạnh. Mọi người rất sợ việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoạt động trong ngành, nhưng thực tế không đơn giản là trắng hay đen, tốt hay xấu. Đúng là đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn kiểm soát các luồng thông tin và dữ liệu nhưng việc kiểm soát đó không ảnh hưởng đến khả năng đem lại lợi nhuận của các đối tượng bị nhắm tới, ngoại trừ trong lĩnh vực giáo dục như vừa nói. Thí dụ như trong trường hợp của hãng Didi, một công ty cung ứng dụng gọi xe taxi của Trung Quốc. Tập đoàn này đã tham gia sàn chứng khoán Mỹ và Bắc Kinh sợ rằng nhiều thông tin mà Didi đang nắm giữ bị lọt ra ngoài cho nên cơ quan quản ký không gian mạng Trung Quốc đã gây sức ép rất mạnh, buộc Didi phải tuân thủ luật lệ của Trung Quốc cho dù đó là những quy định đã có từ trước khi Didi tham gia thị trường tài chính Hoa Kỳ. Trên thực tế, tương tự như ở Mỹ hay châu Âu, Trung Quốc cũng chỉ điều chỉnh một số các quy định để buộc các nhà cung cấp mạng, các tập đoàn digital cũng phải tuân thủ luật lệ đã hiện hành ».

Bắc Kinh tấn công vào công cụ để cạnh tranh với Mỹ ?
Trong bối cảnh Trung Quốc đang chạy đua với Mỹ về mọi mặt mà công nghệ số là một tủ kính của sự thành công về kinh tế của Bắc Kinh vậy thì chính sách tăng cường kiểm duyệt này liệu có là một vố đau đánh vào những « GAFA » phiên bản Trung Quốc hay không ? Cho dù việc chấn chỉnh hoạt động của giới trong ngành là điều cần thiết nhưng đây có là thời điểm thuận lợi để đưa các công ty internet Trung Quốc vào khuôn phép ? Chuyên gia Payette trả lời :

« Nhìn từ bên ngoài, rõ ràng là quyết định của Bắc Kinh gây nhiều thiệt hại khủng khiếp. Gần cả ngàn tỷ đô la trị giá chứng khoán đã bốc hơi và đây là một tín hiệu xấu trong mắt các nhà đầu tư. Nhưng đảng Cộng Sản và giới lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi một lôgic khác. Từ gần 20 năm qua, các tập đoàn công nghệ internet Trung Quốc đã phát triển rất nhanh và rất mạnh. Vì đây là một lĩnh vực còn quá mới, nhà nước chưa đưa ra những khung pháp lý chặt chẽ và các công ty trong ngành đã tận dụng cơ hội để làm giàu. Đôi khi các công ty đó đã phát triển một cách bừa bãi. Thí dụ như một hãng có thể phát triển các ứng dụng tài chính hoạt động như một ngân hàng, nhưng lại không tham gia vào ngành tài chính. Từ đó nảy sinh nguy cơ tư nhân vỡ nợ … Trên một phương diện nào đó, áp đặt một số quy định chặt chẽ hơn để chỉnh đốn lại hoạt động trong ngành là một quyết định chính đáng. Vấn đề ở đây là Đảng muốn kiểm soát thông tin và kiểm soát dữ liệu cá nhân của những người sử dụng internet ».

Internet vẫn là một mối đe doa trong mắt Bắc Kinh

Tuy nhiên cũng chính đáng không kém là câu hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với kho dữ liệu của các dân cư mạng, tài nguyên quý giá nhất trong thời đại công nghệ số ? Ant Group, cánh tay nối dài của Alibaba được cho là đã nắm giữ dữ liệu của hơn 1 tỷ người sử dụng, tương đương với khối dữ liệu mà hai tập đoàn Google và Facebook năm giữ.

Vẫn Alex Payette lưu ý, từ khi ông Jack Ma, chủ nhân Alibaba bị thất sủng hồi tháng 10/2021, ai cũng biết sớm muộn gì ngành high tech của Trung Quốc cũng sẽ bị chính quyền trong tay ông Tập Cận Bình tấn công. Có điều Bắc Kinh đã ra tay một cách « quá nhanh và quá mạnh ». Nhưng đừng quên rằng, đằng sau những khẩu hiệu như « bảo vệ thông tin cá nhân cho người sử dụng internet, bài trừ nạn gian lận trên mạng, … » ông Tập Cận Bình còn muốn loại trừ các đối thủ chính trị tiềm tàng :

« Đừng quên khía cạnh thứ nhì trong việc áp đặt những quy định mới, tương tự như khi Bắc Kinh khởi động chiến dịch bài trừ tham nhũng. Rất nhiều tập đoàn công nghệ số Trung Quốc phát triển mạnh mẽ nhờ hưởng lợi từ thời Giang Trạch Dân. Thành thử đối với ông Tập Cận Bình, bắt ngành công nghệ số vào khuôn phép là « một công đôi việc » : vừa chỉnh đốn hoạt động trong lĩnh vực internet, vừa chọc gậy bánh xe những công ty nào bị ông Tập Cận Bình coi là bất hảo. Do vậy, cho dù quyết định của Bắc Kinh có gây nhiều thiệt hại về tài chính, gần ngàn tỷ đô la trị giá chứng khoán không cánh mà bay, nhưng ông Tập và đảng Cộng Sản Trung Quốc không quan tâm nhiều tới chuyện đó. Tập Cận Bình thậm chí muốn đi đến cùng, như trong cách cư xử với Alibaba của nhà tỷ phú Mã Vân-Jack Ma, nhưng rồi Bắc Kinh không đánh gục nổi ông khổng lồ này mà thôi. Tôi cam chắc rằng chính quyền Trung Quốc rất muốn Alibaba tan nát, để bắt tập đoàn này trả giá về cái tội thiếu trung thành với Đảng ».

Cũng có thế nhận thấy rằng, qua việc muốn làm chủ lại internet, Bắc Kinh và đảng Cộng Sản Trung Quốc không muốn để mảng công nghệ tin học trở nên quá mạnh và quá độc lập. Đó có thể là lý do giải thích vì sao chính quyền Trung Quốc sẵn sàng để cho hàng trăm, thậm chí là cả ngàn tỷ đô la trên các thị trường chứng khoán, không cánh mà bay. Ảnh hưởng và trọng lượng quá lớn của những công ty internet là những mối đe dọa đáng sợ nhất nhắm vào sự tồn tại và ổn định của chế độ.

Related posts