VÙNG TRỜI TUỔI THƠ – Ly Nha Trang

Theo lời Mạ tôi kể lại , khi tôi chừng 2 tháng tuổi , cả nhà tôi phải tản cư về một nơi xa thành phố vì cuộc chiến giữa chính quyền người Pháp và lực lượng nổi dậy khiến cuộc sống ở thành phố không còn được an toàn . Ba tôi đưa cả nhà vào trú ở Hòa Do , Hòa Tân ( nay là Cam Tân , Cam Ranh ) cách Nhtrang chừng 40 km về phía nam . Cuộc sống thiếu thốn , trong khi Mạ tôi không đủ sữa cho tôi , nên phải bú dậm nước cháo pha đường . Do vậy , theo lời Bà , tôi đã bị mất sức khi còn nhỏ . Lớn lên , tôi có vẻ ” lép ” hơn những đứa trẻ cùng trang lứa , may mà còn được cái cao ( tôi cao nhất nhà ) . Có lẽ nhờ tôi tắm biển nhiều cũng như đá banh .

Tôi bắt đầu đi học lúc 5 tuổi . Thời đó , các lớp mầm non , mẫu giáo chưa có trong hệ thống giáo dục công lập lẫn tư thục , nên tôi đi học ở các lớp kiểu ” trường làng ” . Nhà Thầy tôi ở đường Đoàn thị Điểm , cách nhà khoảng 150 m . Lớp được chừng 6-7 đứa . Nhà Thầy tôi có một sân vườn trồng rau và cây ăn trái . Đặc biệt là có một cây chùm ruột sai trái . Tôi cùng mấy đứa bạn rung cây cho trái rớt . Thầy Cô tôi la quá chừng luôn vì Thầy để dành trái để làm mứt bán Tết . Học ở đây một thời gian , tôi lại chuyển đến học ở nhà Thầy Xuân Cường , đường Xương Huân ( đường này chạy thẳng là vô nhà lao ) . Sau đó tôi vào học lớp Tư , được tổ chức học ở đình Xương Huân trước Chợ Đầm .  Học được nửa năm thì các Thầy tôi phải đi lính Liên hiệp Pháp . Lớp giải tán .

Niên khóa sau , tôi được vào học lớp Ba trường Nam Tiểu Học Nhatrang . Lớp Ba C ( nk 1955 -1956 ) nay là trường Ng văn Trỗi . Mới vào , tôi còn ” lạ nước lạ cái ” đến khi quen rồi thì tôi nghịch phá ” trời sợ ” luôn . Cô tôi ” chạy mặt ” mà .

Vào dịp Tết năm 1956 . Để ” lấy điểm ” với Cô , tôi tình nguyện theo ông Cai trường đi xuống tận vườn dương cạnh TTHL Hải quân để chặt mang về một cành dương liễu để làm cây mùa Xuân cho lớp .

Thật ra mùa xuân của tuổi thơ , chính là mùa hè , như nhà thơ Xuân Tâm (1916- 2012 ) đã viết :

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê .

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ .

Cứ mỗi lần nghe bài hát ” Hè về ” của cố Ns Hùng Lân , lòng tôi rộn rã một niềm vui khó tả . Một mùa hè với nhiều thú vui đang chờ đón . Thú vui mà tôi thích nhất , chỉ có vào mùa hè đó là đá dế .

Đến mỗi mùa dế , tôi không có dưới 20 con , đêm nó gáy vang nhà nghe êm tai lắm .

Tôi có một kỷ niệm về dế , không thể nào quên . Số là , có thằng bạn trong xóm cho tôi một con dế , to khỏe , nhưng chỉ còn 4 chân trước , mất 2 đùi sau . Dế cồ mà mất 2 đùi sau thì xem như bỏ đi .

Nhờ vào cặp đùi , nó mới búng nhảy cũng như chiến đấu để sinh tồn chứ .

Thấy tội nghiệp , tôi đem về nuôi . Mấy ngày sau , tôi cho đá thử với mấy con dế của tôi . Ai dè ! Nó hạ hết thảy kể cả con dế hạng nhất của tôi .

Vì không có 2 đùi sau , nên khi con dế kia thúc nó thì nó chỉ trượt dài . Bù lại , nó có cú nghiến hàm con dế kia , không chịu buông ra nên con nọ chịu không thấu , bỏ chạy . Đó có lẽ là sự đền bù của Tạo hóa giúp nó tồn tại trong sự cạnh tranh sinh tồn này .

Tôi đem nó đi đá ” bắt xác ” . Đá ” bắt xác ” là con nào thua thì phe thắng sẽ bắt con thua đó .

Nhưng nó thuộc dạng ” khuyết tật ” cho không cũng chẳng ai thèm lấy . Nên tôi mang theo một hộp đựng 5-6 con còn khỏe . Nếu đứa nào đá thắng nó thì có quyền bắt bất cứ con nào trong hộp đó .

Có vậy mới ” dụ ” được tụi kia chứ .

Thấy dễ ” ăn ” quá , một thằng đem con dế của nó đến đá . Thua ! Tôi ” lượm ” được con đó . Thằng thứ hai , muốn cứu thằng thua đem dế vào đá . Thua luôn ! Tôi ” lượm ” tiếp . Chúng nó chạy về báo cho một thằng khác nữa . Thằng này có con dế nhất là vô địch xóm trên . Nhìn con dế của nó thấy mê luôn , to khỏe , hiên ngang . Khinh thường con dế của tôi nên nó cho con dế hạng nhì của nó đá trước . Cũng thua ! Nóng mặt , nó đưa con dế ” vô địch ” của nó vào , mong bắt lại được con dế hạng nhì đã mất .

Trận chiến sôi nổi , con dế nó ” thúc ” văng con dế tôi 2 lần , nhưng con dế tôi không đầu hàng , nó quay lại nghiến hàm con kia . Con dế ” vô địch ” đó bung càng bỏ chạy . Thua đẹp ! Nó bật khóc . Năn nỉ tôi cho nó chuộc lại . Giá thị trường con dế của nó lúc đó là 3 đồng . Nó chạy về nhà xin tiền đến chuộc lại . Thế là nhờ con dế ” khuyết tật ” đó tôi có được 3 đồng và 3 con dế mới . Thằng cho tôi con dế 4 chân đó tiếc ” hùi hụi “

Nằm sát tường rào , sau lưng nhà tôi là nhà của ông bà Bảy , không có con cái .

Ông trồng một giàn nho , sát tường rào nhà tôi , dài khoảng 7-8 m . Đến mùa nho ra trái , thì phần lớn ( đến 3/4 ) số chùm nho lại nằm hết dọc tường rào phía nhà tôi . Nên khi đi dọc trên tường nhà tôi thì tất cả chùm ấy đều nằm trong tầm kiểm soát của tôi . Đến khi nho bắt đầu chín sắp thu hoạch , ngày nào Ông cũng đếm xem có mất chùm nào không ? Tôi đâu có dại ! Ông méc Ba tôi ngay . Khi nho chín , các trái trên cuống là to nhất , ngon ngọt nhất . Mỗi chùm tôi chỉ ” lặt ” vài trái thôi . Ở dưới , Ông nhìn lên đâu thấy những trái đã mất , mà số lượng chùm vẫn đủ . Chịu chết ! .

Thấy tôi ” uy tín ” nên khi hái xong Ông có cho tôi mà tôi từ chối .

Bên hông nhà tôi là một con hẻm , rộng cỡ 4 m . Con hẻm này , đã cho tôi biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu . Nhưng , với tôi , có 2 điểm đáng nhớ nhất :

– Một , nơi đây , bao gồm gần hết thành phần nòng cốt đội bóng đá xóm tôi mà tôi là đội trưởng , đã mang về những chiến thắng giòn giã mỗi lần đi đá xóm . Và cũng là những ” chiến binh ” lỳ đòn nhất , dày dạn trận mạc trong đoàn quân bách chiến , bách thắng của tôi mỗi khi đi ” chinh phạt ” các xóm lân cận .

Hai là , nơi đó , có 2 ngôi nhà trọ của 2 gia đình , mà sau này , hầu như cả thành phố này đều biết , nhất là trong ngành giáo dục , mà đặc biệt là các thế hệ học sinh của hai ngôi trường ” huyền thoại ” là Võ Tánh và NTH Huyền Trân Nhatrang

Đó là :

– Gia đình các Anh Trần đăng Nhơn , Trần đăng Lộc , Trần đăng Hồng . Khi các Anh từ quê nhà ở Thanh Minh , Diên lạc , Diên Khánh xuống Ntrang trọ học

Anh Nhơn vừa mới qua đời trong năm nay .

– Gia đình của vị Giám đốc Đài Phát thanh Nhtrang lúc bấy giờ . Vị Giám đốc ấy chính là Thân sinh của Thầy Lư quang Tánh  ( Gs Toán Võ Tánh ) anh Nhẫn , chị Bảo . Chị Bảo , sau này là hiền thê của Thầy Phan văn Ôn . Thầy Ôn dạy tôi 2 môn Sử ký và Địa lý năm đệ lục ( nk 1960- 1961 )

Mùa Xuân 2019 . Tôi về thăm nhà vào những ngày đầu năm Tết Kỷ Hợi .

Con hẻm năm xưa vẫn còn đó , nhưng tất cả những ngôi nhà sau lưng nhà tôi không còn nữa . Đã bị giải tỏa hoàn toàn .

Dòng sông tuổi thơ tôi hiện ra trước mắt . Dòng sông năm xưa, cứ khi chiều hè , lộ rõ một cồn cát . Tôi thường lội qua đó , nước chỉ quá gối , bắt tôm cá , ốc , đá banh và bẫy chim , một loài chim trời , nhút nhát , khó tính nhưng thịt lại rất ngon , nhất là món cà ri bánh mì .

Tuổi thơ tôi là như thế đó , đã qua đi lúc nào mà tôi cũng chẳng hay .

Cả một vùng trời tuổi thơ , như những thước phim được chiếu chậm lại trong đầu tôi , lúc này . Với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau . Từ những cung bậc đó đã giúp tôi viết lại những dòng hồi tưởng này , như những bông hoa muôn sắc màu trong sân vườn nhà tôi , bung nở khi mỗi độ Tết đến Xuân về , đã tỏa ra không khí những hương thơm , như để kể lại những kỷ niệm đẹp nhất của một thời niên thiếu đầy hồn nhiên nhưng không kém phần sôi động này .

Saigon tháng 9/ 2021

Related posts