Người Tàu kinh doanh chính trị Mỹ

Huyên Trần

Mấy ngày qua, dân tình xôn xao về một video ngắn mà người nào đó đã “chơi lớn” bằng cách dựng hẳn một tấm bảng quảng cáo (billboard) to đùng trên freeway I-83 thuộc thành phố York, phía nam tiểu bang Pennsylvania. Tấm bảng quảng cáo in dòng chữ “Making The Taliban Great Again!” màu đen đậm nổi bật trên nền trắng. Góc phải tấm bảng có hình một người đàn ông ăn mặc kiểu Taliban, tay cầm một loại vũ khí dài có đầu hình bắp chuối lớn, nhìn giống súng B40 thời trước 1975 quân Bắc Việt dùng trong chiến tranh Việt Nam. Điều gây sự chú ý của dư luận là gương mặt người đàn ông đang cười nham nhở trong hình lại là mặt của ông Biden. Tất nhiên, ai cũng biết bức hình đó không thật, chỉ là người ta tạo ra để minh họa nhấn mạnh ý câu slogan “Making The Taliban Great Again!” nhằm chế giễu ông Biden mà thôi. Ai cũng biết để dựng được tấm billboard bự chàm vàm như vậy thì phải trả số tiền không nhỏ mướn cái khung, trả tiền quảng cáo cho thành phố. Tiền làm tấm hình khổng lồ đó cũng khoảng chục ngàn dollars, vì khi treo trên cao và diện tích lớn, đòi hỏi tấm bảng phải được làm bằng loại vật liệu kiên cố chống được gió (mạnh) trên cao. Mọi người bàn tán xôn xao, nói rằng “dân Mỹ chơi đểu,” “chơi lớn,” “không sợ thằng nào.”

Tấm bảng quảng cáo trên freeway I-83 tại Pennsylvania.

Cho tới thời điểm tôi viết bài này, không biết tấm billboard còn ở đó hay không, nhưng nghe “giang hồ đồn đại” đã xuất hiện thêm vài tấm billboard ở các địa điểm khác nữa. Ðiều đáng nói là hiện nay ngoài việc các video, hình ảnh về tấm billboard đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng, mà còn xuất hiện nhiều mặt hàng “ăn  theo” tấm billboard rao bán trên mạng ầm ĩ. Rất nhiều website bán hàng trực tuyến (kể cả Amazon, eBay) đã bày bán hàng loạt áo T-Shirt có in hình tấm billboard nói trên với 16 màu áo, 8 size, kiểu may đa dạng. Người bán tự giới thiệu họ bán những món hàng “nghệ thuật” từ “những nhà cung cấp đáng tin cậy” ở Mỹ và châu Á. Những website khác rao bán stickers dán đồ vật, dán da “nhại” tấm billboard “Making The Taliban Great Again!”

Cách đây 5 năm, khi ông Trump tranh cử với bà Hillary, đã xuất hiện bức tượng ông Trump khỏa thân ngoài đường phố gây náo loạn thành phố New York. Ở các quốc gia văn minh, người dân làm hình nộm chế giễu lãnh đạo là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung cộng đã “tát nước theo mưa” các xu hướng chính trị của dân nước khác để sản xuất ra những món hàng lợi dụng sự nổi tiếng hay phong trào gì đó ở Mỹ và châu Âu, và mục đích của họ nếu không sỉ nhục “kẻ thù của Trung Quốc” thì cũng tự ca ngợi Trung Quốc một cách thô thiển. Cuối cùng nhà sản xuất Trung Quốc thu lợi, còn các phe phái chính trị, người dân các quốc gia khác mua những món hàng vô bổ đó với giá cắt cổ làm giàu cho Trung Quốc.

Chỉ có Trung Quốc mới sản xuất những cuộn giấy toilet in hình chân dung ông Obama, ông Clinton, bà Hillary, ông Trump, ông Biden, bà Harris (đen trắng và màu) bán ra khắp thế giới với giá một cuồn giấy tương đương mua một block giấy trắng bình thường. Giá đó thì chỉ có dân Mỹ giàu mua xài để “hả hê” chớ dân mấy nước châu Á, châu Phi thì “không có cửa” đủ tiền mua rồi. Không chỉ giấy, Trung cộng còn sản xuất luôn cây chổi chùi toilet là hình nộm ông Trump rồi rao bán giá cắt cổ trên Amazon cho những ai “ghét Trump.” Năm ngoái, các nhà sản xuất Trung cộng cũng tung ra phiên bản tượng ông Trump mặc áo cà sa ngồi thiền, giá bán bức tượng nhỏ nhứt là $153/tượng và lớn nhứt là $614/tượng. Thành công lớn của nhà sản xuất Trung cộng là bức tượng đã tạo nên một làn sóng tràn ngập mạng xã hội khắp nơi chớ không riêng gì ở Mỹ, những người theo phe “ghét Trump” hay “ủng hộ Trump” đều muốn có bức tượng. Người ủng hộ thì nói rằng “Nhìn giống ông Phật sống, thương quá!” người ghét thì nói “Ðúng rồi! Tên hề này nên ngồi ngoan ở đó, đừng làm náo loạn, quấy rối bất cứ ai nữa.” Một số bạn bè của tôi thuộc phe “ủng hộ Trump” cũng nhanh tay mua mỗi người một bức tượng nhỏ bằng bàn tay và chụp hình khoe Facebook. Tôi thấy vậy mới nói “Tượng đó Tàu cộng sản xuất. Ai chống Tàu cộng đừng mua những thứ đồ chơi như vậy làm giàu cho Tàu cộng.” thì họ tặc lưỡi nói “Tại thích.” Cuối cùng, chỉ có nhà sản xuất Trung cộng hốt bạc khẳm khi họ bán được rất nhiều bức tượng cho cả hai phe.

Mấy tháng trước, cư dân Mỹ gốc Việt phát hiện nhà sản xuất Trung cộng dùng hình quốc kỳ rất nhiều quốc gia trên thế giới in lên những bộ thảm lót toilet, kể cả cờ đỏ sao vàng của Việt cộng và cờ vàng VNCH và rao bán trên Amazon, nhưng lại không hề có hình cờ Trung cộng. Nhiều đồng hương đã rất tức giận, họ thảo một văn thư gởi tới ông chủ Amazon, đề nghị không bày bán những tấm thảm toilet hình cờ vàng VNCH. Sau đó website Amazon đã xóa hết tất cả những mặt hàng có tính chất sỉ nhục cờ vàng VNCH.

Vì vậy, tôi đồ rằng những kiểu áo in hình tấm billboard “Making The Taliban Great Again!” đang được rao bán cũng được sản xuất từ Trung cộng. Thời gian gần đây, các trang web bán hàng trực tuyến ở Mỹ đã xuất hiện bộ dụng cụ vệ sinh toilet có hình nộm ông Biden, giấy toilet in hình chân dung ông Biden và bà Harris, tượng bà Hillary mặc bộ quần áo tù nhân. Trong thời điểm nước Mỹ hỗn loạn, mất đoàn kết như hiện nay thì Trung cộng là quốc gia thu lợi nhiều nhứt, nhìn thấy rõ nhứt qua chiêu trò lợi dụng hình ảnh “bẩn.”

Kinh doanh hình ảnh người nổi tiếng là một ngành nghề chuyên  nghiệp vốn đã có từ lâu. Người ta bán các đồ dùng, trang phục, đạo cụ… đã từng được ngôi sao điện ảnh lớn nào đó sử dụng trong một bộ phim nổi tiếng. Thí dụ: Bộ đồ của nhân vật Người Dơi, chiếc găng tay bạc lấp lánh của cố ca sĩ Michael Jackson đều được bán giá cao ngất ngưởng. Trong giới bình dân, món đồ lưu niệm mà nhiều người muốn sở hữu với tình cảm trân trọng lại là cái chặn giấy có hình chân dung cố Tổng thống Lincoln kiểu hình khối tròn hoặc tượng bán thân

Ở các quốc gia châu Âu, thỉnh thoảng dân chúng vẫn tạo hình nộm lãnh đạo nước họ hoặc đối thủ của nước họ đem ra đường phố nhằm thể hiện chính kiến chính trị, họ có thể ủng hộ hoặc ghét các nhân vật được tạo hình đó, mà không nhằm mục đích kinh doanh. Không chỉ là hình nộm của tổng thống, thủ tướng, có khi lại là hình các đại sứ hoặc người nổi tiếng giới hoạt động nghệ thuật. Thậm chí thủ tướng Thái Lan đã rất hài hước khi đưa hình nộm của chính ông ra (kích cỡ bằng người thật) để “trả lời phỏng vấn” nhằm chấm dứt việc phỏng vấn. Ông cũng là người đã từng “ném vỏ chuối” (nghĩa đen) vào giới truyền thông đang vây quanh ông.

Tất nhiên, lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia dù tài giỏi cỡ nào cũng chỉ là người phàm nên chúng ta không “thần thánh hóa” hình ảnh của họ, và chỉ trích (công bố những sai lầm mà người đó mắc phải) là quyền công dân, nhưng cần phân biệt chỉ trích hoàn toàn khác với bịa đặt dối trá nhằm sỉ nhục (hành vi này phạm luật.) Ðiều nực cười ở đây là Trung cộng khuyến khích dân của họ bóp méo hình ảnh người nổi tiếng ở các quốc gia khác, không ngại lấy cả quốc kỳ nước khác để buôn bán những sản phẩm có tính chất hạ bệ cá nhân, hạ bệ quốc gia, thì họ chẳng bao giờ dám động tới các lãnh đạo Trung cộng và quốc kỳ Trung cộng.

Related posts