Thu Điếu

Nguyễn Thơ Sinh

Đại dịch Covid-19, không chỉ người Việt trong nước là lo buồn mà đến cả người Việt nước ngoài cũng lo lắng, buồn thương. Có lẽ bởi cái nghĩa một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Hay đơn giản hơn đó là sợi dây tình cảm ruột thịt đồng bào. Chợt thấy thương Việt Nam quá. Có dân tộc nào trên mặt đất người cùng một nước gọi nhau là đồng bào như người Việt mình – tức cùng chung một bọc – nghe sao mà thâm trầm lắng đọng, chan chứa bao dung, thấm đượm nghĩa chung thân gởi gắm cội nguồn, thứ khối tình chan hòa nòi Giao Chỉ thấm đượm bao thế hệ…

Nhớ năm ngoái.

Người Việt trong nước thương Việt kiều sống ở nước ngoài lo lắng hỏi tin hoài. Nghe nói Mỹ bị Covid-19 nặng lắm, bay ở bển có ổn không? Thôi ráng lên nha. Nước Mỹ giỏi lắm. Thế nào người ta cũng tìm cách tháo gỡ. Khổ. Tự nhiên con vi-rút vô hình cuối cùng làm mưa làm gió gây bao thiệt hại cho chúng sanh. Thương Việt kiều lam lũ cần cù, những khúc ruột ngàn dặm (hiểu theo nghĩa nói mát hay mị dân cũng được), chỉ biết người thân bên nhà lo cho người thân bên Mỹ thực sự, những khúc ruột ngàn dặm ấy (nghĩa đen và nghĩa bóng) luôn nằm trong suy nghĩ của người thân bên nhà. Thậm chí có người còn nói: Thôi, nếu ở bển nguy hiểm quá, về Việt Nam sống, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Nghe mà mủi lòng, hết sức cảm động.

Rồi năm nay.

Mỹ vẫn trầy truột với những lo lắng dù tình hình Covid-19 có chút nhẹ nhõm hơn (chắc do tâm lý, sống mãi với Covid-19 nên quen). Rồi Vaccine chủng ngừa Covid-19 được bật đèn xanh. Thiên hạ ai cũng vui mừng. Cứ ngỡ toàn xã hội sẽ ủng hộ các chiến dịch chặn dịch. Từ mask cho đến giữ khoảng cách tiếp xúc (bên nhà gọi là giãn cách xã hội) hay đứng xa 6 feet, hai mét, rồi tiêm chủng… Giá như mỗi người góp phần thực hiện trách nhiệm công dân xã hội có thể tình hình đã khá hơn nhiều.

Tiếc thay, ở Mỹ mọi cái đang bị chính trị hóa, kể cả việc phòng chống Covid-19.

Chưa kịp vui lâu. Đùng một cái. Phiên bản Delta kéo đến như một trò đùa quá tay của Mẹ thiên nhiên. Không ai ngăn cản nó được. Vi-rút là những sinh thể có cấu trúc đơn giản nhất. Thậm chí nó còn thua cả một tế bào. Nó tồn tại bằng cách chui vào tế bào chủ rồi “ăn ké năng lượng” sản sinh ra những thế hệ vi-rút mới với chuỗi mã di truyền DNA giống y chang. Tuy nhiên, như bao sinh thể khác, trong quá trình sao chép mã di truyền DNA luôn có những sai lệch, thuật ngữ khoa học gọi là đột biến. Phiên bản Delta của Covid-19 là một biến thể của coronavirus thế hệ đầu. Người ta gọi nó là “con” cho tiện miệng, thực tế Covid-19 không đủ tư cách một sinh vật hoàn chỉnh. Vậy mà nó có khả năng gây bao thiệt hại đến rợn người.

Thế là xong. Giống như nhiều nơi trên thế giới, Sài Gòn ban lệnh cấm không cho ai ra đường, giới nghiêm được ban hành. Chỉ thị 15 rồi 16. Giấy phép cấp cho mỗi gia đình như nhỏ giọt. Khổ. Cả nước đang gặp nạn mà. Tình hình bỗng rối lên như canh hẹ. Sài Gòn nức nở tiếng khóc về đêm. Thành phố thiên đường Hòn ngọc Viễn Đông không bao giờ chịu ngủ nay âm thầm lặng lẽ, không hẳn là hấp hối nhưng rõ ràng đang vật vã với cơn sốt nặng, dữ nhiều, lành ít.

Thu về rồi đấy. Người ta nằm nhà. Giãn cách xã hội. Một dạo Sài Gòn lung linh ánh điện thu hút người ở miệt quê lên. Chao ôi. Cũng cái Sài Gòn ấy, trung tâm kinh tế của cả nước, xí nghiệp và la liệt những dịch vụ sầm uất (chỉ vì một con vi-rút tưởng là bình thường đơn giản) ép Sài Gòn phải uống một chén đắng trước đó không mấy ai nghĩ tới.

Cái nóng của Sài Gòn có bớt? Hàng chục triệu xe máy lớn nhỏ vận hành ngược xuôi lúc bình thường nay biến mất, vắng lặng đến không thể hình dung ra được. Hàng cây xanh ngỡ ngàng thảng thốt. Đâu rồi những tuyến xe buýt lặc lè trên con đường ken đặc dòng xe cộ. Những bóng người trên tay là sấp vé số dật dựa vỉa hè bỏ đi đâu? Thau mì xào, có củ cải đỏ thái chỉ, tàu hũ sắt mỏng, nước tương mặn ngọt dằm ớt cay cay của người đàn bà miền trung lam lũ quen thuộc nay không thấy nữa. Chiếc xe bán nước dừa tắc cũng biến mất. Chùa Vĩnh Nghiêm của Sài Gòn bỗng chia chung thân phận của Chùa Bà Đanh ngoài bắc cách nhau hàng nghìn cây số. Sài Gòn bị sốt nặng. Sài Gòn bỏ cơm. Sài Gòn không thiết tha đến nhánh chùm ruột mọng quả đong đưa bên khung cửa sổ.

Nỗi buồn là có thực. Tiếng thở dài cũng là rất thực.

Lên mạng. Đó là chút ánh sáng hé lộ mở ra với thế giới thông tin những tháng ngày bị cầm chân trong nhà. Rồi tìm thơ đọc. Những áng thơ tình một dạo thơm ngọt xa xỉ nay bỗng nhạt hẳn tám phần xúc cảm. Người đang bị ốm tâm trạng làm sao có thể hưng phấn, đong đưa được. Nhưng chẳng biết phải làm gì bây giờ. Nhạc nghe mãi cũng đâm ra gượng gạo. Rồi tìm sách nói (audio book) nghe. Giọng đọc trầm ấm của diễn viên lồng tiếng Trần Ngọc San trên youtube giúp nhiều người tìm được chỗ dựa tinh thần. Hóa ra giữa lúc bó chân bó tay giọng đọc truyền cảm của anh bỗng là lộc Phật, một quà tặng giữa đời thường để người ta tìm về những khung trời ân nghĩa, để phản tỉnh, để có dịp được sống chậm lại.

Nói đến thơ, vấp chân bài Thu Điếu của cụ Nguyễn Khuyến chợt giật mình. Lời thơ sao mộc mạc chân tình đến ngẩn ngơ lòng. Bàng hoàng nhận ra mình đã ngoài bốn mươi, năm mươi tuổi. Những mùa thu đã đi qua. Đời người như lữ khách. Mặt ao yên bình. Cuội đá chông chà dưới đáy nước. Mớ lá tre bần bật run lên khi ngọn gió vô tình thổi qua. Văn là người. Thơ cũng là người. Vậy mà cứ thấy mình xa lạ như thể cuộc đời chính là giấy quỳ tím thử thách sức chịu đựng của cảm xúc khi đối diện giữa một bên là sống chết và một bên là thi ca, nhạc họa…

Dòng chảy nào đã trôi qua bến đò xưa cũ ấy, gốc đa nào còn buông những chùm rễ soi mình xuống dòng nước trong xanh của tháng hè oi ả. Tuổi chưa luống đã chứng kiến bao điều “tưởng như không thể”. Tỷ như Covid-19, ai dám nghĩ nó sẽ tấn công nhân loại. Ai dám nghĩ sẽ có lúc người ta phải cúi đầu thừa nhận: Thiên tai là một phần của cõi ta bà. Xem trộm cuốn sổ sinh tử của Nam Tào, Bắc Đẩu, biết được ngày giờ ra đi của mình (không biết người ta có thấy cần thiết phải điều chỉnh những suy nghĩ, những thói quen sinh hoạt để sống tử tế hơn), thấm thía hơn những điều mất, được, phải, quấy.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

(Mùa Thu Câu Cá – Nguyễn Khuyến)

Ở Mỹ buồn người ta có thể ra ngoài câu cá. Chỉ cần vác cần câu. Một thùng đồ nghề giấu vài lon bia (nếu thích) nhưng phải cẩn thận vì nhiều chỗ câu cá cấm bia. Rồi lên đường. Tui đi câu đó. Chồng dặn vợ. Thói quen ấy đã có từ lâu. Ổng đi qua đêm. Hôm sau mang về một thùng cá đầy ăn không xuể. Chồng về, chị vợ bấm phone rủ mấy người bạn ghé lấy cá về ăn. Những cái vẩy ánh bạc. Những khứa cá chiên vàng rộm. Nồi canh chua huyền thoại có vị me chua và mớ bạc hà, giá, thơm. Sao mà thương những lặng lẽ tháng ngày cặm cụi đi làm, overtime không bỏ sót. Yên bình đấy, song giá phải trả là nỗi niềm tâm sự kiếp ngụ cư trên đất khách.

Ở Việt Nam người đi câu không nhiều. Có lẽ câu cá là cái thú đam mê không mấy người hứng thú vì đi câu mất nhiều thời gian. Nghe nói ở bển giờ người ta sống vội lắm. Thời gian là tiền bạc. Người Việt ở đâu cũng giỏi, người Việt bên nhà càng giỏi hơn. Nắm bắt mọi cái rất nhanh nhạy. Nhìn lại Sài Gòn chợt giật mình. Tốt xấu thây mặc kệ. Chỉ biết bề nổi Sài Gòn đã khá hơn nhiều, còn bề chìm xin miễn luận. Tại sao? Bởi bề chìm không cần biết ra sao nhưng bề nổi tốt đẹp âu cũng là điều đáng quý, còn hơn cảnh bề nổi lẫn bề chìm đều không tốt. Nói thì nói vậy, đời dâu bể, ở đâu chẳng có điều hay, lẽ dở, tốt xấu lẫn lộn. Lòng Bồ Tát vừa xa vừa gần, chỉ cần buông đao xuống tất sẽ có huệ nhãn, nhưng nói dễ, làm khó, trải nghiệm này hình như ai cũng có.

Vẫn là khung cảnh ấy. Vẫn là ngõ trúc ấy. Vẫn là mặt hồ ấy. Vẫn là mảng trời xanh trong trẻo ấy. Trên dải đất hình chữ S nhiều nơi đẹp lắm nhưng được mấy người như Nguyễn Khuyến biết dùng thi ca (như ống kính phó nhòm) tận tụy ghi lại những xúc cảm đẹp, dệt thành những khoảnh khắc ngọt ngào êm ả.

Nghe nói nhiều người tởn Sài Gòn tới già sau cú huých vô tâm của đại dịch Covid-19. Ở quê sướng hơn nhiều, không phải ken kích chen chúc sống trong cảnh chật hẹp nước sông gạo chợ. Khó khăn thì đã hẳn, nhưng ở quê rơi vào cảnh “không chỗ nương thân” người bạc phước lắm mới rơi vào. Nay Sài Gòn như một nhà tù khổng lồ. Lây lan khủng khiếp. Quá chật chội. Mật độ dân số dày đặc. Tình hình lây nhiễm cao. Ở quê đâu đến nỗi khổ sở như vậy. Bất quá trở lại thời “đói ăn rau, đau uống thuốc” là được. Mắc gì phải lên đây. Sống bon chen. Hay đây là nghịch cảnh, là hệ lụy của những khoản nợ nần vay trả, trả vay dây dưa từ tiền kiếp.

Mà đâu riêng gì Sài Gòn. Cả thế giới đang gặp nạn mà.

Chợt cứ thấy thương thương. Cứ thấy tồi tội. Thấy bất lực. Đăng đăng, đê đê bao nhiêu thứ phải lo. Nay tình hình xấu như vậy, biết làm gì bây giờ? Muốn về Việt Nam quá nhưng không về được. Muốn làm đám cưới cho con gái (hết người thương bên này, nó thương người ở Vĩnh Long). Muốn bán mảnh đất giải quyết phân chia tài sản kế thừa cho xong. Muốn về cất lại ngôi mộ tổ. Muốn về thăm mẹ già. Muốn được ngao du đó đây trước khi đầu gối chùng lỏng không đi được nữa. Muốn về nhìn lại mảnh đất chôn nhau cắt rún một lần. Muốn thực hiện lời hứa với thằng cháu nội: Mai mốt ông dẫn mày về Sài Gòn thăm nơi ông với ba mày đã một lần từng sống.

Chợt thèm bắt chước cụ Nguyễn Khuyến, từ quan về nhà dạy học. Thú điềm viên thanh nhàn êm ả hiền hòa, biết đủ là đủ. Rồi tha hồ mà yêu thơ, thứ tinh hoa cao đẹp của xúc cảm, hà cớ gì cứ chạy theo những ồn ào phố thị, tường cao, cổng kín. Những toan tính vị kỷ, tâm tình vì thế không thiển cận cũng tầm thường nhỏ hẹp. Giá được can đảm như ông. Thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy. Về quê, tìm lại một ao thu, một chiếc thuyền câu, một bờ tre, giấc ngủ lơ mơ (thường bị cắt ngang vì cá cắn câu dưới chân bèo).

Vâng. Thế giới đạt được bao thành công vượt bậc về mọi mặt. Việt Nam cũng thế. Những sầm uất náo nhiệt. Những thành tựu lớn nhỏ choáng ngợp. Sài Gòn như chưa hề khước từ những cơ hội bật dậy trước mọi nghịch cảnh. Chợt tự hỏi: Tìm về khoảnh khắc của ao thu trong thơ Nguyễn Khuyến có còn là cơ hội trong tầm tay với. Hay đó là chuyện cổ tích, xa xỉ, thời của ông đã thế, thời đương đại bây giờ càng bất khả hơn?

Hay bản thân mình mau chán, vội nản; vừa thấy việc khó đến thân đã chóng tìm cách né tránh. Bình thường còn thấy rổn rảng lắm, nhưng vừa đụng chuyện đã co vòi yếm thế. Ao thu ơi ngươi ở đâu? Ngõ trúc ơi ngươi ở đâu? Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, lá vàng, sóng biếc… các ngươi bây giờ đang ở nơi đâu?

Bên Mỹ cũng như bên nhà, Covid-19 là đại nạn. Trong tâm tình thu điếu của Nguyễn Khuyến và Sài Gòn với chỉ thị được mở cửa. Ai dám ra đường? Ai được chích ngừa, vaccine của Mỹ, của Tàu, hay của Ấn Độ? Việt kiều cũng như đồng hương bên nhà ai sẽ cẩn thận tuân thủ những quy định xã hội yêu cầu? Ai sẽ chóng quên những biện pháp vệ sinh cá nhân tối thiểu phòng chống dịch? Những mất mát, ai là người thiệt thòi nhiều nhất? Người giàu hay người nghèo? Ai còn may mắn giữ lòng để có dịp nhâm nhi chén rượu cúc với thi ca và nhạc họa. Mấy người sẽ thắp một nén hương lòng cho tiếng hát Phi Nhung…

Chợt thấy thèm rau đắng, thèm ba khía trộn, mắm lóc chưng tóp mỡ, thèm lá cách cuộn bánh xèo chiên, thèm những thứ bình an mộc mạc hiền hòa chan chứa nhất…

Thèm một lần được trở về câu cá với ao thu.

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts