Từ thiện

Lê Học Lãnh Vân

Khoảng hai mươi năm trước, một đại công ty đa quốc gia lập ngân sách hàng năm mười tám ngàn đô la Mỹ cho đóng góp xã hội tại Việt Nam. “Đây là nơi chấp nhận công ty tới làm ăn sinh lợi, nên công ty phải trả lại cho xã hội”. Với tư tưởng đó, đồng tiền đưa ra không được gắn với việc quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm nào của công ty.

Trong ba năm liền, số tiền lần lượt được giao cho một trường đại học tại một tỉnh Miền Tây, một trường kỹ thuật nổi tiếng lâu đời của thành phố, và góp vào trợ giúp bão lụt Miền Trung.

Có đề nghị số tiền nên được trao cho Mặt Trận Tổ Quốc làm trung gian. Chính sách của công ty là tiền từ thiện chỉ nhờ cơ quan NGO (non-governmental organization) trao tặng. Chính sách đó không cho phép công ty nhờ cá nhân hay cơ quan có dính líu tới chính phủ làm trung gian. Điều này không phải nằm ở lòng tin cậy, mà do công ty phòng xa, không muốn dính líu vào tai tiếng có thể xảy ra. Nơi đâu cũng có thể có xảy ra điều không tốt, tiền góp cho xã hội có thể rơi rớt hay không tới đúng người cần nhận. Nếu điều này xảy ra với một cơ quan dính líu tới nhà nước, công ty sẽ chịu nhiều phiền phức. Trường hợp tệ hơn, điều này có thể là nguyên cớ cho những triệt hạ từ tranh giành quyền lực chính trị từ bên trong. “Công ty muốn yên ổn kinh doanh, cho nên phải tuyệt đối giữ mình chỉ nằm trong lãnh vực kinh doanh”.

Khoảng ba tuần trước, trên mạng lan truyền hình ảnh Công Vinh – Thuỷ Tiên sao kê tài khoản từ thiện của mình để chứng minh tính đúng đắn trước lời tố cáo được tung ra công khai. Số tiền đó tới gần một trăm tám mươi tỉ VNĐ, chi phí sao kê tới gần một trăm triệu. Hai bạn có thể không bị phiền phức nếu làm từ thiện dưới tên một NGO hay một công ty từ thiện không lợi nhuận NPO (nonprofit organization) được quản lý rõ ràng bởi luật pháp.

Ngoài Công Vinh – Thuỷ Tiên, trong cơn dịch COVID-19 đang bùng phát này, nhiều cá nhân hay nhóm người xông vào hoạt động từ thiện, được xã hội hoan nghênh. Họ huy động sự đóng góp bằng tài khoản cá nhân có tên riêng. Tôi cùng nhiều bạn của mình cám ơn các anh chị và những nhóm người đó, sự tận tuỵ của họ đã gợi nhiều cảm hứng về cuộc sống với tấm lòng tốt đẹp, cao thượng. Tuần rồi khi hàng trăm ngàn người thoát chạy khỏi thành phố bằng xe hai bánh qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số, những số phận tơi tả được che chở bảo bọc khỏi mưa bão, đói rét dọc đường nhờ những tấm lòng từ thiện rung động xã hội. Lòng từ thiện, tình đồng bào là giá trị quý báu cho ông để lại từ ngàn năm.

Bài viết này cho rằng thế hệ hôm nay có trách nhiệm bảo vệ giá trị quý báu đó cho đời sau. Cần có biện pháp quản trị thiết lập xã hội dân sự vì của báu đó chỉ được phát huy trong mọi trường xã hội dân sự lành mạnh được quản trị đúng đắn, và sẽ bị lụi tàn nếu xã hội dân sự bị cấm đoán.

Trong xã hội Việt Nam, không khó để một người tung ra lời buộc tội gây hại cho người khác. Một ganh ghét, một thù hằn từ trước hay một nghi ngờ vu vơ có thể là đầu mối cho một tố cáo vô căn cứ. Rồi còn thực giả lẫn lộn, người thừa nước đục thả câu chen vào những người thực lòng…

Chỉ cần một câu hỏi được đặt ra, câu đó sẽ treo lơ lửng lâu dài! Người biết người, biết chuyện có thể không quan tâm, nhưng số người không biết đông hơn nhiều và có khuynh hướng nghiêng theo quan điểm “không có lửa sao có khói”, rồi những tiếng hùa theo dù chưa nắm rõ sự việc…

Nếu sự việc như vậy xảy ra thì thật là bất công với các anh chị từ thiện thực lòng. Nhưng trên cả sự bất công đối với cá nhân, hệ quả xã hội lớn hơn nhiều, sẽ có các anh chị dừng việc từ thiện. Sẽ có người góp công góp của dừng đóng góp. Quan trọng hơn nữa, lòng nhân ái và tính trung thực, chất keo căn bản nhất gắn kết các thành viên trong xã hội, bị huỷ hoại! Xã hội Việt Nam sẽ ra sao khi mất đi chất keo kết dính? Người Việt còn lại gi khi mất đi báu vật “đồng bào” của cha ông?

Do đó xã hội, trong khi tôn vinh những tấm gương từ thiện dấn thân, cần có một cơ chế quản trị để tránh những rủi ro cho nhà từ thiện thực tâm và thúc đẩy thêm nhiều hoạt động từ thiện. Từ thiện không là một hiện tượng đứng riêng trong xã hội mà liên quan tới nhiều khía cạnh khác. Thí dụ để huy động cao nhất các nguồn lực xã hội cho từ thiện, cần có luật về công ty NPO, cần có điều khoản miễn thuế cho số tiền làm từ thiện… Trên nữa, cần một bộ máy liêm chính, nếu không số tiền miễn thuế đi vào túi cá nhân và các nhà từ thiện thực sự lại bị muôn ngàn khó dễ. Vì vậy cũng liên quan tới hệ thống lập pháp, tư pháp, văn hoá, giáo dục…

Sự việc thấy phức tạp nhưng vẫn có cách. Các nước văn minh trên thế giới đã có cách quản lý hiệu quả hoạt động từ thiện, trước mắt Việt Nam chỉ cần áp dụng những phương pháp đó với sự điều chỉnh thích hợp cho phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý xã hội nước ta. Lần lần những biện pháp căn bản hơn sẽ được tiến hành tiếp theo.

Ngày 08 tháng 10 năm 2021

Related posts