Nước mắt người lao động tha hương: Hi vọng ngày ra đi, cay đắng ngày trở về

Mộc Trà

Dòng người chen chúc vội vã rời Sài Gòn. Những đôi dép mòn vẹt vì đi bộ hàng trăm cây số. Những giấc ngủ vạ vật, màn trời chiếu đất. Những đứa trẻ bị đẻ rơi trên đường. Đàn chó bị “tiêu hủy” trên đường cùng chủ hồi hương. Đó là cảnh chạy loạn thời chiến? Không, đó là cảnh người dân nhập cư rời các tỉnh thành về quê sau vài tháng phong tỏa.

Cuộc di cư ngược

HCM đã quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa sau khi Hà Nội công bố rằng nền kinh tế Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 9 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái và số người nhiễm mới giảm đáng kể trong những ngày gần đây.

Hàng nghìn công nhân nhập cư trẻ tuổi bị mất việc làm trong thời gian bị đóng cửa đã đợi tại các trạm kiểm soát trên xe máy trước nửa đêm 31/9 để rời thành phố HCM sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Hết tiền, không có việc làm, những người lao động tha hương buộc phải bỏ lại một tương lai mà họ từng hy vọng ở nơi này.

Trước cuộc di cư, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã kêu gọi người lao động nhập cư ở lại thành phố, ông hứa rằng những người ở lại sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm chủng và được hướng dẫn về cách tìm việc làm. Nhưng dường như người dân đã không thể nào bám trụ lại được nữa. Tính đến ngày 15/9 đã có 1.3 triệu người rời bỏ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê.

Những giọt nước mắt dọc đường

Tình hình dịch bệnh kéo dài khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp. Họ phải sống trong những căn phòng trọ nhỏ hẹp, túng thiếu trăm bề suốt gần 4 tháng nay. Nhiều gia đình đã cạn sạch tiền tiết kiệm, phải sống nhờ bằng nguồn lương thực mà các nhà hảo tâm hỗ trợ, hoặc phải vay mượn để sống tạm qua ngày. 

Những trường hợp như vậy được báo chí đăng tải rất nhiều trong những ngày gần đây. Điển hình như vợ chồng anh Đinh Văn Đức quê Sơn La, mang theo cô con gái 2 tuổi và gia đình bên ngoại vào Bình Dương làm công nhân, khi họ vừa nhận được tháng lương đầu tiên thì dịch bùng phát. Suốt 3 tháng trời không thể đi làm, số tiền họ vay để duy trì cuộc sống đã lên đến 20 triệu đồng. Vợ chồng anh đành cùng con thực hiện hành trình xuyên việt từ Bình Dương về Sơn La trên chiếc xe máy vì không thể trụ lại được nữa.

Gia đình 7 người nhà anh Võ Văn Út (quê ở An Giang) cũng không còn tiền để ăn sau thời gian dài hai vợ chồng thất nghiệp, đường cùng nên phải đi bộ để về quê.

Hình ảnh 5 em nhỏ đi ôm đồ đạc đi bộ lếch thếch trên vỉa hè Đại lộ Bình Dương, bước chân mệt mỏi dường như muốn dừng lại của các em nhỏ khiến nhiều người dân không cầm được nước mắt. Người dân hai bên đường mỗi người một ít hỗ trợ tiền, đồ ăn, nước uống để tiếp sức cho họ. Em bé được mẹ địu trên hành trình xa xôi về quê. (Ảnh: Facebook CLB Xe bán tải TP. Đà Nẵng)

Anh Út tâm sự: “Mấy tháng thất nghiệp và phải nuôi 7 miệng ăn đến giờ vợ chồng tôi đã sức cùng lực kiệt. Đoạn đường rất xa thấy cũng tội con nhưng không còn lựa chọn nào khác”.

Những ngày vừa qua, hình ảnh đáng yêu của 15 chú cún ngồi trên đống đồ đạc lỉnh kỉnh theo chủ về quê “chạy dịch” đã gây sốt mạng xã hội. Đó là đàn chó của vợ chồng anh Phạm Minh Hùng trên đường từ Long An về Cà Mau. Anh Hùng cho biết, 1 ngày làm thuê được 250.000 đồng, anh dành hơn 100.000 đồng mua thức ăn cho chó. Anh nói: “Mấy con lớn ăn nhiều thôi, còn mấy con nhỏ ăn ít. Vợ chồng tôi thương chúng như con vậy, đêm về đang cách ly ở xã Khánh Hưng tụi nó còn nằm trước cửa phòng tôi ngủ”.

Vợ chồng anh Hùng làm phụ hồ ở Long An nuôi 2 con gái nhỏ. Dịch ập tới, vợ chồng anh thất nghiệp suốt 4 tháng ròng rã. Giờ đây, với cái túi trống không cùng tài sản lớn nhất là đàn chó, anh quyết định bắt đầu hành trình, đi tới đâu thì nhờ sự giúp đỡ tới đó.

Chặng đường về Cà Mau vừa qua với anh Hùng là một kỷ niệm đặc biệt vì nhận được quá nhiều sự yêu thương và tình cảm của mọi người. Suốt chặng đường đó, anh nhiều lần rơm rớm nước mắt vì nhận từng ổ bánh mì, từng hộp cơm và những lời chúc tốt đẹp cho hai vợ chồng cùng đàn chó. Anh nói nếu không có những sự giúp đỡ đó, anh không thể nào về đến nơi, những ơn nghĩa đó không biết sao để đền đáp hết.

Nhưng, khi người dân sức cùng lực kiệt và không còn hy vọng nào khác phải trở về quê, thì con đường hồi hương cũng thật quá gập ghềnh. 

Các địa phương ‘khóa chặt’ cửa ngõ và xử phạt cứng nhắc

Khi hàng ngàn người lao động bị “kẹt” lại Bình Dương trong thời gian dịch bệnh đi xe máy để trở về quê thì đã bị công an chặn lại, yêu cầu quay đầu. Bởi vì, theo một lãnh đạo ở đây, mặc dù biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở các huyện, thị xã, thành phố “vùng xanh” nhưng nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn rất cao, người dân chưa được tự ý ra khỏi địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, còn có nhiều cách xử lý khá cứng nhắc của các địa phương khiến cho người lao động tha hương lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười và con đường về quê của họ càng gian truân hơn gấp bội.

Ví dụ như, mấy ngày trước, Công an huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã lập biên bản 1.362 trường hợp người dân về quê, tạm giữ 679 xe máy các loại. Trong đó, có 57 trường hợp đã chấp hành nộp tiền phạt, số tiền phạt có nơi lên đến 5 triệu đồng 1 xe máy. 

Một trường hợp gây xôn xao dư luận nữa là của vợ chồng anh Phạm Minh Hùng như đã đề cập ở trên. Nhìn anh đi xe máy chở đàn chó ai cũng thấy vợ chồng anh yêu thương chúng như thế nào. Anh Hùng kể: “Khi về Cà Mau, 2 gia đình có mang theo 15 con chó (4 chó lớn và 11 chó con), nhưng về tới chốt kiểm soát dịch của tỉnh Cà Mau thì gia đình tôi cho 2 con chó con. Còn gia đình người em đi cùng cũng mang theo 3 con chó và 1 con mèo nhưng tất cả đều bị tiêu hủy hết”. Vợ chồng anh Hùng đã chở theo đàn chó mèo từ Long An về Cà Mau tránh dịch, nhưng đáng buồn là chúng bị buộc phải tiêu hủy (Ảnh: cắt từ video)

Câu chuyện khiến cho những người đã theo dõi hành trình của 2 vợ chồng anh không khỏi bàng hoàng đau xót. Hình ảnh 15 chú chó đáng yêu, vô tội cùng cái án tử hình mà chúng phải nhận như vết dao cứa vào lòng những người có lương tâm.

Diễn viên Hồng Ánh (thành viên của Tổ chức FOUR PAWS – Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) cho biết: “Tôi rất phẫn nộ khi biết thông tin chính quyền tỉnh Cà Mau tiến hành tiêu hủy đàn chó, mèo của gia đình anh Hùng. Ở đây, tôi chỉ nói về góc độ đạo đức, chưa nói về chuyên môn, vì chó không phải là chủ thể gây nhiễm bệnh Covid-19. Tôi đang chờ thông tin báo cáo chi tiết của việc này và sẽ gửi đơn kiến nghị cho Tổ chức FOUR PAWS (Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu)”.

Bất chấp mọi khó khăn dọc đường, người dân vẫn khao khát được trở về quê nhà. Có một nghịch lý là, những người lao động nhập cư như họ vốn được coi như công dân hạng 2 ở TP.HCM và các tỉnh công nghiệp lớn ở miền Nam, nhưng có lẽ chưa bao giờ những địa phương này lại thấy cần họ như hiện nay, khi bắt đầu mở cửa sản xuất trở lại.

Bên “khát” lao động, bên hoang mang hồi hương 

Làn sóng rời thành phố về quê ồ ạt ngay sau lệnh giãn cách được nới lỏng đã khiến các doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…  rơi vào cảnh khủng hoảng lao động.

Theo khảo sát, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong quý III là 43.600-56.800 người, tỉnh Bình Dương là khoảng 40.000-50.000 người, tỉnh Đồng Nai là khoảng 4.700 người.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho biết, hiện doanh nghiệp chỉ hoạt động với khoảng 20-30% lực lượng lao động, tức hơn 40.000 công nhân Pouyuen vẫn còn nghỉ việc. Theo ông Nghiệp, những lao động nghỉ việc thời gian qua không biết phải chờ đến bao giờ mới được quay lại làm việc nên đã trở về quê. 

Trước tình huống này, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM đã buộc phải đưa ra mức hỗ trợ hấp dẫn để thu hút lao động.

Công ty Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao TP Thủ Đức (TP.HCM) đang tuyển lao động với mức thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đưa ra nhiều trợ cấp bên cạnh lương chính khi tham gia làm việc tại công ty như: hỗ trợ làm giấy thông hành, cung cấp chỗ ở tại khách sạn trong thời gian chờ xét nghiệm Covid-19 và vẫn trả 70% lương cơ bản. Đặc biệt, người lao động được nhận thêm trợ cấp 140.000 đồng/ngày và 3 bữa ăn 1 ngày.

Hiện vẫn còn một lượng lớn người lao động của doanh nghiệp này ở lại TP.HCM, tuy nhiên nhiều người bị kẹt trong những khu cách ly, nơi phong tỏa nên không thể sớm quay trở lại làm việc.

Ông Phạm Văn Việt – Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM (Agtek) – nhìn nhận rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động là sự lúng túng của chính quyền và doanh nghiệp.

Ông nói: “Thời gian qua chúng ta chưa có chiến lược phòng dịch rõ ràng nên doanh nghiệp không nắm được lộ trình đóng – mở cửa. Các gói an sinh xã hội cũng chưa được quan tâm đúng mức, từ văn bản đến thực tế có độ trễ chưa được lường trước. Do đó cả chính quyền lẫn doanh nghiệp đều lúng túng, hậu quả là người lao động gặp khó, hoang mang, đành về quê”. Mô hình “3 tại chỗ” không khả thi, kéo dài sẽ gây hao tổn cho doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images)

Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM – cho biết, từ 1/10 đến 6/10, đã có 9.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Tuy nhiên hiện nay số lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ đạt 56,8%, khu công nghệ cao đạt 54,6%. 

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Nidec Việt Nam cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đều đang phải chi trả một khoản chi phí rất lớn để duy trì sản xuất như phí xét nghiệm, thuê khách sạn, thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường”, “3 tại chỗ”… 

Thậm chí nhiều doanh nghiệp hoạt động trong thời gian này không có lãi. Mỗi ngày Nidec Việt Nam chi hàng chục triệu đồng tiền thuê khách sạn cho công nhân viên. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác thuê cả khách sạn 4-5 sao và trợ cấp 200.000-500.000 đồng/ngày cho người lao động. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang cạnh tranh rất cao trong hoạt động thu hút, tìm kiếm nguồn nhân lực.

Như vậy có thể thấy, những lao động nhập cư từ mọi miền đất nước giống như nguồn máu để nuôi dưỡng nền kinh tế phía Nam. Thiếu họ, TP.HCM và các tỉnh này sẽ giống như người bị mất máu, sẽ tụt huyết áp, kinh tế sẽ suy sụp, sẽ khủng hoảng. 

Nhìn vào bức tranh người lao động về quê một cách gian truân như thế này, mới thấy con đường để lựa chọn giữa việc trụ lại tỉnh thành hay về quê đối với người dân dường như đều khó khăn như nhau. Tương lai của những người bám trụ ở lại hay những người đã về quê như thế nào, thì có lẽ không ai dám đưa ra câu trả lời chắc chắn trước tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp trên thế giới.

Mộc Trà

Related posts