Khủng hoảng Miến Điện hay là khủng hoảng bản sắc ASEAN?

Minh Anh

Cờ các quốc gia thành viên trước trụ sở ban thư ký Hiệp hội ASEAN tại Jakarta, Indonéia ngày 21/04/2021. AP – Tatan Syuflana

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, không được mời tham dự thượng đỉnh ASEAN. Quyết định này được đưa ra sau một “cuộc họp khẩn cấp” giữa các ngoại trưởng khối ASEAN, được triệu tập một cách vội vàng hôm thứ Sáu 15/10/2021. Sự việc cho thấy ASEAN đang phải đối mặt với thất bại trong việc giải quyết hậu quả của khủng hoảng Miến Điện.

Chưa có lúc nào tính chính đáng của khối 10 nước thành viên Đông Nam Á lại bị suy yếu, bị thử thách dữ dội như lúc này. Nhất là trong bối cảnh cuộc đua giành thế siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc một gia tăng, khiến cho tính trung lập – “nền tảng hành động chung” của khối ASEAN – mỗi lúc bị đe dọa.

Cuộc khủng hoảng Miến Điện làm lộ rõ những yếu kém, sự chia rẽ cũng như là sự thiếu đồng thuận trong khối. Theo quan sát của thông tín viên đài RFI, Carol Isoux, trong cuộc khủng hoảng này có hai luồng xu hướng trong nội bộ ASEAN. Một bên chủ trương đường lối cứng rắn gồm các nước Singapore, Indonesia và Malaysia. Và bên kia là Thái Lan cùng với Việt Nam ngả theo hướng tìm kiếm đồng thuận.

Thế nhưng, theo phân tích của chuyên gia Michael Vatikiotis*, trên mục Quan điểm của trang mạng Nikkei Asia, đó còn là một sự thờ ơ của lãnh đạo nhiều nước thành viên, thiếu thiện chí giải quyết các vấn đề của khu vực và một sự tương tác kém giữa các lãnh đạo quốc gia. Và điều này đã gây khó khăn cho việc ra quyết định và các hoạt động ngoại giao khu vực.

Vị giám đốc Trung tâm Đối thoại Nhân đạo, và là tác giả tập sách “Lives Between The Lines: A Journey in Search of the Lost Levant”, cho rằng có ít nhất hai lý do. Thứ nhất, đó là do tình hình chính trị nội bộ và những đặc thù cơ cấu chính trị của những nước thành viên.

Singapore đang trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo phức tạp và kéo theo đó là đại dịch Covid-19. Malaysia cũng có một chính phủ chuyển tiếp yếu kém và không thể thiết lập đa số ở nghị viện. Thủ tướng Thái Lan suýt bị lật đổ vì một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Trong khi đó, tổng thống Indonesia Joko Widodo nổi tiếng không quan tâm đến các vấn đề đối ngoại. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang trong năm cuối cầm quyền. Còn Cam Bốt, Lào, Việt Nam và Brunei được cai trị bởi những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và lâu bền, nhưng lại tỏ ra kín tiếng và tập trung vào các vấn đề nội bộ.

Thế nên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các nỗ lực thực hiện kế hoạch năm điểm về Miến Điện của khối, được thống nhất hồi tháng 04/2021 tại một hội cấp cao khẩn cấp đặc biệt ở Jakarta đã không đi đến đâu.

Thứ hai, ông Michael Vatikiotis cho rằng ASEAN cũng đã thất bại trong việc củng cố ban thư ký và vai trò của tổng thư ký, một trở ngại lớn cho những tư duy sáng tạo. Tuy điều lệ của tổ chức có quy định trao quyền cho tổng thư ký để đưa ra các hòa giải, nhưng nhiều nước thành viên lại không cho phép điều này khi cho rằng kiểu hành xử này đe dọa khái niệm quý giá của tổ chức: Không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhóm.

Chính vì những hạn chế đó mà tiếng nói của ASEAN đã bị hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc phớt lờ, chỉ bận tâm đến những mục tiêu chiến lược của riêng mình. Liên minh bộ ba chiến lược mới gồm Mỹ, Anh, và Úc cũng đã gạt khối ASEAN sang một bên. Hơn nữa, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không muốn thấy một khối ASEAN vững mạnh, hiệu quả hơn, có nguy cơ cản trở những khát vọng quyền lực to lớn và làm mòn những chiến lược tổng bằng không của họ.

Cuối cùng, vị chuyên gia này cho rằng, với một giới lãnh đạo không thích hợp, sự yếu kém kinh niên về thể chế và sự phân cực hóa địa chính trị ngày càng gia tăng, cơ may để củng cố vai trò và tính xác đáng của khối ASEAN dường như mỗi lúc đang bị bào mòn!

Tập đoàn quân sự Miến Điện đổ lỗi cho EU và Mỹ về việc bị ASEAN tẩy chay

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và đồng nhiệm Indonesia, Retno Marsudi trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN ngày 23/09/2021 bên lề Đại Hội Đồng LHQ ở New York (Hoa Kỳ). Mỹ và Liên Âu bị chính quyền quân sự Miến Điện ngày 16/10/2021 tố cáo là đã gây sức ép trên ASEAN để trục xuất Miến Điện ra khỏi Thượng Đỉnh ASEAN. © AP – Kena Betancur

Ngay sau khi khối Đông Nam Á ASEAN công bố quyết định không cho lãnh đạo quân sự Miến Điện tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh sắp mở ra, chính quyền Naypyidaw ngày 16/10/2021 đã lên án việc không tôn trọng truyền thống đồng thuận và nguyên tắc của Hiệp Hội Đông Nam Á, đồng thời khẳng định rằng ASEAN đã chiều theo sức ép của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trên trang Facebook của mình, bộ Ngoại Giao Miến Điện trong tay chính quyền quân sự cho rằng quyết định của ngoại trưởng 9 nước còn lại trong ASEAN ngày 15/10 đã được đưa ra mà “không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN, Hiến Chương ASEAN và các nguyên tắc của hiến chương này”.

Tuyên bố nói thêm: “Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược đang nổi lên trong khu vực, việc bỏ qua truyền thống tốt đẹp của ASEAN là thúc đẩy sự thống nhất trong đa dạng và giải quyết những khác biệt thông qua tham vấn và đồng thuận sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN”.

Trước đó, theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên tập đoàn quân sự Miến Điện Zaw Min Tun đã nói rằng Hoa Kỳ và các đại diện của Liên Hiệp Châu Âu đã gây áp lực buộc các lãnh đạo khác của ASEAN loại lãnh đạo quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing ra khỏi hội nghị thượng đỉnh toàn khối sẽ diễn ra từ 26-28/10.

Phát ngôn viên này khẳng định: “Sự can thiệp của nước ngoài cũng có thể được nhìn thấy ở đây. Trước đó (tức là trước khi ASEAN ra quyết định), chúng tôi được biết rằng phái viên của một số nước (ASEAN) đã gặp gỡ các bộ phận đối ngoại của Mỹ và nhận áp lực từ EU”.

Trong một thông báo hôm qua của chủ tịch đương nhiệm ASEAN là Brunei, cuộc họp khẩn cấp của các ngoại trưởng ASEAN hôm 15/10 đã quyết định sẽ mời một “đại diện phi chính trị” từ Myanmar đến tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối. Tuyên bố không nêu tên tướng Min Aung Hlaing hoặc đại diện phi chính trị sẽ được mời thay thế ông, và ghi nhận quan điểm “dè dặt” đối với chính quyền quân sự Miến Điện.

Đối với giới phân tích, động thái hiếm hoi của ASEAN hôm 15/10 là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực của Hiệp Hội Đông Nam Á nhằm đối phó với thành viên Miến Điện, đã không thực hiện những lời hứa với toàn khối.

Trên mạng Twitter, Aaron Connelly, một nhà phân tích Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS đã cho động thái kể trên là một “bước đột phá thực sự đối với ASEAN và đối với các lực lượng chống tập đoàn quân sự (Miến Điện)”.

Theo chuyên gia này, quyết định của ASEAN đã “khôi phục uy tín của nền ngoại giao ASEAN và tước đi cơ hội để tập đoàn quân sự Miến Điện phô trương mình là một chính phủ hợp pháp – những hình ảnh mà họ đã sử dụng để làm nản chí phong trào phản kháng trong nước”.

Theo South China Morning Post, nhiều nhà phân tích khác cũng hoan nghênh tính chưa từng có của quyết định, cho rằng đó có thể là một bước ngoặt trong nỗ lực gây áp lực trên tướng Min Aung Hlaing và tập đoàn quân sự tại Miến Điện.

Miến Điện thả hơn 5,000 người biểu tình chống đảo chính

Thanh Phương

Sinh viên và giảng viên các trường Đại học biểu tình, bãi khóa chống đảo chính quân sự tại Mandalay, Miến Điện, ngày 13/03/2021. AP

Hôm 18/10/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo sẽ trả tự do cho hơn 5.000 người bị bắt giam vì đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối vụ đảo chính đầu tháng 2.

Theo tuyên bố của tướng Min Aung Hlaing trên đài truyền hình Nhà nước, được hãng tin AFP trích dẫn, tổng cộng 5.636 tù nhân sẽ được ân xá và phóng thích trước ngày lễ Phật Giáo Thadingyut bắt đầu từ ngày mai 19/10. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn quân sự không đáp ứng yêu cầu của AFP cung cấp chi tiết về những người nằm trong danh sách được trả tự do.

Còn theo hãng tin Reuters, trong bài phát biểu, tướng Min Aung Hlaing lại bảo vệ các quyết định của chính quyền quân sự, nhấn mạnh đến những hành động “bạo lực và khiêu khích” của những người biểu tình chống đảo chính.

Thông báo nói trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hiệp hội ASEAN ra quyết định không mời lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh các nước Đông Nam Á tại Brunei cuối tháng này, do chính quyền Naypyidaw đã không thực hiện đầy đủ kế hoạch 5 điểm giúp nối lại đối thoại tại Miến Điện 9 tháng sau cuộc đảo chính quân sự. Tập đoàn quân sự đã chỉ trích quyết định của ASEAN, xem đây là một sự vi phạm nguyên tắc của hiệp hội về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên.

Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, quân đội Miến Điện đã tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu, giết hại hơn 1.100 thường dân và bắt giam khoảng 7.000 người biểu tình phản đối đảo chính, theo số liệu của Hiệp hội trợ giúp các tù nhân chính trị.

Vào cuối tháng 6, chính quyền quân sự Miến Điện đã trả tự do cho hơn 2.000 người biểu tình chống đảo chính, trong đó có cả những phóng viên Miến Điện đã viết bài chỉ trích tập đoàn quân sự.

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG), phe đối lập, hôm nay đã ra thông cáo hoan nghênh quyết định của ASEAN không mời lãnh đạo tập đoàn quân sự đến dự thượng đỉnh ở Brunei, tuyên bố họ mới xứng đáng là đại diện của Miến Điện đến dự thượng đỉnh này. Tuy nhiên, phát ngôn viên Chính phủ Đoàn kết Dân tộc nhấn mạnh họ sẵn sàng chấp nhận việc ASEAN mời một đại diện khác thật sự trung lập đến dự thượng đỉnh Brunei.

Related posts