Lòng vị tha trong tâm hồn người Việt – Tamar Lê

Cả tháng nay, mỗi lần xem video clips về Việt Nam trong thời gian đại dịch, khó mà tim không đập mạnh, thổn thức với nhiều cảm xúc khi thấy cảnh khổ cực của thường dân, rất là những người từ quê lên tỉnh kiếm sống qua ngày.

Trong những năm trước, vào dịp Tết họ đổ xô về quê thăm gia đình, mang theo một chút quà cáp hay tiền bạc dành dụm cho cha mẹ già và đàn em dưới mái nhà tranh. Nhưng năm nay chuyến về quê mang nhiều thương tâm, nhất là khi nhìn người chồng với chiếc xe gắn máy cũ kỹ, chở vợ con, mền chiếu, vài túi ni lông đồ ăn và chai nước uống, lái xe cả trăm cây số, mất cả mấy tuần, may ra mới về đến quê nhà.

Cảnh như vậy rất là nhiều. Nhưng cũng có rất nhiều nhà ở hai bên đường tận tình giúp đỡ như cho tạm trú, người có tiền thì cho tiền, người thì phát đồ ăn, nước uống… đúng với ngạn ngữ ‘miếng khi đói bằng gói khi no’, ‘lá lành đùm lá rách’, và ‘lá rách đùm lá nát’…

Lúc học tiếng Anh, thầy bảo chúng tôi trong lớp dịch chữ ‘vị tha’, học trò thay nhau gắng tìm những chữ tương đương trong tiếng Anh như: forgive, pardon, let go, help, kindness, generous, v.v…

Nhưng thầy tôi lắc đầu mỉm cười, vì thật ra theo thầy ‘vị tha’ không có chữ thật sự tương đương trong tiếng Anh.

Thế rồi, thầy đọc chuyện ‘Anh phải sống’ của Khái Hưng cho cả  lớp nghe… ai cũng rơm rớm nước mắt, lúc ấy mới thấy thấm thía chữ ‘vị tha’ trong tâm hồn người Việt mình… Language has its own soul.

ooOoo

– Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?

– Không!… Sao?

– Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói: “Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống!”

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

ooOoo

Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.

Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng. (Khái Hưng)

Related posts