Lâm Nghiên, Trương Đình
Vào thứ Tư, ngày 6/10, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nhất trí về nguyên tắc tổ chức một cuộc họp video giữa hai nguyên thủ trước cuối năm nay. Hãng tin Bloomberg bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Biden nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình chịu áp lực chồng chất, xoa dịu mối bang giao với Hoa Kỳ sẽ có lợi cho Bắc Kinh
Ông Tập Cận Bình và ông Biden sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh qua video trước cuối năm nay. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ngày Đại hội Đảng đang đến gần và Bắc Kinh đang phải vật lộn để đối phó với hàng loạt những thách thức trong nước như: lo ngại Tập đoàn Evergrande đang gánh “bom nợ” sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào; chuẩn bị đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022; vật lộn với tình trạng thiếu điện; ứng phó với việc hạn chế chi tiêu của người dân.
Do Đại hội Đảng sẽ được tổ chức vào năm tới, cũng tức là ông Tập Cận Bình sắp bước vào nhiệm kỳ thứ ba. Tờ Bloomberg đưa tin rằng việc ĐCSTQ muốn ngăn chặn bang giao ngày một căng thẳng giữa nước này và Hoa Kỳ không phải là không có lý. Có vẻ như ĐCSTQ đang từ bỏ lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn vốn để thỏa mãn làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Ông Hoo Tiang Boon, điều phối viên dự án Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói với Bloomberg: “Chắc chắn là có cân nhắc đến vấn đề trong nước”.
Ông Boon nói rằng hai bên có một cuộc đối thoại cấp cao nhất, điều này khiến cả thế giới cảm thấy yên tâm. Nhưng ở trong nước, nếu bang giao với Hoa Kỳ đi chệch hướng, thì ngay cả khi ông Tập Cận Bình không muốn tỏ ra yếu thế cũng uổng công vô ích.
Bloomberg bình luận, Hội nghị thượng đỉnh qua video giữa hai nguyên thủ Hoa Kỳ và Trung Quốc là cơ hội tốt cho Tập Cận Bình. Trong 9 năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã dành phần lớn thời gian để thiết lập vị thế là một người tham dự toàn cầu. Tức là muốn đứng chung “vũ đài” với Tổng thống Hoa Kỳ và tổ chức các sự kiện quy mô lớn, chẳng hạn như Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh tháng Hai.
Ông Tập Cận Bình hiện đang hứng chịu làn sóng tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 của thế giới. Vào ngày 18/5, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, đã kêu gọi Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo thế giới tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 thông qua các kênh ngoại giao.
ĐCSTQ gần đây đã điều động một số lượng kỷ lục máy bay quân sự đến Vùng Nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan, trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh đang tiến hành các cuộc tập trận chung ở vùng biển gần Đài Loan. Do đó, nếu xét đến những áp lực từ trong nước mà cả hai nhà lãnh đạo đang phải đối mặt, căng thẳng giữa hai nước có thể vẫn tiếp tục xảy ra.
Bà Angela Mancini, người đứng đầu bộ phận tư vấn thị trường châu Á – Thái Bình Dương của Công ty tư vấn Control Risks, đã nói với Bloomberg hôm thứ Năm rằng cả hai bên đều nhận ra rằng đối thoại cấp thấp hơn là không hiệu quả và cần có sự trao đổi trực tiếp giữa các nguyên thủ quốc gia để ngăn chặn những sai lầm.
Liệu cuộc họp có mang lại thay đổi lớn trong bang giao Mỹ-Trung hay không, các chuyên gia tỏ ra thận trọng
Vào thứ Tư (6/10) tại Zurich đã diễn ra cuộc hội đàm kín giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Cộng Dương Khiết Trì. Khi đó, Bắc Kinh đã sẵn sàng chấp nhận một đường lối lạc quan hơn. “Cuộc họp rất có tính xây dựng và có lợi cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau”, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp.
Trong suốt 6 tiếng diễn ra cuộc họp kín, hai bên không có bất kỳ cuộc tranh luận công khai nào. Sau cuộc hội đàm, Hoa Kỳ cho biết hai bên đã chấp thuận về nguyên tắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh qua video trước cuối năm nay. Kể từ khi trở thành tổng thống vào tháng Giêng, ông Biden và ông Tập Cận Bình đã có hai cuộc điện đàm, nhưng chưa từng tổ chức cuộc gặp chính thức nào.
Về việc liệu hội nghị thượng đỉnh qua video sắp tới có mang lại thay đổi lớn trong bamg giao Mỹ-Trung hay không, một số chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. Bloomberg dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Đức: “Nếu bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi sẽ không có lợi cho ông Tập, nhưng tôi chưa thấy Trung Cộng có bất cứ biểu hiện nhượng bộ nào”.
Hãng tin AP dẫn lời ông Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Hoa Kỳ, chuyên xử lý các mối bang giao quân sự với Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, nói: “Tôi không nghĩ điều này đánh dấu một bước ngoặt nào đó và tôi không nghĩ chúng ta sẽ có một thời đại hoàng kim.” Nhưng ông cũng nói rằng hai bên có lẽ đã tìm được tiếng nói chung, khiến bang giao song phương sẽ không còn tiếp tục xấu đi.
Ông Thompson, hiện là học giả thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng so với cuộc gặp giữa Dương Khiết Trì và Sullivan tổ chức tại Alaska vào tháng 3 và các cuộc gặp khác trong ba năm qua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì cuộc gặp tại Zurich “đã diễn ra rất tốt”.
Sau chín tháng kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống, Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như cuối cùng đã nỗ lực để xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, việc Washington lên án các chính sách của Bắc Kinh về thương mại, Đài Loan và các vấn đề khác vẫn chưa thuyên giảm.
Ông Triệu Khả Kim, giáo sư bang giao quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, hình dung hướng đi hiện tại là một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng.
Hãng tin AP dẫn lời ông Triệu Khả Kim cho biết: “So với những căng thẳng từ chính quyền Trump, mối bang giao hiện tại đang phát triển theo chiều hướng dịu đi. Còn về việc nó sẽ phát triển đến đâu, chúng ta hãy chờ xem”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken nói với Bloomberg hôm thứ Tư rằng Washington hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện các hành động “có trách nhiệm” liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, điều này càng chứng tỏ rằng Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc phải duy trì liên lạc về các vấn đề kinh tế. Ông Blinken cũng nói rằng những biến động của kinh tế Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ thế giới, bởi vì “tất cả các nền kinh tế đều có liên hệ với nhau”.
Lâm Nghiên, Trương Đình
Minh Phương biên dịch