Trung Cộng tầm cầu ‘bước tiến toàn diện’ cho vũ khí mới sau vụ thử hỏa tiễn siêu thanh

Andrew Thornebrooke

Xe quân sự mang hỏa tiễn đất đối không HHQ-9B tham gia vào một cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images) Bình luận

Theo các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ “khai phá một vùng đất mới” trong phát triển vũ khí mới và các trang thiết bị khác, trích lời của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị gần đây.

Ông Tập cho hay, “Sự phát triển vượt bậc” về thiết bị quân sự và vũ khí đã làm gia tăng đáng kể năng lực chiến lược của Trung Quốc. Đồng thời ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến lược ưu tiên của quốc gia về các [lĩnh vực] công nghệ then chốt và mới nổi như trí tuệ nhân tạo.

Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã tăng cường nỗ lực để vượt qua Hoa Kỳ, tìm cách bỏ qua các chiến lược phát triển truyền thống một cách hiệu quả bằng cách nhảy trực tiếp vào các công nghệ mới hơn khiến kiểu truyền thống không còn phù hợp.

Một ví dụ đáng chú ý của chiến lược này trong thực tế là vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Trung Quốc được báo cáo hồi tháng Bảy, vốn có thể cho phép quân đội Trung Quốc tập trung phát triển công nghệ vũ khí thế hệ tiếp theo một cách hiệu quả mà không cần phải đầu tư vào việc cải tiến các hệ thống hỏa tiễn truyền thống hơn, và cũ hơn của họ.

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Trương Hữu Hiệp (Zhang Youxia), kêu gọi “bước tiến toàn diện” nhằm đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội và tăng cường khả năng tự sản xuất, theo cùng một báo cáo vào ngày 26/10.

Ông Sam Kessler, một cố vấn về địa chính trị tại North Star Support Group, một công ty quản lý rủi ro đa quốc gia, cho biết: “Giới lãnh đạo Trung Cộng đã tuyên bố rằng họ tìm cách tự chủ về công nghệ và đã đến lúc đẩy nhanh việc hiện đại hóa mọi khía cạnh trong khả năng quân sự của họ để thể hiện những gì họ nghĩ là một quân đội đẳng cấp thế giới.”

“Các xu hướng này cho thấy đó là hướng đi mà Trung Cộng đang tiến tới, đồng thời nền kinh tế và hệ thống của họ đang được tái cấu trúc để đáp ứng cho những nhu cầu đó.”

Quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc đòi hỏi công nghệ ngoại quốc (tính đến thời điểm hiện tại)

Trung Quốc hiện đang trải qua một thời kỳ hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ. Nước này đang nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, đầu tư vào vũ khí chống vệ tinh và thử nghiệm các loại vũ khí siêu thanh mang năng lực nguyên tử khác nhau, điều này là đang đi trước sự phát triển của Hoa Kỳ vài năm.

Ông Kessler nói rằng nhận xét của ông Tập phản ánh sự thiếu hụt hiện tại của Trung Quốc về cơ sở sản xuất và cung ứng nội địa cần thiết để duy trì những nỗ lực này.

Ông nói: “Trong trường hợp của họ, Trung Cộng phải thống nhất và củng cố năng lực sản xuất liên quan đến quy trình sản xuất vũ khí của họ.”

“Phát triển một cơ sở sản xuất trong nước và chuỗi cung ứng cho công nghệ như chất bán dẫn là một quá trình phức tạp để họ hoàn thiện.”

Việc sản xuất các hệ thống vũ khí hiện đại nhất của Trung Quốc đòi hỏi phải có chất bán dẫn tiên tiến. Điều này khiến việc sản xuất các chất bán dẫn trở thành một vấn đề an ninh quốc gia.

Nhưng ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc không phát triển như của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, ông Kessler cho hay. Vì lý do này, chính quyền Trung Cộng đã cố gắng có được nguồn cung cấp các công nghệ như vậy từ các công ty phương Tây, thường sử dụng các biện pháp gần như là phi pháp để che đậy mối liên kết giữa quân đội của họ và các công ty tư nhân của Trung Quốc nhập cảng các công nghệ này.

Trong khi luật xuất cảng của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc bán các chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ nhạy cảm khác cho các tác nhân ngoại quốc đe dọa đến an ninh quốc gia, bao gồm cả quân đội Trung Quốc, các chuyên gia và nhà lập pháp nói rằng các luật này đã không đạt được mục đích của mình. Họ cho biết, điều này là do phần lớn công nghệ này được bán cho các công ty dân sự không rõ tên tuổi của Trung Quốc vốn không nằm trong phạm vi luật xuất cảng [của Hoa Kỳ], và sau đó được chuyển giao cho quân đội của Trung Cộng.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa lập luận rằng ngay cả các công ty Trung Quốc bị Hoa Thịnh Đốn trừng phạt vẫn có quyền tiếp cận một số công nghệ của Hoa Kỳ. Họ cho thấy từ tháng 11 đến tháng 4, Hoa Thịnh Đốn đã cấp giấy phép xuất cảng trị giá khoảng 103 tỷ USD cho các nhà cung cấp của hai công ty Trung Quốc trong danh sách đen là Huawei và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (Semiconductor Manufacturing International Corp, SMIC).

Trong nỗ lực ngăn không cho công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ rơi vào tay Bắc Kinh, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ gần đây đã khởi động một chiến dịch để cảnh báo các công ty về nỗ lực toàn diện của Trung Cộng nhằm mua lại các công nghệ của Hoa Kỳ mà có thể cải thiện năng lực quân sự của Trung Quốc.

Theo ông Kessler, nhận thấy sự phản đối ngày càng tăng trên toàn cầu đối với tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, Trung Cộng đang “rất tích cực” trong việc phát triển năng lực sản xuất trong nước.

Ông nói: “Trên thực tế, họ đã thực hiện tư duy chiến lược dài hạn để giải quyết vấn đề đó, chẳng hạn như bảo đảm quyền tiếp cận các khoáng sản và mỏ được sử dụng để phát triển vũ khí và công nghệ trên chính mảnh đất của mình.”

Phát triển vũ khí của Trung Quốc thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ

Sự gia tăng sản xuất trong nước về các công nghệ quan trọng và mới nổi như vậy có thể đồng nghĩa với những tiến bộ nhanh chóng hơn nữa trong các hệ thống vũ khí thách thức khả năng của chính Hoa Kỳ.

Vụ thử nghiệm được báo cáo về một phương tiện lướt siêu thanh mang năng lực nguyên tử vào cuối tháng Bảy, vốn được cho là đã gây bất ngờ cho cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, là một trong những ví dụ điển hình cho điều này.

Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nói rằng cuộc thử nghiệm này có khả năng được hỗ trợ bởi các công nghệ của Hoa Kỳ mà quân đội Trung Quốc thu được.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, gọi vụ thử nghiệm này là một “sự kiện rất quan trọng,” và ví nó với một trong những thời khắc căng thẳng hơn cả của Chiến tranh Lạnh.

Ông Milley bày tỏ, “Tôi không biết liệu đó có phải là một khoảnh khắc Sputnik hay không, nhưng tôi nghĩ việc này đã rất gần với điều đó rồi. Sự kiện này đang thu hút sự chú ý tuyệt đối của chúng tôi.”

Việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên quay quanh trái đất – Sputnik, đã gây ra nhiều lo lắng và sợ hãi rằng Hoa Kỳ đang tụt hậu so với địch thủ thời Chiến tranh Lạnh về tiến bộ công nghệ.

Theo ông Kessler, những nỗ lực của Trung Cộng để có được kiến thức và công nghệ cần thiết để mở rộng lợi thế chiến lược của họ, và những nỗ lực hiện tại của Trung Cộng để sản xuất những công nghệ đó ở trong nước, có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Giống như Sputnik đã dẫn đến “cuộc chạy đua không gian” chứng kiến sự ra đời của NASA, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vượt qua quyền bá chủ quân sự của Hoa Kỳ có thể tạo ra những bước tiến sâu sắc trong việc phát triển vũ khí toàn cầu.

Ông Kessler nói: “Đó là một vấn đề lớn được các nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đưa ra trong giai đoạn 2008-2009. Họ đánh giá rằng sự cạnh tranh kinh doanh, tài chính và công nghệ toàn cầu lớn hơn sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới và một thời kỳ cạnh tranh mới của các cường quốc.”

“Chúng tôi nhận thấy điều đó đã phát triển trong thập niên qua và nó đang tiếp tục có tác động lớn hơn đến bối cảnh chiến lược và ngoại giao toàn cầu.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.

Huệ Giao biên dịch

Related posts