COP26 – Có gì lạ?

Vũ Hiến

Trong khoảng thời gian hai tuần lễ, từ ngày 31/10 đến 12/11, thế giới sẽ chú ý và theo dõi thượng đỉnh COP26 diễn ra tại Glasgow, Tô Cách Lan. COP – là chữ viết tắt của Conference of the Parties (Hội nghị các bên) – được xem là hội nghị về biến đổi khí hậu lớn nhất và quan trọng nhất với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới để tìm sự đồng thuận và cam kết giảm thiểu khí thải nhà kính trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

COP26 – nguồn ukgbc.org

Tên chính thức của nó là Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước Khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26 to UNFCCC).

Hội nghị COP được tổ chức hằng năm kể từ 1995, ngoại trừ năm ngoái sau khi trận đại dịch xảy ra. Nhìn lại chặng đường 26 năm qua, các hội nghị đã đạt được những dấu mốc quan trọng: bước khởi đầu (Berlin, 1995), nghị định thư (Kyoto, 1997), kế hoạch hành động (Bali, 2007), đặt nền tảng (Durban, 2011) và đạt thoả thuận chung (Paris, 2015). Mặc dù với sự tiến triển của hội nghị đưa đến việc các chính phủ trên thế giới ngày càng ý thức hơn về hiện tượng biến đổi khí hậu thì tình trạng gia tăng hàm lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển cùng sự ấm lên của khí hậu liên quan đến nó vẫn tiếp diễn mặc dù các thoả thuận về cắt giảm khí thải đã đạt được trước đây, ngay cả khi hội nghị COP vẫn thường xuyên được nhắc nhở như là cơ hội cuối cùng của thế giới.

Ðặc biệt hơn nữa là hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh khi cả thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng về năng lượng. Giá dầu thô, khí đốt và than tăng mạnh trong mấy tháng qua do nhu cầu năng lượng gia tăng sau khi kinh tế thế giới tái khởi động lại trong khi nguồn cung cấp năng lượng sạch vẫn còn rất yếu.

Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glasgow năm nay và vì thế Thủ tướng Anh Boris Johnson được giao trọng trách tổ chức cùng với sự tham gia của Tổng thống Joe Biden, cũng như Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi.

Than chính là nguồn gây ô nhiễm nặng nhất -nguồn Getty Images

Tuy nhiên, một số lãnh tụ khác từ những quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa không có mặt. Vị khách mời quan trọng nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, quốc gia thải khí nhà kính nhiều nhất trên thế giới, cũng không có mặt. Vào trung tuần tháng 10, Nữ hoàng Elizabeth đã phải thừa nhận rằng bà “vẫn [không] biết những ai sẽ đến,” và còn nói thêm rằng bà cảm thấy thật “khó chịu” khi “họ chỉ nói mà không làm.” Và đó chính là câu hỏi cấp thiết liên quan tới cuộc hội nghị tại Glasgow: Các quốc gia sẽ làm gì để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng?

Hội nghị COP26 được nhiều người coi như là thời điểm “được ăn cả ngã về không” (make-or-break) trong nỗ lực ngăn chặn hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Các khoa học gia đã lên tiếng cảnh báo rằng thời gian ngày càng không còn nhiều để có thể ngăn chặn hiện tượng ấm nóng tràn lan gây ra do khí nhà kính thải ra từ các hoạt động của con người. Tại hội nghị COP26, các quốc gia sẽ cùng đưa ra cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các quốc gia đang phát triển, là những quốc gia ít liên quan nhất trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng khí hậu, đã nói rõ rằng họ cũng mong đợi các quốc gia giàu có hơn cần phải hỗ trợ tài chánh để giúp họ thích ứng với các tác động khí hậu, chẳng hạn như tình trạng mực nước biển dâng cao và nạn hạn hán ngày càng trầm trọng hơn, cũng như việc đầu tư vào năng lượng sạch. Thậm chí ngay cả khi các quốc gia đưa ra các cam kết, câu hỏi vẫn là liệu họ có thực hiện những cam kết đó hay không sau khi quay trở về nhà.

Tại hội nghị COP21 diễn ra vào tháng 12 năm 2015 ở một khu vực ngoại ô Paris, các nhà đàm phán đã cùng nắm tay nhau hân hoan công bố một thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu. Thỏa thuận khí hậu Paris đặt ra mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng “giới hạn an toàn” – thấp hơn 2 độ Celsius so với thời kỳ tiền kỹ nghệ và nếu được thì dưới 1.5 độ Celsius.

Logo hội nghị -nguồn ẻg

Kể từ hội nghị COP Paris, kết quả điều tra của các khoa học gia về khí hậu cho thấy đã không có tiến bộ. Vào tháng 10, Liên Hiệp Quốc ước tính các chính phủ trên thế giới dự định sản xuất khoảng 110% nhiên liệu hoá thạch nhiều hơn mức chỉ tiêu để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng hơn 1.5 độ. Cũng cùng tháng 10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng “tiến trình chuyển sang năng lượng sạch vẫn còn quá chậm để đưa lượng khí thải toàn cầu vào mức giảm liên tục để tiến tới tình trạng ngưng hoàn toàn khí thải (net-zero).

Ðể góp phần tăng thêm sự thử thách, cuộc khủng hoảng năng lượng bùng phát tại Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hoa Kỳ, Liên minh Âu châu và nhiều nơi khác. Với thời gian mùa Ðông sắp đến tại nhiều nơi và người dân cần sưởi ấm, giá năng lượng đã tăng vọt, gây thêm áp lực khiến nhiều chính phủ trên thế giới buộc phải gia tăng nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch.

Một mục tiêu khác được đưa ra bởi Alok Sharma, một thành viên của quốc hội Anh và đồng thời cũng là chủ tịch của COP26, là ngưng hẳn hoạt động của các nhà máy điện chạy than, do than là nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất. Ðể có thể đạt được mục tiêu đó thì cần phải có sự hợp tác của Trung Quốc và Ấn Ðộ, nhưng ngay trước mắt thì điều đó là không thể. Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, cho đến nay vẫn tiếp tục xây dựng những nhà máy điện chạy than ở trong nước, mặc dù họ hứa hẹn là sẽ ngưng tài trợ việc xây dựng các nhà máy điện chạy than ở ngoại quốc. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay, Trung Quốc cho biết họ sẽ sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để cắt giảm giá than cao kỷ lục.

Một nhà máy điện chạy than tại Trung Quốc – nguồn VOX

Ấn Ðộ, quốc gia phụ thuộc vào than để sản xuất 70% năng lượng của họ, cũng hứa hẹn sẽ giảm khí thải carbon của họ từ 33 đến 35 phần trăm vào năm 2030, nhưng không đưa ra cam kết là sẽ đạt mức net-zero vào năm 2050. Bên cạnh đó, cố vấn kinh tế chính của Ấn Ðộ đã nói một cách ám chỉ rằng họ sẽ chỉ cắt giảm lượng khí thải với điều kiện là các quốc gia phát triển phải tôn trọng và gia tăng cam kết trong việc tài trợ cho nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó thì Hoa Kỳ, quốc gia thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới trước đây và nay đứng thứ hai, thì đang bị sa lầy trong một cuộc giằng co chính trị kéo dài liên quan đến luật ngân sách về khí hậu để hỗ trợ cho cam kết đầy tham vọng là cắt giảm từ 50 đến 52 phần trăm lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 2005.

Kết quả ra sao của hội nghị COP26 khó có thể đoán trước nhưng có lẽ sẽ không mấy lạc quan. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục lây lan ngấm ngầm với các đợt nắng nóng gay gắt, nạn cháy rừng khủng khiếp, bão dữ dội và lũ lụt chết người trên khắp thế giới. Một nghiên cứu gần đây cho biết có ít nhất 85 phần trăm dân số toàn cầu đang phải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Cho đến nay có thể nói nỗ lực chung để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không mấy khả quan. Với chiều hướng hiện nay, lượng khí thải vẫn sẽ tăng 16 phần trăm và đặt trái đất trước tình trạng mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres gọi là “con đường thảm họa” hướng tới tình trạng nhiệt độ tăng 2.7 độ Celsius vào năm 2100.

Thảm hoạ khí hậu hiện nay vẫn còn là điều mông lung xa vời và có lẽ vì vậy mà người ta vẫn chưa nhận thấy sự cấp bách để cùng nhau bắt tay làm việc.

Related posts