Phương Tây: Trung Quốc từ ‘công xưởng thế giới’ thành ‘thị trường mục tiêu’

Đức Duy

Người dân đi dạo tại một khu mua sắm lớn ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 12/07/2021. (Ảnh: Aly Song / Reuters)

Các câu chuyện trên truyền thông về nỗ lực ‘thoát Trung’ của phương Tây hiện có một sự pha trộn thú vị. Một xu hướng cho thấy các nhà sản xuất phương Tây đang đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc. Ngược lại, một xu hướng mới đã xuất hiện. Các thương hiệu lớn về dịch vụ và bán lẻ của phương Tây lại coi Trung Quốc ngày nay là một thị trường lớn, hấp dẫn, và đầy tiềm năng.

Từ trước khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2019, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã thảo luận về việc ‘thoát Trung’.

Những cuộc thảo luận đó là cần thiết bởi mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa phương Tây và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ theo thời gian. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào dòng xuất khẩu sang phương Tây. Trong khi đó, các nền kinh tế phương Tây lại phụ thuộc quá mức vào các sản phẩm rẻ tiền của Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, cũng như đại dịch Covid-19, đã khiến những cuộc thảo luận này ngày càng nhận được nhiều chú ý.

Hiện nay, các vấn đề này đã trở nên phức tạp hơn. Nhiều bằng chứng cho thấy trật tự cũ đang thay đổi, việc tách rời khỏi Trung Quốc đang được thúc đẩy. Nhưng đồng thời, các bằng chứng khác lại cho thấy phương Tây có những mối quan tâm mới đối với Trung Quốc.

Các câu chuyện trên truyền thông hiện có một sự pha trộn thú vị. Ví dụ, một bài báo đã dẫn lời đối tác quản lý khu vực châu Á của một công ty luật lớn trên toàn cầu. Ông mô tả cách các khách hàng doanh nghiệp của mình ở châu Âu và Mỹ “kinh hãi” về “dòng chảy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, khiến hội đồng quản trị doanh nghiệp rất quan tâm đến việc ‘thoát Trung’.

Ngược lại, một bài báo khác lại mô tả sự hào hứng của một chuyên gia ngân hàng đầu tư nổi tiếng về cơ hội tăng trưởng và phát triển ở Trung Quốc, cũng như cách họ thu hút dòng vốn đầu tư phương Tây. Bài báo này dẫn chứng cách 27 công ty nổi tiếng của châu Âu đang rót thêm tiền vào các liên doanh của họ ở Trung Quốc.

Đây chỉ là 2 ví dụ minh họa cho tính hỗn hợp của thực tế ‘thoát Trung’.  Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ đến lượt mua giày Nike. (Ảnh: gunman47/Flickr)

Hãy nói về bài báo đầu tiên, một câu chuyện điển hình cho thấy trật tự kinh tế cũ đang thay đổi. Trở lại thời điểm khi phương Tây bắt đầu giao thương với Trung Quốc, mức lương của người Trung Quốc khá thấp, đặc biệt là so với Hoa Kỳ, Nhật Bản, và châu Âu. Trung Quốc lúc ấy sở hữu lực lượng lao động lớn, giàu kỷ luật, được đào tạo ổn. Từ cơ sở đó, Trung Quốc đã ‘bán mình’ cho thế giới, trở thành công xưởng chuyên cung cấp nguồn hàng cho toàn cầu. Tiền từ Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển khác thi nhau đổ vào Trung Quốc để xây dựng các nhà máy sản xuất hàng hóa giá rẻ, sau đó từ Trung Quốc xuất khẩu trở lại quê nhà của các nhà đầu tư cũng như đến các thị trường khác. Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua, hiện Trung Quốc đã phát triển, mức lương của người lao động đã tăng lên, khiến miền đất này trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp phương Tây. Chiến tranh thương mại năm 2019 và sau đó là đại dịch năm 2020 càng làm giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc.

Bài báo thứ hai đề cập đến mối quan tâm khác, mới hơn, của phương Tây đối với Trung Quốc. Khi mô hình xuất khẩu cũ giúp Trung Quốc phát triển vượt bậc, một tầng lớp tiêu dùng ngày càng lớn và thịnh vượng hơn đã xuất hiện ở nước này. Vì vậy, ngay cả khi các doanh nghiệp phương Tây đang xem xét lại các thỏa thuận cũ, họ đã nhìn thấy những cơ hội mới để đầu tư vào Trung Quốc. Phương Tây không còn muốn sản xuất chỉ để xuất khẩu trở lại thị trường nội địa của họ, mà họ muốn xây dựng thương hiệu ở Trung Quốc, từ đó đảm bảo một vị trí thuận lợi để bán cho thị trường nội địa Trung Quốc giàu có.

Sự chuyển dịch bắt đầu từ những thay đổi trong chi phí sản xuất. 20 năm trước, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương ở đất nước này rất thấp so với châu Âu, Hoa Kỳ, và Nhật Bản, cũng như so với một phần lớn các quốc gia mới nổi. Nhưng chính các khoản đầu tư khổng lồ vào Trung Quốc (được thu hút bởi nguồn lao động giá rẻ) đã làm tăng nhu cầu sử dụng lao động. Do đó, mức lương của người Trung Quốc dần tăng lên. Chi phí để sản xuất tại Trung Quốc có dấu hiệu bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Ví dụ, từ năm 2015 – 2020, mức lương trung bình theo giờ ở Trung Quốc, theo Cục Thống kê Bắc Kinh, đã tăng 9% một năm, tăng hơn 53% chỉ trong 5 năm đó. So sánh với Mỹ, tiền lương theo giờ trong khoảng thời gian này chỉ tăng 5%. Khoảng cách chi phí sản xuất đã được nhanh chóng thu hẹp, khiến các doanh nghiệp phương Tây bắt đầu tìm kiếm những nơi khác có chi phí sản xuất thấp hơn, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, và nhiều quốc gia khác ở châu Á.

Chiến tranh thương mại năm 2019 đã đẩy nhanh tốc độ của sự thay đổi này. Thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc đã làm tăng chi phí đưa hàng hóa trở lại thị trường nội địa Hoa Kỳ, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ tăng tốc độ chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc, để tránh thuế quan của Mỹ, đã chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam, Indonesia, và các nơi khác. Công nhân làm việc tại nhà máy may mặc xuất khẩu Hưng Việt, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam, hôm 30/12/2020. (Ảnh: Kham / Reuters)

Khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm quan trọng. Quyết định của Bắc Kinh là có thể hiểu được trong hoàn cảnh này, nhưng điều đó vẫn đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của các doanh nghiệp phương Tây đang tìm kiếm nguồn hàng ở nước ngoài.

Tổng dòng vốn đầu tư vào các nước châu Á khác đã góp phần làm sáng tỏ bức tranh toàn cảnh. Trong khi cách đây không lâu, phần lớn đầu tư trực tiếp của phương Tây vào châu Á là đổ vào Trung Quốc, thì xu hướng hiện nay đã thay đổi hoàn toàn. Trong 5 năm qua, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ phương Tây vào Trung Quốc đã tăng khoảng 34,3%, trung bình 6,1% một năm, chậm hơn nhiều so với trước đây. Ngược lại, dòng vốn chảy vào Indonesia đã tăng 55,6%, trung bình 9,2% một năm; trong khi dòng vốn chảy vào Việt Nam đã tăng tới 87%, trung bình 13,3% một năm.

Tính chất của các khoản đầu tư vào Trung Quốc càng khẳng định định hướng mới của phương Tây. Trong khi trước đây, phần lớn các khoản đầu tư trực tiếp tập trung vào lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu trở lại thị trường nội địa của các nhà đầu tư, thì các dòng vốn đầu tư gần đây lại tập trung vào dịch vụ và bán lẻ ở Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong vài năm qua, chỉ có 30% dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc dành cho lĩnh vực sản xuất. 60% đã chuyển sang dịch vụ và đặc biệt là bán lẻ. Những khoản tiền này rõ ràng nhằm mục đích tận dụng thị trường nội địa ngày càng giàu có của Trung Quốc. Đây là một bức tranh rất khác so với quá khứ không xa.

Vì vậy, có vẻ như cả hai phía của câu chuyện ‘thoát Trung’ đều hướng tới một đích. Các nhà đầu tư ở lĩnh vực sản xuất đang rời bỏ Trung Quốc. Các chuỗi cung ứng, theo lời của vị luật sư nêu trên, thực sự đang thay đổi và chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nơi khác ở châu Á. Cùng lúc đó, sự hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Trung Quốc đang tạo ra một hình thức kết nối mới giữa phương Tây và Trung Quốc mà chuyên gia ngân hàng đầu tư nêu trên cảm thấy rất hào hứng.

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Đức Duy

Theo The Epoch Times

Related posts