Du Uyên
“Đất nước có những ngày mở miệng cười một mình cũng thấy vô duyên. Khóc một mình cũng thấy yếu hèn!
Đọc ngàn cuốn sách, ném triệu lời ai oán vào không khí càng thêm bất lực! Đất nước nhiều ngàn năm không tìm ra được một nhân sĩ, một trí thức… Đất nước đâu đâu cũng thấy bọn man rợ! Chúng ta soi vào mặt nhau chẳng thấy gì ngoài nỗi đớn nhục. Mỗi mặt người là khung trời khốn nạn mà sự cầu an xoáy mòn từng thớ tim.
Ai nói lòng người không còn vĩ tuyến?” – Hết trích
Tôi không quen nhà báo Trương Châu Hữu Danh và các thành viên “Báo Sạch” (trừ anh Nhã), nhưng tôi rất ngưỡng mộ họ qua nhiều vụ, như: vụ “tài xế phản đối BOT – trạm thu phí”, vụ “hồ sơ mật Hồ Duy Hải”, “biệt phủ quan chức”, “giảng viên bị bắt cóc”… Họ là những nhà báo trong nước “xông pha” nhất mà tôi biết – Ði đến tận nơi, gặp gỡ nhân vật, nói lên nhiều điều mà chưa ai nói, những thông tin “mật” họ đưa ra, đa số đều có thật. Và họ cũng bị khởi tố vì những “tin mật” đó. Bên cạnh, họ cũng có nhiều tai tiếng. Ví dụ như nhiều người cho rằng họ là con cờ trong bàn cờ chính trị của các “quan lớn”… (Vì “tin mật” thường do các bên đối lập “tuồn ra” hòng hạ bệ “phe kia”). Họ có làm kinh tế thông qua các bài quảng cáo, nên nhiều thông tin từ họ khiến người ta nghi ngờ… Bởi vậy khi họ bị bắt, cư dân mạng chia làm hai phe, một phe thì nghi vấn về phe phái của nhóm nhà báo này. Một phe là lên án sự bắt bớ các nhà báo tự do ở Việt Nam nói chung, nhóm “Báo Sạch” nói riêng.
Tuy tôi có theo dõi “Báo Sạch”, rất ủng hộ và tôn trọng họ ở nhiều vụ (như tôi kể ở trên). Nhưng quả tình, đôi khi chính tôi cũng đã hoài nghi rằng họ có thật sự “sạch” như cái tên hay không? Sau vài loạt bài của họ. (Ðây chỉ là những suy nghĩ cá nhân của tôi về “Báo Sạch”, xin lỗi những ai cảm thấy tôi không cùng suy nghĩ với bạn).Xem thêm: Michelle Wu người tạo mốc lịch sử tại Boston
Và hoài nghi về “Báo Sạch” cũng là lý do tôi cảm thấy bất ngờ khi anh Nhã bị bắt vì tham gia “Báo Sạch”. Bởi tôi tin, anh Nhã không phải là người thích “phe cánh”, nếu làm báo tự do để kiếm tiền như “cáo trạng” từ chính quyền, thì anh có thể làm báo trong nước, viết quảng cáo dưới dạng KOL (viết tắt của nhóm từ tiếng Anh “Key opinion leader” – “người dẫn dắt dư luận chủ chốt”), dư sức kiếm tiền. Vì anh viết tốt, thu hút nhiều người đọc, trong các độc giả/những người ủng hộ và tôn trọng anh có nhiều người viết hay khác. Trên phần giới thiệu ở trang cá nhân, anh Nhã ghi: “Nhã viết vì tình yêu cuộc đời!” Và quả tình, từ khi biết anh (khoảng 2012-2013) tới nay, tôi thấy các bài viết trên trang cá nhân của anh đều rất tình cảm, tràn ngập tình yêu với cuộc đời, với vợ/con, với cha/mẹ già và vùng quê miền biển… Từ khi anh tham gia “Báo Sạch”, tôi chưa được đọc bài nào nên tôi không rõ. Người ta nói, mỗi người đều có những góc cạnh khác nhau. Nhưng tôi tin là một người thường có những bài viết chứa nhiều tình thương yêu cuộc đời sẽ khó xấu xa hơn những kẻ khác. Có lẽ vì vậy, sau khi anh Nhã bị bắt, thay vì quay lưng thì có rất nhiều người lên tiếng vì anh, trong đó có nhiều nhà báo còn đang làm báo trong nước – những người rất sợ “va chạm” với “phản động”. “Mình phải có thế nào người ta mới thế chứ!” Với tư cách một người em, một độc giả, tôi mong anh Nhã giữ sức khỏe, sớm về với vợ con, cha mẹ già.
Trong khi ở các xã hội dân chủ, câu nói “quan nhất thời, dân vạn đại” (quan có thời hạn, còn dân mới là lâu dài). Do vậy, làm quan phải thế nào để khi đương chức cũng như khi mãn nhiệm được dân tin, dân quý chẳng có gì lạ. Không người dân nào bị cấm đoán khi họ khen chê quan chức, mọi ý kiến của người dân đều được lắng nghe và ghi nhận, những ý kiến phản luận có tính xây dựng luôn được tôn trọng. Các đài truyền thông, các trang mạng xã hội được quyền tự do tuyệt đối, muốn chỉ trích tổng thống hay khóa nick tổng thống… cũng không ai cản. Trong khi tại Việt Nam, muốn bàn luận chuyện gì đó đang xảy ra tại chính nơi mình sống, về các quan chức đang nhận lương từ tiền thuế của mình… mà đặt tay lên bàn phím cả ngày, không biết viết gì cho đừng “đụng chạm” thể chế, cho không bị “quy chụp” là “phản động”.
Như gần đây, trong một video do chính tài khoản Tik Tok @nusr_et có gần 11 triệu người theo dõi của anh chàng đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, hay còn được biết đến biệt danh là “thánh rắc muối” đăng – Có cảnh anh đầu bếp nổi danh này chế biến và đút cho ăn vài quan chức cao cấp ở Việt Nam ăn món bò dát vàng (trị giá lên đến hàng chục triệu đồng/phần – có thể hơn) trong một nhà hàng của ông này ở Luân Ðôn. Tuy ông ta đã xóa video sau 30 phút đăng, nhưng video đã khiến quá nhiều người thắc mắc và bàn luận, trong đó có nhiều báo ở hải ngoại và báo mạng, lẫn các báo lớn ở nước ngoài. Khắp mạng xã hội suốt tuần qua “mặn như muối lòi” vì sự kiện này. Nhất là, sự kiện này xảy ra khi Việt Nam vẫn đang có dịch cúm Vũ Hán và hàng triệu người khổ sở, đói tiền lẫn phát điên vì dịch.
“Salt Bae (“thánh rắc muối” ở trên) từng gây ra ít nhất hai vụ khủng hoảng truyền thông cấp thế giới. Thứ nhất là vụ cầu thủ Franck Ribery đi ăn thịt bò dát vàng tại quán anh này trong thời gian thi đấu cho Munich tại Bundes Liga. Sự việc bị đẩy tới đỉnh điểm khi Ribery phản pháo người hâm mộ bằng lời lẽ cục cằn. Sau đó anh bị câu lạc bộ chủ quản thực hiện án phạt nặng với số tiền phạt lớn mà đến nay chưa được công bố.
Trường hợp thứ hai là Tổng thống Maduro của một trong những nước XHCN cuối cùng còn sót lại ở Châu Mỹ. Ông này đã đến ăn thịt bò dát vàng tại nhà hàng của Salt Bae trong khi 1/3 dân số Venezuela đang sống trong cảnh đói ăn. Sự việc này làm dấy lên làn sóng công phẫn tại quốc gia kể trên nhưng nó không dẫn tới điều gì cụ thể cả.
Lãnh đạo phương Tây không bao giờ ăn uống tại các nhà hàng phô trương “celebrities” kiểu Salt Bae vì nó không phù hợp với tác phong ngoại giao “diplomatic” truyền thống mà họ được đào tạo và trưởng thành. Hoặc họ có thể cũng đến dùng bữa tại đây nhưng không để cho ai biết. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng gu thẩm mỹ của họ đủ cao để biết nên sử dụng loại dịch vụ nào ở thời điểm nào.” – Hết trích.
Ðiều củng cố niềm tin cho tôi là, trong khi các nhà báo mà tôi tin là họ có lòng với hiện tình đất nước, hay lên tiếng cho bất công lại im lặng trước sự kiện trên. Thì nhà báo Le Duc Duc, làm trong tờ tuoitre.vn viết trên trang cá nhân Facebook, một góc nhìn khác cho sự kiện này. Rất nhân bản:
“Mình tra trên google map thì thủ đô London chỉ cách hạt Essex- nơi cách đây vừa tròn 2 năm (cuối tháng 10-2019) xảy ra vụ 39 nạn nhân người Việt chết trong container đông lạnh chỉ 33 dặm Anh, đi xe hơi chỉ hơn 50 phút. Nếu có một ban tham mưu tốt, chỉ cần tới đó đặt một bó hoa lặng lẽ tưởng nhớ họ, 39 đồng hương xấu số, hẳn làng Facebook thế giới bây giờ lại rưng-rưng-nước-mắt chứ có đâu rần-rần-nước-muối như này. Dù nước mắt hay nước muối đều cùng có vị mặn !”
“Nước mắt và muối đều mặn!” – Ai không biết điều đó? Nhưng liệu có bao nhiêu người can đảm nói ra, dầu họ biết là mình đang nói sự thật, dầu họ biết họ có quyền đó trong hàng xấp tờ giấy in về quyền con người. Vì sao ư? “Vì lòng người còn vĩ tuyến!” Mà cái “vĩ tuyến” kia, ai đặt ra, có lẽ không ai không biết…
Du Uyên