Biển Đông: AUKUS có ảnh hưởng ra sao đến đàm phán ASEAN-Trung Quốc về COC ?

Minh Anh

Ảnh tự liệu: Thủ tướng Úc Scott Morrison (giữa màn hình) họp thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo Asean, ngày 27/10/2021. © Brunei ASEAN via AP

Thứ Hai, 22/11/2021, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo khối ASEAN. Đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại vùng Biển Đông giầu tài nguyên là tâm điểm của cuộc họp. Giới chuyên gia tại châu Á cho rằng liên minh quân sự AUKUS, gồm ba nước Anh, Úc, Mỹ là một trong những yếu tố tác động đến kết quả cuộc họp.  

Từ nhiều thập kỷ, những tranh chấp về yêu sách chủ quyền giữa Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, bất chấp những nỗ lực giữa Bắc Kinh và khối ASEAN nhằm soạn thảo một khuôn khổ cho các quy tắc và chuẩn mực tại Biển Đông.  

Vào lúc tình hình khu vực vốn dĩ đã căng thẳng do những thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, thì thông báo thành lập AUKUS – một hiệp ước an ninh giữa Úc, Anh và Mỹ nhằm giúp Canberra có được một hạm đội tầu ngầm hạt nhân, một liên minh được cho là chống Trung Quốc, đã làm cho những căng thẳng đó thêm phần phức tạp.  

Tờ South China Morning Post tự hỏi: Thông báo này có những ảnh hưởng ra sao đối với cuộc đàm phán COC giữa Trung Quốc với ASEAN ? Nếu nhìn một cách lạc quan, Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên Luật học trường đại học Indonesia cho rằng sự ra đời của AUKUS có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc « xúc tiến nhanh hơn nữa cuộc đàm phán COC trước khi Mỹ gia tăng thêm ảnh hưởng trong khu vực ».  

Bắc Kinh ngày càng quan ngại trước các hoạt động quân sự của Mỹ và các nước đồng minh trong cũng như ngoài khu vực tại Biển Đông. Ông nhắc lại rằng Trung Quốc và ASEAN, hồi tháng 7/2019, đã hoàn thành việc xem xét dự thảo đầu tiên về những văn bản đàm phán của COC, nhưng do đại dịch Covid-19 và những bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN nên đôi bên ít có những tiến bộ từ đó.  

Nhưng Charles Dunst, thành viên Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lại thấy rằng AUKUS ra đời có lẽ sẽ làm cho cuộc đàm phán COC thêm phần phức tạp. Sự việc phản ảnh rõ những quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.  

Cam kết này của Mỹ có nguy cơ làm cho “Trung Quốc cứng rắn hơn, phản đối mạnh mẽ hơn việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử, vốn dĩ hạn chế Trung Quốc bằng mọi cách”, Charles Dunst phân tích. Hệ quả là Bắc Kinh sẽ còn hung hăng hơn, gia tăng các nỗ lực quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền. Và “điều đó sẽ làm chậm lại việc đạt được một COC, lẽ ra được dự trù hoàn thành vào tháng 11/2018”, theo như nhận định của ông Chester Cabalza, sáng lập viên cơ quan tham vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, trụ sở tại Manila.  

Ngoài ra, theo nhật báo Hồng Kông, còn có một nguyên nhân khác gây khó khăn cho cuộc đàm phán : Việc Trung Quốc đề xuất một cơ chế liên quan đến việc quân đội nước ngoài tập trận chung với các nước thành viên ASEAN. Một cơ chế bị xem như là “đi ngược lại quyền tự chủ – chủ quyền quốc gia” của nhiều nước trong khu vực.  

SCMP lưu ý mặc dù Indonesia và Malaysia đều phản đối việc hình thành AUKUS, nhưng cả hai nước này đều duy trì các mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh tương ứng với các thành viên của AUKUS, cụ thể là Mỹ và Úc.  

Do vậy, nhà nghiên cứu Collin Koh, trường Nghiên Cứu Quốc tế S. Rajaratham của Singapore nghĩ rằng “AUKUS không thể làm thay đổi gì về vấn đề các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng Biển Đông” “cũng không tác động đáng kể các cuộc đàm phán về COC”.  

Vẫn theo nhà nghiên cứu tại Singapore, ASEAN và Trung Quốc vẫn còn vướng mắc nhiều điểm ban đầu như phạm vi địa lý, nhiệm vụ của các bên tham gia ký kết và không ký kết. Trong điều kiện này, ASEAN không muốn gây thêm khó khăn cuộc đàm phán khi đưa thêm vấn đề AUKUS, do việc điều này sẽ còn làm cho các cuộc đàm phán thêm bị lún lầy do còn có những vấn đề khác phức tạp hơn liên quan đến nhiều nhóm cấu trúc khác như Bộ Tứ – QUAD chẳng hạn.  

Cuối cùng, giới chuyên gia còn cho rằng vấn đề nhậy cảm duy nhất còn lại là các nước có liên quan có thể chấp nhận đến đâu “mức độ từ bỏ chủ quyền” của mình. Đây cũng chính là một trong những vấn đề gây chia rẽ, cạnh tranh giữa các nước có liên quan, vốn dĩ cũng đang dòm ngó lẫn nhau khi sợ rằng mình đã hy sinh nhiều hơn nước khác. 

Thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN: Tập Cận Bình trấn an không “ức hiếp” láng giềng các nước Đông Nam Á

Thu Hằng

Khung cảnh cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ASEAN – Trung Quốc ngày 22/11/2021. Ảnh chụp từ phía Phnom Penh, Cam Bốt. © An Khoun SamAun / AP

Trung Quốc không tìm cách làm “bá chủ” khu vực và sẽ không “hăm dọa” các nước láng giềng nhỏ hơn. Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục trấn an các nước ASEAN tại thượng đỉnh trực tuyến ngày 22/11/2021 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ song phương.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc “đã, đang và sẽ mãi là một láng giềng tốt, một người bạn hữu hảo, một đối tác tốt của ASEAN”. Bắc Kinh “sẽ không bao giờ tìm cách làm bá chủ và chắc chắn sẽ không ức hiếp các nước nhỏ”.

Những phát biểu mang tính trấn an, xoa dịu của ông Tập Cận Bình đi ngược với những hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông mà gần đây nhất là tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas), quần đảo Trường Sa.

Cách hành xử vũ lực của Trung Quốc bị tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích tại cuộc họp thượng đỉnh với chủ tịch Tập Cận Bình là “không có lợi cho mối quan hệ giữa các nước chúng ta và quan hệ đối tác của chúng ta”. Theo AFP, Philippines “lấy làm tiếc về sự kiện ở bãi Ayungin (tên gọi Philippines của bãi Cỏ Mây) và vô cùng quan ngại nếu những sự kiện tương tự xảy ra”.

Ngoài trấn an các nước ASEAN, chủ tịch Trung Quốc cho biết muốn “cùng duy trì ổn định ở Biển Đông”, biến Biển Đông “thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác”, nhưng loại bỏ mọi “can thiệp” từ bên ngoài, ngụ ý đến các cuộc tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong vùng, cũng như của Đức, Anh, Pháp. Liên Hiệp Châu Âu từng kêu gọi “tất cả các bên tôn trọng tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Sau sự kiện tàu tiếp tế của Philippines bị hải cảnh Trung Quốc sách nhiễu ở bãi Cỏ Mây, ngày 19/11, Washington đã cảnh báo Bắc Kinh là một vụ tấn công vũ trang sẽ buộc Hoa Kỳ can thiệp bảo vệ Philippines trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung.

Miến Điện không tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ngày 22/11 dù trước đó Bắc Kinh đã vận động để chính quyền quân sự được tham dự. Tuy nhiên, bốn nước Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore đã phản đối gay gắt đề nghị của Trung Quốc.

Related posts