Những bài viết gần đây trên các kênh truyền thông Trung Quốc phần lớn đều một tầng hàm ý đằng sau, dù là kể câu chuyện lịch sử hay là báo cáo tin tức…
Ví như cuộc trong chiến giằng co giữa ‘Tập gia quân’ và ‘Giang phái’, quân đội thay vì nói thẳng mình không muốn can dự, thì ngày 11/10, Báo ‘Giải phóng quân’ đăng bài viết với tiêu đề ‘Luôn giữ danh tiết không đoạ lạc‘, trong đó ca ngợi Binh bộ thượng thư – Vu Khiêm đã đứng trung lập trong ‘chính biến cung đình’.
Phe Tập Cận Bình cũng đáp trả lại bằng bài viết với tiêu đề ‘Ngô Việt quy Tống‘ trên tờ ‘Thời báo Học tập’ đăng ngày 18/10, trong đó nhắn nhủ phe ‘phản Tập’ hãy nhanh chóng quy hàng để có được vinh hoa phú quý.
Hay như ngày 1/12, Trưởng ban Tổ chức Uỷ ban Trung ương là Trần Hy đã đăng bài viết trên tờ ‘Nhân dân nhật báo’ với tiêu đề: ‘Phải nắm vững kế hoạch cơ bản về [vấn đề] người kế nhiệm’, thì trong cùng ngày, kênh truyền thông được cho là của phe Tăng Khánh Hồng – tờ Duowei đã thực hiện động thái ‘dậu đổ bìm leo’ bằng cách đăng bài viết với tiêu đề: ‘Vì sao nói việc lựa chọn người kế nhiệm là vấn đề vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của ĐCSTQ’, trong đó phê bình kín đáo việc Tập Cận Bình không chỉ định người kế nhiệm, không nói rõ thời gian nghỉ hưu sẽ khiến ĐCSTQ diệt vong.
Những sự việc kiểu như thế vẫn… chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngày 9/12, tờ ‘Nhân dân nhật báo‘ đăng bài viết với tiêu đề: ‘Cải cách mở cửa là một sự thức tỉnh vĩ đại của đảng (học tập và quán triệt sâu sắc tinh thần Phiên họp toàn thể lần thứ 6 khoá 19)’.
Trong bài viết nhắc đến Đặng Tiểu Bình 9 lần, 1 lần nhắc đến ‘Tam đại biểu’ của Giang Trạch Dân, 1 lần nhắc đến ‘Quan điểm phát triển Khoa học’ của Hồ Cẩm Đào, nhưng không nhắc đến tên Tập Cận Bình. Đây là điều rất lạ.
Tập Cận Bình đang là người nắm quyền cao nhất trong ĐCSTQ, trong chốn quan trường, quan chức khen cựu lãnh đạo thì cũng nên nhắc đến lãnh đạo đương nhiệm, nhưng ở đây lại không đề cập đến tên của ông Tập.
Tiếp đó, ngày 18/12, tờ Tân Hoa Xã đăng ‘Thông cáo Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương‘, bề ngoài nói vẫn ủng hộ ông Tập đã làm tốt công tác kinh tế, “lấy tư tưởng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới của Tập Cận Bình làm chỉ đạo”; nhưng trong đó nhấn mạnh nhiều lần “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”.
Vấn đề “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” không được đề cập trong Thông cáo Hội nghị Kinh tế năm ngoái 2020, vì sao năm nay lại được đề cập? Thêm vào đó việc Tập Cận Bình nhiều lần ra chính sách kinh tế rồi ‘thu hồi’ hoặc ‘hoàn tác’ lại liệu có đảm bảo vị trí vững chắc của ông Tập trong đảng? Và bài viết trên tờ ‘Nhân dân nhật báo’ đăng ngày 9/12 muốn ám chỉ điều gì?
Là người am hiểu chính trường và hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 14/12 đã phân tích ‘Thông cáo Hội nghị Công tác Kinh tế’ của ĐCSTQ, bài viết trên tờ ‘Nhân dân nhật báo’ rồi nhận định đây là sự ‘phủ định biến tướng’ tư tưởng Tập Cận Bình; còn những hoạt động ‘hoàn tác’ hoặc ‘đảo ngược’ các chính sách kinh tế gần đây của ông Tập lại ươm mầm cho nguy cơ đảo chính kịch liệt trong tương lai.
Rốt cuộc sự thể ra làm sao, Giáo sư Chương đã phân tích lần lượt như sau.
Thông cáo Hội nghị Công tác Kinh tế và bài viết trên tờ ‘Nhân dân nhật báo’: phủ định biến tướng Tập Cận Bình
Thông cáo Hội nghị Công tác Kinh tế
Ngày 18/12, tờ Tân Hoa Xã đăng ‘Thông cáo Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương’, trong đó có một số vấn đề rất đáng chú ý.
Thông cáo đề cập: “Phải kiên trì phát triển với chất lượng cao, ‘lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm’ là yêu cầu trong đường lối cơ bản của đảng”.
Ở đây có một vấn đề được nhắc lại nhiều lần trong thông cáo chính là “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”. Vấn đề này không được đề cập trong Thông cáo Kinh tế năm ngoái 2020, tại sao lại đề cập trong năm nay?
Là một người am hiểu chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương giải thích rằng, “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” là đường lối của Đặng Tiểu Bình. Đường lối của Đặng Tiểu Bình phủ định Mao Trạch Đông, mà Tập Cận Bình lại muốn quay trở về thời Mao Trạch Đông, do đó đường lối của Đặng phủ định tư tưởng của Tập.
Bây giờ lại đề xuất đường lối của Đặng Tiểu Bình “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” chính là phủ định những thứ của ông Tập như: ‘công tư hợp doanh 2.0’, ‘tất cả cùng giàu’ (thịnh vượng chung) v.v.
Trong thông cáo còn viết: “Phải trù tính sao cho cân bằng việc phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội”, điều này nghĩa là không thể vì phòng chống dịch bệnh mà bỏ quên phát triển kinh tế, nhìn vào sâu hơn chính là phê phán cách phòng dịch tiêu cực như đóng cửa bế quan của ông Tập.
Đoạn tiếp theo nói rằng: “Điều chỉnh chính sách và thúc đẩy cải cách phải nắm vững ‘thời điểm mức độ và hiệu quả’ (Thời – Độ – Hiệu), không được ‘tiên lập hậu phá’, mà phải làm đâu chắc đó”.
Giáo sư Chương đánh giá, ở đây có từ “tiên lập hậu phá” rất đáng để phân tích. Mọi người biết rằng Tập Cận Bình đã tấn công nền tảng thương mại điện tử, giáo dục, công nghiệp trò chơi, giải trí, bất động sản v.v. Sau khi Tập Cận Bình ra loạt ‘tuý quyền’, giống như con voi lao vào cửa hàng đồ sứ, ông Tập lại thu hồi một số chính sách kinh tế của mình. Do đó trong thông cáo kinh tế mới nói rằng không được ‘tiên lập hậu phá’ (ban đầu lập, sau đó phá) gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Sau đó trong thông cáo còn nói: “Phải nắm rõ và nhận thức chính xác về ‘đỉnh điểm carbon, và trung hoà carbon’ (1). Đây rõ ràng cũng là phủ định những chính sách cắt giảm khí thải carbon của Tập Cận Bình. Bởi vì ông Tập đề cập đến ‘trung hoà carbon’ sau không cho nhà máy than nhiệt điện hoạt động, từ đó dẫn đến cắt điện khiến sản xuất đình trệ.
Phía sau còn có một số chỉ trích rất kín đáo đối với Tập Cận Bình. Trong đó viết như sau: “Cán bộ lãnh đạo phải nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác lãnh đạo kinh tế… Phát triển kinh tế xã hội là một công trình có hệ thống, cho nên phải xem xét chính trị và kinh tế, hiện thực và lịch sử, vật chất và văn hoá, phát triển và dân sinh, tài nguyên và sinh thái v.v. rất nhiều các phương diện cả trong và ngoài nước. Cán bộ lãnh đạo phải tăng cường học tập kiến thức kinh tế, kiến thức khoa học và công nghệ”.
Là người am hiểu hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ, Giáo sư Chương đánh giá đoạn này chính là châm biếm Tập Cận Bình, bởi vì khi chế định chính sách kinh tế, ông Tập đã không xem “phát triển kinh tế xã hội là một công trình có hệ thống”, đã không xem xét mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị một cách toàn diện, chỉ vì mục đích chính trị mà gây tổn hại cho nền kinh tế.
Hơn nữa đoạn này còn ‘nhắc khéo’ Tập Cận Bình không hiểu về kinh tế thì tốt nhất không nên chạm vào, ông Tập nên tăng cường học tập kiến thức kinh tế, khoa học và công nghệ, sau khi học xong thì hãy ra quyết định v.v. Đọc những lời này có cảm giác như là đang châm biếm ông Tập.
Phần phân tích về kinh tế sẽ được nói rõ hơn trong phần sau vì nó còn liên quan đến biến động chính trị kịch liệt trong tương lai.
Bài viết trên tờ ‘Nhân dân nhật báo’
Ngày 9/12, tờ ‘Nhân dân nhật báo’ đăng bài viết với tiêu đề: ‘Cải cách mở cửa là một sự thức tỉnh vĩ đại của đảng (học tập và quán triệt sâu sắc tinh thần Phiên họp toàn thể lần thứ 6 khoá 19)’.
Bài viết này rất dài và được đặt trong bản ‘Lý luận’ của tờ ‘Nhân dân nhật báo’. Bản ‘Lý luận’ của ‘Nhân dân nhật báo’ còn quan trọng hơn cả trang nhất của ‘Nhân dân nhật báo’, bởi vì trang nhất thường chỉ đưa những tin vô nghĩa như Tập Cận Bình đi đâu làm gì, nhưng bản ‘Lý luận’ trên thực tế là liên quan đến cơ sở tư tưởng quan trọng để chế định chính sách trong tương lai.
Bản lý luận của ‘Nhân dân nhật báo’ đăng ngày 9/12 mượn việc Phiên họp toàn thể lần thứ 6 khoá 19 đã thông qua ‘Nghị quyết lịch sử lần thứ ba’ để ca tụng… cải cách mở cửa và người thiết kế cải cách mở cửa – Đặng Tiểu Bình.
So với tất cả các bài ca tụng trước đây, thì bài viết lần này từ đầu đến cuối đều không nhắc đến tên Tập Cận Bình. Trong bài viết nhắc đến Đặng Tiểu Bình 9 lần, 1 lần nhắc đến ‘Tam đại biểu’ của Giang Trạch Dân, 1 lần nhắc đến ‘Quan điểm phát triển Khoa học’ của Hồ Cẩm Đào, nhưng không đề cập đến Tập Cận Bình dù chỉ một lần.
Giáo sư Chương cho rằng điều này rất lạ, chẳng khác gì hành động ‘vuốt mặt mà không nể mũi’, dù khen ngợi Đặng Tiểu Bình đến đâu thì cũng phải liên hệ thực tế là Tập Cận Bình đang là người nắm quyền lực cao nhất trong đảng, ít nhất cũng phải nhắc đến tên ông Tập, nhưng ở đây là hoàn toàn không thèm đề cập.
Trong ‘Thông cáo Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương’ đề cập đến đường lối Đặng Tiểu Bình với tư tưởng “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”, bản ‘Lý luận’ của tờ ‘Nhân dân nhật báo’ cũng nói về vấn đề này, do đó Giáo sư Chương nhìn nhận: bản thân những điều này chính là ‘phủ định biến tướng’ Tập Cận Bình.
Những lần hoàn tác/đảo ngược chính sách của Tập Cận Bình: Ươm mầm nguy cơ đảo chính
Cuối tháng 7, ĐCSTQ ra lệnh cấm dạy thêm khiến cho ngành giáo dục điêu đứng, những ông lớn trong ngành dạy kèm ở Trung Quốc như New Oriental Education & Technology và TAL Education bị… giảm 90% giá trị cổ phiếu. Nhưng đến đầu tháng 11, ĐCSTQ lại cấp giấy phép cho các công ty giáo dục và đào tạo tiếp tục dạy thêm ngoại khóa.
Hay như tình trạng cắt điện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, hiện nay ĐCSTQ cũng thu lại việc hạn chế giá điện. Đối với chính sách bất động sản cũng như vậy, ngày 20/8/2020, ĐCSTQ vẽ ‘3 đường giới hạn đỏ’ (2) cho các công ty bất động sản, đến giữa tháng 11 năm nay trên cơ bản nó đã xoá đi 3 đường giới hạn đó để cứu Evergrande và ngành bất động sản.
ĐCSTQ làm những chính sách kinh tế đó đều phải thông qua Tập Cận Bình, vậy thì việc ông Tập đảo ngược những chính sách kinh tế gần đây mang ý nghĩa gì?
Chúng ta biết rằng trong quá khứ khi ‘quyền thần soán vị’ họ dựa vào Thiên ý để làm điều đó. Ban đầu họ khuyên thoái vị, Hoàng đế có thể không nghe, nhưng Hoàng đế không thể không nghe Thiên ý. Hoàng đế nhìn thiên tượng, đoán Thiên ý, biết rằng khí số vương triều đã tận nên đành phải nhường ngôi cho ‘chân mệnh chi chủ’ tức người có Thiên mệnh tại thân.
Nhưng ĐCSTQ không thể nói về Thiên mệnh vì nó giảng ‘vô Thần luận’, nếu muốn tiếp tục làm lãnh đạo tối cao thì phải làm thế nào? Là người am hiểu về lịch sử và chính trị, Giáo sư Chương cho rằng: nếu muốn ổn định địa vị, người ấy phải nói bản thân ‘luôn đúng’.
Nhưng Tập Cận Bình ban hành một số chính sách kinh tế, sau đó rút lại, điều này chứng tỏ địa vị của ông Tập không ổn định. Đây là điều thứ nhất.
Điều thứ hai, Tập Cận Bình muốn đạt được địa vị ‘nhất tôn’ (lời lãnh đạo nói mới được tính), nhưng muốn làm được điều này, ông Tập phải đưa ra được một ‘lý niệm chấp chính thành thục’. Tập Cận Bình muốn sánh vai với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, vậy thì ông Tập có ‘triết học chấp chính’ nào không?
Triết học là đặt ở nơi đâu đều đúng, nói cách khác ở bất kỳ phương diện nào đều khởi tác dụng. Mao Trạch Đông có ‘lý luận đấu tranh giai cấp’. Trong nước Trung Quốc, Mao Trạch Đông dùng bộ lý luận này để chỉnh đốn Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, các đối thủ chính trị của ông ta. Ở nước ngoài ông cũng làm ‘đấu tranh giai cấp’, xuất khẩu hệ tư tưởng này sang các nước thế giới thứ ba (3) ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, bảo họ phải vùng lên, đấu tranh, giải phóng khỏi các nước thế giới thứ nhất. Đây là triết học đấu tranh giai cấp rất điển hình. Do đó các chính sách nội chính – ngoại giao của Mao Trạch Đông là nhất quán dưới sự chỉ đạo của một tư tưởng triết học.
Đặng Tiểu Bình là ‘chủ nghĩa thực dụng’, hay còn gọi là… Miêu luận – Lý thuyết mèo: Dù là mèo trắng hay mèo đen, biết bắt chuột là mèo tốt, làm tốt kinh tế chính là chủ nghĩa xã hội.
Đặng Tiểu Bình không tranh luận, không cần hỏi là tư bản chủ nghĩa hay là xã hội chủ nghĩa, kinh tế kế hoạch hay là kinh tế thị trường, chỉ cần làm kinh tế phát triển thì Đặng Tiểu Bình liền dùng. Đây là ‘chủ nghĩa thực dụng’ ở trong nước.
Còn ở nước ngoài cũng tương tự, chỉ cần giúp Đặng Tiểu Bình làm kinh tế thì ông đều kết bạn, không tranh cãi, không tranh luận, không xuất khẩu cách mạng, chỉ lo làm kinh tế. Đây là bộ lý luận của Đặng Tiểu Bình.
Còn tư tưởng và triết học của Tập Cận Bình là gì? Vấn đề này ai có thể nói rõ, ngay cả ông Tập cũng không biết.
Giáo sư Chương nhìn nhận Tập Cận Bình đang đối mặt với vấn đề phải cấp tốc xây dựng hệ thống lý luận dành cho riêng mình nhưng nhìn vào thực tế thì điều này không thể thực hiện được. Ông Tập định ra một chính sách kinh tế rồi rút lại, định ra chính sách khác rồi rút lại, cứ hoàn tác như thế, điều này chứng tỏ chính sách đó không ‘linh’ – không hoạt động tốt.
Nếu chính sách không ‘linh’, Tập Cận Bình sẽ đối mặt với vấn đề gì? Thứ nhất ‘lý luận’ không có, thứ hai ‘thực tiễn’ không thành, vậy thì ông Tập dựa vào điều gì để làm lãnh đạo cao nhất? Như vậy Tập Cận Bình có thể đối diện với những thách thức trong đảng, vì cảm giác an toàn ông Tập sẽ càng nắm chặt quyền lực, mà càng nắm đến cuối cùng, lại càng ảnh hưởng đến quyền lợi các bên trong đảng. Do đó Giáo sư Chương nhìn nhận, Tập Cận Bình chỉ cần hơi nới lỏng tay, khả năng cao chúng ta sẽ thấy một cuộc chính biến kịch liệt.
Đối với ĐCSTQ, sự kiện quan trọng nhất diễn ra vào năm sau 2022 không phải là Olympic mùa đông Bắc Kinh, cũng không phải là Paralympics, mà là Đại hội 20. Liệu với tình hình kinh tế như hiện nay, địa vị ông Tập có ổn định để tạo tiền đề cho việc tái đắc cử vào năm sau, chúng ta chỉ có thể chờ xem.
Mạn Vũ
Chú thích:
(1) Đỉnh điểm carbon – peak carbon dioxide emissions: lượng khí thải carbon dioxide cao nhất.
Trung hoà carbon – carbon neutrality: trung hòa khí thải carbon dioxide.
(2) 3 đường giới hạn đỏ là 3 điều kiện để doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục vay ngân hàng:
+ Tỷ lệ nợ / tài sản ròng không được quá 70%. Nói đơn giản bạn có 100 triệu nhưng đó không phải là tài sản của bạn, vì bạn nhận tiền của khách hàng nhưng chưa xây xong nhà, bạn trừ khoản nhận đó đi, thì phần còn lại là tài sản ròng. Vậy thì bạn không được nợ quá 70% tài sản ròng đó.
+ Tỷ lệ nợ ròng (Net Liabilities) không được quá 100%. Điều này nghĩa là tài sản ròng của bạn cộng thêm khoản nhận trước từ khách hàng, bạn không được nợ trên 100% tổng số tiền đó.
+ Hệ số nợ ngắn hạn: Tỷ số hiện kim (tiền mặt) / nợ ngắn hạn. Hệ số này không được nhỏ hơn 1. Điều này nghĩa là những khoản nợ ngắn hạn (ví như lãi ngân hàng hàng tháng/hàng quý không được nhiều hơn số tiền mặt bạn có trong tay.
Evergrande có Tỷ lệ nợ ròng là gần 200%, hệ số nợ ngắn hạn là 0,4 (nợ 10 mà trong tay có 4), đã chạm 3 đường giới hạn đỏ.
(3) Trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, người ta phân: nước thế giới thứ nhất gồm Mỹ – Xô; các nước thế giới thứ ba ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, các nước còn lại thuộc thế giới thứ hai.