Thực hiện ‘chiến lược bao vây’, Trung Quốc để mắt đến nước láng giềng của Afghanistan

J.M. Phelps

Ngoại trưởng Tajikistan Sirojiddin Muhriddin tham dự hội nghị đa phương về Afghanistan, tại thủ đô Tehran của Iran hôm 27/10/2021. (Ảnh: Atta Kenare/AFP/Getty Images)Đông Dương

Khi chính quyền Trung Quốc quyết chí lấp khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại ở Afghanistan, thì nước láng giềng Tajikistan cũng lọt vào tầm ngắm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh. Đất nước nhỏ bé không giáp biển này là đối tượng mới nhất trong các mối quan tâm của nhà cầm quyền này ở Trung Á.

Chính quyền Trung Quốc sẽ chi 8.5 triệu USD để xây dựng một tiền đồn cho một đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát Tajikistan gần biên giới với Afghanistan. Các kế hoạch cho tiền đồn an ninh này đã được công bố hôm 28/10. Theo một phát ngôn viên của Quốc hội Tajikistan, “Toàn bộ việc thi công đều do phía Trung Quốc tài trợ, [và] sau khi hoàn công, căn cứ này sẽ được chuyển giao cho [cảnh sát] Tajikistan”.

Theo các chuyên gia, nhà cầm quyền Trung Quốc lo ngại về Đảng Hồi Giáo Turkistan (TIP), tiền thân là Phong trào Hồi Giáo Đông Turkistan. Được thành lập ở vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc, tổ chức cực đoan Hồi Giáo dân tộc Duy Ngô Nhĩ này đã sát cánh chiến đấu cùng Taliban để chống lại Hoa Kỳ và các lực lượng NATO ở Afghanistan. Tổ chức này hy vọng sẽ thành lập được một nhà nước độc lập ở Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc đã đang tiến hành một chiến dịch đàn áp mở rộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc Hồi Giáo khác.

Ông Bill Roggio, thành viên cao cấp tại Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ (FDD) và là biên tập viên của Tạp chí Chiến tranh Dài hạn của FDD, nói với The Epoch Times rằng Đảng Hồi Giáo Turkistan là một mối quan tâm chính đáng đối với nhà cầm quyền Trung Quốc. Một nhóm khác là Jamaat Ansarullah, được biết đến là nhánh Tajikistan của Taliban, có liên kết chặt chẽ với Đảng Hồi Giáo Turkistan và là mối đe dọa đối với cả Trung Á và Trung Quốc, ông nói.

Do đó, theo ông Roggio, một tiền đồn an ninh ở Tajikistan có thể được sử dụng như “một căn cứ hoạt động tiền phương hoặc một trạm đánh chặn thông tin liên lạc điện tử” để hiểu rõ hơn về các mối đe dọa trong khu vực — một lợi ích to lớn cho cả Tajikistan và Trung Quốc.

Theo ông Roggio, Tajikistan rất quan tâm đến vấn đề an ninh và đã “chín muồi” cho một mối quan hệ an ninh với Trung Quốc. Ông xem Tajikistan là một “nước tùy tùng”* duy nhất không hoàn toàn chấp nhận sự cai trị của Taliban ở Afghanistan. “Ví dụ, Turkmenistan và Uzbekistan có vẻ dễ bảo hơn một chút đối với Taliban”.

Cảnh giác với khả năng Taliban kiểm soát hoặc tiêu diệt các nhóm như Đảng Hồi Giáo Turkistan và Jamaat Ansarullah, ông Roggio tin rằng nhà cầm quyền Trung Quốc có cơ hội gia tăng ảnh hưởng ở Tajikistan, đồng thời củng cố ảnh hưởng của mình trong những năm tới [khi tự mình giải quyết vấn đề này].

Bao vây và cạnh tranh

Thiếu tướng đã về hưu Jeffrey Schloesser — chỉ huy trưởng Sư đoàn Dù 101 của Lục quân Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Khu vực Phía Đông của NATO ở Afghanistan — đã nói chuyện với The Epoch Times về động cơ và chiến lược dài hạn của Bắc Kinh. Ông nói rằng điều quan trọng nhất là nhận ra “khả năng duy trì cuộc chơi dài hơi” của họ.

Ông Ben Varlese, một cựu thượng sĩ của trung đội Bộ binh Miền núi Lục quân Hoa Kỳ và chuyên gia an ninh toàn cầu, có đồng quan điểm. Ông tuyên bố rằng “chính quyền Trung Quốc không bao giờ làm điều gì đó trước mắt, mà các hành động của họ luôn luôn là một cuộc chơi dài hơi”.

Rõ ràng là nhà cầm quyền Trung Quốc quan tâm đến việc cạnh tranh ở Trung Á trên nhiều mặt, bao gồm cả quân sự, ngoại giao, và kinh tế, theo ông Roggio. Ông cho rằng việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan đã thổi bùng các mối quan tâm lợi ích của Bắc Kinh trong khu vực.

Ông Varlese nói, “khoảng trống do cuộc rút quân này để lại tạo ra một lối đi cho chính quyền Trung Quốc dễ dàng tiến vào khu vực này.” Ông nói, “chẳng bao lâu nữa, họ sẽ bắt đầu khẳng định quyền bá chủ khu vực của riêng mình, dấn thân sâu hơn vào Trung Á và Afghanistan”.

Để khẳng định thêm ảnh hưởng đối với Afghanistan, ông Schloesser cho biết nhà cầm quyền này có ý đồ phô diễn bản thân xung quanh quốc gia Nam Á này thông qua cái mà ông gọi là “chiến lược bao vây”.

Chiến lược này bao gồm có sự hiện diện ở nhiều điểm khác nhau xung quanh Afghanistan.

Ông cho rằng việc thiết lập gốc rễ ở Tajikistan tại phía bắc của Afghanistan là “một bước đi thực sự khôn ngoan của chính quyền Trung Quốc về mặt chiến lược. Nó cung cấp một lối vào tương lai.” Một cảng biển lớn vốn dĩ đã tồn tại ở Pakistan, phía nam Afghanistan. Đó là Cảng Gwadar, do Bộ trưởng Hàng hải Pakistan và Công ty Cảng Hải ngoại Trung Quốc (COPHC) đồng kiểm soát.

Vì Trung Quốc là đối tác chiến lược cũng như thương mại hàng đầu của Iran, nên ông Schloesser không coi phương Tây là một ưu tiên vào thời điểm này. Tuy nhiên, ông dự đoán sẽ được chứng kiến một lối vào phát triển ở Pakistan gần Jalalabad, trên biên giới phía đông của Afghanistan.

Khi chiến lược của nhà cầm quyền này rõ ràng là bao vây Afghanistan, ông sẽ không ngạc nhiên khi “thấy mức độ thâm nhập sâu hơn vào đất nước này trong vài năm tới”.

Sự hiện diện mang ảnh hưởng

Lý do kinh tế không phải là ưu tiên hàng đầu của khoản đầu tư trị giá nhiều triệu dollar của Trung Quốc ở Tajikistan, theo ông Schloesser. “Lý do số một hoàn toàn là một lý do chiến lược đặt ảnh hưởng quân sự và ngoại giao lên hàng đầu”.

“Trung Quốc không còn là cường quốc khu vực ở Á Châu; họ là một cường quốc tầm thế giới,” ông Schloesser nói. Ông cho rằng việc thiết lập sự hiện diện ở một số lượng quốc gia lớn, bao gồm cả Tajikistan, cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc có năng lực “sử dụng nhiều ảnh hưởng hơn”.

Ông Schloesser cho biết những cải tiến đối với cơ sở hạ tầng của Tajikistan có thể chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng. Rốt cuộc thì, ông nói rằng chính quyền Trung Quốc đang tìm cách bố trí các lực lượng ngoại giao, tình báo, và quân sự của họ trên khắp thế giới, và khu vực phía bắc Afghanistan là mối quan tâm của họ.

Ông Roggio gọi kế hoạch xây dựng tiền đồn an ninh của nhà cầm quyền Trung Quốc là “một kịch bản quân sự tinh vi hơn là một kịch bản quân sự công khai”. Ông coi Đảng Cộng sản Trung Quốc là “một tác nhân xấu ác” đối với Đài Loan, nhưng ông không tin rằng việc phô diễn tất cả sức mạnh quân sự của họ gần Afghanistan là “một kịch bản chính” đối với nhà cầm quyền này. Thay vào đó, “điều này tốt nhất có thể được miêu tả như là một hoạt động lan tỏa ảnh hưởng tinh vi,” ông nói.

Trong ngắn hạn và trung hạn, ông Roggio không dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có “bất kỳ nguyện vọng thực sự nào về việc chiếm đóng công khai” ở Afghanistan. Ông lưu ý rằng nhà cầm quyền Trung Quốc có thể sẽ bị ngăn chặn sau bốn thập niên Hoa Kỳ và Nga can thiệp vào Afghanistan. “Việc chiếm đóng có lẽ là một cuộc chơi mà họ không muốn tham gia”.

Tuy nhiên, ông nói, “có sự hiện diện hoặc một số ảnh hưởng ở Afghanistan không giống như đang dốc toàn lực.” Mặc dù ông Roggio nói rằng ông không muốn đánh giá quá cao nhà cầm quyền Trung Quốc, nhưng ông đoán rằng “họ hiểu được những hạn chế của mình trong khu vực này”.

Ông Roggio nói, họ đang làm tất cả những gì có thể để tránh xung đột trong khu vực. “Người Trung Quốc đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và gia tăng dấu ấn của họ”.

Còn theo ông Varlese, “Đó là một nước đi dùng quyền lực mềm để cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng dưới vỏ bọc của một hoạt động bảo an”.

Mỗi chuyên gia đều nhất trí rằng, các nước đi của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Tajikistan là một phần của một chiến lược dài hơi. Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấn sân sang Trung Á, giành được mức độ ảnh hưởng phù hợp nhất với các nhu cầu về quân sự, ngoại giao, và kinh tế của họ.

Mối quan hệ mang tính hủy diệt 

Tajikistan là quốc gia nghèo nhất Trung Á, và như ông Schloesser đã chỉ ra, “Không có gì là bí mật khi Trung Quốc đầu tư vào các quốc gia không thể tài trợ cho cơ sở hạ tầng của chính họ”. Ông nói thêm, các lợi ích chiến lược của nhà cầm quyền Trung Quốc dường như lớn hơn chi phí đầu tư của họ trên khắp thế giới.

Ông Schloesser nói rằng nước cờ cuối cùng là nhà cầm quyền Trung Quốc muốn tiếp cận nhiều hơn với Afghanistan — và ông xem Tajikistan là một bên tham gia tuyệt vời vào kế hoạch này của họ. “Cuối cùng, sẽ có một áp lực rất lớn lên Tajikistan để về căn bản là làm mọi thứ theo cách của Trung Quốc”.

Bằng cách hợp tác với người Tajikistan, ông Varlese cho biết chính quyền Trung Quốc đang tạo ra một tấm gương để Taliban chứng kiến. “Bằng cách thúc đẩy mối quan hệ với Tajikistan, điều đó sẽ cho Taliban thấy rằng họ có thể là một đối tác lâu dài trong tương lai,” ông nói.

Theo ông Varlese, ĐCSTQ sẽ cuỗm lấy các mỏ khoáng sản trị giá ước tính 1 ngàn tỷ USD của Afghanistan khi họ tiếp tục nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Ông nói, “Chính quyền Trung Quốc bây giờ có thể trông như một nhà hảo tâm hiền từ, nhưng không sớm thì muộn, họ cũng sẽ lộ tẩy bản chất thật của mình — và các mỏ của Afghanistan sẽ bị tước đoạt khỏi họ”.

Chú thích của người dịch:

  • (*) Nguyên văn từ “stan” là một từ ghép kết hợp giữa “fan” và “stalker”, có nghĩa đen chỉ một người hâm mộ (fan) quá cuồng nhiệt đến mức thành kẻ theo dõi (stalker).

Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts