Trung Quốc cắt giảm lãi suất đi vay nhiều hơn dự kiến ​​trong bối cảnh kinh tế suy thoái

Ảnh chụp trụ sở chính của ngân hàng trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 07/08/2011. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images)

THƯỢNG HẢI – Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tham chiếu chuẩn đối với các khoản vay thế chấp theo một biên độ rộng bất ngờ hôm thứ Sáu (20/05), lần giảm thứ hai trong năm nay.

Nền kinh tế của đất nước đã bị ảnh hưởng sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt các hạn chế COVID-19 cực đoan, gây ra những gián đoạn lớn cho hoạt động [kinh tế].

Trong một đợt ấn định hàng tháng, Trung Quốc đã hạ lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm (LPR) 15 điểm cơ bản xuống 4.45%, mức giảm lớn nhất kể từ khi Trung Quốc sửa đổi cơ chế lãi suất trong năm 2019, nhiều hơn 5 hoặc 10 điểm cơ bản như hầu hết nhận định trong một cuộc thăm dò của Reuters. LPR một năm không thay đổi ở mức 3.70%.

Chỉ số chứng khoán chuẩn của nước này, Shanghai Composite Index, đã tăng khoảng 1% vào đầu phiên giao dịch sau đợt cắt giảm lãi suất hôm thứ Sáu (20/05). Hành động này không kích thích được cổ phiếu địa ốc niêm yết ở đại lục, vốn đang đi ngang, mặc dù cổ phiếu của các nhà phát triển địa ốc niêm yết ở Hồng Kông đã nhích lên một chút.

Nhiều nhà kinh tế thuộc khu vực tư nhân kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ thu hẹp trong quý này so với một năm trước đó, so với mức tăng trưởng 4.8% của quý đầu tiên. Các chỉ số từ cho vay tín dụng, sản lượng công nghiệp, và doanh số bán lẻ cho thấy các biện pháp nghiêm ngặt liên quan đến COVID và các hạn chế di chuyển đã gây thiệt hại nặng nề.

Một lực cản quan trọng đối với tăng trưởng là lĩnh vực địa ốc. Ngành địa ốc và các ngành liên quan như xây dựng chiếm hơn một phần tư nền kinh tế.

Doanh số bán địa ốc của Trung Quốc trong tháng Tư đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 16 năm, trong khi giá bán nhà mới lần đầu tiên giảm so với tháng trước kể từ hồi tháng 12/2021, do nhu cầu yếu trong bối cảnh diễn ra các đợt phong tỏa COVID-19 trên diện rộng.

Không còn nhiều cơ hội cắt giảm lãi suất tiếp 

Ngân hàng trung ương đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế đang chậm lại, nhưng các nhà phân tích cho rằng khả năng để nới lỏng chính sách có thể bị hạn chế bởi những lo lắng về dòng vốn chảy ra ngoài, khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất.

Capital Economics tin rằng việc không có mức cắt giảm LPR trong một năm cho thấy ngân hàng trung ương có thể lo ngại về tác động tiềm tàng đối với dòng vốn chảy ra và đồng nhân dân tệ.

LPR là tỷ lệ cho vay tham chiếu do 18 ngân hàng ấn định hàng tháng và do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố. Các ngân hàng sử dụng LPR 5 năm để định giá các khoản thế chấp, trong khi hầu hết các khoản vay khác dựa trên lãi suất một năm. Cả hai tỷ giá đã được hạ trong tháng Một để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Marco Sun, trưởng nhóm phân tích thị trường tài chính tại MUFG Bank, cho biết, việc cắt giảm hôm thứ Sáu (20/05) cho thấy “tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với sự kháng cự ngày càng tăng trong năm nay.”

18 trong số 28 nhà giao dịch và nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters đã dự báo cắt giảm một trong hai lãi suất, trong đó có 12 người dự kiến ​​cắt giảm 5 điểm cơ bản cho mỗi kỳ hạn.

Một chiến dịch của chính quyền Trung Quốc nhằm giảm mức nợ cao đã trở thành cuộc khủng hoảng thanh khoản hồi năm ngoái đối với một số nhà phát triển địa ốc lớn, dẫn đến các vụ vỡ nợ trái phiếu và các dự án bị đình trệ, làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết, kể từ đầu năm nay, tất cả 22 công ty phát hành [các sản phẩm tài chính] lãi suất cao của Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD hoặc thực hiện hoán đổi trái phiếu đều có liên quan đến lĩnh vực địa ốc đang gặp khó khăn của nước này. Hôm thứ Sáu (20/05), ngân hàng này cho biết họ dự kiến ​​khoảng một phần ba các công ty địa ốc lợi suất cao của Trung Quốc sẽ vỡ nợ vào năm 2022, với những căng thẳng về trái phiếu ngày càng tăng thông qua việc gia hạn các kỳ hạn thanh toán.

Tuần này (16-22/05), các cơ quan tài chính đã cắt giảm mức sàn của lãi suất thế chấp đối với một số người mua nhà. Nhưng chỉ riêng biện pháp đó và việc cắt giảm hôm thứ Sáu (20/05) sẽ không làm giảm bớt tình hình căng thẳng về tài chính cho các nhà phát triển địa ốc, nhiều người trong số họ đang chật vật với việc tái cấp vốn cho các khoản nợ.

Gần đây, cổ phiếu địa ốc đã tăng trở lại, nhưng phản ứng bằng cách im lặng trước việc cắt giảm hôm thứ Sáu (20/05) cho thấy một số nhà đầu tư nghĩ rằng điều đó có thể không đủ để vực dậy lĩnh vực đang gặp khó khăn này.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts