Luật chống lao động cưỡng bức mới sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá vì tội ác diệt chủng ở Tân Cương

Lorenzo Puertas

Nông dân hái bông trên những cánh đồng trong mùa thu hoạch ở Hami, Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 20/9/2015 (Ảnh: STR/AFP/Getty Images) Bình luận

Luật mới của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc sử dụng lao động nô lệ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc có khả năng làm gián đoạn một cách nghiêm trọng ngành công nghiệp thời trang Mỹ trị giá 150 tỷ USD. Đang gặp nguy cơ ở đây là quyền tiếp cận của ngành công nghiệp này đối với 20% bông trên thế giới được sản xuất trong khu vực này, và số phận của 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại giam của Trung Quốc ở đó.

Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), được ký thành luật vào tuần trước, là nỗ lực mới nhất và mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Theo các chuyên gia trong ngành, UFLPA có thể làm tăng đáng kể giá bông, khiến việc nhập cảng nhiều sản phẩm may mặc bằng vải bông bị ngừng lại, và gây căng thẳng hơn nữa cho các chuỗi cung ứng từ các nhà sản xuất Á Châu đến người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Luật mới tạo ra một giả định hợp pháp rằng tất cả hàng hóa được sản xuất tại Tân Cương hoặc từ các nguyên liệu thô của Tân Cương đều được sản xuất bằng lao động cưỡng bức — và do đó bị cấm nhập cảng vào Hoa Kỳ. Các nhà nhập cảng Hoa Kỳ sẽ có trách nhiệm cung cấp bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” rằng nhà cung cấp của họ ở Tân Cương không sử dụng lao động cưỡng bức.

Việc cung cấp bằng chứng như vừa nêu có thể là khó khăn, hoặc là không thể, dẫn đến một lệnh cấm trên thực tế đối với các sản phẩm của Tân Cương, và tất cả các mặt hàng của Trung Quốc có liên quan đến Tân Cương.

Kể từ năm 2014, các nhóm nhân quyền đã ghi chép lại cuộc đàn áp có hệ thống đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng những người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù làm lao động cưỡng bức trong các nhà máy và trong nông nghiệp. Năm 2020, Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (pdf) đã phát hiện ra rằng Nike, Coca-Cola, Costco, Calvin Klein, Patagonia, và nhiều tập đoàn khác của Hoa Kỳ “bị nghi ngờ đã trực tiếp sử dụng lao động cưỡng bức hoặc tìm nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức.”

Sau nhiều năm các nhóm nhân quyền vận động hành lang, năm 2020, Hoa Kỳ bắt đầu hạn chế nhập cảng các sản phẩm do bốn công ty Tân Cương bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 01/2021, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã ra lệnh ngừng nhập cảng bông và cà chua từ Tân Cương. Cuối tháng đó, luật UFLPA đã được giới thiệu tại Quốc hội nhằm cố gắng ngăn chặn tất cả các hoạt động nhập cảng từ khu vực này.

Những nỗ lực nhằm gây áp lực lên chính quyền Trung Quốc này đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các đại công ty sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc. Theo một báo cáo tháng 11/2020 của The New York Times, Apple, Nike, và Coca-Cola là một trong những đại công ty đang vận động hành lang để làm suy yếu hoặc ngăn chặn luật mới này.

Ngành công nghiệp thời trang đã đặc biệt thẳng thắn. 1/5 sản lượng bông trên thế giới được trồng ở Tân Cương, sau đó được gửi đến các nhà máy và nhà sản xuất quần áo trên khắp Trung Quốc và các nhà sản xuất trên khắp thế giới.

Trong lời khai trước Quốc hội, ông Stephen Lamar, chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ, cho biết ngành của ông đang nỗ lực loại bỏ bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất bởi lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng của mình, “nhưng với tư cách là một quốc gia, chúng ta chỉ đơn giản là không có khả năng hoặc năng lực để áp dụng, hoặc tuân thủ, hoặc thực thi … luật được đề xướng này.”

Ông nói: “Một đạo luật như vậy chắc chắn sẽ lên trang nhất, nhưng sẽ tàn phá nhân quyền, sự phát triển kinh tế, và các chuỗi cung ứng hợp pháp, bản thân những điều này vốn đã bị COVID-19 đánh bại trên toàn thế giới.”

Cột mốc

Luật mới là một thắng lợi lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ và pháp quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Peter Irwin thuộc Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ.

“Luật mới này là một cột mốc quan trọng,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. “Việc các công ty vờ như họ không biết chuyện gì đang xảy ra ở Tân Cương đã kết thúc.”

“Điều quan trọng nhất của luật này là nó yêu cầu các nhà nhập cảng xuất trình bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng sản phẩm của họ không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.”

Giống như các nhà sản xuất hàng may mặc, ông Irwin cũng kỳ vọng luật mới sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng bông và các sản phẩm khác từ Tân Cương và các khu vực khác của Trung Quốc. Nhưng, ông cho thấy, mục đích của luật này chính là để làm như vậy.

Ông Irwin nói: “Luật này áp đặt phí tổn kinh tế lên Trung Quốc đối với những gì họ đang làm ở Tân Cương. Tất nhiên, phải có một cái giá để thực hiện điều mà chính phủ Hoa Kỳ đã gọi là một cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ.”

Hoa Kỳ và các quốc hội phương Tây khác đã coi chiến dịch đàn áp của Bắc Kinh đối với các dân tộc thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nói rằng chính quyền Trung Quốc đang thực hiện ít nhất hai tội ác diệt chủng khác: nhằm vào người Tây Tạng, và các học viên Pháp Luân Công.

Bông Tân Cương có giá trị: sản lượng ước tính khoảng 5 triệu tấn mỗi năm, trị giá khoảng 10 tỷ USD theo giá thị trường hiện tại. Hầu hết sản lượng này là bông chất lượng cao, có sợi cực dài được sử dụng trong hàng may mặc.

Bông Tân Cương có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Hơn một nửa lượng bông của Tân Cương được xuất cảng để [phục vụ] cho ngành sản xuất hàng may mặc ở Bangladesh, Việt Nam, Mexico, Philippines, và nhiều nước khác, theo một nghiên cứu hồi tháng Mười Một của giáo sư Laura Murphy thuộc Đại học Sheffield Hallam.

Trong báo cáo nghiên cứu của mình, có nhan đề “Laundering Cotton: How Xinjiang Cotton is Obscured in International Supply Chains” (tạm dịch: “Rửa” Bông: Bông Tân Cương bị che giấu như thế nào trong các chuỗi cung ứng quốc tế), bà Murphy đã ghi lại chiến lược xuất cảng mà ngành bông Trung Quốc sử dụng để che giấu nguồn gốc bông và mối liên hệ của ngành này với lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Bằng cách sử dụng dữ liệu hải quan có thể truy cập công khai, nhóm nghiên cứu của bà Murphy có thể truy tìm nguồn gốc của bông từ cánh đồng đến hàng may mặc thành phẩm của các công ty bao gồm H&M, Nike, Levi’s, Uniqlo, Patagonia, và “103 thương hiệu quốc tế nổi tiếng … có nguy cơ cao sử dụng bông Tân Cương trong chuỗi cung ứng của họ.”

Áp lực

Sáng kiến ​​Bông Tốt Hơn (BCI), một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại London với các thành viên bao gồm Nike, H&M, và Uniqlo, đã khiến nhà cầm quyền Trung Quốc phẫn nộ vì lập trường của họ với bông từ Tân Cương, buộc nhà cầm quyền này phải dịu giọng.

Tháng 03/2020, tổ chức tập trung vào tính bền vững này đã đình chỉ các hoạt động cấp phép và bảo đảm ở Tân Cương vì cái mà tổ chức này gọi là “những cáo buộc dai dẳng về lao động cưỡng bức.” Vài tháng sau, BCI thông báo rằng họ đã ngừng tất cả các hoạt động thực địa trong khu vực vì “các cáo buộc liên tục về lao động cưỡng bức và các vi phạm nhân quyền khác.”

Đáp lại, nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đã hướng một cơn bão chỉ trích vào các thương hiệu thời trang phương Tây, khơi mào cho những lời kêu gọi tẩy chay. Các chủ đất cho thương hiệu H&M thuê cửa hàng đã không cho họ thuê nữa vì một tuyên bố trên trang web của công ty này bày tỏ lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Ngoài ra, hàng chục người nổi tiếng Trung Quốc đã bỏ hợp đồng với các công ty thành viên của BCI.

Trong bối cảnh [bị gây] áp lực này, BCI bắt đầu thay đổi giọng điệu của mình. Cuối tháng 03/2021, văn phòng BCI Trung Quốc nói với Reuters rằng họ “chưa bao giờ tìm thấy một trường hợp nào liên quan đến lao động cưỡng bức.” BCI sau đó đã xóa các tuyên bố trước đó khỏi trang web của mình.

Một tuyên bố gần đây giải thích rằng BCI hiện đang tập trung vào việc giúp các nhà sản xuất truy tìm nguồn gốc bông của họ.

“Các nhà bán lẻ và thương hiệu cần tích hợp cả tính bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc vào các phương thức kinh doanh tiêu chuẩn của họ. BCI đã cung cấp cho các công ty một phương thức mạnh mẽ để hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp bền vững và sinh kế của nông dân, và hiện chúng tôi đang tập trung chú ý vào việc làm cho chuỗi cung ứng bông cũng trở nên dễ theo dõi hơn.”

Đáp lại một yêu cầu bình luận, BCI đã nói với The Epoch Times rằng họ không có bình luận nào khác ngoài tuyên bố trên trang web của mình.

Ông Irwin của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ cho biết luật mới cho thấy rằng [đây] chỉ là một sự khởi đầu.

“Trung Quốc sẽ không dễ dàng lùi bước,” ông nói với The Epoch Times. “Xuất cảng bông là một nhân tố đóng góp lớn cho nền kinh tế Tân Cương, và ngành công nghiệp may mặc là rất quan trọng đối với Trung Quốc.”

“Nó không chỉ là bông,” ông cho biết. “Tân Cương có một lượng lớn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản, ngành sản xuất, và nông nghiệp. Nhưng hãy nhớ rằng, vấn đề không chỉ là kinh tế, và không chỉ là lao động cưỡng bức — mà là tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại.”

Minh Ngọc biên dịch

Related posts