Cựu bác sĩ đội tuyển thể thao quốc gia tiết lộ: VĐV Trung Quốc dùng chất kích thích

Đông Phương

Bức ảnh chụp bà Tiết Ấm Nhàn (Xue Yinxian) – cựu bác sĩ đội tuyển thể thao quốc gia Trung Quốc ở Đức vào năm 2017. (The Epoch Times)

Cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề “Thuốc độc Trung Quốc” sẽ tiết lộ những câu chuyện bên trong ngành thể thao nước này. Cuốn sách này do ông Dương Vĩ Đông (Yang Weidong) biên soạn từ 68 cuốn nhật ký công việc của mẹ ông – bà Tiết Ấm Nhàn (Xue Yinxian) – cựu bác sĩ đội tuyển thể thao quốc gia Trung Quốc. Ông Dương nói, thời gian xuất bản được ấn định vào Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp tới, nhằm nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn vi phạm tinh thần Olympic.

Bà Tiết Ấm Nhàn, cựu bác sĩ của đội tuyển thể thao quốc gia Trung Quốc, đã đào thoát khỏi Trung Quốc vào năm 2017 và mang theo 68 cuốn nhật ký công việc. Cuốn sách sắp được xuất bản tới đây sẽ tiết lộ nội tình về việc các vận động viên Trung Quốc dùng thuốc cấm. 

Vận động viên Trung Quốc dùng chất kích thích vì đáp ứng ‘yêu cầu của chế độ’

Ông Dương Vĩ Đông đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài Á Châu Tự do (RFA) vào ngày 6/1. Theo đó, bà Tiết viết trong nhật ký rằng các vận động viên Trung Quốc bắt đầu dùng thuốc cấm vào năm 1978. Vào ngày 11/10 cùng năm, ông Trần Tiên (Chen Xian), lúc đó là Phó Giám đốc Ủy ban Thể thao Nhà nước Trung Quốc, đã chủ trì cuộc họp tại Sở Y vụ thuộc Cục Huấn luyện của Ủy ban này. Bà Tiết cũng có mặt tại cuộc họp trên. Vào thời điểm đó, bà là bác sĩ của đội bóng rổ tại Sở Y vụ. Ông Trần Tiên nói tại cuộc họp rằng, hiện nước ngoài đều đang dùng chất kích thích, “Tại sao chúng ta không thể dùng?”. Lịch sử dùng thuốc cấm của các vận động viên Trung Quốc cũng bắt đầu từ đây.

Khi đó Trung Quốc vừa kết thúc “Cách mạng Văn hóa”, vật chất thiếu thốn trầm trọng, ngay cả mua đồ ăn cũng phải dựa vào tem phiếu, làm sao mà thể lực của các vận động viên có thể nhanh chóng trở nên cường tráng và tham gia thi đấu quốc tế được? Chỉ có thể dựa vào chất kích thích.

Vận động viên gặp phản ứng phụ sau khi dùng chất kích thích

Sau năm 1981, đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc liên tiếp đạt quán quân trên trường quốc tế. Trên thực tế, từ khoảng năm 1980, bà La Duy Ti (Luo Weisi), bác sĩ của đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc, đã bắt đầu nghiên cứu về tác dụng của chất kích thích. Bà La đã xuất bản hai bài báo về việc các vận động viên uống viên sắt (Iron(II) sulfate hoặc ferrous sulfate) trên tạp chí Khoa học Thể thao Trung Quốc (China Sport Science) vào năm 1982. Lượng sắt tiêu thụ hàng ngày của một người bình thường là 10 đến 15 microgam, trong khi lượng tiêu thụ hàng ngày của những vận động viên đó là 600 đến 800 microgam. Sau khi uống, cơ thể không tiêu hóa được, các nguyên tố sắt này sẽ bị tích tụ trong cơ thể, nhiều năm sau mới xuất hiện vấn đề.

Các vận động viên Trung Quốc đầu tiên sử dụng thuốc cấm là đội bóng bàn, cử tạ, điền kinh và bơi lội. Trong giai đoạn thử nghiệm sau đó, tất cả các vận động viên đều dùng chất kích thích, kể cả Lang Bình (Lang Ping), tay đập nổi tiếng của đội bóng chuyền nữ Trung Quốc lúc bấy giờ. “Vào những năm 1980, cô ấy mới ngoài 20 tuổi, làm sao có năng lực để chống lại yêu cầu dùng chất kích thích của chế độ?”, bà La Duy Ti đã nêu tên Lang Bình trong bài báo đăng vào thời điểm đó.

Sau đó, những vận động viên này đều gặp phải các phản ứng phụ. Họ xuất hiện triệu chứng đau đầu không thể giải thích, đau nhức cơ thể và gây ra một số chấn thương trong vận động mà đáng ra không thể có.

Từ năm 1978 đến năm 1985, bà Tiết Ấm Nhàn giữ chức Tổ trưởng Tổ Giám sát y tế trong Sở Y vụ của Cục Huấn luyện – cơ quan thuộc Ủy ban Thể thao Nhà nước Trung Quốc. Hàng tuần, Sở Y vụ đều tổ chức học tập nghiệp vụ cho mỗi đội và các vấn đề mà mỗi đội gặp phải đều phải báo cáo cho bà Tiết. Bà đã ghi lại những vấn đề này vào nhật ký. Cuốn sách sắp xuất bản sẽ công khai nhiều câu chuyện bên trong.

Vận động viên dễ bị đứt gân gót chân vì dùng hormone

Vào tháng 11/1987, bà Tiết đã đăng một bài báo dưới danh nghĩa của tất cả các bác sĩ trong nhóm y tế của đội thể dục dụng cụ Trung Quốc tên tạp chí thể thao. Bài báo có tên “Phân tích nguyên nhân gây đứt gân Achilles (gân gót chân) ở vận động viên thể thao”. Trong đó nêu chi tiết rằng, vận động viên thể dục dụng cụ Trung Quốc Lý Đông Hoa (Li Donghua) đã xuất hiện vấn đề sau khi liên tục dùng hormone (nội tiết tố) trong một tháng. Đây là tác dụng phụ của việc dùng chất kích thích, hậu quả là thành mạch máu trở nên rất mỏng manh, chỉ hơi có va chạm ngoại lực là gân Achilles sẽ bị đứt.

Năm 2008, vận động viên Trung Quốc Lưu Tường (Liu Xiang) bị đứt gân Achilles. Lưu giữ chức vô địch thế giới hai lần, từng giữ kỷ lục thế giới trong 23 tháng ở nội dung 110 mét vượt rào và vẫn giữ kỷ lục Olympic trong nội dung này. Sau khi đọc toàn bộ mô tả về quá trình điều trị của Lưu, bác sĩ Tiết Ấm Nhàn nói rằng nguyên nhân đứt gân gót chân của anh ta giống với Lý Đông Hoa.

Vì đoạt giải, vận động viên thụ thai rồi lại phá thai 

Tác giả cuốn sách Dương Vĩ Đông cũng kể về một trường hợp mà ông nắm khá rõ. Năm 1995, một vận động viên Trung Quốc tên là Đặng Á Bình (Deng Yaping) – người từng nhiều lần vô địch giải bóng bàn thế giới – đã thụ thai nhân tạo trước khi tham gia giải vô địch thế giới. Sau khi mang thai, Androgen (có thể được gọi là nội tiết tố nam) trong cơ thể cô tăng cao, và cô đã đi phá thai sau trận đấu. Ông Dương cho biết, thực chất đây cũng là một cách, sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tăng nội tiết tố.

Vì tiết lộ quá gây sốc, phóng viên của The Epoch Times đã nhờ các nhà chuyên môn tư vấn.

Ông Dư (Yu), một cựu vận động viên đua xe đạp người Trung Quốc sống ở New Zealand, cho biết không có gì ngạc nhiên khi nghe thấy điều này. Bởi khi mang thai, lượng hormone trong cơ thể sẽ tăng lên. Nhưng sau khi phá thai, nó sẽ lại giảm xuống. Trên thực tế việc này rất tàn nhẫn, tương đương với việc dùng phương pháp vô cùng tàn nhẫn để khai thác tiềm năng của cơ thể con người. Ông cho biết, phương pháp thay máu phổ biến trong các cuộc đua xe đạp và các cuộc đua sức bền tương tự cũng rất tàn nhẫn nên ông không hề ngạc nhiên.

Ông Dương Tư (Yang Si), một tiến sĩ y khoa từ Đại học Tokyo, Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng ông chưa từng nghe nói về phương pháp này. Nhưng ông cho biết, sau khi phụ nữ mang thai, trong máu sẽ sản xuất ra nhiều hợp chất, và những chất này có lẽ có thể che đậy thành phần của những chất kích thích đó, có khả năng này.

Ông phân tích, do chất kích thích cũng là hợp chất hữu cơ nên các hợp chất giống nhau không thể bị dụng cụ, thiết bị phát hiện. Nếu loại hợp chất sản sinh ra sau khi mang thai tương tự như chất kích thích mà người đó sử dụng, nó có thể giúp che giấu chất kích thích. Nhân viên xét nghiệm sẽ nghĩ rằng đó là do mang thai, mà y học gọi là “dương tính giả”. Dương tính giả rất phổ biến.

Ông Dương Tư cho biết thêm, có rất nhiều loại chất kích thích. Chỉ cần các nhà sinh vật học có chuyên môn nghiên cứu xem phụ nữ sản sinh ra chất gì sau khi mang thai, rồi chọn dùng loại chất kích thích tương tự, thì khả năng đó sẽ xảy ra.

Không đồng ý tiêm chất kích thích cho vận động viên, cả gia đình bị đàn áp trong nhiều thập kỷ

Bà Tiết Âm Nhàn năm nay 84 tuổi, là thế hệ chuyên gia y học đầu tiên của thể thao Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh được thành lập. Trong những năm 1980, bà là một trong các bác sĩ của đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Kể từ cuối những năm 1970, khi ĐCSTQ khởi động làn sóng sử dụng chất kích thích do nhà nước bảo trợ, bà Tiết đã trở thành một người hiếm hoi trong thể chế công khai lên tiếng phản đối. Vào đêm trước Thế vận hội Seoul 1988, bà Tiết đã từ chối tiêm chất kích thích cho ông Lý Ninh (Li Ning – cựu vận động viên Trung Quốc, người sáng lập công ty đồ thể thao Li-Ning) và các ngôi sao thể thao khác. Kể từ đó, gia đình bà phải chịu đựng cuộc đàn áp kéo dài hàng chục năm.

Bức ảnh bà Tiết Ấm Nhàn đi cùng đội tuyển quốc gia Trung Quốc tới Thế vận hội Seoul 1988. (Ảnh do bà Tiết Ấm Nhàn (Xue Yinxian) cung cấp)

Năm 2007, chồng của bà Tiết bị người của Tổng cục Thể thao Nhà nước Trung Quốc tới tận nhà tấn công và qua đời vào tháng 12 cùng năm. Năm 2015, ông Dương Vĩ Đông – con trai bà Tiết – bị bắt giam vì tới kháng nghị tại Tổng cục Thể thao. Còn bà Tiết bị ốm nặng vào năm 2016 nhưng không được chữa trị. Được sự giúp đỡ của nhiều người, ông Dương Vĩ Đông cùng mẹ và vợ đã đến Đức vào năm 2017 và chọn con đường tha hương.

Cựu bác sĩ Tiết Ấm Nhàn đã ghi lại 68 cuốn nhật ký làm việc trong nhiều thập kỷ. Trong đó có rất nhiều bằng chứng về việc ngành thể thao Trung Quốc cho các vận động viên sử dụng chất kích thích.

Trước đó, ông Dương Vĩ Đông nói với The Epoch Times rằng, ngoài những trường hợp dùng chất kích thích bị điều tra ra, các đội bóng bàn, đội bóng chuyền nữ, đội thể dục dụng cụ, đội cầu lông, v.v., tất cả 11 đội do Cục Huấn luyện phụ trách đều dùng chất kích thích. Cái gọi là “huấn luyện khoa học” do Cục Huấn luyện đề xuất thực chất là “huấn luyện chất kích thích”.

Tuy nhiên, không dễ để nhận rõ sự tà ác của chế độ Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do, ông Dương Vĩ Đông nói rằng, cho đến khi qua đời, cha ông vẫn không hề nhận ra đây là vấn đề của chế độ, và vẫn cho rằng đó là vấn đề của lãnh đạo cấp trên, nghĩ rằng có thể sẽ tốt hơn nếu thay đổi lãnh đạo. Còn mẹ ông thì dám chỉ trích và phản kháng, nhưng cũng chỉ xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp của một bác sĩ. “Suy nghĩ của bà vào thời điểm đó là, sau khi các vận động viên dùng thuốc kích thích, [nó] sẽ gây tổn hại tới thân thể của những đứa trẻ này sau 20 năm nữa”.

Phóng viên của The Epoch Times đã không thể liên lạc được với các vận động viên được đề cập trong bài báo. Phóng viên cũng nhiều lần gọi vào số điện thoại đăng trên trang web của Tổng cục Thể thao Nhà nước Trung Quốc nhưng không ai nghe máy.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Related posts