Đòn trừng phạt kinh tế lên Nga nếu Moscow xâm lược Ukraine – Những tổn thương tác động lại Mỹ và châu Âu

Chi Anh

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6/2021. (Ảnh: Mikhail Metzel / Sputnik / AFP qua Getty Images)

Chính quyền Biden và đồng minh đang tập hợp một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính, công nghệ và quân sự chống lại Nga mà họ tuyên bố sẽ có hiệu lực chỉ trong vài giờ sau khi Nga xâm lược Ukraine. Các bên hy vọng Tổng thống Vladimir Putin nhận ra cái giá phải trả là quá đắt nếu ông quyết định đưa quân qua biên giới. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, các biện pháp đã được áp dụng và có thể được áp dụng là chưa đủ mạnh, bởi Mỹ và châu Âu hiểu rằng, các biện pháp trừng phạt quyết liệt, đủ sức ngăn cản Tổng thống Putin cũng sẽ làm tổn thương chính họ.

Căng thẳng giữa Nga và các cường quốc phương Tây đang làm dấy lên viễn cảnh các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp đặt đối với Nga nếu nước này tấn công quốc gia láng giềng Ukraine. Liên minh châu Âu đã đe dọa sử dụng các lệnh trừng phạt “lớn”; trong khi các nghị sĩ Dân chủ Thượng viện Mỹ đã công bố một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quan chức chính phủ Nga, các nhà lãnh đạo quân sự và các tổ chức ngân hàng; chính quyền Biden cũng cảnh báo Moscow sẽ phải trả giá đắt về mặt kinh tế nếu Moscow có hành động thù địch chống lại Ukraine. 

Tuy nhiên, giới phân tích luôn hoài nghi về việc liệu các biện pháp trừng phạt có thể thực sự ngăn cản Điện Kremlin hay không. Mỹ và châu Âu đã duy trì các biện pháp trừng phạt chống lại Nga kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Nhiều biện pháp trừng phạt khác đã được bổ sung sau khi một cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh vào năm 2018 và sau cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 khi mà ông Donald Trump giành chiến thắng. Những lệnh trừng phạt hiện có chỉ ở mức khiêm tốn, khác xa với các hình phạt sâu rộng được áp dụng đối với Iran, Triều Tiên, hay Venezuela. Có thể thấy, các biện pháp trừng phạt đã giúp kiềm chế phần nào tham vọng của Moscow ở Ukraine, nhưng chúng không đủ để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Nga. 

Nga đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ đầu độc cựu điệp viên Yuri Skripal và con gái ông ấy, đồng thời phủ nhận việc cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài. Hiện tại, nước này đã điều hàng chục nghìn quân đến gần biên giới Ukraine nhưng vẫn phủ nhận kế hoạch xâm lược nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Nhiều ngày đàm phán thất bại cho thấy, cuộc khủng hoảng do Điện Kremlin tạo ra khó có thể được giải quyết bằng một cuộc thương lượng về mặt ngoại giao. Vì vậy, một lần nữa, Mỹ và các đồng minh sẽ phải dựa vào đe dọa trừng phạt kinh tế để thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin rút lui.

Bài viết này sẽ liệt kê và bình luận các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể nhắm vào Nga.

Các đòn trừng phạt kinh tế nếu Nga xâm lược Ukraine

Kiểm soát nguồn cung chip

Các nguồn tin nói với Reuters, Nhà Trắng đã yêu cầu ngành công nghiệp chip của Mỹ chuẩn bị cho những hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Nga nếu Moscow tấn công Kyiv (Ki-ép). 

Việc kiểm soát nguồn cung chip đã có hiệu quả đáng kể đối với nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu của Trung Quốc – Huawei, công ty từng nằm trong danh sách những nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu thế giới. Lĩnh vực kinh doanh đó của Huawei đã gần như sụp đổ hoàn toàn trong năm qua vì không thể tiếp cận được nguồn chip tiên tiến. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga không có nhiều điểm giống với Trung Quốc và không dễ bị tổn thương trước lệnh cấm vận chất bán dẫn và các vi điện tử khác – những thành phần vốn rất quan trọng đối với nền sản xuất của Trung Quốc.

Tới đây, Nga cũng khó có khả năng tiếp cận các nguồn cung thiết bị điện tử và tiến bộ công nghệ trên toàn cầu, bao gồm trong cả lĩnh vực quốc phòng và hàng không dân dụng. Các biện pháp tương tự đã được triển khai trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và các quốc gia phương Tây khác duy trì các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc về công nghệ đối với Liên Xô, khiến công nghệ của Liên Xô trở nên lạc hậu, qua đó kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Nhà Trắng đã yêu cầu ngành công nghiệp chip của Mỹ chuẩn bị cho những hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Nga nếu Moscow tấn công Kyiv. Việc kiểm soát nguồn cung chip đã có hiệu quả đáng kể đối với nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu của Trung Quốc – Huawei. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Loại Nga khỏi SWIFT

Một trong những biện pháp trừng phạt được bàn luận nhiều nhất là ngắt kết nối hệ thống tài chính của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

SWIFT là một nền tảng liên lạc có trụ sở tại Bỉ, được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và được điều hành bởi hội đồng gồm 25 thành viên – bao gồm ông Eddie Astanin, Chủ tịch Trung tâm Thanh toán Bù trừ Đối tác Trung ương Nga (NCC).

Vào tháng 3/2012, SWIFT đã ngắt kết nối với các ngân hàng Iran khi quốc tế áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran vì chương trình hạt nhân của họ – một động thái khiến Iran mất một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% hoạt động ngoại thương, theo số liệu từ tổ chức tư vấn Carnegie Moscow Center. 

Nền kinh tế của Iran nhỏ hơn và không liên kết với thế giới nhiều như nền kinh tế Nga. Kinh tế của Nga có nhiều mối liên hệ với phương Tây và đã trở thành một tấm lá chắn cho nước Nga trước các mối đe dọa. Theo bà Maria Shagina của tổ chức Carnegie Moscow Center, Mỹ và Đức sẽ chịu nhiều thiệt hại bởi các ngân hàng của họ thường xuyên sử dụng SWIFT để giao dịch với các ngân hàng Nga.

Ông Brian O’Toole của tổ chức tư vấn Atlantic Council đánh giá, việc ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT sẽ ngay lập tức gây ra nhiều gián đoạn; nhưng tác động sẽ giảm dần theo thời gian. “Một số khoản thanh toán sẽ bị trì hoãn, sẽ mất thêm chi phí để đặt lệnh mới cho các khoản thanh toán, nhưng nói chung, thương mại Nga sẽ không xảy ra sụp đổ lớn, miễn là các hoạt động thương mại vẫn hợp pháp hoặc không bị đưa vào danh sách trừng phạt”, ông O’Toole cho hay.

Sau khi lời kêu gọi cắt quyền truy cập vào SWIFT của Nga được đưa ra vào năm 2014 khi Moscow sáp nhập Crimea, Nga đã tập trung phát triển một hệ thống thông tin thay thế có tên gọi SPFS. Theo thông tin từ Ngân hàng Trung ương Nga, tổng các lệnh được gửi qua SPFS năm 2020 đạt khoảng 2 triệu lệnh, tương đương 20% tổng giao dịch nội bộ của Nga. Ngân hàng Trung ương đặt mục tiêu tăng con số này lên 30% vào năm 2023. Tuy nhiên, hệ thống SPFS đặt giới hạn kích thước cho các lệnh và chỉ hoạt động vào các ngày trong tuần, do vậy đã gặp khó khăn trong việc xử lý giao dịch với đối tác nước ngoài, bà Shagina viết trong một bài báo năm 2021.

Kể từ năm 2015, Trung Quốc cũng phát triển một giải pháp thay thế SWIFT, được gọi là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS). CIPS có thể là một lựa chọn khác của Nga. Với sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc, đồng CNY là một lựa chọn khả thi hơn đồng rúp cho thương mại xuyên biên giới. Điều này sẽ khiến kinh tế Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, đẩy nước này ngày càng cuốn sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc chào mừng các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019. (Ảnh: Nicolas Asfouri / Pool / Getty Images)

Trừng phạt tài chính

Mỹ và EU vốn đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga. Chính quyền Biden đã thúc đẩy các biện pháp hạn chế khả năng chuyển đổi đồng rúp thành đồng USD hay các loại tiền tệ khác. Hiện tại, Nhà Trắng đang đưa ra ý tưởng hạn chế hoạt động của các ngân hàng lớn nhất của Nga. Washington cũng có thể nhắm vào Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga do nhà nước hậu thuẫn. 

Theo cựu chuyên viên kinh tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Stone, các biện pháp trừng phạt các công ty riêng lẻ thường tạo ra nỗi đau cho toàn ngành, vì chúng khiến các nhà đầu tư lo lắng rằng các hạn chế sẽ được mở rộng trong tương lai gần.

Ông O’Toole thì cho rằng việc trừng phạt tất cả giao dịch với các ngân hàng Nga và đóng băng tài sản sẽ “có tác động lớn hơn và có tính mục tiêu hơn” so với việc loại Nga ra khỏi SWIFT. Theo ông O’Toole, việc ‘đá’ Nga ra khỏi SWIFT sẽ chỉ thực sự hữu ích sau các lệnh trừng phạt tài chính rộng khắp của Mỹ, Anh và EU.

Trừng phạt các cá nhân

Biện pháp trừng phạt các cá nhân thông qua đóng băng tài sản và cấm đi lại là một công cụ thường được sử dụng và đôi khi mang lại tác dụng đáng kể. Vào tháng 4/2021, theo một đạo luật cho phép chính phủ Anh có quyền trừng phạt những người mà nước này cho là có liên quan đến các vụ tham nhũng nghiêm trọng nhất ở nước ngoài, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 công dân Nga.

Dự luật do các thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ công bố dự kiến sẽ có các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ý tưởng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ giữa Moscow và Washington. 

Đình chỉ dự án Nord Stream 2

Thủ tướng Olaf Scholz đã phát đi tín hiệu rằng nước Đức sẵn sàng thảo luận về việc đình chỉ dự án Nord Stream 2 nếu Moscow tấn công Ukraine. Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sắp hoàn thành khi đi vào hoạt động sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên chuyển từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, đồng thời có khả năng làm giảm nhu cầu về khí chạy qua các đường ống khác, chẳng hạn như đường ống Urengoy – Pomary – Uzhhorod qua Ukraine.

Đường ống này đang chờ chấp thuận của các cơ quan quản lý và đang vấp phải sự phản đối từ Mỹ. Một số chính trị gia châu Âu lo ngại rằng nó sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về nguồn cung năng lượng. Trong khi đó phía Nga lên tiếng, cả châu Âu và Nga sẽ được hưởng lợi từ Nord Stream 2 và Đức không nên “chính trị hóa” dự án.

Một cần trục đang vận chuyển một đường ống trong phòng sản xuất của cơ sở Nord Stream 2 ở Mukran trên Đảo Ruegen, Sassnitz, Đức, ngày 19/10/2017. (Ảnh: Carsten Koall / Getty Images)

Hạn chế các nhà đầu tư tiếp cận thị trường trái phiếu Nga

Việc tiếp cận thị trường trái phiếu của Nga ngày càng trở nên khó khăn và các hạn chế có thể bị thắt chặt hơn nữa. Một lệnh cấm tham gia thị trường thứ cấp có thể được ban hành.

Vào tháng 4/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm các nhà đầu tư Mỹ mua trái phiếu mới bằng đồng rúp của Nga (OFZ) vì các cáo buộc liên quan đến việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt áp đặt vào năm 2015 đã khiến trái phiếu chính phủ bằng đồng USD của Nga trở nên bất hợp pháp đối với nhiều nhà đầu tư hoặc không thỏa mãn các chỉ số như chỉ số EMBI Global của JPMorgan. Các biện pháp đó đã cắt giảm 33% nợ nước ngoài của Nga – từ 733 tỷ USD vào đầu năm 2014 xuống còn 489 tỷ USD trong quý III/2021. Trên bề mặt, mức nợ thấp đã cải thiện bảng cân đối kế toán của Nga; nhưng lại tước đi các nguồn tài chính thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế Nga.

3 thách thức Mỹ phải đối mặt khi áp đặt trừng phạt Nga

Giới phân tích đánh giá các đòn trừng phạt kinh tế kể trên là chưa đủ quyết liệt để thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Putin. Tại sao việc chuyển đổi sức mạnh kinh tế của Mỹ thành sức mạnh địa chính trị lại rất khó khăn? Theo hai nhà nghiên cứu Edward Fishman và Chris Miller, khi nói đến việc trừng phạt Nga, Mỹ phải đối mặt với 3 thách thức lặp đi lặp lại: Các lệnh trừng phạt có xu hướng được áp dụng dần dần chứ không phải ngay lập tức; các lệnh trừng phạt cần được thương lượng kỹ càng, đôi lúc miễn cưỡng, với các đồng minh; và những lệnh trừng phạt có tác động mạnh nhất cũng sẽ gây tốn kém về mặt kinh tế cho phương Tây. Do đó, các biện pháp trừng phạt Nga hiện hành vẫn là một sự thỏa hiệp nhẹ nhàng.

Việc bẻ cong kinh tế vĩ mô của Nga cùng những tính toán của ông Putin đòi hỏi Mỹ và đồng minh phải nhắm mục tiêu vào hệ thống tài chính của Nga, cũng như vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như dầu mỏ. Chỉ những biện pháp trừng phạt như vậy mới tạo nên ảnh hưởng đáng kể đối với kinh tế Nga; nhưng chúng cũng sẽ tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu. Đó là lý do tại sao các quan chức Mỹ luôn do dự để đi xa hơn nữa. Nhưng ngăn chặn chiến tranh là một vấn đề quan trọng, và thật không may, sẽ không miễn phí. Để thực sự tạo ra ‘nỗi đau’ cho Nga, Mỹ và châu Âu cũng sẽ phải gánh chịu một số tổn thất. Mặc dù vậy, may mắn thay, vẫn có những cách để giảm thiểu tổn thất cho các nền kinh tế phương Tây.

Trước hết, hãy bàn về các thách thức khi trừng phạt Nga.

Thách thức đầu tiên đối với việc khiến các biện pháp trừng phạt trở nên hiệu quả là các nhà hoạch định chính sách có xu hướng áp đặt dần dần các biện pháp trừng phạt. Thay vì nhanh và mạnh mẽ, Mỹ lại từ từ siết chặt các ốc vít, chờ xem đối thủ phản ứng như thế nào. Trên thực tế, họ đã thận trọng bởi các quan chức Nga luôn đe dọa đáp trả các lệnh trừng phạt, ví dụ như bằng các cuộc tấn công mạng.

Tuy vậy, Nga chỉ không xâm lược Ukraine khi mà Tổng thống Putin cảm thấy lo sợ từ đợt trừng phạt đầu tiên, chứ không phải những lệnh trừng phạt có thể xảy ra sau khi cuộc xâm lược đã bắt đầu. Vào năm 2014, Mỹ và châu Âu chỉ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, và không áp đặt các biện pháp nặng nề hơn cho đến tận tháng 7 – năm tháng sau khi quân đội Nga tràn ngập Crimea. Sự chậm trễ này là có thể hiểu được, vì hoạt động quân sự của Moscow đã khiến phương Tây bất ngờ, trong khi họ vẫn chưa có một kinh nghiệm nào cho các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên lần này, Mỹ và châu Âu đã có gần một thập kỷ kinh nghiệm và nhiều cảnh báo về một cuộc xâm lược. Họ có thể ngay lập tức sử dụng các hình phạt mạnh mẽ.

Thách thức thứ hai là Liên minh châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga, cần sự đồng thuận của 27 quốc gia để áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, EU luôn không cảm thấy cấp thiết bằng Mỹ khi thảo luận về các biện pháp trừng phạt nặng nề lên Nga, và vì vậy, các cuộc họp và tiến trình sẽ diễn ra chậm hơn.

Đúng là bất kỳ gói trừng phạt nào nếu Mỹ, châu Âu và các đồng minh khác phối hợp cùng nhau thì sẽ mang đến tác động mạnh nhất. Nhưng nếu không thể, Hoa Kỳ nên sẵn sàng vượt qua sự do dự của châu Âu để đưa ra các hình phạt kinh tế.

Khi Mỹ và châu Âu phối hợp trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của nước này, Washington luôn tỏ ra cứng rắn hơn. EU đã khó chịu trước sự quyết liệt của Mỹ, nhưng cuối cùng đã tham gia vào nhiều trong số các biện pháp trừng phạt. Nếu Mỹ coi sự đồng thuận của EU là điều kiện tiên quyết cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran, thì chúng sẽ không bao giờ được áp đặt và chúng ta sẽ không bao giờ đạt được một thỏa thuận hạt nhân nào. Tình hình với Nga hiện nay cũng như vậy. Mỹ nên sẵn sàng hành động trước và một mình, nếu cần, trong khi vẫn thúc giục các nước EU có lập trường mạnh mẽ hơn.

Thách thức thứ ba và quan trọng nhất là bất kỳ lệnh trừng phạt nào có tác động kinh tế đủ mạnh để tác hưởng đến Tổng thống Putin cũng sẽ ảnh hưởng đến những người Nga bình thường, cũng như Mỹ và châu Âu. “Các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” là những hình phạt chỉ nhắm vào kẻ xấu trong khi không động đến những người khác. Nhưng Điện Kremlin lại sử dụng tài nguyên của cả nước Nga để bắt nạt các nước láng giềng và gây bất ổn cho châu Âu. Việc đánh vào tài khoản ngân hàng của các quan chức Điện Kremlin chỉ có thể có đôi chút hiệu quả khi mà những cá nhân này coi các nguồn lực của Nga như con heo đất cá nhân của họ.

Các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng sẽ có tác động tối thiểu đến nền kinh tế thế giới, và cũng có tác động tối thiểu đối với Nga. Việc trừng phạt Nord Stream 2 hầu như sẽ không gây tổn hại cho Nga. Tương tự, việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ gây ra xáo trộn nhưng không phải là “lựa chọn hạt nhân” như nhiều người nghĩ.

3 biện pháp trừng phạt có thể thực sự thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Putin 

Hai nhà nghiên cứu Edward Fishman và Chris Miller đã đề xuất 3 biện pháp trừng phạt mà theo họ, chúng sẽ có tác động mạnh mẽ đến quyết định của ông Putin, và đương nhiên, mỗi biện pháp đều có những mặt trái mà Mỹ và châu Âu cần phải xem xét nghiêm túc. 

Thứ nhất, Mỹ có thể đe dọa ‘đá’ các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ. Việc đưa một ngân hàng lớn của Nga vào danh sách đen, chẳng hạn như Sberbank, VTB hoặc Gazprombank, sẽ gây khó khăn – nếu không muốn nói là không thể – cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào trên thế giới giao dịch với ngân hàng đó.

Bộ Tài chính Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng nước ngoài, và họ đã nhiều lần sử dụng để chống lại Iran. Các ngân hàng lớn nhất của Nga lớn hơn nhiều so với các ngân hàng của Iran. Các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Sberbank sẽ đặc biệt có tác dụng, vì hầu hết người Nga đều mở tài khoản ở đó. Chính phủ Nga sẽ phải can thiệp để cứu ngân hàng này và sẽ phải vật lộn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính trong nước. Các công ty sẽ cắt giảm đầu tư. Đồng rúp sẽ giảm mạnh so với đồng USD. Lạm phát ở Nga sẽ tăng cao hơn và thu nhập thực tế sẽ giảm.

Một người phụ nữ sử dụng điện thoại di động bên ngoài văn phòng thu đổi ngoại tệ ở Moscow, Nga, ngày 10/03/2020. (Ảnh: Yuri Kadobnov / AFP / Getty Images)

Nhiều quỹ đầu tư phương Tây sở hữu cổ phiếu và trái phiếu của Sberbank cũng sẽ phải chứng kiến giá trị của chúng sụt giảm.

Đề xuất gần đây của Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Đảng Dân chủ, bang New Jersey) được Nhà Trắng ủng hộ sẽ trừng phạt một số ngân hàng lớn của Nga nếu Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, một số ngân hàng trong danh sách chỉ có quy mô nhỏ, trong khi ít nhất 2 trong số đó (VEB.RF và Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga) không phải là ngân hàng mà là các công ty đầu tư. Các lệnh trừng phạt sẽ chỉ tác động đến tính toán của Điện Kremlin nếu chúng nhắm vào các ngân hàng lớn nhất và áp đặt các hạn chế khắc nghiệt gây ra xáo trộn tài chính tại Nga.

Thứ hai, Mỹ có thể tác động làm giảm đáng kể doanh thu từ xuất khẩu của Nga. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Moscow là dầu (chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất khẩu). Các mặt hàng xuất khẩu khác mà Washington có thể trừng phạt bao gồm khí đốt, than đá và các sản phẩm sắt thép. Với Iran, Mỹ đã cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu của nước này bằng cách cho phép các khách hàng của Iran giảm dần việc mua hàng theo thời gian. Phương pháp tương tự có thể áp dụng để chống lại Nga; tuy nhiên, do Nga xuất khẩu nhiều dầu hơn Iran nên giá dầu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn. Dù vậy, các quốc gia khác cuối cùng sẽ tăng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt, nhưng sẽ có một độ trễ, và trong lúc đó thì giá dầu sẽ ở mức cao.

Việc Mỹ trừng phạt xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sẽ tạo ra những đánh đổi lớn. Thế giới – đặc biệt là châu Âu – trong năm nay đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên dẫn đến khủng hoảng năng lượng. Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của châu Âu, đặc biệt là của Đức, có thể phải đóng cửa nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị chặn lại. Khi mà chính quyền Biden chưa giành được thắng lợi trong cuộc chiến với giá năng lượng tăng cao và lạm phát ngày càng trầm trọng thì không khó để hiểu tại sao Washington lại thận trọng trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt như vậy.

Tuy nhiên, nước Mỹ cần hiểu rõ, sự bất ổn kinh tế và địa chính trị có thể xảy ra từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ vượt xa hậu quả từ các lệnh trừng phạt tài chính cứng rắn.

Hơn nữa, có nhiều cách để giảm thiểu những hậu quả ngoài ý muốn. Bộ Tài chính Mỹ có thể cho phép các công ty không phải của Nga ngừng hoạt động với Sberbank một cách từ từ. Tương tự, các biện pháp trừng phạt liên quan đến dầu và khí đốt nên được cấu trúc sao cho thị trường năng lượng có thời gian điều chỉnh.

Mỹ cũng có thể đánh vào xuất khẩu của Nga từ một góc độ khác, ví dụ như việc mở rộng các hạn chế hiện có đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga – hiện chỉ giới hạn trong các dự án thế hệ tiếp theo như ở ngoài khơi Bắc Cực, vùng nước sâu và đá phiến. Song song đó, Mỹ có thể giảm xuất khẩu dầu của Nga 10 điểm phần trăm mỗi năm trong một thập kỷ. Giá dầu trên toàn cầu sẽ tăng, nhưng mức tăng sẽ bị hạn chế vì các thị trường có một thập kỷ để điều chỉnh. Trong khi đó, tác động đối với Nga sẽ vẫn còn nghiêm trọng và ngay lập tức, khiến đồng rúp giảm mạnh.

Tất nhiên, việc áp dụng dần dần các biện pháp trừng phạt cũng cho Nga thời gian để điều chỉnh – tạo ra thách thức như đã thảo luận ở trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Nga đã thất bại trong việc đa dạng hóa nền kinh tế và phụ thuộc nhiều vào hoạt động bán dầu. Vì vậy, phương Tây sẽ dễ dàng điều chỉnh để thích nghi hơn nhiều so với Nga.

Mỹ có thể nhắm nhanh đến các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga mà thế giới ít phụ thuộc hơn, qua đó tối đa hóa tác động lên Nga và giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu. Trung Quốc sẽ rất vui vẻ lấp đầy khoảng trống nếu xuất khẩu sắt thép của Nga bị cắt giảm (đây vừa là tín hiệu tốt, vừa là điều cần lưu ý). Nga chỉ cung cấp một tỷ trọng nhỏ lượng đồng cho thế giới, vì vậy việc cắt giảm xuất khẩu đồng của Nga sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế thế giới. Thị trường nhôm cũng có thể điều chỉnh chỉ sau một vài năm. Những mặt hàng này cộng với dầu mỏ chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Nga. Đối với khí đốt tự nhiên, Nga chỉ kiếm được một phần nhỏ từ khí đốt so với những gì họ thu được từ dầu mỏ. Do vậy, có thể loại khí đốt khỏi gói trừng phạt mà không làm suy yếu tác dụng tổng thể của các biện pháp trừng phạt.

Công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc nước Đức, vào ngày 26/3/2019. (Ảnh: TOBIAS SCHWARZ / AFP qua Getty Images)

Cuối cùng, Mỹ cũng có thể chặn hàng hóa mà Nga nhập khẩu. Các biện pháp cấm nhập khẩu công nghệ cần nhắm vào một số ngành công nghiệp mà ông Putin ưa thích – đặc biệt là hàng không vũ trụ và vũ khí, vốn là những ngành sản xuất mang lại doanh thu chính cho chính phủ Nga. Trọng tâm sẽ là máy bay chiến đấu do Nga chế tạo, hệ thống phòng không, hệ thống chống vệ tinh, hệ thống vũ trụ, và các công nghệ mới nổi mà Nga đang hy vọng đạt được nhiều lợi nhuận – như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Các hạn chế đối với công nghệ và máy móc tinh xảo được bán cho Nga để sẽ đảm bảo chúng không hỗ trợ việc xây dựng quân đội của chính phủ Nga. Có lẽ trước đây, Mỹ đã nhắm sai mục tiêu khi chỉ trừng phạt những đầu sỏ chính trị của Nga mà bỏ qua thực tế rằng, toàn bộ nền kinh tế Nga mới cung cấp các nguồn lực mà quân đội nước này cần.

Chính quyền Biden cũng đã đe dọa sẽ cấm Nga mua điện thoại thông minh và thiết bị điện tử tiêu dùng từ nước ngoài – từ máy tính xách tay đến tủ lạnh và máy giặt. Điều đó sẽ không chỉ áp dụng cho các nhà sản xuất Mỹ mà còn cho các nhà sản xuất châu Âu, Hàn Quốc và các nhà sản xuất nước ngoài khác sử dụng chip hoặc phần mềm của Mỹ. Không giống như Trung Quốc, Nga không sản xuất nhiều những sản phẩm này – và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Nga có thể rất mạnh mẽ. 

Ngoài ra, Nga nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD phụ tùng ô tô mỗi năm. Con số này chỉ chiếm 2% thị trường phụ tùng xe hơi toàn cầu. Vì vậy, các công ty nước ngoài sẽ không gặp nhiều khó khăn nếu mất đi các đơn hàng từ Nga. Nhưng điều này sẽ khiến các nhà máy của Nga khó chế tạo ô tô, buộc người Nga phải chi nguồn ngoại hối khan hiếm để mua ô tô từ nước ngoài.

Việc nhắm mục tiêu vào các thiết bị, linh kiện, sản phẩm cần thiết đối với ngành công nghiệp Nga sẽ có thể gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho Moscow. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của châu Âu cho biết vẫn còn một cuộc tranh luận về việc liệu người dân Nga sẽ đổ lỗi cho ông Putin hay Mỹ và các đồng minh về việc họ không thể mua được những loại hàng hóa này.

Mỹ có ít kinh nghiệm trong việc mạnh tay kiểm soát xuất khẩu. Do vậy, việc áp đặt bất kỳ biện pháp mới nào cũng phải được tiến hành một cách thận trọng. Tuy nhiên, rõ ràng đây là một lĩnh vực có thể kiềm chế Nga. Nga đã trải qua 30 năm hội nhập kinh tế với Mỹ và châu Âu. Những lập luận cho rằng việc giúp Nga hiện đại hóa sẽ tạo ra một giai cấp thống trị thân thiện hơn với người dân và các quốc gia khác đã được kiểm chứng là không đúng đắn. Thay vào đó, Nga đã sử dụng dòng tiền đổ vào nước này để tài trợ cho chương trình hiện đại hóa quân đội. Tuy nhiên, Nga cần các sản phẩm và công nghệ của phương Tây nhiều hơn so với phương Tây cần hàng hóa của Nga. Điều này mang lại cho Mỹ những đòn bẩy mạnh mẽ mà nước này chưa sử dụng.

Tất nhiên, những biện pháp như vậy sẽ không chỉ gây thiệt hại cho Nga mà còn tác động tiêu cực đến Mỹ và châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách nên trung thực về cách các biện pháp trừng phạt thực sự hoạt động. Hoặc họ áp dụng các hình phạt quy mô nhỏ, có thể chấp nhận được về mặt chính trị và ngoại giao; hoặc họ thực hiện các biện pháp khiến Nga cảm thấy đủ đau đớn để thay đổi hướng đi. Bản chất của nền kinh tế toàn cầu hóa là chúng ta không thể cách ly phần còn lại của thế giới – bao gồm cả chính chúng ta – khỏi các lệnh trừng phạt.

Nga có lợi thế trên chiến trường Ukraine, còn phương Tây có sức mạnh to lớn đối với nền kinh tế Nga. Các bên nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho tổn thất.

Bà Olga Oliker tại International Crisis Group khu vực châu Âu và Trung Á đánh giá: “Các biện pháp trừng phạt có hiệu quả nhất khi quý vị không phải sử dụng chúng”. “Chúng đạt hiệu quả nhất nếu quý vị có thể sử dụng một điều gì đó mà đối phương không muốn để đe dọa họ, đến mức họ không muốn làm bất cứ điều gì mà quý vị đang cố gắng ngăn họ làm”, theo CNBC.

Chi Anh

Related posts