Tin thế giới trưa thứ Bảy: Nga có thể xâm lược Ukraine trước khi kết thúc Olympic Bắc Kinh

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ : Nga có thể xâm lược Ukraine trước khi kết thúc Olympic Bắc Kinh 2022

White House national security adviser Jake Sullivan gives an update about Ukraine during a press briefing at the White House, Friday, Feb. 11, 2022, in Washington. (AP Photo/Manuel Balce Ceneta)

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu (11/2, giờ Mỹ), cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan của chính quyền Biden đã tái khẳng định với báo giới rằng Nga có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào và nói thêm rằng hoạt động xâm lược có thể xảy ra trước khi kết thúc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 vào ngày 20/2.

Theo The Epoch Times, ông Sullivan nói: “Nếu quý vị nhìn vào cách bố trí lực lượng [vũ trang] ở cả Belarus và Nga dọc theo biên giới giáp Ukraine từ phía Bắc và từ phía Đông, [thì có thể thấy] Nga bây giờ đang ở trong vị thế có thể thực hiện hành động quân sự nhắm vào Ukraine bất cứ lúc nào”.

Ông Sullivan tiếp tục kêu gọi tất cả người Mỹ hiện đang ở Ukraine hãy rời khỏi đất nước này.

“Tất cả người Mỹ đang ở Ukraine ngay bây giờ nếu cần giúp đỡ [nói chung], cần giúp đỡ về tài chính hoặc hậu cần để lựa chọn phương tiện máy bay thương mại rời đi, xin vui lòng gọi cho Đại sứ quán Mỹ ở Kiev, bởi vì chúng tôi đang sẵn sàng giúp đỡ”, ông Sullivan nói.

Cố vấn ninh quốc gia của chính quyền Biden cũng nói về một tuyên bố chung gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong tuyên bố này, Trung Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường của Nga về việc phản đối “mở rộng thêm NATO” và kêu gọi khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo hãy “từ bỏ cách tiếp cận theo tư duy chiến tranh lạnh”. Đổi lại, Nga tuyên bố phản đối Đài Loan độc lập theo bất kỳ dạng thức nào.

Sau tuyên bố của ông Sullivan về khả năng Nga có thể xâm lược Ukraine trước khi Olympic Bắc Kinh 2022 kết thúc, một phát ngôn viên của Điện Kremlin đã tiết lộ với báo giới rằng Tổng thống Putin và Tổng thống Biden sẽ điện đàm vào thứ Bảy (12/2).

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: “Thực sự, phía Mỹ đã yêu cầu tổ chức điện đàm với Tổng thống Putin, và cuộc đối thoại giữa hai vị tổng thống đã được lên kế hoạch diễn ra vào tối mai [12/2]”.

Theo The Epoch Times, các quan chức giấu tên từ chính quyền Biden đã nói với nhiều hãng tin rằng hai nguyên thủ Mỹ, Nga sẽ điện đàm về chủ đề giảm leo thang quân sự.

Tổng thống Biden vào chiều thứ Sáu (11/2) đã di chuyển từ Nhà Trắng tới Trại David, tiểu bang Maryland. Ông sẽ ở khu nghỉ dưỡng tổng thống trong hai ngày cuối tuần, theo RT.

Xuân Thành (T/h)

Tổng thống Biden: Quân đội Hoa Kỳ sẽ không giải cứu người Mỹ ở Ukraine nếu Nga xâm lược

Zachary Stieber

Tổng thống Joe Biden nói chuyện tại Hoa Thịnh Đốn trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 10/02, Tổng thống (TT) Joe Biden đã kêu gọi những người Mỹ vẫn còn ở Ukraine hãy rời đi ngay lập tức.

“Các công dân Mỹ nên rời đi ngay bây giờ,” TT Biden nói trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên “NBC Nightly News”.

Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga sắp xâm lược Ukraine. Nga không loại trừ khả năng xâm lược nước láng giềng nhưng đã cáo buộc Hoa Kỳ xuyên tạc lập trường của mình, và các quan chức Ukraine cũng đã lên tiếng phản đối lập trường của Hoa Kỳ.

Ông Biden khẳng định rằng, trong trường hợp Nga thực sự xâm lược, ông sẽ không điều quân đến di tản người Mỹ.

“Không. Quý vị làm điều đó thế nào? Ngay cả việc tìm họ quý vị sẽ làm thế nào đây?” ông nói, và cho biết thêm rằng, “Khi người Mỹ và người Nga bắt đầu chĩa súng vào nhau, đó là một cuộc chiến tranh thế giới.”

Ông Biden đã chủ trì cuộc di tản người Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021, nhưng đã khăng khăng giữ thời hạn rút quân của mình khi quân đội Hoa Kỳ rời đi bất chấp hàng trăm người Mỹ vẫn đang mắc kẹt ở quốc gia Trung Đông này.

Hoa Kỳ đã di tản gia đình của các nhà ngoại giao khỏi Ukraine vào cuối tháng Một trong khi cho phép cho các nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ không thiết yếu rời khỏi đất nước này. Các quan chức kể từ đó đã khuyến khích tất cả người Mỹ rời khỏi Ukraine, họ đã làm tăng thêm tính cấp thiết cho yêu cầu này trong những ngày gần đây.

Tuy nhiên, hiện “không có kế hoạch chủ động” cho việc di tản những người Mỹ sống ở Ukraine, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài cho biết trong tuần này (07/02-13/02).

Ngoại trưởng Antony Blinken nói với các phóng viên ở Úc hôm thứ Sáu rằng “chúng tôi tiếp tục nhận thấy những dấu hiệu rất đáng lo ngại về sự leo thang của Nga, bao gồm cả các lực lượng mới đến ở biên giới Ukraine” và rằng “chúng ta đang ở trong tình thế mà một cuộc xâm lược có thể bắt đầu bất cứ lúc nào.”

“Chúng tôi đang tiếp tục giảm bớt nhân sự đại sứ quán của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình đó và chúng tôi cũng đã thông báo rất rõ ràng rằng bất kỳ công dân Mỹ nào ở lại Ukraine cũng nên rời đi ngay bây giờ,” ông nói.

Nga đã tập trung hơn 100,000 quân tại hoặc gần biên giới với Ukraine, theo các quan chức Hoa Kỳ.

“Chúng ta đang ứng phó với một trong những đội quân lớn nhất trên thế giới. Đây là một tình huống rất khác. Và mọi thứ có thể nhanh chóng trở nên hỗn loạn,” ông Biden nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ở Nga rằng một quan chức Anh Quốc dường như không công nhận chủ quyền của Nga đối với hai trong số các khu vực phía nam của họ hồi đầu tuần đã nhấn mạnh rằng các quan chức phương Tây đã có “một nhận thức sai lầm” về tình hình Nga-Ukraine như thế nào.

Các quan chức Nga cho rằng lực lượng từ các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được điều động đến các nước gần Ukraine và Nga, đồng thời từ lâu đã kêu gọi tổ chức này cam kết không nhận Ukraine làm thành viên.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sau cuộc gặp với thủ tướng Ba Lan tại Warsaw rằng nếu Nga muốn thấy ít quân hơn ở gần biên giới của họ, thì “đây hoàn toàn là một cách làm sai lầm.”

“Đó sẽ là một thảm họa đối với họ, thảm họa đối với Nga, thảm họa đối với thế giới, nếu họ xâm lược Ukraine,” ông nói.

Ông Zachary Stieber phụ trách mảng tin tức Hoa Kỳ và các bài viết liên quan đến đại dịch COVID-19. Ông sống tại Maryland.

An Nhiên biên dịch

Tỷ lệ thất nghiệp ở Âu Châu cho thấy chính phủ toàn quyền có nghĩa là tình hình việc làm kém

Daniel Lacalle

Những người tìm việc xem qua các tờ rơi khai trương việc làm tại triển lãm WorkSource. (Ảnh: David McNew/Getty Images)

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro đã giảm xuống 7% trong tháng 12/2021 và 6.4% ( pdf ) ở Liên minh Âu Châu, so với Hoa Kỳ là 3.9%. Chúng ta không được quên rằng những tỷ lệ thất nghiệp này không bao gồm các công việc tạm nghỉ bao gồm trong các chương trình duy trì tỷ lệ thất nghiệp, chiếm khoảng 5 triệu công nhân khác đang chờ đợi để trở lại hoạt động bình thường.

Sau kế hoạch kích thích tài khóa hơn 5% GDP vào năm 2020 và 4% khác vào năm 2021 và Ngân hàng Trung ương Âu Châu mua 100% các khoản phát hành ròng từ hầu hết các quốc gia có chủ quyền, sự phục hồi cho thấy một điểm yếu đáng lo ngại. Những việc làm tạm nghỉ đang tăng trở lại, giờ làm việc vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và lương thực tế đang giảm khi lạm phát bắt đầu hồi phục.

Vào tháng 12/2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 14.9% ở cả EU và khu vực đồng euro.

Mức thất nghiệp này cao, nhưng một số quốc gia thành viên có tỷ lệ thất nghiệp thậm chí còn cao hơn. Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 13% với 220,000 việc làm tạm thời, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 30%.

Những con số này cho thấy chi tiêu chính phủ cao và các kế hoạch duy trì việc làm  to lớn đã không giúp nền kinh tế Âu Châu phục hồi nhanh hơn hoặc cải thiện tạo việc làm so với các khu kinh tế tương tự.

Kinh tế phục hồi chậm và việc làm được tạo ra thậm chí còn chậm hơn. Hơn nữa, một phần lớn phục hồi việc làm là từ khu vực công. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, vẫn còn ít hơn 95,000 việc làm trong khu vực tư nhân so với trước đại dịch và hơn 220,000 việc làm trong khu vực công.

EU phải đối mặt với những thách thức đặc biệt do nhân khẩu học, mức chi tiêu chính phủ tăng cao và vị thế năng lượng yếu, nơi các doanh nghiệp và hộ gia đình phải trả hóa đơn điện và khí đốt tự nhiên cao hơn nhiều so với các đối tác Mỹ.

Đối mặt với tất cả những thách thức này, EU đã đưa ra một kế hoạch phục hồi lớn (Thế hệ tiếp theo EU), nhằm thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Vấn đề là rất khó để thấy được những kế hoạch chi tiêu to lớn này sẽ mang lại sự chuyển đổi và tăng trưởng như mong đợi như thế nào.

Vấn đề lớn nhất mà EU phải đối mặt là công nghệ. EU thậm chí đã không thể hiện mình là một đối thủ nặng ký trong cuộc đua công nghệ. Dưới 4% vốn hóa thị trường Stoxx 600 đến từ công nghệ, so với 25% trong S&P 500. Thật khó để tin rằng sự thay đổi căn bản về tốc độ tăng trưởng và tốc độ tạo việc làm sẽ đến từ một kế hoạch kích thích lớn do chính phủ chỉ đạo và tập trung vào biến đổi khí hậu và tính bền vững từ góc độ chính trị chứ không phải từ quan điểm kinh doanh.

EU đang đặt cược toàn bộ tương lai của mình vào khái niệm lỏng lẻo về “nhà nước kinh doanh” do nhà kinh tế người Ý Mariana Mazzucato ủng hộ. Các chính phủ và các đảng xã hội chủ nghĩa yêu thích ý tưởng này khiến họ tin rằng các công ty công nghệ  lớn như Apple hay Amazon đều mắc nợ chi tiêu của chính phủ và khu vực công. Vấn đề là những điều tưởng tượng như vậy đã hoàn toàn bị lật tẩy bởi thực tế – Liên minh Âu Châu tụt hậu trong phạm vi tiếp cận công nghệ toàn cầu. Trong cuốn “Sự huyền bí của nhà nước kinh doanh” (“The Myth of the Entrepreneurial State”), bà Deirdre McCloskey và ông Alberto Mingardi đã kể về câu chuyện cổ tích rằng khu vực công đứng đầu trong sự đổi mới và tiến bộ công nghệ.

Thật không may, kế hoạch Thế hệ Tiếp theo của Liên minh Âu Châu có khả năng tạo ra ít tác động như Kế hoạch Juncker hoặc Kế hoạch tăng trưởng và việc làm năm 2009. Vấn đề chính là nó nhằm mục đích chi một số tiền lớn nhanh chóng vào các lĩnh vực được các chính trị gia ưa chuộng trong khi nền kinh tế Âu Châu phải chịu đựng chi phí đầu vào, năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao. Nền kinh tế Âu Châu đang mất khả năng cạnh tranh do giá sản xuất tăng và tỷ suất lợi nhuận yếu hơn, và một phần của nó đến từ việc cấm khí đá phiến và áp đặt chính sách năng lượng không mang tính cạnh tranh và có định hướng chính trị. Tất cả những điều đó có thể thay đổi nhanh chóng với các chính sách nghiêm túc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và gia đình với mức thuế thấp hơn, nhưng sự miễn cưỡng của các nhà hoạch định chính sách là rất lớn.

Trong năm 2009, một số quốc gia đã quyết định sử dụng Kế hoạch Tăng trưởng và Việc làm để tài trợ cho việc giảm thuế và giảm thủ tục hành chính. Lần này, thật không may, kế hoạch Thế hệ Tiếp theo của EU lại tập trung vào chi tiêu theo hướng dẫn của một tầm nhìn chính trị.

Đây có thể là một cơ hội đặc biệt để giảm giá năng lượng và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành những đại công ty công nghệ mới. Thật không may, có nhiều rủi ro là chương trình mới này sẽ trở thành một đợt chi tiêu to lớn khác đối với những dự án kém hiệu quả theo trường phái Keynes mà không mang lại lợi nhuận kinh tế thực sự. Tiềm năng của EU là rất lớn, nhưng chính sách nhà nước kiểm soát kinh tế và xã hội kiểu “chỉ huy” đang ngăn cản nhiều quốc gia phát triển gần hơn với tiềm năng của họ.

Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.

Bình Hòa biên dịch

Âu Châu sẽ thấy tăng trưởng chậm lại trong hai năm, áp lực lạm phát vẫn còn

Naveen Athrappully

Các lá cờ Liên minh Âu Châu tung bay bên ngoài trụ sở chính Ủy ban EU ở Brussels, Bỉ hôm 05/05/2021. (Ảnh: Yves Herman / Reuters)

Ủy ban Âu Châu đã công bố Dự báo Kinh tế Mùa đông 2022 cho năm nay và năm sau, dự đoán tốc độ tăng trưởng chậm lại so với năm 2021 do chi phí năng lượng cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự gián đoạn từ COVID-19.

Năm 2021, nền kinh tế của Liên minh Âu Châu (EU) đã mở rộng thêm 5.3%. Đối với năm 2022, ủy ban dự kiến tốc độ ​​tăng trưởng chậm lại, còn khoảng 4%, còn giảm hơn nữa xuống 2.8% vào năm 2023, theo một thông cáo báo chí của Dự báo Kinh tế hôm 10/02. EU đã đạt mức GDP trước đại dịch vào quý 3 năm 2021. Đến cuối năm 2022, tất cả các quốc gia thành viên dự kiến ​​sẽ vượt qua cột mốc này.

Vào mùa xuân năm ngoái, EU đã chứng kiến ​​sự phục hồi hoạt động kinh tế tiếp tục mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm. Trong quý trước, tốc độ tăng trưởng chậm lại còn 0.4%. Mặc dù dự kiến ​​sẽ có sự chậm lại như vậy, nhưng điều đó đã “sắc nét hơn dự kiến” khi những thách thức đối với tăng trưởng ngày càng gia tăng.

Những thách thức như vậy bao gồm sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 do sự lây lan của biến thể Omicron, gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng cao. Những áp lực này dự kiến ​​sẽ tiếp tục ở một mức độ nào đó trong năm nay.

Tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu chất bán dẫn, một số kim loại quan trọng và các tắc nghẽn nguồn cung khác sẽ đè nặng lên hoạt động sản xuất của khu vực trong ít nhất nửa đầu năm 2022.

Giá năng lượng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao, đóng vai trò là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế cũng như thúc đẩy áp lực lạm phát. Về dài hạn, ủy ban cho rằng giai đoạn mở rộng của EU vẫn mạnh mẽ do nguồn tài chính thuận lợi, tiết kiệm gia đình cao, thị trường lao động mạnh mẽ, v.v.

Trong quý 4/2021, lạm phát trong khối đồng euro đạt mức kỷ lục 4.6%. Trong quý đầu tiên của năm nay, ủy ban dự kiến ​​lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức 4.8%. Cho đến quý 3, lạm phát được dự báo sẽ duy trì trên 3% sau đó có thể giảm xuống 2.1% do giá năng lượng giảm và hạn chế về nguồn cung.

Lạm phát Âu Châu được chốt ở mức 3.5% cho năm 2022, tăng từ 2.6% trong năm 2021. Sau đó, con số này sẽ thấp hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Âu Châu là 2% vào năm 2023, Ủy ban Âu Châu tuyên bố.

Ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch điều hành phụ trách nền kinh tế hoạt động vì con người, cho biết trong báo cáo: “Sự gia tăng đáng kể của lạm phát và giá năng lượng, cùng với những tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và thị trường lao động, đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, chúng tôi kỳ vọng sẽ chuyển sang cấp độ cao hơn vào cuối năm nay khi một số điểm nghẽn này giảm bớt. Các nguyên tắc cơ bản của EU vẫn mạnh mẽ và sẽ được thúc đẩy hơn nữa khi các quốc gia bắt đầu thực hiện đầy đủ các Kế hoạch phục hồi và bền bỉ của họ.” 

Ông Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế cho biết tại một cuộc họp báo tiết lộ báo cáo về sự không chắc chắn và rủi ro liên quan đến dự báo vào mùa đông “vẫn ở mức cao,” với lý do chính là sự khó lường của đại dịch COVID-19.

Đức, tăng 8% vào năm 2021, dự đoán sẽ tăng 3.6% vào năm 2022 và 2.6% vào năm 2023. Đối với các quốc gia lớn khác như Pháp, Ý và Tây Ban Nha, tăng trưởng cho năm 2022 dự kiến ​​là 3.6%, 4.1%, và 5.6%.

Naveen Athrappully là một ký giả tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.

Bình Nguyên biên dịch

Nga tuyên bố hãng Google vi phạm luật chống độc quyền

Ngày 10/2 vừa qua, Cơ quan Chống độc quyền liên bang Nga (FAS) tuyên bố rằng hãng công nghệ Google đã vi phạm quy định về luật chống độc quyền khi chặn và xóa một cách không minh bạch những tài khoản trên nền tảng chia sẻ video YouTube.
chống độc quyền.


Theo FAS, những quy định của Google về việc thiết lập, đình chỉ, khóa tài khoản của người dùng và đăng tải nội dung trên YouTube là “không minh bạch, không công bằng và không thể dự báo trước”. Cơ quan này cho rằng những quy định trên dẫn đến việc chặn và xóa một cách đột ngột các tài khoản của người dùng mà không đưa ra cảnh báo hay giải thích về hành động đó.

FAS cho hay rằng động thái trên vi phạm lợi ích của người sử dụng cũng như hạn chế sự cạnh tranh. Hiện cơ quan này đang điều tra để xác định số tiền phạt đối với Google.

Hồi tháng 12/2021, Nga đã phạt gần 7,2 tỷ RUB (100 triệu USD) đối với Google vì không gỡ bỏ những nội dung không phù hợp với quy định luật pháp của Nga.

Phan Anh, theo Euro News

Related posts