Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Hoa Kỳ cần tăng cường sản xuất hỏa tiễn siêu thanh chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc

Andrew Thornebrooke

Phương tiện Thử nghiệm Siêu thanh Falcon của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Hoa Kỳ xuất hiện từ mũi hỏa tiễn hình nón và chuẩn bị quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, trong hình minh họa này. (Ảnh: Được sự cho phép của DARPA)

Theo một quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ phải tăng cường sản xuất các loại vũ khí siêu thanh nếu quốc gia này muốn chống lại và ngăn chặn hiệu quả các năng lực đang được Trung Quốc phát triển.

Bà Gillian Bussey, giám đốc Liên văn phòng Chuyển tiếp Siêu thanh tại Bộ Quốc phòng cho biết. “Tôi có thể nói rằng mọi thứ chúng ta đang làm về các hỏa tiễn đánh chặn, vũ khí tấn công, sẽ không tạo ra sự khác biệt trừ khi chúng ta có đủ số lượng.” 

“Vì vậy, việc có hàng chục hỏa tiễn siêu thanh, bất kể chúng có thực sự siêu thanh hay không sẽ không đe dọa được ai cả.”

Các vũ khí siêu thanh, không giống như hỏa tiễn thông thường, có khả năng cơ động và do đó có thể né tránh các hệ thống phát hiện vũ khí truyền thống của Hoa Kỳ.

Bà Bussey đã đưa ra những bình luận này tại một sự kiện hôm 08/02 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu tập trung vào quốc phòng, tổ chức, đã khảo sát phản ứng của Hoa Kỳ đối với các mối đe dọa siêu thanh do Trung Quốc và Nga gây ra.

ĐCSTQ đã nắm bắt các sáng kiến vũ khí siêu thanh

Chế độ cầm quyền của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đang phát triển và khai triển các công nghệ siêu thanh nhanh hơn và ở một quy mô lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, một điểm mà bà Bussey nhấn mạnh khi bà thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường khả năng vũ khí siêu thanh của Hoa Kỳ.

“Họ có những phương tiện lướt với các động cơ phản lực dòng thẳng siêu âm (scramjet). Họ có các phương tiện bay lượn với hỏa tiễn lỏng, hỏa tiễn rắn, động cơ đẩy. Có rất nhiều hệ thống đẩy mà họ đang nghiên cứu.”

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã tụt hậu trong việc phát triển các loại vũ khí siêu thanh trong thập niên vừa qua. Điều này một phần là do bộ máy quân sự quan liêu vốn đã bị nhiều người chế nhạo có thể làm chậm quá trình phát triển vũ khí xuống tới 20 năm cho mỗi hệ thống, và một phần do cấp lãnh đạo cao cấp cho là thiếu nhu cầu.

Vào tháng Hai, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall cho biết Hoa Kỳ có các nhu cầu chiến lược khác với Trung Quốc không đòi hỏi việc phải sử dụng hàng loạt các thiết bị siêu thanh.

“Trung Quốc có một loạt các mục tiêu, và tôi có thể dễ dàng hiểu tại sao họ muốn trang bị vũ khí siêu thanh với số lượng hợp lý,” ông Kendall nói.

“Chúng ta không có cùng một bộ mục tiêu mà họ đang bận tâm.”

Tuy nhiên, vì mục tiêu đặt ra đó, mà ĐCSTQ đã dành công sức và kinh phí cho nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh có khả năng vượt qua hàng phòng thủ của Hoa Kỳ. Điều quan trọng là, ĐCSTQ đang đầu tư vào cách tiếp cận toàn xã hội, không chỉ phát triển các công nghệ mà còn phát triển tài năng để duy trì và phát triển các công nghệ đó.”

Theo một báo cáo mới của CSIS, được công bố tại sự kiện ngày 08/02, ĐCSTQ “đã vượt qua Hoa Kỳ trong việc tốt nghiệp các kỹ sư chuyên ngành vũ khí siêu thanh, xuất bản các bài báo khoa học mở, và xây dựng các đường hầm gió siêu thanh.”

Do đó, theo báo cáo này, ĐCSTQ nắm giữ một lợi thế duy nhất ở chỗ Hoa Kỳ chưa phát triển một phương tiện thích hợp để phòng thủ trước một lực siêu thanh hạng nặng.

Thật vậy, các khả năng siêu thanh mới của ĐCSTQ, chẳng hạn như đã được thử nghiệm hồi tháng 07/2021, kết hợp các lợi thế về tốc độ, khả năng cơ động, và độ cao mà trước đây chỉ có thể đạt được với các hệ thống vũ khí riêng biệt trong và ngoài khí quyển.

Báo cáo này nêu rõ: “Trong khi các hệ thống phòng thủ truyền thống có thể giải quyết những thách thức này một cách riêng lẻ, sự kết hợp của chúng sẽ đòi hỏi các khả năng, khái niệm hoạt động, và thiết kế phòng thủ mới.”

Báo cáo nhận định rằng các vũ khí siêu thanh là “sự báo hiệu của một kỷ nguyên mới của chiến tranh hỏa tiễn”, do những thay đổi trên diện rộng đối với chính sách và chiến lược mà chúng sẽ mang lại.

Bà Bussey cho hay, “Phía Trung Quốc dường như đang tiếp cận vũ khí siêu thanh như một lĩnh vực, như đất liền và biển, mà họ có thể khai thác và thấy tầm quan trọng của vũ khí trên cao này bằng cách thường sử dụng các thuật ngữ “gần không gian” và “siêu thanh” hoán đổi cho nhau”.

Bà nói thêm rằng chiến lược giữa các đối thủ cạnh tranh ngang hàng sẽ chuyển sang hướng “chiếm ưu thế bằng cách tấn công”, mà bà nói sẽ có tác động sâu rộng đến sự ổn định toàn cầu và làm tăng khả năng nổ ra xung đột.

Thay đổi bản chất của phòng thủ hỏa tiễn

Đại sứ không phổ biến vũ khí hạt nhân Hoa Kỳ Robert Wood đã cảnh báo trước về việc ưu tiên các khả năng tấn công hồi tháng 10/2021, ông nói rằng hiện chưa có biện pháp phòng thủ nào chống lại những vũ khí như vậy.

Ông Wood nói: “Chính xác là chúng ta chưa biết làm cách nào để chống lại công nghệ đó. Trung Quốc cũng vậy, Nga cũng thế.”

Báo cáo của CSIS đưa ra một tương lai khác, mặc dù đó là một tương lai sẽ đòi hỏi đầu tư cao hơn.

Báo cáo nêu rõ: “Phòng thủ hỏa tiễn siêu thanh là khả thi. Tuy nhiên, việc phát hiện ra vũ khí này đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại về các thiết kế phòng thủ hiện có và sẵn sàng tiếp cận vấn đề theo cách khác.”

Báo cáo cho biết những thay đổi đó sẽ bao gồm việc xem xét lại toàn bộ động lực của chiến lược phòng thủ hỏa tiễn và tiếp cận vũ khí siêu thanh như một lĩnh vực hoặc thuộc tính của công nghệ, chứ không phải là một công nghệ đơn lẻ.

Do đó, báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc phòng coi vấn đề này như một dạng “phòng không phức hợp”, thay vì cố gắng đưa chính sách vào cấu trúc hiện có của [hệ thống] phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo.

“Quy mô và mức độ khẩn cấp cần thiết của lĩnh vực này liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh của [hệ thống] phòng thủ hỏa tiễn: các cảm biến, thiết bị đánh chặn, thiết kế, học thuyết và chính sách phòng thủ.”

Báo cáo cho biết các hệ thống theo dõi và biện pháp ứng phó dựa trên không gian sẽ là cấp bách.

“Yếu tố chương trình quan trọng nhất duy nhất để phòng thủ vũ khí siêu thanh là một lớp cảm biến không gian đàn hồi và bền bỉ có khả năng quan sát, phân loại, và theo dõi các mối đe dọa hỏa tiễn thuộc mọi loại, phương vị và quỹ đạo.”

Báo cáo cũng kêu gọi sự ưu tiên cho các nhu cầu chiến lược, cũng như xem xét các biện pháp ứng phó phòng thủ, để giải quyết thực tế rằng Hoa Kỳ đơn giản là không thể bảo vệ mọi nơi cùng một lúc khỏi mối đe dọa của vũ khí siêu thanh.

“Hoa Kỳ không cạnh tranh bằng nguồn tài nguyên vô hạn. Không thể chủ động bảo vệ mọi tài sản trọng yếu hoặc thậm chí các khu vực rộng lớn mà hỏa tiễn siêu thanh có thể nhắm mục tiêu.”

Báo cáo này đưa ra một số ý tưởng để phân lớp các hệ thống phòng thủ vũ khí siêu thanh, trong đó có việc tăng cường sử dụng vũ khí vi sóng và đầu đạn có thể tạo ra những đám mây hạt bụi lớn trong khí quyển để kích nổ sớm các hỏa tiễn đang bay tới.

Bất kể Hoa Kỳ chọn hướng nào trên con đường phòng thủ vũ khí siêu thanh, báo cáo này khẳng định rõ ràng rằng các vũ khí siêu thanh luôn tồn tại và việc khai triển chúng sẽ thay đổi cục diện chiến trường theo những cách sâu sắc.

“Cách thức mà nhiệm vụ phòng thủ vũ khí siêu thanh được theo đuổi sẽ định hình tương lai của năng lực phòng thủ hỏa tiễn.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

An Nhiên biên dịch

Nga thừa nhận dựa vào Trung Quốc để đối đầu phương Tây

Trong bối cảnh căng thẳng Đông – Tây ngày càng leo thang, Nga đang dựa vào Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết để giúp thiết lập sân chơi bình đẳng giữa các cường quốc toàn cầu, một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Nga thừa nhận.

Trao đổi trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm thứ Sáu (11/2), phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Dmitry Polyansky đã đưa ra một số nhận định về căng thẳng đang leo thang với Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại châu Âu.

Ông Dmitry Polyansky lập luận: “Các đối tác phương Tây của chúng ta có thể không còn phớt lờ những quan ngại của chúng ta nữa, tất nhiên là nếu họ thực sự quan tâm tới hòa bình, ổn định của toàn thế giới nói chung và tại châu Âu nói riêng”.

Theo ông Dmitry Polyansky, Nga “đang dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc, vì quốc gia này là nước láng giềng lớn nhất và là đối tác chiến lược của Nga”. Ông cũng nói thêm rằng Bắc Kinh và Moscow có mối quan hệ “trong mọi hoàn cảnh”, từ đó cho phép hai nước có thể đối thoại “về những vấn đề quốc tế phức tạp nhất, cũng như các vấn đề khác và tìm được nền tảng chung”.

“Theo như kết quả của các cuộc đàm phán giữa hai nguyên thủ Nga và Trung Quốc bên lề lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh, đối tác Trung Quốc của chúng ta hoàn toàn hiểu và chia sẻ những quan ngại của ta và ủng hộ lập trường của ta về các vấn đề an ninh châu Âu”, ông Dmitry Polyansky lưu ý.

Phát biểu của ông Dmitry Polyansky đến sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát đi tuyên bố chung kêu gọi NATO hãy rút lại các kế hoạch mở rộng thành viên và từ bỏ tư duy “Chiến tranh Lạnh”.

Theo Điện Kremlin, tuyên bố chung của hai nguyên thủ Nga, Trung cho hay: “Hai bên phản đối mở rộng NATO thêm nữa và kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương này phải rút lại các cách tiếp cận hệ tư tưởng của thời Chiến tranh Lạnh”.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi NATO “tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các quốc gia khác, và tôn trọng sự đa dạng về lịch sử văn hóa, văn minh; và ứng phó với sự trỗi dậy hòa bình của các chính phủ khác một cách khách quan và công bằng”.

Nga và Trung Quốc thời gian qua đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực từ thương mại, năng lượng, kinh tế đến quốc phòng trong bối cảnh cả hai cùng phải đối mặt với áp lực gia tăng từ phương Tây.

Tuy nhiên, bất chấp dấu hiệu cho thấy sự hợp tác ngày càng phát triển giữa Nga và Trung Quốc, nhiều nhà phân tích quốc tế vẫn nhận định rằng mối quan hệ đối tác Nga-Trung chưa thể so sánh với sự gắn kết của các khối liên minh khác của phương Tây, chẳng hạn như NATO.

Đức Thiện (Theo RT)

Úc, New Zealand yêu cầu công dân rời Ukraine ngay lập tức

A convoy of Russian armored vehicles moves along a highway in Crimea, Tuesday, Jan. 18, 2022. Russia has concentrated an estimated 100,000 troops with tanks and other heavy weapons near Ukraine in what the West fears could be a prelude to an invasion. (AP Photo)

Úc và New Zealand hôm thứ Bảy kêu gọi công dân của họ rời Ukraine ngay lập tức trong bối cảnh nguy cơ Nga xâm lược đang ngày càng gia tăng, bao gồm một cuộc không kích mà Mỹ cho rằng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Reuters đưa tin.

“Khuyến cáo của chúng tôi rất rõ ràng, đây là một tình huống nguy hiểm… các bạn nên tìm cách rời khỏi Ukraine,” Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết trong một cuộc họp báo hôm 12/2.

Bộ Ngoại giao New Zealand cho biết tình hình an ninh ở Ukraine có thể thay đổi trong thời gian ngắn và “công dân New Zealand không nên dựa vào hỗ trợ để sơ tán trong những trường hợp này.”

“New Zealand không có cơ quan đại diện ngoại giao ở Ukraine và khả năng của chính phủ trong việc cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho người New Zealand ở Ukraine do đó rất hạn chế,” theo tuyên bố.

Trước đó, Nhật Bản, Anh, Latvia, Na Uy và Hòa Lan đã yêu cầu công dân của họ rời khỏi Ukraine. Israel cho biết họ đang sơ tán thân nhân của các nhân viên Đại sứ quán.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Nga có thể tiến hành một cuộc xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hành động quân sự của Nga có thể bắt đầu bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và đường không, sau đó là một cuộc tấn công trên bộ.

Ông nói: “Nếu một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine được tiến hành, nó có khả năng bắt đầu bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và ném bom trên không, có thể giết chết dân thường mà không cần biết đến quốc tịch của họ.”

Sau tuyên bố của ông Sullivan tại Nhà Trắng, phó đại sứ Liên hợp quốc của Nga Dmitry Polyanskiy cho rằng Hoa Kỳ đã “hù dọa” với “sự cuồng loạn” và rằng quân đội Nga vẫn đang ở trên lãnh thổ của Nga. “Tôi tự hỏi liệu Mỹ có xâm lược chính Ukraine hay không. Ai đó sẽ phải làm vậy chứ, sau một chiến dịch gây hoảng sợ như vậy.”

Nga đã tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine nhưng phủ nhận kế hoạch tấn công.

Các quan chức Mỹ cho biết Moscow có thể xâm lược trước khi kết thúc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 20/2 và có thể tìm cách chiếm thủ đô Kiev và các thành phố khác.

Lê Vy (theo Reuters)

Nhiều quốc gia mở cửa biên giới, chấp nhận sống chung với COVID-19

Trong 2 tuần qua, ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đạt mức cao mới, nhiều quốc gia vẫn tuyên bố mở lại biên giới, hoặc đưa ra kế hoạch nới lỏng các hạn chế biên giới. Điều này đồng nghĩa với tư duy toàn cầu chống dịch viêm phổi Vũ Hán đang thay đổi. Nhiều quốc gia lần lượt mở cửa biên giới, dần chấp nhận việc sống chung với COVID-19.
sống chung với COVID-19

Hãng tin CNBC đưa tin rằng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm COVID-19 đạt đỉnh điểm trên toàn cầu vào cuối tháng Giêng, với hơn 4 triệu ca mắc mới chỉ trong 1 ngày. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang báo hiệu rằng họ không đủ khả năng tài chính, hoặc không muốn đóng cửa lâu hơn. Điều này không chỉ giúp ngành du lịch có cơ hội hồi sinh, mà còn là cơ hội đoàn tụ của nhiều người đang bị chia cách.

Báo cáo cho biết, bắt đầu từ cuối năm ngoái, các biến thể Omicron dễ lây lan đã xuyên qua biên giới, làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của việc đóng cửa biên giới.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trên thực tế các hạn chế phong tỏa thực sự chỉ có tác dụng nhỏ trong việc giảm số người chết.

Tuần trước, một phân tích tổng hợp của 24 nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (JHU) Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng trong đợt COVID-19 đầu tiên vào mùa xuân năm 2020, theo một vài chỉ số, các chính sách phong tỏa chỉ giúp tỷ lệ tử vong ở Hoa Kỳ và Châu Âu giảm 0,2%.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc đóng cửa cũng có thể gây ra những hậu quả khác, như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giảm tỷ lệ đi học, bạo lực gia đình và tình trạng sử dụng ma túy quá liều gia tăng.

Theo Our World in Data, 61,6% dân số thế giới đã tiêm vắc-xin, và trước kia nhiều người cũng được bảo vệ khỏi việc lây nhiễm, cùng với việc tiếp tục phát triển các phương pháp điều trị y tế, nhằm giảm bớt hoặc điều trị những bệnh nhân bị bệnh nặng, nhiều chuyên gia tin rằng một giai đoạn mới của đại dịch có thể đang đến gần.

Sau đây là những quốc gia đã thay đổi chính sách kiểm soát biên giới trong thời gian tới:

Úc

Từ ngày 21/2, Úc công bố kế hoạch mở cửa trở lại cho khách du lịch đã tiêm chủng, đánh dấu sự kết thúc của “Pháo đài Úc”. Kể từ khi dịch bùng phát, chính phủ Úc đã hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt, gồm cả những người có quốc tịch Úc trở về từ nước ngoài. Chính sách biên giới gây tranh cãi đã mang lại cho nước này danh hiệu “Pháo đài Úc”.

CNBC cho biết, việc đóng cửa biên giới đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể và khiến tình trạng thiếu hụt lao động thêm trầm trọng. Darryl Newby, người đồng sáng lập công ty du lịch “Welcome to Travel” có trụ sở tại thành phố Melbourne, cho biết đại dịch toàn cầu “không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn đến mọi ngành nghề ở Úc.”

Khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng mạnh vào tháng 12, áp lực mở lại biên giới cũng tăng theo, làm dấy lên câu hỏi liệu có nên tiếp tục cự tuyệt những khách du lịch đã tiêm phòng và yêu cầu xét nghiệm mới cho nhập cảnh hay không.

Theo Sydney Morning Herald, “tâm lý tiêu cực” của người dân có thể là một yếu tố khác thúc đẩy Úc mở cửa biên giới. Trong bài viết dẫn lời bà Phillipa Harrison, Cục trưởng cục Du lịch Úc, rằng chính sách biên giới của Úc đã chuyển từ “đáng ngưỡng mộ” sang “lố bịch”, một số người lo ngại rằng sức hấp dẫn du lịch sẽ bị ảnh hưởng lâu dài.

New Zealand

New Zealand, quốc gia đã đóng cửa biên giới nghiêm ngặt từ lâu, cũng thông báo rằng họ sẽ chào đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vắc-xin.

Không giống như Úc, tuần trước New Zealand đã đề xuất một “kế hoạch mở cửa trở lại gồm 5 giai đoạn”, sớm nhất là đến tháng 7, du khách quốc tế mới được nhập cảnh. Du khách đã tiêm chủng cũng phải tự cách ly trong 10 ngày khi đến nơi.

Theo kế hoạch, từ ngày 27/2, những người New Zealand đã tiêm vắc-xin có thể trở về từ Úc; từ ngày 13 tháng sau, công dân New Zealand từ các quốc gia hoặc khu vực khác, cũng như người lao động đủ điều kiện cũng được nhập cảnh.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 12/4, có tới 5.000 sinh viên quốc tế được nhập học. Giai đoạn 4 là vào tháng Bảy, cho phép du khách từ Úc và các quốc gia miễn thị thực khác nhập cảnh. Giai đoạn 5 bắt đầu vào tháng 10, sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn cho tất cả khách du lịch.

Philippines

Sau khi đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, Philippines công bố kế hoạch cho phép du khách từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực được nhập cảnh vào ngày 10/2, yêu cầu họ phải hoàn thành việc tiêm chủng và có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, thì sẽ được miễn cách ly, để hồi sinh ngành du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Philippines đạt đỉnh vào tháng trước, có thời điểm số ca mắc trong một ngày vượt qua con số 300.000 người. Theo WHO, sau khi đạt đỉnh, số ca nhiễm cũng giảm nhanh chóng, tính đến ngày 10/2, có 3.543 ca mới được xác nhận trong 24 giờ qua.

Bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm, Bộ Du lịch Philippines cho biết các đường biên giới sẽ được mở lại để giải quyết các vấn đề kinh tế. Bộ Du lịch tin rằng đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh, sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc khôi phục việc làm.

Trong một bài báo, bà Berna Romulo-Puyat, Bộ trưởng Du lịch cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể theo kịp các nước láng giềng ASEAN của mình, những nước đã thực hiện các bước tương tự để mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài.”

Indonesia

Tuần trước, Đảo Bali của Indonesia cũng đã thông báo sẽ mở cửa cho khách du lịch quốc tế đã tiêm chủng, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng cao.

Theo thông báo ngày 31/1 từ văn phòng Bộ Hàng hải và Đầu tư Indonesia: “Tỷ lệ dương tính hiện tại của Bali đã vượt quá 5% so với tiêu chuẩn của WHO… Số lượng người được kiểm tra và xét nghiệm mỗi ngày cũng tăng lên đáng kể.”

Tuy nhiên, theo bộ này, việc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế là để “phục hồi nền kinh tế của Bali.”

Du khách được yêu cầu cách ly trong 5 ngày, nhưng họ có thể cách ly tại 66 khách sạn được chỉ định, gồm nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng nổi tiếng của hòn đảo.

Malaysia

Reuters đưa tin, hôm thứ Ba, Hội đồng Phục hồi Quốc gia của Malaysia kiến nghị mở cửa trở lại cho du khách quốc tế sớm nhất vào ngày 1/3.

Du khách sẽ không bị cách ly khi đến và chính sách biên giới có thể sẽ tương tự như chính sách của Thái Lan và Singapore. Theo Bộ Y tế Malaysia, gần 98% dân số người trưởng thành của đất nước này đã tiêm chủng.

Tuy nhiên, Malaysia có thể đang hướng tới đỉnh cao lây nhiễm Omicron. Các trường hợp hàng ngày bắt đầu tăng cao từ 2 tuần trước, hiện vẫn chưa giảm.

Châu Âu và các khu vực khác

Các quốc gia như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Na Uy đã thông báo ý định từ bỏ yêu cầu xét nghiệm nhập cảnh đối với khách du lịch đã tiêm chủng, mặc dù một số quy tắc chỉ áp dụng cho cư dân thuộc EU (Liên minh châu Âu).

Tuần trước, Puerto Rico và Aruba (2 quốc đảo nhỏ trong Biển Caribe) đã ban hành các biện pháp tương tự.

Tuy nhiên, không giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thắt chặt các hạn chế trong việc phòng chống dịch

Vào cuối tháng 1, sau khi đóng cửa các quán bar và cấm một số chuyến bay trong nước, trong tuần này Hồng Kông đã đưa ra các hạn chế mới, gồm hạn chế các cuộc tụ tập công cộng giới hạn trong 2 người. Theo Guardian, các lệnh hạn chế đang gây ra tình trạng thiếu lương thực trên khắp Hồng Kông, khiến giá cả tăng cao và công chúng phẫn nộ.

Ngoài ra, trước thềm Olympic Mùa đông, Trung Quốc một lần nữa thực hiện các biện pháp đóng cửa thành phố nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến tổng cộng khoảng 20 triệu người ở Tây An, thành phố Vũ Châu, An Dương thuộc tỉnh Hà Nam và những nơi khác.

Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhiều nơi đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch rất nghiêm ngặt, không cho người dân đi lại trong những ngày cận kề năm mới. Chính sách “Zero COVID” của ĐCSTQ cũng đã khiến nhiều gia đình không thể đoàn tụ trong 3 năm liên tiếp và buộc phải ly tán vào dịp năm mới.

Theo The Epoch Times,

Trần Đình

Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc chấm dứt lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Rita Li

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc thực hiện các bước để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc và tôn giáo ở Tân Cương được xác định trong một báo cáo thường niên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Theo báo cáo năm 2022 do Ủy ban Chuyên gia của ILO về việc Áp dụng các Công ước và Khuyến nghị công bố hôm 10/02, Trung Quốc đang sử dụng các trung tâm dạy nghề và phục hồi chức năng để “cải tạo chính trị” dựa trên việc giam giữ hành chính. Điều này đã nêu bật “một chương trình mở rộng và có hệ thống” liên quan đến việc sử dụng rộng rãi lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác cho nông nghiệp và các hoạt động công nghiệp trên khắp khu vực Tân Cương.

Trong khi làm việc bên ngoài khu vực này, “các công nhân [người Duy Ngô Nhĩ] không được tự do đi lại, bị giam giữ trong các ký túc xá, và phải sử dụng phương tiện vận chuyển có giám sát đến và đi từ nhà máy đó. Họ phải tuân theo các kỳ vọng sản xuất không thể thực hiện được và thời gian làm việc kéo dài,” báo cáo này viết.

“Về vấn đề trả lương, họ thường bị khấu trừ khiến cho tiền lương gần như chẳng còn gì,” ILO cho biết, khi trích dẫn một tổ chức công đoàn toàn cầu. Tổ chức này cũng đã kêu gọi Trung Quốc “xem xét, bãi bỏ, và sửa đổi các luật và các hành vi phân biệt đối xử về việc làm đối với các nhóm thiểu số chủng tộc và tôn giáo ở Tân Cương.”

Trong một thông cáo báo chí hôm 10/02, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hoan nghênh việc ban hành và thúc giục Trung Quốc thực hiện các bước theo yêu cầu của Ủy ban Chuyên gia này, khi nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt chế độ diệt chủng và các hành vi ngược đãi khác bao gồm lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương.

Báo cáo dài 870 trang (pdf) đã nêu chi tiết về các quan sát từ Liên đoàn Công đoàn Quốc tế (ITUC) có trụ sở tại Brussels trong vài năm qua, và cáo buộc các vi phạm trên thực tế về quyền nghiệp đoàn ở một cấp độ quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.

Báo cáo này cho biết: “Khoảng 13 triệu thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tân Cương đang bị nhắm mục tiêu trên cơ sở dân tộc và tôn giáo của họ với mục đích kiểm soát xã hội và đồng hóa văn hóa và bản sắc của họ.”

Một nhà hoạt động trẻ người Duy Ngô Nhĩ giơ một tấm biểu ngữ có nội dung “Trung Quốc, bà của tôi đâu rồi?!” trong một cuộc biểu tình bên ngoài Văn phòng Ngoại giao ở Berlin, nơi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp Đức vào ngày 01/09/2020. (Ảnh: Tobias Schwarz/AFP/Getty Images)

Theo ITUC, Trung Quốc đã gọi hành động đàn áp của họ, tại các trại lao động cưỡng bức, nơi giam giữ khoảng 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người khác trong khu vực này là “xóa đói giảm nghèo,” “đào tạo nghề,” “cải tạo thông qua lao động,” và “xóa bỏ cực đoan.”

Bắc Kinh gọi người Duy Ngô Nhĩ là “những kẻ khủng bố cực đoan” và nhấn mạnh rằng những cáo buộc này đều mang tính “động cơ chính trị”.

Các phát hiện cho thấy những trại lao động như vậy đều là “trọng tâm của một chương trình nhồi sọ tập trung vào việc tách biệt và ‘thanh lọc’ các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khỏi văn hóa, tín ngưỡng, và tôn giáo của họ.” Chúng cũng “được đặc trưng bởi điều kiện sống khó nhọc, thiếu tự do đi lại, bị tra tấn về thể chất và tâm lý, đào tạo nghề bắt buộc, và lao động cưỡng bức trên thực tế.”

Theo ITUC, việc du lịch ngoại quốc, xin hộ chiếu, giao tiếp với những người ở ngoại quốc, hoặc thường xuyên cầu nguyện đều có thể dẫn đến việc đi tù.

Ngoài các trại giam, thì các nơi làm việc trên khắp Tân Cương và các vùng khác của đất nước này đã chứng kiến sự đối xử bất công đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm việc giám sát liên tục về thể chất và trực tuyến, thời gian làm việc kéo dài, thắt chặt tiền lương, và thiếu các quyền tự do lựa chọn.

Theo báo cáo này, đã có ít nhất 80,000 người Duy Ngô Nhĩ và những người lao động dân tộc thiểu số khác đã bị buộc phải di dời đến các nhà máy ở miền đông và miền trung Trung Quốc theo một kế hoạch chính thức có tên “Viện trợ Tân Cương.” Những người này bị buộc phải rời khỏi nhà của họ, nếu không họ hoặc gia đình của họ sẽ bị trừng phạt bằng cách giam giữ.

Báo cáo này cho biết khi trích dẫn từ ITUC: “Nếu không có những chuyến lưu chuyển được sắp xếp một cách cưỡng chế này, thì người Duy Ngô Nhĩ sẽ không tìm được việc làm bên ngoài vùng Tân Cương, bởi vì ngoại hình của họ sẽ dẫn đến các cuộc điều tra của cảnh sát.”

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình này, Chính quyền này ưu đãi và miễn thuế cho các doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng những người bị giam giữ; tiền trợ cấp được cấp để khuyến khích các công ty do Trung Quốc làm chủ đầu tư và xây dựng các nhà máy ở gần hoặc nằm trong các trại tập trung; và tiền bồi thường được cung cấp cho các công ty để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển và tuyển dụng lao động người Duy Ngô Nhĩ ở bên ngoài Khu vực của người Duy Ngô Nhĩ.”

Chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã bị các quốc gia và nhóm nhân quyền, bao gồm cả chính phủ Hoa Kỳ trước đây và hiện tại, và các nghị viện của Anh Quốc, Canada, Hà Lan, Lithuania, Bỉ, và Cộng hòa Séc, định danh là một “tội diệt chủng”.

The Epoch Times đưa tin, tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ đã “đặt ra các hạn chế thương mại và đầu tư đối với hàng chục tổ chức của Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc vũ khí hóa công nghệ sinh học và các cải tiến khác của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ quân đội Trung Quốc và nâng cao tình trạng vi phạm nhân quyền của họ.”

Theo tuyên bố hôm thứ Năm (10/02), Hoa Thịnh Đốn sẽ sát cánh và làm việc với các đồng minh của mình để chấm dứt nạn lao động cưỡng bức và tăng cường hành động quốc tế để lên án tội ác chống lại nhân loại đang diễn ra ở vùng Tân Cương.

Ủy ban của ILO, một cơ quan độc lập bao gồm 20 chuyên gia pháp lý cao cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế, đang xem xét việc áp dụng các Công ước của ILO, các Nghị định thư, và Khuyến nghị của các quốc gia thành viên.

Năm 19194, Trung Quốc đã gia nhập cơ quan Liên Hiệp Quốc này với tư cách là một trong những quốc gia thành viên sáng lập.

Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts