Biên giới Hoa Kỳ trong tầm với khi hàng ngàn người Cuba chạy trốn đến Nicaragua

Autumn Spredemann

Khoảng 700 người Cuba đã tham gia đoàn lữ hành di cư khi đoàn này tiến về phía bắc tới Hoa Kỳ, ở Tuzantan, bang Chiapas, Mexico, vào ngày 25/03/2019. (Ảnh: Jose Torres/Reuters)

SANTA CRUZ, Bolivia – Bên ngoài Phi trường Quốc tế José Martí ở Havana, một đám đông người dân Cuba kích động đang chờ để đi đến Nicaragua, điều này đã trở thành hiện tượng thường xuyên do nhu cầu chuyến bay tăng vọt và các vụ hủy lẻ tẻ bắt đầu từ tháng Mười Một năm ngoái.

Khung cảnh vẽ nên một bức chân dung sống động về những con người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thoát khỏi chế độ cộng sản của đất nước này. Việc rời đi hiện đã trở nên dễ dàng hơn do Nicaragua, nước đã mở cửa hôm 22/11 và bỏ yêu cầu thị thực đối với người Cuba, đẩy nhanh làn sóng người di cư đến quốc gia Trung Mỹ này và theo một số người, cuối cùng là biên giới phía nam của Hoa Kỳ.

Chủ tịch xã hội chủ nghĩa Daniel Ortega đã bắt đầu quá trình từ bỏ thủ tục giấy tờ cần thiết cho người Cuba nhập cảnh Nicaragua từ năm 2019. Tuy nhiên, hôm 12/01, các hãng hàng không đã tăng số lượng đường bay thẳng giữa hai quốc gia, khiến việc trốn khỏi Cuba trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn.

Trước tháng Một năm nay, người di cư phải đến Colombia và mua vé thứ 2 để đi đến Nicaragua, hoặc đối diện với các lựa chọn bay thẳng hạn chế từ Havana và có nguy cơ bị hủy vé do bán quá nhiều.

Thẩm phán Tòa Hòa giải Quận Kinney Narce Villarreal (bên phải) xét xử một nhóm người nhập cư bất hợp pháp từ Cuba khi họ bị buộc tội xâm phạm một trang trại địa phương, tại Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Kinney ở Brackettville, Texas, hôm 08/08/2021. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)

Bằng chứng cho thấy điều này đã tác động đến cuộc khủng hoảng di cư hiện tại tại biên giới đất liền giữa Hoa Kỳ và Mexico vốn đang tồn đọng nhiều vấn đề.

Hướng tới điều kiện sống tốt hơn

Trước khi ông Ortega nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh vào năm 2019, số lượng các cuộc chạm trán trên đất liền với người di cư Cuba của các nhân viên tuần tra biên giới Hoa Kỳ tại biên giới phía nam là ít hơn 200 mỗi năm, chỉ có 74 cuộc chạm trán được ghi nhận vào năm 2018. Tuy nhiên, năm sau đó, con số đó đã tăng lên 11,645 trường hợp.

Tiến sĩ Orlando Gutierrez Boronat, điều phối viên của Hội đồng Kháng chiến Cuba, một liên minh ủng hộ dân chủ của các nhóm nhân quyền, nói với The Epoch Times: “Mục tiêu là rời Cuba, tới Nicaragua, và tràn qua biên giới phía nam Hoa Kỳ.”

Hôm 15/01, cảnh sát Honduras đã bắt giữ 59 người di cư Cuba và Nicaragua đang đi về phía bắc cùng với 4 kẻ buôn người, được gọi là chó sói đồng cỏ trong khắp khu vực. Theo một tuyên bố từ cảnh sát, những kẻ buôn lậu này đang đưa những người di cư về phía bắc về phía Hoa Kỳ.

Nỗ lực hợp tác giữa chính quyền của ông Ortega và chính quyền cộng sản Cuba, hiện do Chủ tịch Miguel Mario Díaz-Canel đứng đầu, báo hiệu một sự thay đổi mạnh mẽ trong lập trường đối với những người Cuba muốn bỏ trốn.

Trong suốt những năm 1990, các nhà chức trách Cuba coi hành động, thậm chí cố gắng rời khỏi đất nước bất hợp pháp, là phản quốc, một hành vi có thể bị phạt tù tới 3 năm.

Trong trường hợp xấu nhất, nhà nước có thể xử tử ai đó vì bỏ trốn đảo quốc cộng sản này.

Ông Boronat nói: “Giờ đây, có quá nhiều sự bất mãn ở quê nhà, họ [chính quyền Cuba] chỉ muốn loại bỏ người dân.” 

Ông nói thêm rằng các cuộc biểu tình chống lại chính quyền cộng sản ở Cuba vẫn chưa lắng xuống kể từ cuộc biểu tình lịch sử vào mùa hè năm ngoái. Vào tháng 12/2021, những người ủng hộ phe đối lập từ phong trào Vicente Méndez ở Havana đã tiến hành các hoạt động phản đối và yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị từ các cuộc biểu tình tháng 07/2021.

Bắt đầu từ cuối tuần hôm 15/01, các bảng hiệu và áp phích bắt đầu xuất hiện ở những nơi công cộng trên khắp đất nước với thông điệp “El Paro Va”. Ông Boronat nói, cụm từ, đại diện cho phong trào phản kháng đang diễn ra chống lại chính phủ, là tiếng lóng của Cuba có nghĩa là “Đây là ngày chúng ta trỗi dậy.” 

Một mảnh giấy dán trên một cái cây ở Cuba có dòng chữ “Đó là ngày chúng ta trỗi dậy” bằng tiếng Tây Ban Nha, đó là khẩu hiệu của phong trào kháng chiến chống lại chính quyền cộng sản, hôm 17/01/2022. (Ảnh: Orlando Gutierrez Boronat/Hội đồng Kháng chiến Cuba)

Nhà phân tích quan hệ Mỹ Latinh Fernando Menendez nói với The Epoch Times rằng có rất ít động lực để rời Cuba một cách hợp pháp. “Một khi quý vị đến đại sứ quán và nộp đơn xin thị thực, có thể mất nhiều thời gian để được cấp và chính quyền phát hiện ra quý vị đang cố gắng rời đi, họ sẽ ngăn chặn quý vị.”

Ông Menendez giải thích rằng, sau khi chế độ Cuba biết được một người dân đang cố gắng di cư đến một quốc gia khác, họ sẽ tước mất việc làm, thẻ mua lương thực trợ cấp, và bất kỳ phương tiện sinh tồn ít ỏi nào còn sót lại của người đó.

Ông nói thêm: “Ngay cả gia đình và hàng xóm của quý vị cũng sẽ ngừng nói chuyện với quý vị. Không ai có thể đủ khả năng để kết giao với quý vị vào thời điểm đó. Điều đó quá nguy hiểm.”

Không có tương lai ở Cuba

Giữa những hàng dài, nhiều hy vọng và các chuyến bay bán hết vé ra khỏi Havana, anh Anton Garcia, 27 tuổi, đã cố gắng giành được một vé đến thủ đô Managua của Nicaragua vào tháng trước.

Anh Garcia nói với The Epoch Times: “Không ai muốn bỏ lại gia đình của mình, nhưng tôi muốn sống, không chỉ là tồn tại.”

Ngay cả khi là một sinh viên trẻ tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư, anh Garcia cho biết triển vọng làm việc của anh ở Cuba khá nghiệt ngã, chưa nói đến ước mơ sở hữu một ngôi nhà hoặc thành lập một gia đình của riêng mình. Sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc năm ngoái, anh Garcia biết rằng đã đến lúc phải ra đi.

Anh nói, “Mặc dù vậy, điều đó không dễ dàng. Quý vị dành hàng tháng trời để cố gắng kiếm được tiền. Quý vị phải bán tất cả những gì mình sở hữu chỉ để mua một tấm vé.”

Mức lương tối thiểu trung bình dưới sự quản lý của chính quyền cộng sản kéo dài hàng thập niên là 87 USD một tháng, khoản này phản ánh mức tăng lương của chính phủ bắt đầu vào tháng 01/2021 để chống lại tình trạng đói nghèo gia tăng và các khó khăn kinh tế do đại dịch gây ra.

Khi được hỏi liệu anh có dự định tham gia đoàn lữ hành đầy hy vọng này tới biên giới Hoa Kỳ hay không, anh Garcia chỉ trả lời đơn giản: “Có thể, một ngày nào đó.”

Trong khi đó, anh Garcia sửa xe máy để kiếm tiền ở khu Jorge Dimitrov của Managua.

Ông Menendez cho biết bất kỳ ai rời Cuba đến Nicaragua cuối cùng sẽ cố gắng đi về phía bắc để hướng tới Hoa Kỳ, và khẳng định quốc gia Trung Mỹ này không có gì để chào mời những người di cư lựa chọn ở lại.

Ông Boronat nói, lặp lại ý kiến tương tự: “Về căn bản, Nicaragua do Cuba điều hành.”

Cả hai quốc gia đều chia sẻ một di sản của chủ nghĩa xã hội, đạt được thông qua chiến tranh du kích, đều có đặc điểm là các chế độ độc tài kéo dài và tỷ lệ đói nghèo cao.

Cho đến nay, Cuba vẫn là một trong những quốc gia chính ở Mỹ Latinh có người di cư khăn gói lên đường đến Hoa Kỳ.

Autumn là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.

Hoàn Nguyên biên dịch

Related posts