Mỹ đóng cửa Tòa đại sứ tại Belarus, cho phép nhân viên ngoại giao rời Nga

Huyền Anh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo chung của cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao tại Park Hyatt vào ngày 11/2/2022 ở Melbourne, Úc. (Ảnh của Darrian Traynor/Getty Images)

Ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Belarus, đồng thời cho phép nhân viên Mỹ rời khỏi Nga. Ông Julie Fisher, đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Belarus, cho biết động thái đóng cửa đại sứ quán ở Minsk một phần là do Belarus “đồng lõa trong cuộc chiến chống Ukraine của Nga”.

Belarus có chung đường biên giới với Ukraine và Nga, đã cho phép quân đội Nga đưa quân qua quốc gia mình để thực hiện các cuộc tấn công trên các mặt trận khác nhằm vào lực lượng Ukraine, các quan chức Mỹ cho biết.

“Các nhà chức trách Belarus đã thực hiện một loạt các hành động thù địch nhằm hạn chế khả năng [của đại sứ quán] làm việc với người dân Belarus và thúc đẩy lợi ích của Mỹ, bao gồm cả việc buộc cắt giảm nhân viên, đóng cửa USAID Belarus và trung tâm văn hóa Hoa Kỳ ở Minsk”, bà nói và cho biết thêm. Hoa Kỳ vẫn cam kết với người dân Belarus và sẽ hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao khác.

Theo hãng tin Interfax và kênh CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố đình chỉ hoàn toàn hoạt động của Đại sứ quán Mỹ ở Belarus. Ông Antony Blinken cho hay các nhà ngoại giao Mỹ đang ở Nga cũng được phép rời khỏi nước này và chỉ những nhân viên thật sự cần thiết ở lại.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi thực thi những bước đi này vì những vấn đề an ninh và an toàn bắt nguồn từ vụ tấn công của các lực lượng quân đội Nga ở Ukraine”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, không có ưu tiên nào cao hơn an ninh và an toàn của công dân Mỹ.

Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Moscow trước đó cũng khuyến cáo công dân Mỹ “ngay lập tức” rời khỏi Nga, viện dẫn lý do tình trạng leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Cảnh báo này nêu rõ người Mỹ không nên đến Nga, với lý do “công dân Mỹ có thể bị quấy rối” và khả năng hỗ trợ bị hạn chế của đại sứ quán Mỹ.

Trước đó, ngày 22/2, Mỹ cũng đã công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga sau khi Moskva chính thức công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) ở Donbass, miền Đông Ukraine.

Theo các hãng tin AFP (Pháp) và TASS (Nga), Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo “đợt trừng phạt đầu tiên” nhằm vào các thể chế tài chính của Nga và “giới tinh hoa” trong lĩnh vực này. Ông nêu rõ các biện pháp này có hiệu lực vào ngày 23/2, được đưa ra có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ.

Trong số những thể chế tài chính lớn bị áp đặt trừng phạt có Ngân hàng Quân đội của Nga. Ông Biden cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí “phòng thủ” cho Ukraine và triển khai quân đội nhằm tăng cường sức mạnh cho các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ở Đông Âu.

Ông Biden đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đang ở thăm Washington nhằm “tái khẳng định” sự ủng hộ đối với Kyiv trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Kuleba, trong đó khẳng định Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Kyiv và các đồng minh trong tiến trình hạ nhiệt căng thẳng.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov được lên lịch trong tuần này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng thông báo hủy lời mời gặp mặt với người đồng cấp Nga Lavrov.

Ngày 23/2, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng các chỉ huy quân đội Nga như một phần trong gói các biện pháp đáp trả việc Moskva công nhận hai thực thể nói trên tại miền Đông Ukraine .

EU áp dụng các biện pháp phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với những nhân vật cao cấp, trong đó có tư lệnh các quân chủng lục quân, hải quân và không quân của Nga, Chánh Văn phòng Điện Kremlin, Giám đốc Đài truyền hình nhà nước RT và nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Brussels cũng đưa vào “danh sách đen” 23 cá nhân mà EU cho  là liên quan đến hành động gây hấn quân sự của Nga đối với Ukraine, hoặc tham gia vào các quyết định chính trị quan trọng. Ngoài ra, EU cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hơn 300 nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga.

EU đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt chung đối với nền kinh tế Nga bằng cách hạn chế Moskva phát hành trái phiếu chính phủ hoặc huy động vốn tại những thị trường tài chính châu Âu, cấm nhập khẩu đối với hàng hóa đến từ Donetsk và Luhansk. EU tuyên bố đây mới chỉ là phần đầu trong gói những biện pháp “chưa có tiền lệ” mà Brussels đã chuẩn bị đối với Nga. Phần còn lại đang được chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bùng phát xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin ngày 28/2 khẳng định nước Nga có đủ năng lực cần thiết để vượt qua những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt liên quan đến hành động quân sự của Moskva ở Ukraine.

Ngày 28/2, sau bốn ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phái đoàn đàm phán của hai nước đã gặp nhau tại một dinh thự ở khu vực Gomel trên biên giới Ukraine- Belarus.Huyền AnhTheo The Epoch Times

Related posts