Người tị nạn Ukraine bị chính phủ Bolivia trục xuất trở về sau làn sóng phản đối của cộng đồng

Công dân Bolivia và kiều bào Ukraine chờ đợi sự xuất hiện của hai người tị nạn bị trục xuất Mykhailo Karpenko và Oksana Karpenko ở Santa Cruz, Bolivia, hôm 13/03/2022. (Ảnh: Cesar Calani/The Epoch Times) Hoa Kỳ

SANTA CRUZ, Bolivia – Gần cửa ra của khu vực làm thủ tục nhập cảnh tại Phi trường Quốc tế Viru Viru, một đám đông những người ủng hộ quốc tịch Bolivia và Ukraine đã quần tụ trong một cuộc biểu tình hôm 13/03 để chào mừng sự xuất hiện của hai người tị nạn bị giới chức nhập cảnh trục xuất một ngày trước đó.

Hai công dân người Ukraine là Mykhailo Karpenko và Oksana Karpenko đã đến cùng một cảng vào ngày 12/03 và cơ quan nhập cảnh Bolivia đã giam giữ hai anh em họ trong khoảng 15 giờ, mặc dù đã có giấy tờ hợp lệ, bao gồm thư mời chính thức từ một người Ukraine là công dân Bolivia sống ở nước này đã 45 năm.

Sau nhiều giờ giam giữ, các quan chức đã từ chối cho cặp đôi tị nạn này nhập cảnh và trục xuất họ về Argentina.

Tin tức về vụ từ chối nhập cảnh nhân đạo đáng ngạc nhiên này đã lan truyền nhanh chóng, khiến các nhóm nhân quyền Bolivia và lãnh sự quán Ukraine tập hợp để gây áp lực với các quan chức chế độ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Luis Arce cho phép cặp đôi này quay trở lại từ Argentina.

Người bảo lãnh cho cặp đôi ở Bolivia, bà Ludmila Kundenko, nói với The Epoch Times rằng lãnh sự quán Ukraine ở Brazil và Argentina cũng tham gia vào nỗ lực đưa những người đồng hương bị trục xuất của bà trở lại Bolivia.

“Điều quan trọng nhất lúc này là cuộc sống của họ. Họ [những người tị nạn] là đồng hương của tôi, là con của các anh tôi,” bà nói.

Bà Kundenko không lạ gì với việc trốn chạy khỏi sự đàn áp. Năm 1976, bà đến Bolivia với tư cách là người tị nạn đầu tiên chạy trốn khỏi Liên Xô và xin tị nạn tại quốc gia Nam Mỹ này.

Kể từ đó, bà đã gây dựng điều mà bà gọi là một “cuộc sống tươi đẹp” cho chính mình ở Bolivia ở vùng Santa Cruz thuộc lưu vực sông Amazon.

Với tinh thần lan tỏa điều tốt, bà đã đề nghị giúp đỡ những người khác đang đi lánh nạn từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

“Tôi đã mở ra một cánh cửa cho nhiều người Ukraine và người Nga đến đây hơn. Không chỉ là cho những người [chạy trốn khỏi Liên bang Xô Viết] từ Ukraine,” bà nói thêm trong khi vẫy một tấm biểu ngữ tươi sáng với màu cờ Ukraine.

Đằng sau những cánh cửa đóng kín

Kể từ khi Nga phát động một cuộc xâm lược quân sự toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/02, Bolivia đã duy trì lập trường trung lập về cuộc xung đột này.

Các đại diện của nước này đã bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm khiển trách Nga về cuộc bắn phá đang diễn ra cũng như việc thành lập một cuộc điều tra chính thức của hội đồng nhân quyền.

Các quan chức Bolivia đã không lên tiếng ủng hộ hay phản đối các hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi cuộc chiến với Ukraine bắt đầu.

Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Luis Arce đã nhanh chóng hành động sau vụ từ chối nhập cảnh tai tiếng vào ngày 12/03 và mời những người tị nạn bị trục xuất trở về từ Argentina bằng vé phi cơ do chính phủ chi trả, đồng thời đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Trong cuộc họp báo diễn ra tại phi trường Viru Viru hôm 13/03, tổng giám đốc cơ quan xuất nhập cảnh Katherine Calderon đã chính thức chào đón hai bạn trẻ trở lại Bolivia.

Tổng giám đốc Xuất nhập cảnh Katherine Calderon trình bày trước các phóng viên trong một cuộc họp báo, bên cạnh là hai người tị nạn Ukraine Mykhailo và Oksana Karpenko ở Santa Cruz, Bolivia, hôm 13/03/2022. (Ảnh: Autumn Spredemann/The Epoch Times)

“Giám đốc [khu vực] về nhập cảnh ở Santa Cruz và ba nhân viên khác có liên quan [với vụ trục xuất] đã bị sa thải vì việc làm đó là trái pháp luật. Chính phủ quốc gia không ủng hộ hành động của họ,” bà Calderon nói với các phóng viên khi được hỏi tại sao các quan chức lại tạm giữ những người tị nạn.

Hơn nữa, giám đốc cho biết hai người này đã được cấp quy chế tị nạn “bao lâu tùy ý.”

Bà cũng mời các công dân Ukraine từ khắp nơi trên thế giới đến Bolivia, tuyên bố họ sẽ được cấp quy chế tị nạn ngay lập tức, kể từ giờ trở đi.

Sau cuộc họp báo, người tị nạn Ukraine Oksana Karpenko nói với The Epoch Times, “Chúng tôi rất cảm kích khi được ở đây.”

Khi được hỏi liệu họ có nghĩ rằng những người khác cũng sẽ chạy khỏi cuộc xung đột ở Âu Châu và xin tị nạn ở Bolivia hay không, anh Mykhailo Karpenko nói, “Tôi không chắc là vậy. Đến được đây tốn kém lắm.”

Hai người nhà Karpenko từ chối tiết lộ thông tin chi tiết khi được hỏi về những gì đã xảy ra trong thời gian họ bị tạm giữ kéo dài 15 giờ lúc đầu với cơ quan nhập cảnh hôm 12/03.

Đây là một điểm mà các nhóm nhân quyền và những người ủng hộ thuộc cả hai quốc gia bên ngoài nhà ga lo ngại vì Bolivia có tiền sử giam giữ và nhận hối lộ bất hợp pháp cả trong cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và cảnh sát.

Đây không phải là lần đầu tiên họ làm điều này,” một người ủng hộ bên trong đám đông yêu cầu được gọi là Juan nói về các quan chức chính phủ Bolivia.

Luật 251 liên quan đến việc giải quyết những người di cư từ các quốc gia khác và đã tồn tại trên sổ sách ở Bolivia kể từ năm 2012. Luật quy định rằng chính phủ phải cấp quyền tị nạn bất kể quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hoặc tình trạng tài chính, nếu được yêu cầu.

Mặc dù anh Juan đã lưu ý rằng trong lịch sử, chính phủ Bolivia đã cấp quy chế tị nạn cho bọn tội phạm và khủng bố, những kẻ được nhập cảnh theo quyết định và sự thuận tiện của chính quyền xã hội chủ nghĩa.

“Vậy sao không làm thế với những người chạy khỏi chiến tranh chứ?” Anh đặt một câu hỏi tu từ.

Anh Juan trích dẫn trường hợp nổi tiếng của Walter Chavez, người từng là một kẻ khủng bố thuộc phiến quân du kích Con Đường Sáng (Shining Path) được chính phủ Bolivia cho tị nạn sau khi trốn chạy các cáo buộc hình sự từ chính phủ Peru.

“Tôi rất vui vì những viên chức [nhập cảnh] đó đã bị sa thải. Bolivia có thể bị các tổ chức quốc tế trừng phạt vì hành vi phạm tội này,” ông nói liên quan đến việc trục xuất hai người Ukraine.

Luật sư người Bolivia Luis Flores có cùng quan điểm. Ông giải thích với The Epoch Times, “Điều đó là bất hợp pháp, những gì họ [các quan chức nhập cảnh] đã làm. Người Ukraine phải được cấp quy chế tị nạn khi họ đến, đơn giản là vậy. Đó là luật.”

Cần rất nhiều người vào cuộc

Cô Consuelo Medina là thành viên của nhóm nhân quyền Bolivia Ana Barba. Cô đứng bên ngoài khu nhập cảnh ở ga cuối cùng với các thành viên khác của tổ chức này hơn hai giờ trước khi cặp đôi tị nạn này đến, khua một tấm biển ghi “nhà của tôi là nhà của bạn.”

Cô Medina nói với The Epoch Times, “Tôi không chấp nhận cuộc chiến này. Tôi ở đây với tư cách là một công dân Bolivia để hỗ trợ người dân Ukraine.”

Một ban nhạc đã chơi nhạc và đám đông người ủng hộ đã hò reo khi hai anh em nhà Karpenko cuối cùng đã thoát khỏi cửa an ninh của phi trường hôm 13/03.

Bà Kundenko ôm họ khi đội một vương miện hoa kiểu truyền thống của Ukraine, vốn đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào dân tộc.

Bà Ludmila Kundenko nói chuyện với các phóng viên bên ngoài Phi trường Quốc tế Viru Viru ở Santa Cruz, Bolivia, hôm 13/03. (Ảnh: Cesar Calani/The Epoch Times)

“Đây là một kỷ niệm đáng nhớ cho Ukraine và cho Bolivia,” bà Kundenko nói.

Bà nói thêm rằng nếu không phải nhờ những lời thỉnh cầu khoan hồng quá mạnh mẽ từ người dân Bolivia cũng như sức ép từ nhiều lãnh sự quán Ukraine, thì hai người tị nạn này có thể sẽ vẫn mắc kẹt ở Argentina.

Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts