Nga cắt giảm lãi suất chủ yếu, cho thấy niềm tin vào nền kinh tế đang bị trừng phạt

Tom Ozimek

Người dân đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow, Nga, hôm 11/02/2019. (Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters)

Hôm thứ Sáu (08/04), Ngân hàng trung ương Nga đã giảm 3% lãi suất chủ yếu xuống một mức vẫn còn cao là 17%, biện minh cho hành động này bằng cách nói rằng rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã giảm bớt khi các biện pháp khẩn cấp đưa tiền gửi trở lại các ngân hàng và giúp dập tắt áp lực lạm phát.

Trong một tuyên bố, ngân hàng trung ương cho biết việc giảm 300 điểm cơ bản (3% lãi suất) nói trên sẽ có hiệu lực từ hôm 11/04. Họ đề nghị cắt giảm lãi suất nhiều hơn nếu nền kinh tế Nga có dấu hiệu cải thiện hơn nữa.

“Các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế,” ngân hàng trung ương thông báo, đồng thời cho biết thêm rằng rủi ro ổn định tài chính vẫn còn hiện hữu, mặc dù những rủi ro này đã “tạm thời không tăng lên nữa, nguyên nhân một phần là do các biện pháp kiểm soát vốn được áp dụng.”

Vươn lên từ mức ‘đồng nát’

Các biện pháp trừng phạt tê liệt của phương Tây được áp đặt sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine vào cuối tháng Hai đã khiến đồng tiền của Nga lao dốc xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, khiến Tổng thống Joe Biden nói rằng đồng rúp đã giảm xuống mức “đồng nát” (“rubble”, chơi chữ cùng vần với từ tiếng Anh của đồng rúp là rouble — dịch giả).

Tuy nhiên, đồng rúp kể từ đó đã tăng trở lại bất thường, về cơ bản phục hồi tất cả những gì đã mất khi người ngoại quốc tiếp tục mua năng lượng của Nga và Moscow đã khai triển một loạt các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng chảy máu.

Phản ứng với các lệnh trừng phạt, ngân hàng trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20%, điều này không khuyến khích người Nga đổ xô rút tiền tiết kiệm và do đó ngăn chặn việc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng gây thiệt hại về kinh tế.

Các nhà xuất cảng của Nga đã buộc phải chuyển 80% lợi nhuận từ đồng tiền mạnh của họ sang đồng rúp, trong khi tài sản do các nhà đầu tư không phải cư dân nắm giữ bị phong tỏa, ngăn chặn tình trạng bán tháo có thể khiến đồng tiền của Nga hạ xuống thấp hơn.

Người Nga cũng bị cấm rút hơn 10,000 USD ngoại tệ từ tài khoản của họ, trong khi đó ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán năng lượng của Nga bằng đồng rúp.

Đồng xu rúp của Nga trước Nhà thờ St. Basil ở trung tâm Moscow hôm 20/11/2014. (Ảnh: Alexander Nemenov/AFP/Getty Images)

Tỷ giá hối đoái chính thức không ‘có ý nghĩa lắm’

Trong khi sự phục hồi nhanh chóng của đồng rúp đã mang lại một chiến thắng quan hệ công chúng cho ông Putin, người đã hạ thấp tác động của các lệnh trừng phạt, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen gần đây đã khuyến cáo các nhà lập pháp tại Quốc hội không nên coi trọng quá nhiều sự phục hồi của đồng tiền Nga.

Bà Yellen nói rằng thị trường đồng rúp đã trở nên méo mó bởi các hành động nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra của chính phủ Nga và ngân hàng trung ương của này nhiều đến mức “quý vị không nên suy ra bất cứ điều gì” từ giá trị của đồng rúp.

Các nhà phân tích cũng nói rằng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt do Nga thực hiện có nghĩa là tỷ giá hối đoái của đồng rúp đang vẽ nên một bức tranh méo mó.

Nhà kinh tế Daniela Gabor cho biết trong một tweet hôm thứ Tư: “Thưa quý vị, với việc kiểm soát vốn, tôi có thể cố định tiền tệ ở bất kỳ mức giá nào mà tôi muốn.”

Ông Iikka Korhonen, chuyên gia về Nga của Ngân hàng Phần Lan, nói với Politico rằng sự phục hồi của đồng rúp không phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, mà là các biện pháp khẩn cấp hà khắc.

“Đồng rúp không còn là một loại tiền tệ tự do chuyển đổi nữa,” ông nói với hãng thông tấn. “Vì vậy, tỷ giá hối đoái chính thức không có ý nghĩa lắm.”

Trong khi đồng rúp về cơ bản đã cố gắng phục hồi gần như hoàn toàn so với trước khi xảy ra cuộc xâm lược, ngân hàng trung ương Nga thừa nhận rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Ngân hàng trung ương cho biết lạm phát sẽ tiếp tục tăng do hiệu ứng cơ bản, mặc dù họ cho biết sự phục hồi của đồng rúp đã giúp hạn chế áp lực lạm phát.

Ngân hàng trung ương cho biết dữ liệu cho thấy một “sự chậm lại đáng chú ý” trong tốc độ lạm phát, đồng thời cho biết thêm rằng có một dòng tiền ổn định đổ vào các khoản tiền gửi có kỳ hạn cố định.

Một số nhà phân tích cho biết hành động cắt giảm lãi suất là một dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Nga tự tin rằng các biện pháp khẩn cấp đang phát huy tác dụng.

Ông Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư của công ty môi giới Locko-Invest có trụ sở tại Moscow, nói với Reuters rằng ông dự kiến ​​sẽ có thêm một đợt cắt giảm 1-2% lãi suất vào tháng Tư, mặc dù điều này “sẽ đòi hỏi những động lực tích cực bổ sung đối với lạm phát và kỳ vọng lạm phát.”

Lạm phát hàng năm ở Nga đã tăng lên mức 16.70% kể từ hôm 01/04, mức cao nhất kể từ tháng 03/2015 và tăng từ mức 15.66% một tuần trước đó.

Ông Polevoy cho biết ông đã cải thiện dự báo lãi suất cơ bản cuối năm về 11-12% từ mức trần dự kiến ​​trước đó là 15%.

Trong khi các biện pháp khẩn cấp đã có tác động hạ nhiệt đối với lạm phát, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán lạm phát ở Nga sẽ tăng tốc lên đến 23.7% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1999.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

Vân Du biên dịch

Related posts