Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đang xoay xở ra sao giữa cơn bão lạm phát?

Bảo Nguyên

Lạm phát đang khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tại Mỹ tăng cao. Tâm lý tiêu dùng chung cũng suy giảm, tạo ra thách thức đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Tăng giá bán, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực là một vài biện pháp đang được áp dụng phổ biến bởi các công ty nhỏ.

Người tiêu dùng Mỹ chi tiêu thận trọng hơn khi lạm phát ở mức cao

Tác động của lạm phát lên ví tiền của người tiêu dùng đã được ghi nhận rõ ràng. Các ước tính cho thấy trung bình mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ chi tiêu thêm 5.200 USD trong năm nay so với năm 2021.

Xu hướng mua sắm hạ bớt nhiệt vào tháng 2 khi mức chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 2 đã tăng với tốc độ chậm hơn.

Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), chi tiêu tiêu dùng cá nhân, hay PCE, tăng 0,2% lên 34,9 tỷ USD, thấp hơn mức ước tính là 0,7%. Tuy nhiên, khi được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu đã giảm 0,4%.

Sau đợt chi tiêu ấn tượng vào tháng 1, khách hàng có thể đã thận trọng hơn một chút trong việc tiêu hết các khoản tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch giữa bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh.

Và điều này có thể tác động vào doanh thu của các công ty. Nhưng xu hướng tiêu dùng không phải là điều duy nhất đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên toàn thị trường.

Lạm phát ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp Mỹ?

Lạm phát là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với khu vực tư nhân Mỹ, theo bình luận của các Giám đốc điều hành doanh nghiệp được thu thập bởi Aiera, một nền tảng phân tích dữ liệu và đánh giá sự kiện. Các cuộc khảo sát cho thấy: Từ chi phí lao động tăng cao đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, một loạt các áp lực lạm phát đang ảnh hưởng đến cách thức các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế hiện nay.

Logo Dollar Tree trên cửa hàng ở Bowie, Md., ngày 23/11/2021. (Ảnh: Jim Watson / AFP qua Getty Images)

Trong một hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến vào tháng trước, Michael Witynski, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Dollar Tree, xác nhận rằng công ty đã hoàn tất việc triển khai mức giá 1,25 USD tại hơn 7.800 cửa hàng. Công ty cũng mở rộng chào bán các sản phẩm 3 và 5 USD.

Tyson Foods đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và vấn đề lao động. Donnie D. King, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tyson, thừa nhận trong hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến rằng: “Chúng tôi đang ghi nhận chi phí tăng cao trong chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả chi phí đầu vào cao hơn, chẳng hạn như đối với thức ăn và các nguyên liệu”.

Theo Meta Platforms, ngân sách quảng cáo cũng đang giảm.

David Wehner, Giám đốc tài chính Facebook cho biết: “Chúng tôi nhận được phản hồi từ các nhà quảng cáo rằng những thách thức kinh tế vĩ mô như lạm phát chi phí và gián đoạn chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến ngân sách của các nhà quảng cáo”.

Cách thức các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đối phó với lạm phát

Trong khi các công ty lớn có thể hấp thụ các chi phí gia tăng này, đó lại là một thách thức lớn hơn đối với các công ty nhỏ hơn.

Kabbage, công ty thuộc hệ thống American Express, gần đây đã xuất bản “Báo cáo phục hồi doanh nghiệp nhỏ”, đánh giá xu hướng và triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ. Nghiên cứu đã cho thấy một trong những cách các công ty nhỏ hơn đang thích ứng với các xu hướng mới nhất trên thị trường là tăng giá.

Báo cáo nêu bật việc giá đã tăng trung bình 21% trong nhiều ngành, chủ yếu do chi phí gia tăng từ các nhà cung cấp và nguyên liệu thô.

Theo bản báo cáo, trong sáu tháng tới, gần 2/3 số doanh nghiệp nhỏ dự định giữ giá ở mức cao. Ít hơn một phần năm (18 %) có kế hoạch tăng giá hơn nữa trong giai đoạn này.

Do chi phí nội bộ gia tăng hoặc các vấn đề chuỗi cung ứng quốc tế, các doanh nghiệp dự đoán sẽ đối mặt với một loạt các vấn đề trong vòng ba tháng đến một năm tới.

Kathryn Petralia, người đồng sáng lập Kabbage, cho biết: “Các doanh nghiệp nhỏ đang chuẩn bị cho một loại hình thị trường mới. Một thị trường không bị ảnh hưởng bởi tác động trực tiếp của COVID-19 mà chịu ảnh hưởng từ những hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra. Các dữ liệu mới cho thấy cách các doanh nghiệp nhỏ đang thay đổi và thích ứng”.

Vấn đề tương tự cũng được nêu rõ trong báo cáo hàng quý “Tình trạng Doanh nghiệp Nhỏ” của Veem. Công ty cung cấp giải pháp thanh toán B2B phát hiện ra rằng 78% trong số hơn 800 chủ doanh nghiệp nhỏ có trụ sở tại Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát ngày càng trầm trọng do sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới và tình trạng thiếu công nhân.

Jordan Erskine, Chủ tịch và đồng sáng lập Dynamic Blending Specialists, nói với The Epoch Times rằng công ty của ông đã áp dụng hai biện pháp: tăng giá cho phù hợp và gia tăng nhiều giá trị hơn cho khách hàng để có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn.

“Các nhà cung cấp của chúng tôi, những người không cung cấp cho chúng tôi những điều khoản tương tự như chúng tôi cung cấp cho khách hàng, đã tăng giá nguyên liệu thô từ 15% đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng. Mọi nhà cung cấp đều thế. Không có cách nào để giải quyết vấn đề đó, chúng tôi cũng phải thích ứng và tăng giá của mình”, ông Erskine lưu ý.

Bất chấp một số phản đối từ khách hàng, ông Erskine tuyên bố rằng tính minh bạch là chìa khóa cho việc điều chỉnh giá của công ty.

Ông nói thêm: “Khi chúng tôi cho khách hàng thấy rằng chi phí nguyên vật liệu đã tăng 20%, họ thường cảm thấy thoải mái hơn với mức chi phí cao hơn”.

Ben Johnston, COO tại Kapitus, một công ty cung cấp tài chính do các doanh nghiệp nhỏ, cho biết đối với nhiều công ty nhỏ hơn, họ phải cố gắng sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực.

Ông nói với The Epoch Times: “Một cách mà các doanh nghiệp nhỏ đang áp dụng là tạo ra hiệu quả trong lao động và tiêu dùng”.

Ông Johnston giải thích: Các nhà hàng có thể ứng phó với tình trạng thiếu lao động hiện nay và lạm phát tiền lương tăng cao bằng cách giảm bớt trách nhiệm của nhân viên hoặc cài đặt mã QR trên bàn để khách hàng truy cập thực đơn trực tuyến.

Với giá dầu và khí đốt cao ngất ngưởng, các dịch vụ vận chuyển và giao hàng đang cố gắng cắt giảm chi phí năng lượng của họ. Ông Johnston cho biết: Theo xu hướng này, các công ty đã thực hiện tối đa hóa hiệu quả tuyến đường và đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như mua xe điện và lắp đặt các thiết bị HVAC xanh hơn (HVAC là các thiết bị phục vụ điều hòa không khí).

Trong khi đó, các chuyên gia kinh doanh cũng lưu ý tới sự khác biệt giữa các công ty cho rằng lạm phát là nhất thời và các công ty không tin rằng mức giá cao là một hiện tượng ngắn hạn.

Những công ty nghĩ rằng vấn đề đó là nhất thời sẽ thuê thêm nhân tài và áp dụng thưởng tiền cho việc tuyển dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp lo lắng về những rắc rối lạm phát trong dài hạn sẽ cắt giảm các hoạt động thuê ngoài, cắt giảm chi phí từ các nhà cung cấp.

Liệu cộng đồng doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có vượt qua được thử thách lạm phát?

Cuối cùng thì, vấn đề phụ thuộc vào số tiền người tiêu dùng sẽ chi tiêu trên thị trường.

“Người tiêu dùng đang bắt đầu phản ứng với mức giá cao hơn, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng. Với số liệu việc làm tốt và mức lương tăng trưởng mạnh, hầu hết người tiêu dùng Mỹ đều có khả năng chi tiêu”, ông nói. “Tuy nhiên, giá cả tăng và tâm lý tiêu dùng chung suy giảm là những dấu hiệu cho thấy chi tiêu thực của người tiêu dùng rất có khả năng sẽ giảm trong những tháng tới. Do phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ đến từ chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng suy yếu của người Mỹ có thể tác động đáng kể đến các doanh nghiệp nhỏ”.

Hai năm sau khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế và buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa – đối với nhiều công ty là vĩnh viễn – cộng đồng doanh nghiệp nhỏ hiện đang đối phó với một mối đe dọa mới là lạm phát. Cần thêm thời gian để trả lời việc liệu họ có thể vượt qua thử thách này hay không.

Bảo Nguyên

Related posts