Nguồn: Adam Roberts, “Sir Adam Roberts Rebuffs the View that the West is Principally Responsible for the Crisis in Ukraine”, The Economist, 26/03/2022.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tại sao John Mearsheimer, một giáo sư quan hệ quốc tế nổi tiếng của Mỹ, lại tổng kết một cách khác người như vậy về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine? Nó quả nhiên là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” – khi bị lên án vi phạm các quy tắc và chuẩn tắc cơ bản nhất [về luật pháp quốc tế]. Song Mearsheimer lại lập luận rằng “phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 2 năm 2014.”
Giáo sư Mearsheimer không hề có ý ủng hộ Vladimir Putin: “Rõ ràng là Vladimir Putin khai màn khủng hoảng và chịu trách nhiệm về cách thức nó được tiến hành,” ông viết. Nhưng lập luận chủ đạo của Giáo sư Mearsheimer là cuộc khủng hoảng thật sự khai màn từ hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest hồi tháng 4 năm 2008, khi Tổng thống George W. Bush, cùng với các nước thành viên NATO, cam kết sẽ kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên trong tương lai. Giới lãnh đạo Nga kịch liệt phản đối NATO mở rộng đến sát lãnh thổ nước này.
Vấn đề là liệu Putin có đúng khi nói NATO đe dọa vùng ảnh hưởng của Nga hay không. Ngay từ đầu năm 2008, đã có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa của cụm từ “sẽ trở thành thành viên.” Đối với một số người, tuyên bố này chỉ nhằm giúp Tổng thống Bush có một thành tựu nào đó khi từ Bucharest về nước, đặc biệt vì thông cáo không hề đặt ra một thời hạn gia nhập cụ thể. Ngoài ra các nước NATO cũng đều hoài nghi, trong khi mọi yêu cầu gia nhập đều phải được tất cả thành viên phê chuẩn. Riêng ông Putin lại diễn giải những từ ngữ này một cách nghiêm trọng hơn.
Lập luận của Giáo sư Mearsheimer có lý khi cho rằng tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 là một thảm họa. Ông luôn giữ quan quan điểm như vậy trong vấn đề này. Bản thân ông là người khai sinh ra một trường phái quan hệ quốc tế gọi là “chủ nghĩa hiện thực tấn công,” dựa trên ý tưởng rằng các hệ thống nơi nhiều cường quốc tồn tại cùng nhau thường có xu hướng xảy ra tình trạng đối địch sâu sắc và nguy cơ chiến tranh cao. Một trong những kết luận ông đưa ra là các quốc gia nhất định phải nghiêm túc tôn trọng “khu vực ảnh hưởng” của nhau, một thuật ngữ lâu đời nhưng vẫn còn rất phù hợp ngày nay. Dù cách nhìn này mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, các “khu vực ảnh hưởng” không hề biến mất trong quan hệ quốc tế.
Hãy lấy ví dụ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Trên thực tế, khi yêu cầu Liên Xô rút đầu đạn hạt nhân khỏi Cuba, Mỹ đã yêu cầu Liên Xô tuân thủ Học thuyết Monroe năm 1823. Nội dung của học thuyết này là loại trừ chế độ thực dân và mọi hiện diện quân sự của châu Âu ra khỏi Tây bán cầu. Còn đối với Liên Xô, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, họ coi hầu như toàn bộ Đông Âu là khu vực ảnh hưởng của mình, dưới danh nghĩa đầy khoa trương là “khối thịnh vượng chung của các quốc gia xã hội chủ nghĩa.”
Việc ông Putin muốn bảo vệ khu vực ảnh hưởng của Nga là không phải bàn. Ngay từ đầu bài phát biểu hôm 24 tháng 2, thời điểm quân Nga tràn vào Ukraine, ông đã chỉ trích “sự mở rộng của NATO về phía đông, đưa khí tài quân sự đến sát biên giới Nga.” Ông mạnh mẽ chỉ trích các hành động của phương Tây và chính phủ Ukraine. Ông cũng tuyên bố mà không đưa ra một chút bằng chứng nào về “cuộc diệt chủng chống lại hàng triệu người” đang diễn ra ở vùng Donbas.
Tuy nhiên, cách Giáo sư Mearsheimer đổ hết nguyên nhân cuộc xâm lược của Nga lên tuyên bố Bucharest là quá đơn giản hóa và sai lầm. Phải tính đến các yếu tố khác, quan trọng hơn. Trước hết, có một số sai lầm, lo sợ và sự thất vọng. Mối quan hệ chiến lược của Mỹ với Ukraine, mà Giáo sư Mearsheimer đề cập, thực sự có thể đã xát muối vào vết thương gây ra khi NATO mở rộng. Thái độ đầy thách thức của Ukraine trước cuộc tập trận khổng lồ của Nga ở biên giới nước này vào năm ngoái chắc cũng không làm Putin vừa lòng. Hơn nữa, một Ukraine dân chủ và thành công sẽ làm suy yếu mô hình độc tài của Putin ở nước Nga. Và còn có những đánh giá sai lầm về tình hình trên thực địa: cả Mỹ ở Iraq lẫn Nga ở Ukraine đều tiến hành chiến tranh dựa trên những “thông tin tình báo” vô cùng sai sót.
Ngoài các nguyên nhân thường được nhắc đến ở trên, có ba yếu tố khác giúp giải thích cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Thứ nhất, quan trọng nhất nhưng lại hay bị bỏ quên nhất, đó là sự tan rã của các đế chế thường rất lộn xộn và đầy đau thương. Thường thì các thế lực bên ngoài sẽ can thiệp quân sự. Còn nhớ sự sụp đổ của các đế chế thuộc địa châu Âu, hay sự sụp đổ của Liên Xô và Nam Tư trong những năm 1990, đã buộc các quốc gia mới hoặc tái thành lập phải đưa ra các quyết định định mệnh. Quyền công dân nên dựa trên sắc tộc của người dân hay chỉ đơn giản là nơi họ cư trú? Liệu thân nhân sống ở nước ngoài có được cấp quyền công dân? Nhà nước có những biên giới nào? Ai là bạn bè và đồng minh? Hiến pháp ra sao? Ngôn ngữ nào? Những câu hỏi như vậy là trọng tâm của hầu hết các cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột vũ trang của hơn 100 năm qua. Hàng chục phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được thành lập từ năm 1945 đến nay tựu chung đều chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: giải quyết khủng hoảng thời hậu thuộc địa và hậu đế quốc.
Cả Gruzia và Ukraine đều phải giải quyết các vấn đề này trong những năm 1990 – rất lâu trước khi nảy sinh vấn đề về tư cách thành viên NATO. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tình trạng của các nhóm thiểu số người Nga ở Gruzia và Ukraine đã là câu hỏi khó giải đáp. Ở Gruzia, hai nước cộng hòa ly khai đã tạo cơ sở, hoặc ít nhất là một cái cớ, cho Nga can thiệp. Ở Ukraine cũng vậy, bảo vệ quyền của hai nước cộng hòa ly khai do Nga hậu thuẫn trở thành lý do cho Nga can thiệp quân sự. Và đã có các vụ ép buộc trục xuất người Gruzia và Ukraina tại các nước cộng hòa ly khai thân Nga này, dẫn đến lời kêu gọi các vùng đất này nên được phép quay về với “mẫu quốc”.
Thứ hai, sự tồn tại của vũ khí hạt nhân bên ngoài nước Nga đòi hỏi phương Tây phải can dự ở một mức độ nào đó vào các vấn đề an ninh. Nhiều vũ khí hạt nhân vẫn còn ở Ukraine (và cả Belarus lẫn Kazakhstan) sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc giải quyết số vũ khí này đã được đề cập trong Bản Ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh ký ngày 5 tháng 12 năm 1994. Ba quốc gia hậu Xô-viết đồng ý bàn giao chúng cho Nga. Đổi lại, họ được Nga, Anh và Mỹ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập và biên giới hiện có. Điều khoản này bị vi phạm khi Nga chiếm Crimea vào tháng 3 năm 2014. Việc Bản Ghi nhớ Budapest bị xâm phạm khiến Ukraine rơi vào một tình thế khó xử. Họ không còn có thể tin tưởng Nga, trong khi cũng có lý do để nghi ngờ đảm bảo an ninh của phương Tây. Ý tưởng về việc gia nhập NATO do đó ngày càng trở nên hấp dẫn, dù không hề khả thi hơn trước.
Thứ ba là cách mạng màu – vốn nổ ra ở nhiều nước Liên Xô cũ trong những thập niên gần đây. Các sự kiện này hẳn đã khiến Putin phải nhớ lại về các phong trào ở Đông Âu từng kéo sập chế độ cộng sản này đến chế độ cộng sản khác vào năm 1989. Putin vô cùng cảnh giác trước các cuộc cách mạng, chẳng hạn như cách mạng Hoa hồng ở Gruzia vào tháng 11 năm 2003. Đây là sự kiện đầu tiên ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lật đổ được các nhân vật độc tài vốn lên nắm quyền ngay sau khi đảng cộng sản tan rã. Tiếp theo là cách mạng Cam ở Ukraine, xảy ra sau đó chỉ một năm, chống lại nhà độc tài Viktor Yanukovych.
Putin coi các phong trào phản kháng dân sự này là một phần của một âm mưu quốc tế lớn. Tôi đã nghiên cứu những chuyển động như vậy trong hơn 50 năm qua. Hầu như mọi lập luận phản đối các phong trào này đều cho rằng chúng là chiêu bài của các thế lực ngoại bang, dù không có bằng chứng cho điều đó. Giáo sư Mearsheimer, trong bài giảng về “Nguyên nhân và hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine” tại Đại học Chicago vào năm 2015, cũng ủng hộ ý tưởng cho rằng những cuộc cách mạng đó chỉ là công cụ do Mỹ điều khiển. “Chiến lược cơ bản của chúng ta là lật đổ các chế độ trên toàn thế giới,” ông nói mà không đưa ra bằng chứng nào. Trong phân tích của mình, Giáo sư Mearsheimer hầu như không hề nhắc đến đến lý tưởng và mong muốn chính trị của người dân tại các nước đã trải qua các cuộc cách mạng “quyền lực nhân dân” này.
Các yếu tố trên cho thấy đề xuất kết nạp Gruzia và Ukraine làm thành viên NATO năm 2008 chỉ là một trong nhiều diễn biến khiến cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên trầm trọng. Thực tế có thể cho rằng đề xuất mở rộng NATO và một số hành động khác của phương Tây đã đổ thêm dầu vào lửa, nhưng lập luận khẳng định “phương Tây chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng Ukraine” lại đã đi quá xa.
Sir Adam Roberts là Giáo sư Hồi hưu ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Oxford, Anh.