Quân đội quảng cáo của Nga – Thất bại của những dự án từng khiến phương Tây kinh ngạc

iDNES

Tác giả: Jiří Vojácek

Đỗ Ngọc, biên dịch

16-4-2022

Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina trong những tuần qua, khiến thế giới bất ngờ. Sau vài tuần giao tranh, thế giới càng bất ngờ hơn bởi khả năng tác chiến kém cỏi, khí tài hỏng hóc, lạc hậu của quân Nga, hầu như không đạt được mục tiêu nào như dự kiến.

Mặc dù nhiều năm trước đây các nhà chuyên môn đã đánh giá là Nga xây dựng quân đội của mình không lành mạnh, nhưng đối với Kremlin thì nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu vũ khí quan trọng hơn nhiều so với sức mạnh chiến đấu của quân đội mình. Ngược lại bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Nga luôn phóng đại cho thế giới thấy, Nga có một đội quân hiện đại, tinh nhuệ ở tất cả các binh chủng.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga thừa kế ngành công nghiệp quốc phòng đồ sộ. Chủ yếu vũ khí Nga sản xuất nhằm xuất khẩu. Một thời gian dài, hai khách hàng lớn của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ

Nhưng lợi nhuận xuất khẩu vũ khí to lớn và béo bở này phần lớn chảy vào túi các quan chức và tướng tá Nga khiến nền công nghiệp quốc phòng Nga dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, khách hàng ngày càng đòi hỏi vũ khí hiện đại, đa dạng và chất lượng. Cho đến đầu thế kỷ 21, thì đối với công nghiệp quốc phòng Nga không những Trung Quốc, Ấn Độ mà còn nhiều nước khác được liệt vào loại khách hàng khó tính (ví dụ Việt Nam).

Để giữ chân khách hàng, Nga tung ra hàng loạt dự án đồ sộ. Những dự án được quảng bá ầm ĩ, tuyên truyền rầm rộ, khiến nhiều nước phương Tây choáng ngợp, đôi khi tỏ ý lo ngại. Sự thật có như vậy không. Hãy lướt qua những dự án quân sự được Nga quảng cáo ầm ĩ sau đây.

Dự án Armata

Đây là một dự án được Nga làm rùm beng cách đây gần chục năm. Từ bộ khung gầm sàn Armata, Nga tung ra hàng loạt siêu chiến xa: Tăng thế hệ mới, xe thiết giáp hạng nặng, chiến xa bộ binh tiêu chuẩn, pháo tự hành, xe bọc thép chuyển quân bánh lốp.

Trong năm loại chiến xa trên, nổi bật nhất là tăng T-14, thường được gọi nôm na là tăng Armata. Tăng T-14 được thiết kế từ những dự án hồi thập niên 1980 của Liên Xô cũ (Objekt 195, Objekt 490, Objekt 477), chỉ có vài nét mới so với thế hệ tăng thời Liên Xô cũ. Hiện có 15 chiếc T-14 được sản xuất gần như thủ công tại nhà máy vũ khí của công ty Uralvagonzavod. Bảy năm qua, 15 chiếc tăng này đi hết lễ duyệt binh này đến lễ kỷ niệm khác. Gợi nên một sự thật buồn về khoảng cách giữa tham vọng và khả năng thực lực của công nghiệp quốc phòng Nga.

Ảnh minh họa: Xe tăng T-14 Armata mới của Nga năm 2015 không khác gì so với năm 1945. Nguồn: iDNES

Đã hai lần chính phủ Nga cấp tiền cho công ty Uralvagonzavod nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất hàng loạt. Cả hai lần, tiền đều tiêu tán vào những món nợ trước, hoặc bị biển thủ.

Thiết giáp hạng nặng BVP T-15 trông hoành tráng đấy, nhưng hiện tại quân đội Nga chưa cần đến, vì trong kho còn hàng ngàn xe kiểu cũ còn chưa dùng hết.

Số phận xe chuyển quân bánh xích Kurganec-25 cũng mờ mịt. Chẳng ai hiểu tại sao Nga phải sản xuất xe mới trong khi xe cũ được nâng cấp có thể còn dùng hàng chục năm.

Xe bọc thép bánh lốp Bumerang cũng có số lận đận. Xe này được thiết kế với sự hợp tác của vài đối tác phương Tây trước sự kiện Crimea. Sau khi chiếm Crimea, Nga tách ra khỏi đối tác, làm riêng, sau khi đã biết được cách làm. Cũng như Kurganec-25, tương lai của Bumerang cũng không rõ ràng vì trong biên chế quân Nga còn có hàng ngàn xe BTR đủ dùng hàng chục năm.

Duy nhất có thể được sản xuất hàng loạt là pháo tự hành Koajicjia. Nhưng nó không được làm trên bộ khung gầm bánh xích đa năng Armata như hứa hẹn, mà chỉ được dựng trên bộ khung bánh xích của T-72, tham vọng khi thiết kế hai nòng cũng bị rút xuống còn một nòng.

Tóm lại dự án Armata được quảng bá ầm ĩ, hòng lôi kéo khách hàng nước ngoài bỏ tiền đầu tư, nhưng cho tới nay chưa có khách hàng nào quan tâm một cách nghiêm túc. Dự án Armata được thổi phồng ồn ào giờ thành quả bóng xịt.

Dự án tàu sân bay

Đề tài tàu sân bay Nga không mới, nó nổi nên từ sau thế chiến thứ 2. Đô đốc [Sergey] Gorskov nắm hải quân Xô-viết từ thập niên 1950 đến 1980, đã xây dựng hải quân Nga dưới thời của hai bộ trưởng quốc phòng Grecek và Ustinov thành một lực lượng hùng hậu thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Một lực lượng tàu chiến đông đảo, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm đa dạng, khiến phương Tây luôn lo ngại. Nhưng có một điều đô đốc Gorskov không làm được, là xây dựng lực lượng tàu sân bay đối trọng với lực lượng tàu sân bay Mỹ.

Nga chưa bao giờ đóng được tàu sân bay nào lớn hơn loại “Tuần dương hạm trực thăng”. Đây là loại tàu sân bay nhỏ, lai với tàu chở trực thăng.

Kỹ nghệ tàu sân bay đặc biệt phức tạp và rất tốn kém. Thập niên 1960-1970 Nga – Xô thử thiết kế tàu sân bay tương đương lớp “Kitty Hawk” của Mỹ. Nhưng những dự án 1160, 1153 Orel chỉ dừng lại trên bản thiết kế. Gần với hiện thực nhất là dự án Uljanovsk. Lớp tàu sân bay này nằm giữa lớp tàu Forrestal và Nimitz của Mỹ. Nhưng tàu sân bay Uljanovsk mới làm được 40% thì Liên Xô sụp. Vì những khó khăn kinh tế, cuối cùng tàu sân bay tham vọng của Liên Xô cũng bán sắt vụn.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, khả năng hoạt động toàn cầu của hải quân Nga coi như bằng không. Vì vậy thỉnh thoảng lại có vài dự án hòng vực dậy tham vọng tàu sân bay. Năm 2015, Nga giới thiệu dự án 23000E. Nhiều quan chức Nga khẳng định là dự án chuẩn bị đưa vào sản xuất. Sau nhiều lần thay đi đổi lại, dự án 23000E được thay bằng dự án 11430 Lamantin khiêm tốn hơn nhiều. Cả hai dự án này đều dựa trên lớp tàu Uljanovsk đã hóa sắt vụn, cả hai mới chỉ trên mô hình và được quảng cáo inh ỏi ở các hội chợ vũ khí. Cuối cùng thì cả hai dự án trên cũng kết thúc với hai mô hình cùng với chiến dịch PR ầm ĩ.

Có lẽ, để thay thế tuần dương già cỗi Admiral Kuznecov, Nga phải đặt mua tàu sân bay của Trung Quốc, nước đã vượt Nga trong lĩnh vực này từ chính những dự án cũ của Liên Xô.

Một dự án tàu phóng lôi rất hứa hẹn “23560 Lider” cuối cùng kết thúc bằng những quảng cáo om sòm, và một mô hình trong văn phòng của giám đốc công ty United Shipbuilding Corportion, sau khi xác định không có kinh phí, cũng như cầu tàu không đủ lớn để sản xuất loại tàu này.

Vũ khí siêu thanh

Trong tất cả các lĩnh vực quốc phòng, vũ khí siêu thanh thường bị ngộ nhận nhiều nhất.

Tên lửa siêu thanh là tên lửa khi bay phải đạt tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh. Với lợi thế tốc độ này của tên lửa, đối phương có rất ít thời gian xác định mục tiêu để đánh chặn. Ngay cả những tổ hợp tên lửa phòng thủ tập trung cũng không đủ thời gian xác định mục tiêu để hóa giải, tương tự như vậy đối với hệ thống pháo bảo vệ chiến hạm lớp CIWS.

Nga thường lợi dụng những sự không rõ ràng, mập mờ về khái niệm “siêu thanh” để quảng bá cho những dự án vũ khí siêu thanh của mình, hòng hù dọa phương Tây.

Từ thời Xô viết cho tới Nga bây giờ, họ rất quan tâm và đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực này. Tuy vậy Nga không bao giờ và cũng không thể chi nhiều vào lĩnh vực này bằng phương Tây.

Để so sánh, Mỹ đã thành công dự án tên lửa siêu thanh X-51 Waverider vào tháng 5 năm 2013, sau khi tên lửa này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về tốc độ, sức bền. Từ thời điểm đó Mỹ phát triển chương trình của mình bằng những chương trình nhỏ hơn, phối hợp rất nhiều công ty của NASA và quân đội Mỹ, cùng một số công ty sản xuất vũ khí.

Ngược lại, Nga phát triển từ dự án tên lửa X-51 sau đó gọi là 3M22 Zirkon. Năm 2020, quan chức Nga hân hoan tuyên bố đã thành công, sau nhiều lần thử nghiệm, nhưng cho tới nay vẫn chưa trang bị cho quân đội. Chẳng biết thành công đến đâu, nhưng dựa hơi vụ này, Nga thổi phồng khả năng vũ khí siêu thanh của mình, ví dụ như trường hợp tên lửa Ch-47M2 Krizal. Tên lửa này vừa được sử dụng ở Ukraina và được loa lên là “bước ngoặt của cuộc chiến”.

Cái gọi là “tên lửa siêu thanh Krizal” thực tế là tên lửa đạn đạo Iskander đã được cải tiến chút ít. Loại này không phóng từ mặt đất mà lắp vào chiến đấu cơ MIG-31 và phóng từ trên cao. Khi phóng đi thì nó hoạt động như một tên lửa đạn đạo bình thường, khi hết nhiên liệu và đạt được độ cao thì nó lao xuống mục tiêu, khi đó nó đạt được tốc độ siêu thanh như 99% những loại tên lửa được dùng trong Thế chiến Thứ hai.

Đúng vậy, ngay cả bom bay V-2 của phát xít Đức lao xuống mục tiêu ở Luân đôn cũng đạt tốc độ này. Gọi Ch-47M2 Krizal là tên lửa siêu thanh là lừa đảo. Tên lửa siêu thanh là phải đạt tốc độ siêu thanh trên đường từ lúc xuất phát cho tới mục tiêu, điều này Krizal không làm được. “Siêu thanh” kiểu Krizal thì cũng như đem chiếc dương cầm nhà bạn lên độ cao cần thiết thả xuống nó cũng siêu thanh như Krizal.

Máy bay tàng hình SU-57

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga tiếp nhận rất nhiều dự án phát triển máy bay khu trục từ thập niên 1980. Nhưng cuối cùng chỉ giữa lại dự án PAK FA, dự án máy bay tàng hình thế hệ thứ 5. Dự án này được giao cho công ty Suchoj, công ty sản xuất máy bay khu trục chủ lực của Nga. Tháng 8 năm 2011 Suchoj ra mắt hai mẫu máy bay tàng hình, nhưng khi hạ cánh cả hai đều bị hư hại, khiến cả dự án phải làm lại.

Ngày 10 tháng 6 năm 2014 chiếc máy bay mẫu thứ năm bay thử, thậm chí bốc cháy trước mắt phái đoàn quân sự Ấn Độ. Vào tháng 2 năm 2018 hai chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 được điều sang Syrie nhằm để quảng cáo và cũng chỉ trụ lại ở đó hai ngày.

Năm 2018, một đòn giáng mạnh vào dự án FGFA, dự án máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của Nga, bởi Ấn Độ và Nga chung một chương trình phát triển S-57, từ đó cung cấp máy bay tàng hình thế hệ 5 cho Ấn Độ. Nói ngắn gọn là Ấn Độ chi tiền cho Nga làm loại này. Sau nhiều lần trục trặc, Ấn Độ rút lui khỏi dự án này.

Tháng 2 năm 2018, Putin tuyên bố sau ba năm sẽ cung cấp chiếc máy bay đầu tiên, sau năm năm sẽ sản xuất hàng loạt, nhưng cho đến nay cũng chưa thấy động đậy gì.

Tháng 3 năm 2015, thứ trưởng quốc phòng Nga, Jurji Brisov cho biết, quân Nga sẽ mua ít máy bay thế hệ 5 để dành tiền mua loại rẻ tiền hơn là Su-30SM hay Su-35S. Lệnh trực tiếp từ Putin, Bộ Quốc phòng Nga cuối cùng cũng đặt hàng vài chục chiếc Su-57. Nhưng vấn đề là lấy đâu ra tiền, nhất là thiệt hại trong cuộc chiến với Ukraina hiện giờ vô cùng khủng khiếp.

Vấn đề bây giờ là Ấn Độ không hợp tác (không chi tiền), Trung Quốc đã có máy bay thế hệ thứ 5 của mình, dạng khách hàng như Iran, Venezuela… thì không đủ uy tín tài chính để duy trì dự án.

Máy bay không người lái Ochotnik

Việc Mỹ sử dụng ồ ạt máy bay không người lái trong cuộc chiến ở Afganistan khiến Nga giật mình, thấy mình tụt hậu. Trong trang bị của quân đội Nga cũng có máy bay không người lái, nhưng hạng mục này từ lâu đã bị bỏ quên, do cách nhìn nhận chiến lược bảo thủ của tướng lĩnh Nga.

Cũng như bao nhiêu lần trước đây, phiên bản cũ kỹ được hứa hẹn thay thế bằng một dự án hoành tráng được quảng cáo tốn rất nhiều giấy mực.

Tổ hợp công nghiệp vũ khí MIG giới thiệu mẫu MIG-Skat. Nga, ngoài vài loại máy bay không người lái do thám nhỏ hoặc drone, thì mẫu không người lái cỡ lớn như Ochotnik mới chỉ có trên mô hình, mặc dù loại cỡ lớn như vậy đã có trong biên chế quân đội Mỹ 20 năm qua.

Mặc dù vậy, bộ máy tuyên truyền Nga mở hết cỡ khi giới thiệu dự án Ochotnik của MIG, phối hợp dự án Su-57 của Suchoj. Một dự án đầy tham vọng khi phối hợp tác chiến giữa máy bay tàng hình thế hệ 5Su-57 với dàn Ochotnik, kết hợp thăm dò, bảo vệ lẫn nhau, với Su-57 có người lái là trung tâm. Máy bay không người lái sẽ bảo vệ máy bay có người lái.

Cuối năm ngoái, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Krivorucko nói về chiếc máy bay Ochotnik này như sau: “Đây là chiếc drone có hệ thống hoạt động độc lập rất cao. Có thể tự mình giải quyết một loạt những nhiệm vụ phức tạp, phối hợp nhuần nhuyễn với các drone khác, và với máy bay có người lái. Chiếc drone này tổng hợp ưu việt của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nó không hề kém bất cứ loại drone tương tự nào của phương Tây, và có nhiều mặt còn vượt trội“.

Sự thật thì khác hẳn, chiếc Ochotnit mẫu cất cánh và hạ cánh rất chệch choạng. Nó bay một quãng đường đã được lập trình trước… và chấm hết. Những máy bay không người lái của Liên Xô cách đây 50 năm cũng làm được y như vậy.

 Su-75 “Checkmate”

Gần đây một số công ty vũ khí Nga quảng bá một sản phẩm khiến nhiều người cho rằng có thể trở thành hiện thực. Đó là máy bay chiến đấu một động cơ thế hệ thứ 5, dự án “Checkmate” – Suchoj Su-75.

Năm 2021 tại hội chợ MAKS-2021 giới thiệu mô hình chiếc máy bay này (chính thức gọi là “nguyên mẫu không bay”). Công nghiệp hàng không cùn mòn của Nga cố gắng trưng ra trước mắt các nhà báo một mẫu vật đẹp mắt, với rất nhiều hiệu ứng, mục đích duy nhất là để lôi kéo đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó Mỹ đã đưa vào hai loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, loại nhẹ F-35, và loại nặng hơn, đắt tiền hơn là F-22. Nga theo hình mẫu này cũng muốn để tổ hợp MIG làm loại thế hệ 5 hạng nhẹ, (MIG đã đem trưng bày mấy mẫu ở vài hội chợ vũ khí), Suchoj làm loại hạng nặng.

Nhưng vì không đủ kinh phí, Nga rút hai dự án này lại, thay vì làm hai, bây giờ chỉ làm một. Dự án Su-75 “Checkmate” máy bay thế hệ 5 hạng nhẹ được trao cho Suchoj. Su-75 có tốc độ Mach 2, tàng hình, giá thành chỉ dưới 30 triệu đô, chỉ bằng 1/5 giá thành của F-35 Mỹ. Quảng bá lôi kéo khách hàng lần này là hệ thống “kiến trúc mở” Matrjoska.

Đây là hệ thống chẩn đoán điện tử, cho phép máy bay lập trình lại từ xa trên không, có khả năng rất nhanh, thay đổi mục tiêu tác chiến. Các nhà chuyên môn thì cho rằng, đây lại chiêu trò quảng cáo ngoài khả năng, vì họ biết công nghiệp hàng không Nga từ lâu không quan tâm tới những hệ thống tương tự này. Những hệ thống này cần nhiều năm kinh nghiệm với sự phát triển của nó.

Không biết Su-75 có bán được cho các nước như Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, hay các nước như Uganda, Ai Cập trả tiền cho dự án này hay không, còn phải chờ kết quả cuộc chiến với Ukraina ngã ngũ. Hay đây chỉ là ảo tưởng hào nhoáng của các tướng lĩnh Nga, những người không chịu chấp nhận một thực tế là công nghệ quốc phòng của Nga ngày một tụt hậu.

Máy bay vận tải chiến lược. Máy bay ném bom. Máy bay khu trục.

Máy bay ném bom chiến lược Nga hiện tại vẫn chủ yếu dựa vào lớp Tupolev Tu-95 thiết kế từ thập niên 1950, loạt này được bổ sung thêm một số máy bay chiến thuật loại nhỏ Tu-22M4, thiết kế từ thập niên 1960-1970. Chiếc máy bay lớn nhất hiện vận hành bây giờ là Tu-160, còn gọi là “Thiên nga trắng”. Năm 2008, Nga triển khai dự án PAK DA phát triển máy bay ném bom thế hệ mới, nhằm thay thế loại cũ. Văn phòng thiết kế công ty Tupolev được giao nhiệm vụ này.

Phó thủ tướng Nga Rogozin được giao theo dõi dự án này, năm 2012 cho biết, máy bay sẽ có tốc độ siêu thanh, dễ ràng vượt qua hệ thống phòng không của Mỹ. Nghe đâu Nga cũng lôi kéo Trung Quốc vào dự án này nhưng không thành công.

Nhưng rồi dự án viể vông siêu thanh Tu cánh rời sập tiệm, Tupolev quay lại với giải pháp máy bay cánh liền, copy của B-2 Mỹ. Từ năm 2008, Nga chưa đưa ra một nguyên mẫu nào cho kế hoạch hiện thực vào năm 2024-2025, trong thời gian đó, Mỹ đã thiết kế và sản xuất máy bay ném bom hoàn toàn mới B-21 Raider.

Từ lâu Ukrana là nhà cung cấp máy bay vận tải hạng lớn Antonov cho Nga, khi quan hệ rạn nứt, Nga phải tìm giải pháp thay thế. Lúc đầu rộ lên tin là Nga sẽ tự sản xuất AtonovAn-124, sau đó phát hiện rằng, không có những công ty Ukraina tham gia thì không làm được.

Vậy là một dự án máy bay vận tải cỡ lớn PAK VTA được hình thành, thay thế cho An-124 đang cạn dần phụ tùng thay thế.

Trước khi các nhà thiết kế ngồi vào bàn thiết kế, báo chí Nga đã rùm beng lên tiếng là chiếc máy bay mới, có tốc độ vượt âm thanh như Concord ngày nào, bề mặt của máy bay có khả năng tích hợp năng lượng phục vụ cho động cơ, máy bay có tải trọng 200 tấn xuyên lục v.v… Sự thật thì như thế nào, năm 2016, Nga moi lại thiết kế Iljusin II-106 từ thời Liên Xô cũ để dựa vào đó làm máy bay vận tải mới, nếu năm 2030 mà cất cánh được thì sẽ là điều thần kỳ.

_______

Nguồn: “Ruská reklamní armáda. Nepodařené zbrojní projekty, které ohromovaly svet“, Idnes.cz ngày 30/3/2022.

Related posts