Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2000

Andrew Moran

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang ở Hoa Thịnh Đốn hôm 16/09/2015. (Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters)

Hôm 04/05, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 2000, như một phần của các nỗ lực chống lạm phát cao trong 40 năm.

Các quan chức làm việc trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã đồng ý tăng lãi suất liên bang lên 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên phạm vi mục tiêu từ 0.75% đến 1%. Quyết định của ngân hàng trung ương phù hợp với các kỳ vọng của thị trường.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố trong một cuộc họp báo sau cuộc họp: “Có một quan điểm rộng rãi trong ủy ban cho rằng việc tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa sẽ được đưa ra bàn thảo trong một vài cuộc họp tiếp theo.”

Fed cũng sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán gần 9 ngàn tỷ USD, xác nhận rằng họ sẽ bắt đầu bán các tài sản trị giá 47.5 tỷ USD mỗi tháng. Sau 3 tháng, ngân hàng trung ương sẽ tăng mức giảm tài sản lên 95 tỷ USD mỗi tháng, một biện pháp có thể làm giảm thanh khoản từ các thị trường tiền tệ trong vài năm.

Trong một tuyên bố của FOMC, Fed thừa nhận rằng họ lo ngại về những áp lực lạm phát gia tăng trên diện rộng.

FOMC cho biết: “Mặc dù hoạt động kinh tế tổng thể giảm trong quý đầu tiên, chi tiêu gia đình và đầu tư cố định của doanh nghiệp vẫn tăng mạnh. Tỷ lệ việc làm tăng mạnh trong những tháng gần đây, và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn, và áp lực giá rộng hơn.”

“Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang gây khó khăn to lớn về phương diện con người và kinh tế. Các tác động đối với nền kinh tế Hoa Kỳ khá bất ổn. Cuộc xâm lược và các sự kiện liên quan đang tạo thêm áp lực gia tăng đối với lạm phát và có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Ngoài ra, các đợt phong tỏa liên quan đến COVID ở Trung Quốc có khả năng làm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thêm phần bế tắc. Ủy ban rất chú ý đến các rủi ro lạm phát.”

Các quyết định của Fed ảnh hưởng đến chi phí đi vay, đó là lý do tại sao lãi suất rất quan trọng. Lãi suất cao hơn có thể không khuyến khích người tiêu dùng vay thế chấp hoặc đăng ký vay mua xe hơi nhiều hơn.

Các nhà đầu tư cũng có thể sẽ dè dặt hơn, đặc biệt là sau một thời kỳ lãi suất thấp lịch sử; tuy nhiên, lãi suất cao hơn có thể khuyến khích nhiều gia đình tiết kiệm hơn.

“Khi Fed tăng hoặc giảm chi phí tiền tệ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến lãi suất trên diện rộng,” ông Greg McBride, một chuyên gia có chứng chỉ chuyên nghiệp CFA, giám đốc phân tích tài chính của Bankrate, cho biết. “Bằng cách này hay cách khác, lãi suất sẽ tác động đến những người tiết kiệm và những người đi vay.”

Trong cuộc họp báo nói trên, ông Powell đã loại trừ mức tăng 75 điểm cơ bản tại các cuộc họp FOMC tiếp theo, điều này đã phá vỡ đầu cơ thị trường. Kết quả là, cổ phiếu tăng mạnh, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 900 điểm, tương đương 2.8%. S&P 500 tăng 3%, trong khi Nasdaq Composite tăng 3.2%.

Ông Powell nói trong bài diễn văn mở đầu cuộc họp báo của mình: “Lạm phát đang ở mức quá cao, và chúng tôi hiểu những khó khăn mà tình huống này đang gây ra.” 

“Và chúng tôi đang gấp rút hành động để khiến lạm phát giảm trở lại. Chúng tôi có cả những công cụ cần thiết và quyết tâm để khôi phục sự ổn định giá cả thay mặt cho các gia đình và các doanh nghiệp Mỹ.”

Ông Powell bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng kiềm chế lạm phát mà không gây ra một cuộc suy thoái của Fed.

Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta có một cơ hội tốt để kiềm chế lạm phát mà không gây suy thoái (soft landing).”

Lãi suất ‘trung hòa’ đang đến?

Trong những tuần gần đây, các quan chức ngân hàng trung ương đã báo hiệu rằng họ sẽ tích cực hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Trong nhiều dịp, ông Powell lưu ý rằng ông muốn đưa lãi suất chuẩn về vùng trung lập — một tỷ lệ không kích thích hoặc hạn chế tăng trưởng kinh tế — mà dự báo kinh tế hàng quý mới nhất của cơ quan này đã chốt ở mức 2.4%.

“Có thể đỉnh điểm [của lạm phát] thực tế là trong tháng Ba, nhưng chúng tôi không biết được điều đó, nên chúng tôi sẽ không dựa vào đó,” ông nói tại một sự kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng Tư. “Chúng tôi thực sự sẽ tăng lãi suất và nhanh chóng đưa đến các mức trung hòa hơn và sau đó thực sự thắt chặt… nếu điều đó trở nên phù hợp một khi chúng ta đến thời điểm đó.”

Các thành viên khác của FOMC đã có cùng quan điểm với ông Powell về việc đạt một mức lãi suất trung hòa vào cuối năm nay.

Chủ tịch Ngân hàng Fed San Francisco Mary Daly cho biết hồi tháng trước: “Tôi thấy một lộ trình nhanh chóng để đạt mức trung hòa vào cuối năm là một giải pháp thận trọng.”

Chủ tịch Ngân hàng Fed ở Chicago, ông Charles Evans, nói với Câu lạc bộ Kinh tế New York hồi cuối tháng trước rằng FOMC thiết lập lãi suất “có thể” sẽ mạo hiểm ngoài mức trung lập.

“Cho đến tháng 12, quý vị sẽ tìm kiếm bất kỳ sự xác nhận nào về kịch bản này,” ông Evans nói. “Có thể là mức trung hòa trong ngắn hạn thực sự thấp hơn, và vào thời điểm chúng ta tiến đến mức 2.5, tình hình kinh tế thực sự là thu hẹp vì nhiều lý do. Tình hình cũng có thể chuyển biến theo hướng khác.”

Điều đó nói lên rằng, con số 2.4% đã dẫn đến sự bất đồng giữa một số nhà kinh tế, những người cho rằng một mức lãi suất trung hòa cao hơn rất nhiều khi thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương — chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) — đang vượt khỏi mức 5%.

Theo CME FedWatch Tool, hầu hết thị trường đang dự kiến một đợt tăng lãi suất nửa điểm nữa vào tháng tới.

‘Hành động cân bằng tinh tế’

Ông John Leer, chuyên gia kinh tế trưởng của Morning Consult cho biết, với việc GDP quý đầu tiên suy giảm, và các nhà phân tích thị trường kỳ vọng tăng trưởng chậm chạp trong những tháng tới, đây sẽ là “một hành động cân bằng tinh tế” đối với Fed.

Ông Powell đã tuyên bố rằng mục tiêu của ông là đạt được ‘hạ cánh mềm’: giảm lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, và duy trì một thị trường lao động vững mạnh.

Ông Leer viết trong một ghi chú: “Cục Dự trữ Liên bang đang trong một tình thế khó khăn ngay bây giờ khi họ điều hướng các rủi ro gia tăng của một sự suy thoái. Họ muốn tăng lãi suất đủ cao và đủ nhanh để kiềm chế lạm phát, nhưng họ không muốn đẩy nền kinh tế vào một sự suy thoái. Đó là một hành động cân bằng tinh tế chắc chắn sẽ kiểm nghiệm chính sách của Fed.”

Cho dù xảy ra tình huống nào, thì ông Ken Mahoney, Giám đốc điều hành và Chủ tịch công ty Mahoney Asset Management, tin rằng Fed đã “mất uy tín về tổng thể”. Nhiều chuyên gia, trong đó có ông Mahoney, đã chỉ ra sự quả quyết của Fed hồi năm ngoái khi cho rằng lạm phát chỉ là “nhất thời”.

Theo ông Mahoney, cơ hội tốt nhất để tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản là vào năm ngoái, khi GDP tăng hơn 5%.

“Thay vào đó, chúng ta đang ở đây để tăng lãi suất khi GDP quý đầu tiên tăng trưởng âm và rõ ràng lạm phát sẽ còn kéo dài,” ông Mahoney nói với The Epoch Times. “Có cảm giác như có một cuộc đấu giá với các thống đốc Fed.”

“Một người nói rằng bốn lần tăng lãi suất, một người khác nói tám lần, một người khác nói rằng tôi thắt chặt hơn quý vị, tôi nói 12. Tôi nghĩ cuối cùng thì, nó sẽ là ba hoặc bốn lần vì nền kinh tế không thể chịu đựng được nhiều hơn thế trong trường hợp này, và thị trường sẽ còn bị ‘bóp méo’ hơn nữa.”

Ông Robert R. Johnson, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Economic Index Associates, không đồng tình với các chuyên gia, những người đã truyền đạt sự bất đồng của họ với các hành động của Fed.

Ông Johnson, giáo sư tài chính tại Đại học Kinh doanh Heider của Đại học Creighton, nói với The Epoch Times: “Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, các chuyên gia đã bày tỏ không mấy tin tưởng rằng Fed sẽ có thể kiểm soát lạm phát và thu xếp một cuộc ‘hạ cánh mềm’ cho nền kinh tế.” 

“Tôi không đồng ý và có cùng quan điểm với ông Warren Buffett, người mà hôm thứ Bảy (02/05) gọi ông Jay Powell là ‘một người hùng’ vì hành động quyết đoán của ông đã tránh được một thảm họa kinh tế.”

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, người từng có một nhiệm kỳ là người đứng đầu ngân hàng trung ương, khẳng định rằng Fed phải “khéo léo” và “cũng may mắn” để tạo điều kiện cho một cuộc “hạ cánh mềm”.

Nói chuyện tại một hội nghị của Hội đồng Giám đốc điều hành Wall Street Journal hôm 04/05, bà Yellen tái khẳng định niềm tin của mình vào nền kinh tế Hoa Kỳ thời hậu đại dịch, nhưng bà thừa nhận rằng lạm phát vẫn là một vấn đề.

Về mặt dữ liệu, mọi cặp mắt sẽ đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng Tư hôm 06/05 và số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư vào tuần tới.

Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo ra 394,000 việc làm mới trong tháng trước.

Trong khi đó, người Mỹ có thể mất niềm tin vào ngân hàng trung ương có tuổi đời hơn một thế kỷ này.

Một cuộc khảo sát mới của Gallup cho thấy chỉ có 43% người có niềm tin “rất nhiều” hoặc “khá nhiều” đối với ông Powell, giảm so với mức 55% hồi năm ngoái. Con số này thấp hơn mức trung bình trong nhiệm kỳ của ông là 50%, nhưng nó ở cùng mức với hai người tiền nhiệm của ông là: ông Ben Bernanke và bà Janet Yellen.

Cuộc họp FOMC kéo dài hai ngày tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 14 và 15/06.

Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).

Vân Du biên dịch

Related posts