Du khách Đông Nam Á gặp khó với hộ chiếu vắc-xin COVID-19 khi đến EU

Nhiều du khách đến từ khu vực Đông Nam Á hiện không thể nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) do “hộ chiếu vắc-xin” hoặc những loại vắc-xin ngừa COVID-19 sản xuất bởi Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm.
hộ chiếu vắc-xin

EU mới chỉ công nhận “hộ chiếu vắc-xin” của một số quốc gia tại Đông Nam Á (như Malaysia, Thái Lan, Singapore), bất chấp số du khách từ khu vực này tăng mạnh sau khi các hạn chế dịch bệnh COVID-19 được nới lỏng.

Bà Hannah Pearson thuộc công ty tư vấn du lịch ở Malaysia Pear Anderson cho biết rằng việc EU công nhận chứng chỉ COVID-19 của Malaysia là “rất chậm” bởi nước này đã cấp chứng chỉ vắc-xin kỹ thuật số kể từ khi bắt đầu triển khai tiêm chủng vào năm 2021.

Bà Melinda Martinus tại viện ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore nhấn mạnh rằng tính riêng năm 2019, công dân từ 6 quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam đã chi tới 90 tỷ USD cho du lịch nước ngoài, tương đương 1/3 số chi phí du khách Trung Quốc chi tiêu cùng năm.

Dẫu vậy, chi tiêu du lịch quốc tế của du khách từ 6 quốc gia Đông Nam Á này đã giảm xuống còn 24,8 tỷ USD vào năm 2020 sau đó tăng lên khoảng 38 tỷ USD vào năm 2021. Nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit thuộc tạp chí kinh tế uy tín The Economist cho biết mới đây rằng tính đến năm 2024 chi tiêu du lịch quốc tế của nhóm khách này sẽ không phục hồi như trước đại dịch.

Theo cuộc khảo sát gần đây do Viện ISEAS–Yusof Ishak công bố, EU đứng thứ 2 trong danh sách những điểm đến được ưa chuộng của người dân Đông Nam Á. Cụ thể, có 22,5% người tham gia khảo sát muốn du lịch đến Nhật Bản, 19,2% chọn EU và 14% lựa chọn các quốc gia ASEAN.

Du khách Đông Nam Á vẫn có thể nhập cảnh vào một số quốc gia châu Âu ngay cả khi “hộ chiếu vắc-xin” của họ không được EU công nhận. Theo các nhà phân tích, yêu cầu nhập cảnh đối với từng quốc gia EU có xu hướng dễ dàng hơn, bên cạnh đó, nhiều quốc gia không yêu cầu “hộ chiếu vắc-xin”.

Tuy nhiên, “hộ chiếu vắc-xin” không phải là vấn đề duy nhất. Một yếu tố lớn hơn là loại vắc-xin ngừa COVID-19 được EU chấp nhận.

Nhiều nước Đông Nam Á sử dụng vắc-xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất trong giai đoạn tiêm chủng đầu tiên của họ. Một ví dụ là Sinovac chiếm tới gần 1/3 số vắc-xin được tiêm tại Malaysia. Hiện có tới 10 quốc gia EU, trong đó có Pháp, Đức và Ý, không công nhận Sinovac. Ngoài ra, có 11 quốc gia không công nhận Sinopharm, cũng do Trung Quốc sản xuất.

Điều đó đồng nghĩa với việc ngay cả khi EU công nhận “hộ chiếu vắc-xin” của một quốc gia, các du khách vẫn khó có thể nhập cảnh nếu họ tiêm vắc-xin không được công nhận.

Cách đây vài tuần, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin thông báo rằng những người từng tiêm Sinovac hoặc Sinopharm có thể tiêm mũi bổ sung là loại vắc-xin được EU công nhận để họ có thể đi lại.

Phan Anh

Related posts