Tổng thống Biden công du Châu Á, gửi một ‘thông điệp mạnh mẽ’ về vai trò ​​lãnh đạo của Hoa Kỳ

Huyền Anh

Tổng thống Biden công du Châu Á, gửi một ‘thông điệp mạnh mẽ’ về vai trò ​​lãnh đạo của Hoa Kỳ
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lên Không Lực Một tại Căn cứ Liên hợp Andrews ở Maryland hôm 19/05/2022 khi ông đến Nam Hàn và Nhật Bản. (Ảnh: Saul Loeb/Getty Images)

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã rời Hoa Kỳ để có chuyến công du 6 ngày tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên cương vị tổng thống.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (18/05) rằng Tổng thống Biden dự định nắm bắt “thời khắc then chốt” để khẳng định “vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực trọng yếu này”.

Ông Sullivan nói: “Thông điệp mà chúng tôi đang cố gắng gửi đi trong chuyến công du này là thông điệp về một tầm nhìn khẳng định về việc thế giới sẽ ra sao nếu các nền dân chủ và xã hội cởi mở trên thế giới sát cánh bên nhau để định hình các quy tắc thông thường, để xác định cấu ​​trúc an ninh của khu vực, để củng cố các liên minh lịch sử mạnh mẽ, hùng cường”.

“Và chúng tôi nghĩ rằng việc thể hiện điều đó trong 4 ngày — một cách song phương với Đại Hàn Dân Quốc và Nhật Bản, thông qua Bộ Tứ, thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương — việc này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ”, ông cho biết.

“Chúng tôi nghĩ rằng thông điệp đó sẽ được nghe thấy ở khắp mọi nơi. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ được nghe thấy ở Bắc Kinh”, ông nói về Trung Quốc, quốc gia đang theo dõi sát sao cuộc chiến Nga-Ukraine vì những tham vọng của họ đối với Đài Loan.

“Nhưng đó không phải là một thông điệp tiêu cực, và nó không nhắm đến bất kỳ một quốc gia riêng lẻ nào. Nó nhắm đến khán giả trên toàn thế giới về những gì mà giới lãnh đạo Hoa Kỳ, hợp tác với đồng minh và các đối tác cùng chung chí hướng bên mình, có thể mang lại cho mọi người ở khắp mọi nơi”, ông Sullivan cho biết thêm.

Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và hai nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ có chuyến thăm chung tới nhà máy Samsung Electronics trước thềm một hội nghị thượng đỉnh vào thứ Bảy (21/05).

“Tôi chân thành chào mừng Tổng thống Biden đến Seoul,” ông Yoon nói trong một tweet. “Tôi tin tưởng rằng liên minh [Nam Hàn-Hoa Kỳ] tìm cách duy trì các giá trị của dân chủ và nhân quyền sẽ chỉ tăng cường trong tương lai”.

Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol diễn thuyết trong một bữa tối mừng nhậm chức tại một khách sạn, sau lễ nhậm chức tại văn phòng tân tổng thống ở Seoul, hôm 10/05/2022. (Ảnh: Jeon Heon-Kyun/Pool/Getty Images)

Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về liên minh kinh tế và an ninh trong hội nghị thượng đỉnh nói trên, cũng như những thách thức do các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn của Bắc Hàn đặt ra. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden sẽ không tới thăm Khu phi quân sự của Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Yoon, người nhậm chức hôm 10/05, đã hứa sẽ có một lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên và một cam kết an ninh mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ, khi nói rằng các cuộc tấn công phủ đầu có thể là cần thiết nếu Bình Nhưỡng có dấu hiệu sắp tổ chức một cuộc tấn công.

Hoa Kỳ dự đoán rằng, Triều Tiên có thể tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 7 của mình trong chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Biden. Ông Sullivan cho biết vị thế quân sự của Hoa Kỳ đã được điều chỉnh nếu cần thiết để chuẩn bị cho bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Triều Tiên.

Tổng thống Biden sẽ khởi hành đến Nhật Bản vào Chủ Nhật (22/05) để gặp Thủ tướng Fumio Kishida cho các cuộc đàm phán song phương và tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ — có sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc — tại Tokyo. Ông cũng sẽ khởi động Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chuyến đi đến Nhật Bản.

Trung Quốc tập trận trên Biển Đông đúng thời điểm lãnh đạo Mỹ thăm châu Á

Ngày 19/5, quân đội Trung Quốc bắt đầu tập trận ở Biển Đông, đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo tờ SCMP, Văn phòng Cục An ninh Hàng hải Trung Quốc tại tỉnh Hải Nam cho biết, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 19/5 và kéo dài tới ngày 23/5. Tất cả máy bay, tàu thuyền dân sự đều bị cấm vào khu vực tập trận.

Ngoài ra, cơ quan này không cung cấp thêm thông tin.

Đầu tháng 5 này, tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc đã đi vào Biển Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tàu sân bay này đang tham gia “huấn luyện chiến đấu bình thường”, tuân thủ các chuẩn mực theo luật pháp quốc tế, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, không nhằm vào bất cứ bên nào, theo SCMP.

Ngày 18/5, truyền thông Trung Quốc còn đưa tin, Trung Quốc đã điều hai máy bay ném bom tầm xa H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân bay qua khu vực này.

Trong thời gian này, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du tới châu Á, thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20/5 – 24/5 tới, tại đây ông sẽ gặp gỡ lãnh đạo hai nước.  Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khi hai nhà lãnh đạo đến thăm khuôn viên nhà máy Samsung Electronics Pyeongtaek vào ngày 20/5/2022 tại Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Ảnh: Kim Min-Hee/Getty Images)

Reuters trích nhận định của các chuyên gia về an ninh quốc tế cho rằng, chuyến đi nhằm mang theo một thông điệp rõ ràng với Bắc Kinh rằng “đừng thử những gì Nga đã làm ở Ukraine ở bất cứ nơi đâu tại Châu Á, đặc biệt là Đài Loan”.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo này cũng cho thấy họ lo ngại về Bắc Hàn và Trung Quốc, đồng thời mong muốn được củng cố liên minh lâu dài với Mỹ.

Nhật Bản là một trong bốn nước thuộc nhóm Quad (gồm Nhật Bản, Australia, Ấn độ và Mỹ). Bốn quốc gia này cùng chia sẻ quan ngại về Trung Quốc cũng như việc nước này tăng cường các lực lượng vũ trang.

Trung Quốc nhìn nhận việc hình thành nhóm này là một nỗ lực từ phía Mỹ nhằm cản trở ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị, gây khó khăn cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt Đài Loan phải chấp nhận sự thống trị của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm 18/5 lên tiếng chỉ trích cái mà ông gọi là các hành động tiêu cực từ phía Washington và Tokyo chống lại Bắc Kinh, tờ SCMP đưa tin.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền Biển Đông gần như toàn bộ và tuyến đường thủy quan trọng này đã trở thành điểm nóng tiềm tàng cho xung đột ở châu Á.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts