Các quốc đảo Thái Bình Dương bác đề nghị hợp tác của Trung Quốc về an ninh

Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị (trái) và Thủ tướng Fiji Bainimarama cùng dự buổi họp báo chung ở thủ đô Suva của Fiji. (Nguồn: Getty)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phải chịu thất bại đầu tiên trong cuộc giằng co leo thang với các cường quốc phương Tây để thống trị các đảo ở Thái Bình Dương. Theo đó, Trung Quốc không thể giành được sự ủng hộ từ các nước trong khu vực này đối với sáng kiến quan hệ đối tác toàn diện tập trung vào an ninh.

Xây dựng trật tự mới tại các đảo ở Thái Bình Dương?

Financial Times đưa tin, trong hội nghị quyết định với Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị hôm thứ Hai (30/5), các nhà lãnh đạo của 8 quốc đảo Thái Bình Dương đã đồng ý hợp tác trong 5 lĩnh vực, bao gồm y tế, quản lý thảm họa và nông nghiệp. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, cần có thêm các cuộc thảo luận về “Tầm nhìn phát triển chung Trung Quốc- Quốc đảo Thái Bình Dương” do Chính phủ Trung Quốc đề xuất.

Tầm nhìn phát triển chung Trung Quốc- Quốc đảo Thái Bình Dương” của ĐCSTQ là phản ứng đối với Khung kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương về thịnh vượng (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity) được chính quyền Tổng thống Mỹ Biden công bố gần đây cũng như cam kết rộng hơn về ứng phó của Mỹ, Úc và New Zealand tại khu vực Thái Bình Dương.

Tờ Guardian cho biết, đề xuất của ĐCSTQ vốn đã liên kết hợp tác kinh tế với an ninh, vạch ra việc đào tạo cảnh sát trung cấp và cao cấp cho Lực lượng Cảnh sát Thái Bình Dương và nâng hợp tác thực thi pháp luật lên cấp bộ trưởng. Trung Quốc đang tài trợ cho Học viện Cảnh sát Quốc gia Samoa nhằm xây dựng học viện này trở thành một cơ sở đào tạo của khu vực.

Điều đó làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia vì các vấn đề như hợp tác về mạng dữ liệu, an ninh mạng, hệ thống hải quan thông minh. Do bê bối thúc đẩy giám sát theo dõi mọi người trên quy mô lớn của nhà cầm quyền ĐCSTQ có thể thu thập dữ liệu sinh trắc học về những người sống và đi lại ở Thái Bình Dương và tiến hành giám sát.

Ngoài ra còn vấn đề ĐCSTQ mời các nước Thái Bình Dương tham gia vào Hệ thống vệ tinh khí tượng Fengyun. Vệ tinh Fengyun có mục đích lưỡng dụng, thu thập và cung cấp dữ liệu trinh sát khí tượng chiến lược, bao gồm cả giám sát hàng hải. Điều này sẽ làm suy yếu các cơ chế giám sát hàng hải hiện có cũng như Hiệp định Đối tác về Nhận thức Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPMDA) mới được 4 bên (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) công bố – đây là một sáng kiến ​​an ninh hàng hải mới nhằm vào Bắc Kinh.

Vì Bắc Kinh đang tìm cách phá bỏ cấu trúc an ninh khu vực hiện hữu: từ các cơ chế quản lý khủng hoảng như Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương cho đến giám sát hàng hải. Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương được thành lập vào năm 1971, theo đó lực lượng quân đội và cảnh sát cùng các nhân viên dân sự của các nước trong Diễn đàn chủ yếu đến từ Úc và New Zealand – 2 nước cũng tham gia vào các hoạt động duy trì ổn định ở các nước Thái Bình Dương.

Các nhà bình luận của Time đã phân tích, do ĐCSTQ hiện đang giúp các quốc đảo này đào tạo cảnh sát nên lo ngại khả năng trong tương lai quân đội ĐCSTQ thay đổi sắc phục cảnh sát tiến vào các đảo quốc Thái Bình Dương với lý do giúp duy trì ổn định?

Đề xuất cũng đề cập đến quyết định năm ngoái thành lập một trung tâm hợp tác cứu hộ và dự trữ vật tư khẩn cấp Thái Bình Dương ở Quảng Đông, đồng thời đề xuất thành lập một kho dự trữ nhân đạo thứ cấp ở các nước Thái Bình Dương. Điều này đặt ra câu hỏi: hình thức và phạm vi của kho dự trữ là gì? Nó có tương tự như một nhà kho ở cảng quần đảo Solomon không?

Đối với thỏa thuận an ninh của Bắc Kinh với Quần đảo Solomon, giới phân tích lưu ý rằng cơ sở hạ tầng được đề xuất chủ yếu là lưỡng dụng (dân sự – quân sự). Kết hợp với việc nâng cấp sân bay và các thỏa thuận an ninh, những cơ sở này dù không ở cấp độ căn cứ hải quân tiêu chuẩn nhưng có khả năng hình thành sức mạnh cho ĐCSTQ mà Mỹ và Úc không thể chấp nhận, hơn thế nữa có thể cho phép tồn tại lâu dài hơn sự hiện diện quân sự hoặc bán quân sự, hoặc có thể được ĐCSTQ sử dụng làm kho cảng có mục đích kép dành cho hậu cần và vật tư của quân đội.

Đề xuất cũng tìm cách cung cấp nhiều hình thức hơn cho các lợi ích chiến lược của ĐCSTQ trong và tiếp cận các vùng biển Thái Bình Dương, bao gồm cả việc gia tăng quyền đánh bắt cá thương mại. Với thông tin được báo cáo trước đó rằng tỉnh Quảng Đông đã cải tạo một số lượng lớn tàu dân sự, cho thấy ĐCSTQ cũng có thể sử dụng các tàu đánh cá lớn để bí mật vận chuyển một số lượng lớn quân nhân và thiết bị vào khu vực.

Úc nhanh chóng hành động

Trước những động thái tấn công từ ĐCSTQ, Mỹ và Úc đã phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lôi kéo thêm các quốc đảo ở Thái Bình Dương vào phạm vi ảnh hưởng của ĐCSTQ.

4 ngày sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã tới Fiji vào ngày 26/5 để hội đàm với Thủ tướng Frank Bainimarama, qua đó nhắc nhở các nước Thái Bình Dương nên cân nhắc kỹ về thỏa thuận an ninh Bắc Kinh. Đáp lại, ĐCSTQ chỉ trích Penny Wong, cáo buộc bà là “đạo đức giả”“tâm lý thực dân”.

Ngay trước thời điểm Ngoại trưởng ĐCSTQ đến Fiji, ngày 27/5 Mỹ tham gia Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF) ở Suva (thủ đô của Fiji), đây cũng là kế hoạch của Washington nhằm chống lại Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ.

Vào tháng trước, Bắc Kinh đã ký thành công một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, cho phép họ triển khai cảnh sát và quân đội ở quốc gia Nam Thái Bình Dương này, làm dấy lên lo ngại của Úc, Nhật Bản và New Zealand – những nước tài trợ chính và là các đối tác an ninh truyền thống của khu vực này.

Các quốc đảo Thái Bình Dương đặt câu hỏi về thỏa thuận an ninh được đề xuất

Tờ Financial Times đưa tin tuần trước, Bắc Kinh đã đàm phán một thỏa thuận tương tự với Kiribati, ngoài ra các đề xuất của ĐCSTQ về một thỏa thuận khu vực đã làm tăng thêm lo lắng.

Chuyên gia quốc phòng, Tiến sĩ Anna Powles tin rằng thỏa thuận thể hiện sự mất quyền tự chủ chiến lược đáng kể đối với các quốc gia Thái Bình Dương, cho nên Bắc Kinh khó có thể thành công.

Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia là người đầu tiên bày tỏ quan ngại về ý định của ĐCSTQ, ông nói rằng đề xuất đó sẽ làm gia tăng căng thẳng và châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Trong một bức thư ngày 20/5, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo của 21 quốc đảo Thái Bình Dương khác không chấp nhận đề xuất của Bắc Kinh mà ông cảnh báo là nhằm đạt được “quyền truy cập và kiểm soát khu vực của chúng tôi, kết quả của việc này là phá hoại hòa bình và sự ổn định an ninh khu vực”.

Panuelo chỉ ra rằng đây là “thông cáo chung được xác định trước”: ĐCSTQ muốn các quốc đảo Thái Bình Dương hành động theo kịch bản của ĐCSTQ. Ông cũng nhấn mạnh nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ “tương đương cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ”, khi đó vùng này (Thái Bình Dương) có thể “chìm trong làn đạn của các cường quốc”.

Ông Panuelo còn cảnh báo rằng đề xuất này nhằm “đảm bảo ảnh hưởng của Trung Quốc”, theo đó là khả năng kiểm soát của họ đối với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, nghề cá chung và các lĩnh vực khai thác tài nguyên. Cách diễn đạt của đề xuất cũng “khiến các cuộc điện thoại và email của quốc gia chúng tôi bị đánh chặn và nghe trộm”.

Micronesia được cho là sẽ thận trọng về thỏa thuận này, vì nước này có một thỏa thuận liên kết tự do với Mỹ giúp Washington có tiếng nói trong quan hệ an ninh với các nước khác.

Bắc Kinh thề sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các quốc đảo Thái Bình Dương

Đề xuất của ông Vương Nghị không được ngay lập tức chấp thuận là một dấu hiệu cho thấy mối quan ngại rộng rãi hơn của các quốc đảo Thái Bình Dương đối với ĐCSTQ. Các nước có mặt tại cuộc họp bao gồm Fiji, Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon và Niue.

Dự thảo thỏa thuận đề cập đến hợp tác về các vấn đề mà các quốc đảo Thái Bình Dương quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và nghề cá; nhưng các ưu tiên an ninh và chính trị, chẳng hạn như các vị trí điều phối tại Liên Hiệp Quốc và các cơ quan khu vực, thì rõ ràng rất nan giải.

Ông Bainimarama tweet sau cuộc gặp với ông Vương Nghị: “Khu vực Thái Bình Dương cần các đối tác thực sự chứ không phải các siêu cường có ý thức về quyền lực”. Ông đồng thời cho biết thêm rằng đã tìm kiếm phản ứng của Bắc Kinh đối với các vấn đề sinh kế chính như cam kết chấm dứt đánh bắt bất hợp pháp và mở rộng xuất khẩu của Fiji.

Theo Reuters, Bắc Kinh cho biết họ sẽ tiếp tục chiến dịch để có thêm ảnh hưởng trong khu vực. Đại sứ quán Trung Quốc tại Fiji cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra kế hoạch cho khu vực trong “văn bản thể hiện lập trường” nhằm đáp lại các câu hỏi của các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tại cuộc họp.

Đáp lại, giám đốc điều hành Justin Bassi của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã viết rằng “Chiêu trò của Bắc Kinh là để ngăn chặn lợi ích của Mỹ và đồng minh, qua đó để họ có được quyền bá chủ trong khu vực giúp dựng lên các nước chư hầu nhằm kiểm soát chuỗi cung ứng và cải thiện khả năng của họ trong việc lấy Đài Loan với chi phí tối thiểu”.

Thành Dung, Vision Times

Related posts