Palau muốn biết ‘ý đồ thật sự’ của Trung Quốc trong thỏa thuận an ninh mới ở TBD

Aldgra Fredly

Ông Surangel Whipps, Tổng thống Palau, diễn thuyết khi chào đón du khách từ Đài Loan khi họ đến đảo Koror sau khi Đài Loan và Palau khởi động một bong bóng kỳ nghỉ du lịch hiếm hoi khi hai đồng minh ngoại giao này cố gắng khởi động ngành du lịch trầm lắng của họ sau khi ngăn chặn thành công các ca nhiễm COVID-19 hôm 01/04/2021. (Ảnh: RICHARD W. BROOKS/AFP qua Getty Images)

‘Khu vực của chúng tôi có an ninh rồi’

Hôm thứ Hai (30/05), Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. cho biết, các quốc đảo Thái Bình Dương đã đưa ra quyết định đúng đắn khi rút khỏi thỏa thuận an ninh và kinh tế khu vực mà Trung Quốc đề nghị, đẩy lùi các kế hoạch của Bắc Kinh trong khu vực này.

“Tôi nghĩ rằng câu hỏi sẽ luôn là ý đồ thực sự trong việc đẩy mạnh [các thỏa thuận này] là gì, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề an ninh. Tại sao lại có nhã hứng đến an ninh như vậy? Ý tôi là phát triển kinh tế, điều đó rất quan trọng, vậy lý do cho vấn đề an ninh là gì?” ông Whipps cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Quốc gia ABC của Úc một ngày sau khi Bắc Kinh thất bại trong việc kêu gọi 10 quốc gia Thái Bình Dương ký vào Hiệp định Thương mại Tự do Khu vực Quần đảo Thái Bình Dương của họ.

“Khu vực của chúng tôi đã có an ninh rồi. Nhưng việc đưa nhiều nhân tố hơn và nhiều người chơi hơn vào chỉ tạo ra xung đột tiềm năng, vậy thì tôi nghĩ điều này mang lại rủi ro an ninh, và tôi nghĩ đó là mối quan tâm của tất cả chúng tôi bởi vì chúng tôi đã kinh qua Đệ nhị Thế chiến và chúng tôi không muốn điều đó tái diễn thêm lần nào nữa,” ông nói thêm.

Sự thiếu nhiệt tình từ các quốc gia Thái Bình Dương đã buộc Bắc Kinh phải tạm hoãn thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng với 10 quốc gia trong khu vực, sau cuộc họp giữa các ngoại trưởng hôm 30/05.

Tầm nhìn Phát triển Chung của các Quốc Đảo Thái Bình Dương-Trung Quốc của Bắc Kinh, được tiết lộ với báo chí vào tuần trước, đã đề nghị sự hợp tác do Trung Quốc dẫn đầu đối với 10 quốc gia Thái Bình Dương về thương mại tự do, nghề cá, an ninh, mạng, và lập bản đồ hàng hải, và đây sẽ là một bước quan trọng với đến gần hơn tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khu vực này.

Ông Whipps khẳng định rằng các đảo quốc Thái Bình Dương e ngại thỏa thuận an ninh với Trung Quốc có thể mở đường cho một cuộc chiến tranh lạnh mới, xét đến tình huống mà các đảo này đối mặt với tư cách là chiến địa trong Đệ nhị Thế chiến. 

“Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta lại muốn tham gia hay rơi vào tình huống như vậy một lần nữa. Chúng tôi là những quốc gia nhỏ và chúng tôi muốn sống trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi có sự tôn trọng đối với pháp quyền,” ông nhận xét. Palau là một nước cộng hòa dân chủ có liên hệ chặt chẽ với Đài Loan hơn là với chế độ cộng sản Trung Quốc ở đại lục.

Cho rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của khu vực, ông Whipps lưu ý rằng Thủ tướng Fiji Voreqe Bainimarama đã có một hành động táo bạo trong việc “đứng lên” và kêu gọi Trung Quốc cam kết mạnh mẽ hơn đối với hành động vì khí hậu.

“Nếu [Trung Quốc] muốn giúp đỡ chúng tôi, thì mối đe dọa an ninh lớn nhất hiện nay đối với quần đảo Thái Bình Dương là biến đổi khí hậu,” ông nói thêm.

GLASGOW, SCOTLAND – NOVEMBER 01: Palau President Surangel Whipps arrives for the UN Climate Change Conference COP26 at SECC on November 1, 2021 in Glasgow, Scotland. 2021 sees the 26th United Nations Climate Change Conference. The conference will run from 31 October for two weeks, finishing on 12 November. It was meant to take place in 2020 but was delayed due to the Covid-19 pandemic. (Photo by Phil Noble – Pool/Getty Images)

“Mực nước biển dâng lên là một cuộc xâm lấn và nó sẽ tạo ra những người tị nạn vì khí hậu, phá hủy các nền văn hóa đã tồn tại hàng ngàn năm, và bản sắc dân tộc. Điều quan trọng là [phải] yêu cầu các nước lớn chịu trách nhiệm về hành động của họ,” ông Whipps nói, đồng thời cho biết thêm rằng Úc đã tăng cường các cam kết của mình về biến đổi khí hậu.

Nói về mối bang giao của đảo quốc này với Đài Loan, ông Whipps nói rằng Palau sẽ tiếp tục ủng hộ hòn đảo tự quản và công nhận chủ quyền của họ, duy trì lập trường của Palau là “hữu hảo với tất cả và không hiềm khích với ai.” 

Ông lưu ý, “Trung Quốc đã nói với chúng tôi rằng, “Quý vị chỉ cần cắt đứt bang giao với Đài Loan và chỉ có chính sách một Trung Quốc.” Nhưng chính sách của chúng tôi đó là luôn chào đón tất cả mọi người và không người nào cần phải bảo cho chúng tôi biết rằng chúng tôi cần kết bạn với ai.”

Mối bang giao của Palau với Đài Loan khiến lượng khách du lịch Trung Quốc đến quốc gia này giảm mạnh, vốn chiếm 70% ngành du lịch vào năm 2015. Ông Whipps nói rằng Trung Quốc đã sử dụng “cách tiếp cận củ cà rốt và cây gậy” để buộc quốc đảo này cắt đứt mối bang giao với Đài Loan.

Ông lưu ý rằng một số quốc đảo Thái Bình Dương đã chuyển lòng trung thành từ Đài Loan sang Trung Quốc do bị mất khách du lịch và những lời hứa mà những người cộng sản ở Bắc Kinh đưa ra, với mong muốn cải thiện đời sống người dân ở đó.

Ông nói thêm, “Khi quý vị phải đương đầu với những thách thức đó, những gì Trung Quốc đưa ra sẽ trở nên rất hấp dẫn bởi vì, như họ đã nói với tôi, ‘không có gì là giới hạn cả’”.

Ngoài Palau, chỉ có ba quốc đảo Thái Bình Dương khác — Quần đảo Marshall, Nauru, và Tuvalu — vẫn công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền. Hồi 11/2019, Tuvalu đã từ chối lời đề nghị xây dựng các đảo nhân tạo từ Trung Quốc nhằm giúp nước này đối phó với mực nước biển dâng cao.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Phải) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Fiji Inia Seruiratu trước cuộc gặp của họ tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh vào ngày 11/06/2019. (Ảnh: WANG ZHAO/POOL/AFP qua Getty Images)

Mặc dù thỏa thuận lớn tầm cỡ khu vực này không thể đi tiếp, nhưng ngoại trưởng Trung Quốc vẫn cố gắng đạt được thêm những cam kết từ các chính phủ của Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, và Fiji để thắt chặt hợp tác.

Hồi tháng trước, Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh, mà các quốc gia khác lo ngại sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự cách bờ biển Úc 1,700 km và gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo Úc và Hoa Kỳ đã thực hiện các hành động để chống lại sự thúc đẩy của Bắc Kinh đối với khu vực này, bao gồm việc khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng để thúc đẩy thương mại và trao đổi kinh tế giữa các quốc gia.

Tân ngoại trưởng Úc Penny Wong cũng đã đến thăm Fiji chỉ vài ngày sau khi Công Đảng Úc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Liên bang Úc. Bà Wong cam kết một “kỷ nguyên mới” trong việc tham gia với khu vực này về biến đổi khí hậu đồng thời cũng có nhiều viện trợ hơn cho các sáng kiến khí hậu.

Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Bản tin có sự đóng góp của Daniel Y. Teng
Thanh Nhã biên dịch

Related posts