Bắc Kinh khuấy động phẫn nộ bằng sách giáo khoa cũ để thổi bùng quan điểm chống phương Tây

Kelly Song

Một giáo viên giám sát học sinh trong trường tiểu học Dương Đức Chí “Hồng Quân” ở Văn Thủy, Quận Tập Thủy, Tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, hôm 07/11/2016. (Ảnh: Fred Dufour/AFP qua Getty Images)

Trong tuần qua, sách giáo khoa toán tiểu học của Trung Quốc đột nhiên trở thành chủ đề nóng trên internet của Trung Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích các hình minh họa trong sách giáo khoa là không phù hợp, gây khó chịu, phản cảm, xấu xí, chống Trung Quốc, v.v. Tuy nhiên, sách giáo khoa này đã được Bộ Giáo dục Trung Quốc chấp thuận gần 10 năm trước và được đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Ngụy Vũ (Wei Yu), người dẫn chương trình của kênh Youtube “Wei Yu Sees the World,” (Ngụy Vũ nhìn Thế Giới) nói rằng Bắc Kinh đang thao túng dư luận để một lần nữa đổ lỗi cho cái gọi là sự thâm nhập từ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Các hình minh họa gây tranh cãi

Những bức ảnh minh họa gây tranh cãi đã được lan truyền trên Weibo, một nền tảng của Trung Quốc tương tự như Twitter.

Một bức ảnh chụp cảnh sân chơi cho thấy một cậu bé đang kéo váy của một cô bé và một cậu bé khác vồ lấy một cô bé với hai tay trên ngực của cô bé. Một bức ảnh khác cho thấy đồ lót của một cô bé lộ ra khi bé đang nhảy dây. Nhiều hình ảnh cho thấy chỗ phồng nhô ra từ quần của các bé trai.

Có những hình ảnh trẻ em mặc quần áo với các ngôi sao và sọc giống như mẫu hình của lá cờ Hoa Kỳ. Các hình ảnh khác cho thấy các cuộc đối thoại giữa những đứa trẻ ca ngợi “đôi mắt xanh” và “mái tóc vàng” của ai đó. Một số cư dân mạng Trung Quốc nói rằng họ ủng hộ Hoa Kỳ.

Hơn nữa, hầu hết tất cả trẻ em trong các hình minh họa đều có đôi mắt nhỏ, sụp mí và mở to, được coi là trịch thượng đối với người Trung Quốc. Một số bức ảnh có những đứa trẻ thè lưỡi, khiến chúng “rất xấu xí”.

Công bố điều tra

Sự phẫn nộ của công chúng mạnh mẽ đến mức nhà xuất bản quốc gia, Báo Giáo dục Nhân dân đã xin lỗi trên một bài đăng trên Weibo hôm 28/05, đồng thời cam kết sẽ thay thế các hình minh họa và xem xét các nhà xuất bản khác.

Cùng ngày hôm đó, Bộ Giáo dục đã ra lệnh rà soát toàn bộ sách giáo khoa cấp trung học cơ sở và tiểu học. Hai ngày sau, hôm 30/05, Bộ thông báo một cuộc điều tra sâu rộng toàn bộ sách giáo khoa từ cấp tiểu học đến đại học. Bộ Giáo dục cũng hứa sẽ xác định và quy trách nhiệm những người có liên quan.

Thông báo từ Bộ Giáo dục Trung Quốc về một cuộc điều tra sâu rộng về sách giáo khoa từ tiểu học đến đại học hôm 30/05/2022. (Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Sách giáo khoa đã được chấp thuận gần một thập niên trước

Tuy nhiên, theo các bản tin của Trung Quốc những cuốn sách giáo khoa này không phải là mới. Những cuốn sách này đã được Bộ Giáo dục phê chuẩn hồi năm 2013 và được đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Bìa sách giáo khoa toán dành cho học sinh lớp 4. Hình tròn ở trên cùng bên trái cho biết “đã được Bộ Giáo dục phê chuẩn vào năm 2013.” (Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Trên thực tế, hồi năm 2014 đã có nhiều khiếu nại về các hình minh họa, nhưng không có cơ quan chính phủ nào chú ý đến những khiếu nại này.

Vậy tại sao bây giờ họ lại chú ý?

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Ngụy Vũ nói rằng những bức tranh minh họa trở thành chủ đề nóng không chỉ đơn giản là vì mọi người đều nói về nó, đặc biệt là trong không gian trực tuyến được giám sát và kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc. “Lưu lượng truy cập internet được kiểm soát từ phần backend (gồm máy chủ, ứng dụng, và cơ sở dữ liệu), nếu [ĐCSTQ muốn] công chúng chú ý đến điều gì đó, luôn có cách để họ đạt được điều đó,” cô nói.

Sách giáo khoa luôn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát chặt chẽ, những người sử dụng sách giáo khoa như một công cụ để truyền bá cho trẻ nhỏ. Theo phân tích của cô Ngụy Vũ, thực tế là sách giáo khoa này đã được sử dụng trong gần một thập niên cho thấy rằng ĐCSTQ cần sử dụng chúng để khuấy động sự phẫn nộ của công chúng; “Ý kiến ​​của công chúng [ở Trung Quốc] bị thao túng bởi một số ít người.”

Đổ lỗi cho sự thâm nhập của phương Tây

Tài khoản Weibo #ThoughtTorch đã đăng bình luận này hôm 28/05: “[Chúng ta] phải xem xét vấn đề này từ cốt lõi của nó. Đây là kết quả của sự thâm nhập ý thức hệ lâu dài của phương Tây và nỗ lực thay đổi [Trung Quốc] một cách hòa bình. Đó là điều không thể tránh khỏi vì các lĩnh vực văn hóa và giáo dục của chúng ta từ lâu đã bị phương Tây hóa và hoạt động như nô lệ [cho phương Tây]. Đó là sự phản ánh của công tác tư tưởng bị thất bại!”

#ThoughtTorch là tài khoản Weibo chính thức của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Văn hóa Quốc gia và Sự hình thành Tư tưởng, một bộ phận của Học viện Chủ nghĩa Mác tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Cô Ngụy Vũ cho biết #ThoughtTorch phản ánh ý muốn của ĐCSTQ.

“Đảng và nhà nước cần thao túng và định hướng dư luận. Lần này, mục tiêu của họ là khơi dậy tình cảm chống Mỹ bằng cách đổ lỗi cho những vấn đề này do sự thâm nhập từ phương Tây.”

“Chính sách zero-COVID của Bắc Kinh và các đợt phong tỏa hà khắc đã tạo ra rất nhiều thảm họa nhân đạo, thậm chí cả Thượng Hải cũng không thể thoát khỏi. Nhiều người đã nhận ra các vấn đề với ĐCSTQ và ngày càng có nhiều người muốn rời khỏi Trung Quốc.”

“Nhưng ĐCSTQ không cho phép nhiều người rời đi. Họ cần phải làm cho người dân ở lại bằng cách hạn chế tiếp cận với phương Tây và kích động lòng căm thù đối với phương Tây. Ý tưởng rằng Mỹ đã thâm nhập vào hệ thống giáo dục của Trung Quốc và đang đầu độc thế hệ trẻ của Trung Quốc là phù hợp với một mục đích cụ thể.”

Truyền bá

Cô Ngụy Vũ chỉ ra rằng truyền thống ở Trung Quốc, cũng như ở Mỹ, đang bị phá hủy. Hệ tư tưởng cộng sản đã thâm nhập vào cả xã hội Trung Quốc và phương Tây. Hoa Kỳ cũng đang trải qua sự suy thoái về đạo đức và làm giảm các giá trị truyền thống. Những hình minh họa này là phản ánh sự thâm nhập của cộng sản vào các giá trị truyền thống.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã loại bỏ những ảnh hưởng của phương Tây đối với giới trẻ. ĐCSTQ bắt đầu phong trào “tẩy chay lễ Giáng sinh,” không cho phép tổ chức lễ Giáng sinh ở Trung Quốc.

Sinh viên đại học mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc cầm biểu ngữ “Hãy chống lại lễ Giáng sinh, người Trung Quốc không nên tổ chức lễ hội ngoại quốc” ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, trong một cuộc biểu tình trên đường phố chống Giáng sinh hôm 24/12/2014. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Tạp chí Bitter Winter đã đưa tin về các trường hợp sách giáo khoa bị thay đổi để xóa nội dung liên quan đến Cơ Đốc giáo. Ví dụ, trong truyện “Cô bé bán diêm” của nhà văn Hans Christian Andersen, văn bản gốc có nội dung “Khi một ngôi sao rơi xuống, một linh hồn sẽ đến với Chúa.” Câu này đã được đổi thành “Khi một ngôi sao rơi xuống, một người sẽ ra đi” trong sách giáo khoa của Trung Quốc.

Trong sách giáo khoa tiếng Trung, nội dung về Kinh thánh và sách cầu nguyện đã bị xóa khỏi tiểu thuyết “Robinson Crusoe” của nhà văn Daniel Defoe.

Ngoài ra, ĐCSTQ đã thêm nhiều nội dung ủng hộ Đảng Cộng sản trong sách giáo khoa.

Một lớp học tiểu học đọc sách giáo khoa chuẩn để học tiếng Trung ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, hôm 08/04/2005. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Bài diễn văn của người đứng đầu thế hệ đầu tiên của ĐCSTQ Mao Trạch Đông từ năm 1944 đã được đưa vào sách giáo khoa tiếng Trung cấp tiểu học trong nhiều năm. Học sinh được yêu cầu ghi nhớ bài diễn văn này.

Trong Đệ nhị Thế chiến, khi đó Quốc dân đảng của Trung Quốc đã lãnh đạo cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nhật Bản trong thời gian 8 năm. Tuy nhiên, các sách giáo khoa do ĐCSTQ làm ra lại nói rằng chính ĐCSTQ đã chiến đấu và đánh bại người Nhật.

Nhà xuất bản chính thức cho chương trình giảng dạy trung học có tên là Đánh giá Chương trình giảng dạy Mới (New Curriculum Review) đã xuất bản một bài báo hôm 15/04/2022. Tác giả kể một câu chuyện về người ông của mình, ông là thành viên của ĐCSTQ. Trước khi ĐCSTQ nắm quyền hồi năm 1949, người ông đã làm việc để gây quỹ cho quân đội ĐCSTQ. Nhưng một ngày nọ, bà của tác giả muốn lấy tiền. Khi bà đang bỏ chạy, ông đã bắn bà thiệt mạng. Sau đó, người ông đó không bao giờ tái hôn nữa.

Người biên tập nhận xét về câu chuyện này, “Tôi không thể không [cảm thấy] xúc động trước sự cao cả và lòng yêu nước của ông ấy.”

Một cư dân mạng bình luận: “Tôi cảm thấy ớn lạnh đến thấu xương.”

Cô Kelly Song là một nhà văn của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Tịnh Nhi biên dịch

Related posts