Cuối tháng này, chính phủ sẽ công bố số liệu GDP quý 2. Nếu các số liệu này là âm, sau khi giảm 1.5% trong quý đầu tiên, thì suy thoái là sẽ chính thức. Cuộc suy thoái này sẽ đi vào biên niên sử của lịch sử kinh tế. Đồng thời, mọi người cũng đều biết về lạm phát đang bùng nổ ngay lúc này, dữ liệu chính thức liệt kê ở mức 8.3% cho giá tiêu dùng nhưng theo dữ liệu chính xác về thời gian thực lại ở mức 12%.
Thuật ngữ cho tình huống này là lạm phát đình trệ, được đặt ra vào năm 1965 bởi chính trị gia người Anh Iain Macleod. Thuật ngữ này không được sử dụng phổ biến cho đến những năm 1970 vì thế giới hiện đại trước đây chưa trải qua sự kết hợp giữa tăng trưởng âm cộng với lạm phát. Hơn thế nữa, hầu hết các mô hình kinh tế học trong thời đó đều được cấu trúc để loại trừ tình huống này như một khả năng xảy ra.
Ngay cả giờ đây, chúng ta cũng gặp khó khăn để hiểu được ý tưởng này. Thông thường, chúng ta đúng khi cho rằng khi giá tăng, giá tăng chắc chắn là sự phản ánh của hai lực lượng hoặc sự kết hợp của cả hai: nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế. Nhưng hiện tại, trong ít nhất hai lĩnh vực to lớn, chúng ta đang thấy nhu cầu giảm, nguồn cung ổn định hoặc tăng, mà giá thì vẫn tăng. Thực tế này phản lại mọi trực giác về kinh tế mà chúng ta đã phát triển trong hơn bốn thập niên.
Ví dụ, trong lĩnh vực nhà ở, giấy phép xây dựng giảm 3.2% trong quý này, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Giá nhà loại dành cho một gia đình bắt đầu giảm 7.3%, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Doanh số bán nhà mới giảm 17% trong tháng 4, chủ yếu do lãi suất thế chấp tăng. Doanh số bán nhà đã đạt đỉnh vào tháng 01/2022 nhưng đã giảm mạnh kể từ đó. Đồng thời, chỉ số giá nhà không có gì khác ngoài tăng, và với tốc độ phi mã, gần đây nhất chạm mức 20% so với cùng thời kỳ năm trước.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở đã liên tục tăng kể từ mùa thu năm 2020. Diễn biến này cảm thấy rất kỳ lạ đối với chúng ta và sự kỳ lạ này là vì các biểu đồ cung cầu trực quan mà chúng ta luôn giữ trong đầu dường như không hoạt động thực sự. Bản thân ngành công nghiệp nhà ở đang vô cùng lo lắng về sự phá sản đột ngột trong ngành này, ngay cả khi giá cả đang tăng vọt.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét cụ thể về lĩnh vực năng lượng và lĩnh vực khí đốt. Giá xăng đã tăng 50% so với một năm trước. [Và] chúng vẫn đang tăng.
Các chính trị gia rất bối rối vì điều này, họ bắt đầu ban hành các ưu đãi miễn giảm thuế doanh thu, chẳng hạn như ở New York. Nhưng biện pháp này cho đến nay hầu như không làm giảm áp lực giá cả.
Trong khi đó, nhu cầu đối với xăng dầu trong tháng 5 đã giảm 2.6% và 6.7% trong tháng 4. Trong khi các kho dự trữ xăng đã giảm so với mức đỉnh, thì việc này không đủ để giải thích cho việc tăng giá. Và khi cộng tất cả các chi phí đi lại với nhau, kể cả vé phi cơ, chúng ta đang trải qua một tỷ lệ tăng đáng sợ là 21.6%.
Giải thích
Có một sự bùng nổ hay phá sản về năng lượng, một sự bùng nổ hay phá sản nhà ở không? Không có được lời giải thích nào về điều này nếu không đề cập đến điểm mấu chốt: đồng USD đang bị phá giá do lạm phát. Điều đó có nghĩa là thước đo mà chúng ta sử dụng để đo lường các xu hướng kinh tế đang thay đổi quá đột ngột để khiến các tín hiệu giá cả là có nghĩa. Tình huống này cực kỳ nguy hiểm cho người sản xuất, người tiêu dùng, và nhà đầu tư. Nó làm cho toàn bộ bối cảnh kinh tế trở nên vô cùng khó hiểu.
Các mô hình bị hỏng
Hãy quay trở lại nơi mà mô hình kinh tế đã có trong những năm 1960, vốn đã dường như dựng nên một thực tế khiến những gì chúng ta đang trải qua ngày nay đơn giản là không thể. Theo lý thuyết của Keynes, các nhà hoạch định ở Hoa Thịnh Đốn nắm trong tay quyền lực để thúc đẩy và tạo đòn bẩy trong sự đánh đổi lớn giữa lạm phát và thất nghiệp.
Khi lạm phát cao, họ có thể giảm chi tiêu của chính phủ và mở rộng tiền tệ để kiểm soát tình hình nhưng làm thế cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Điều ngược lại cũng đúng: họ đã tin rằng tỷ lệ thất nghiệp cao luôn có thể được giải quyết bằng cách tăng tổng cầu mặc dù chính phủ chi tiêu nhiều hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Trong những ngày đó, tỷ lệ thất nghiệp cao dường như là một dấu hiệu chắc chắn của suy thoái. Trong mô hình này, sự xuất hiện đồng thời của lạm phát và suy thoái là không thể. Nhưng dù sao thì điều đó cũng đã xảy ra vào giữa những năm 1970, sau thời điểm đó các hệ thống thủy lực truyền thống [về các quan hệ giữa các đại lượng kinh tế] của Keynes dường như không còn hoạt động nữa. Lý thuyết kinh tế bắt đầu thay đổi đến mức các mô hình cũ hầu như không được dạy nữa, ngoại trừ như một quan điểm trong lịch sử
Ngày nay, mọi thứ thậm chí còn phức tạp hơn bởi vì, như ông Biden không ngừng nhắc nhở chúng ta, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, là 3.6%. Ông ta tin rằng mức thất nghiệp này mang lại cho chính phủ quyền khoe khoang.
Nhưng không có nghĩa là con số thấp này báo hiệu bất cứ điều gì giống như sự phục hồi kinh tế. Nếu thời gian tuyệt vời như vậy, tại sao tất cả chúng ta đều cảm thấy khủng khiếp? Chìa khóa để hiểu cảm giác mâu thuẫn này là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, hiện ở mức tương đương với năm 1978. Con số này thực sự đáng chú ý.
Tỷ lệ này thấp đồng nghĩa với sự thiếu hụt lao động đến mức mà nhiều cơ sở trong ngành khách sạn đang hoạt động với thời gian ngắn hơn và tăng lương để thu hút nhân viên. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích cho điều này? Các vụ phong tỏa đã tàn phá nơi làm việc của người Mỹ. Nhiều phụ nữ có con đã bỏ việc hoàn toàn, trong khi nam thanh niên chuyển về nhà với bố và mẹ để sống nhờ vào các tấm chi phiếu kích thích chi tiêu. Những người khác đã đánh mất tham vọng, thậm chí không màng đến công việc chút nào, vui vẻ sống bằng thẻ tín dụng và nguồn thu nhập giảm.
Vấn đề rõ ràng đang trở nên tồi tệ hơn. Tăng trưởng việc làm của khu vực tư nhân đã chậm lại đáng kể, đạt mức chưa từng thấy kể từ khi bị phong tỏa. Các doanh nghiệp nhỏ đang mất dần nhân viên. Và Bộ Lao động đang báo cáo rằng tỷ lệ bỏ việc đang gia tăng: 4.4 triệu người Mỹ bỏ việc trong tháng Tư. Đó là một mức kỷ lục theo tháng.
Sự ngạo mạn về trí tuệ
Kể từ khi Đệ Nhị Thế chiến kết thúc, các chính phủ tin rằng họ có nhiệm vụ phải giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp. Nhưng toàn bộ vấn đề đó dường như đã biến mất, ít nhất là ở cách chúng ta đo lường vấn đề ấy. Một khi mọi người từ bỏ hoàn toàn lực lượng lao động, thì họ lại không được tính vào số những người thất nghiệp.
Tất cả những điều này dẫn đến một câu hỏi hóc búa nghiêm trọng đối với giới tinh hoa chính sách ở Hoa Thịnh Đốn. Chính xác thì họ phải làm gì để xoa dịu nỗi đau cho người dân Mỹ? Đời sống kinh tế bị phá vỡ quá nhiều, và DC chịu phần lớn trách nhiệm về những điều này thông qua các chính sách quá xá liên quan đến đại dịch. Họ đã tưởng tượng rằng bằng cách nào đó họ có thể tắt và bật nền kinh tế trở lại nhưng khả năng ấy đã chứng tỏ ra là không thể. Tất cả những gì họ làm là phá vỡ một hệ thống phức tạp theo vô số cách.
Toàn bộ diễn tiến này nói lên vấn đề kiêu ngạo về trí tuệ. Vấn đề kiêu ngạo này ảnh hưởng đến kinh tế nhiều như ảnh hưởng đến dịch tễ học. Họ đã cho phép các mô hình của họ ghi đè lên trực giác thông thường và bản thân thực tế. Như mọi khi, họ tự cường điệu hóa khả năng quản lý thế giới này của chính phủ. Sự cường điệu này đã trở nên vô cùng hiển nhiên và không thể phủ nhận. Kết quả là, người Mỹ đang phải trả một giá rất đắt.
Jeffrey Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone. Ông là tác giả của năm cuốn sách, trong đó có cuốn “Chủ Nghĩa Tập Thể Cánh Hữu: Mối Đe Dọa Khác Đối Với Tự Do.”
Hoa Mai biên dịch