Xung đột tại Ukraine khiến một loại dầu ăn “kinh hãi” của Trung Quốc có cơ hội len lỏi vào thị trường

Đông Bắc

Đáng sợ là, có tới 10% dầu ăn đang được các nhà hàng Trung Quốc sử dụng là dầu ăn lấy từ chất thải cống rãnh, và hiện loại dầu này đang len lỏi vào các nước lân cận. (Ảnh tổng hợp)

Chiến sự tại Ukraine đang đẩy giá dầu ăn chạm mức cao nhất mọi thời đại trên toàn thế giới, và tạo ra các rối loạn trên thị trường. Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ dầu ăn nhiều nhất đang đối mặt với tình trạng khan hiếm, khiến dầu ăn bẩn làm từ chất thải cống rãnh của nước này đang có cơ hội lên ngôi và có thể len lỏi vào các quốc gia lân cận…

Điểm nóng Ukraine nghiền nát giá cả mọi thứ

Chiến sự Ukraine không chỉ đẩy giá dầu nhiên liệu tăng cao, mà còn đối với cả dầu thực phẩm bao gồm dầu hướng dương và dầu cọ. 

Từ lâu, do sự gia tăng đầu tư vào các hoạt động nhiên liệu sinh học – như các dự án diesel tái tạo ở Trung Quốc và các nhà máy diesel sinh học ở Đông Nam Á – đã thúc đẩy nhu cầu về dầu hướng dương và dầu cọ tăng cao. Gần đây hai mặt hàng này càng trở nên đắt đỏ đến mức khó tin, bởi lý do sau: 

  • Nguồn cung dầu hướng dương bị giảm mạnh do xung đột ở Ukraine khi Nga và Ukraine chiếm 75% sản lượng dầu hướng dương, trong đó Ukraine là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Kể từ khi xung đột nổ ra, xuất khẩu dầu ăn từ Ukraine giảm 95%.
  • Trong khi ấy Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 60% và xuất khẩu khoảng 55% cho 134 quốc gia. Ngày 28/4 vừa qua, Indonesia đã ban hành lệnh cấm vô thời hạn đối với xuất khẩu dầu cọ, gây ra sự hỗn loạn dầu ăn tại châu Á và thế giới. 

Hẳn nhiên sự đứt gãy nguồn cung do chiến sự Ukraine càng khiến dầu ăn trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn ở quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này. Thêm nữa trước chiến tranh, lượng nhập khẩu dầu ăn thực vật của Trung Quốc với Ukraine là 59%, cho thấy mặt hàng này đắt đỏ hơn cả năng lượng. Đáng sợ là, có tới 10% dầu ăn đang được các nhà hàng Trung Quốc sử dụng là dầu ăn lấy từ cống rãnh 

Dầu “cống rãnh” ăn nên làm ra từ cuộc xung đột Ukraine 

Vậy dầu “cống rãnh” là gì? Đây là một loại dầu chợ đen được tái chế từ thức ăn thừa hoặc rác thải, từ váng dầu cống rãnh, rác thải nhà bếp, và thậm chí từ xác động vật nhiễm bệnh. (Xem video) 

Trong clip cho thấy một người phụ nữ đang hớt váng dầu từ cống rãnh.  Những người này có nhiệm vụ sẽ đi tới các thùng rác, rãnh nước, cống rãnh và các loại chất thải từ các lò mổ để vớt chất lỏng cùng các bộ phận động vật còn sót lại. Sau đó, hỗn hợp chất thải này được chế biến thành dầu ăn độc hại, và phân phối tới các nhà hàng, quán ăn rẻ tiền ở Trung Quốc với giá thành thấp hơn nhiều so dầu ăn “sạch”. 

Dầu bẩn chứa đủ loại chất gây ung thư và gây nguy hại cho sức khỏe nghiêm trọng. Năm 2013,  Washington Post đưa tin rằng, một nhóm có tổ chức đã sản xuất loại dầu bẩn này bao trùm ít nhất 13 thành phố của Trung Quốc. Thị trường sản xuất dầu bẩn từ váng cống và xác động vật thối rữa hàng năm ở Trung Quốc đạt doanh thu hàng triệu đô la, và khuyến khích ngày càng nhiều người tham gia vào hoạt động bất chính trên quy mô lớn.

Tháng 4 vừa qua, có thông tin cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu dầu ăn trầm trọng do xung đột tại Ukraine. Các quốc gia sản xuất dầu ăn lớn như Indonesia và Malaysia cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, do đó càng hạn chế nguồn cung dầu ăn của Trung Quốc. 

Trên bề mặt, chính quyền Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp hoạt động kinh doanh khai thác dầu bẩn. Tuy nhiên năm 2017, Reuters đưa tin rằng hoạt động sản xuất dầu ăn bẩn bất hợp pháp này vẫn diễn ra nhộn nhịp. Và tình hình được cho là càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. 

Vì vậy, nhiều người lo ngại rằng các cơ sở sản xuất dầu ăn bẩn ở Trung Quốc có thể mở rộng “thị trường” ở trong nước và cả nước ngoài do giá cả và nhu cầu về dầu ăn tăng vọt. 

Tại sao dầu ăn “cống rãnh” lại sinh lợi cho các nhà hàng?

Đối với các nhà hàng và nhà sản xuất thực phẩm Trung Quốc, ngành kinh doanh dầu “cống rãnh” mang lại lợi nhuận cực lớn. Theo Chinadaily, Giám đốc Công ty Dầu diesel sinh học Vũ Hán Zeng Wei cho biết: “Các nhà hàng phải trả một khoản phí nhất định nếu họ thuê công nhân vệ sinh của thành phố (dọn rác thải), trong khi việc bán rác thải nhà bếp sau các bữa tiệc có thể thu về tới 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD) mỗi năm”. Theo ghi nhận, “một nhà hàng lớn có khả năng kiếm được 2 triệu nhân dân tệ (294.117 USD) mỗi năm chỉ bằng cách bán rác thải nhà bếp của mình”.

Grist.org, một tờ báo phi lợi nhuận ghi nhận rằng: “Không chỉ các nhà hàng được khuyến khích bán dầu đã qua sử dụng của họ cho các nhà thầu tư nhân, mà họ còn được khuyến khích mua lại dầu đã qua xử lý. Giá dầu ăn tái chế từ rác thải rẻ bằng “một nửa so với dầu ăn thông thường”. 

Vì vậy, có thể hiểu tại sao ngành kinh doanh dầu cống rãnh lại “hot”, và mang lại lợi nhuận siêu cao ở Trung Quốc đến như vậy. Đó là lý do lý giải tại sao rất có thể các doanh nghiệp sản xuất dầu chui bất hợp pháp này đã được sự chấp thuận ngầm của quan chức ĐCSTQ. Lương thực ngày một khan hiếm đang gây ra một cuộc khủng hoảng gia tăng ở Trung Quốc, và tình trạng thiếu dầu ăn ngày càng trầm trọng khiến người dân trong nước thể hiện sự bất mãn đối với ĐCSTQ.  

Dầu ăn làm từ rác thải cống rãnh chỉ là một trong số những vụ bê bối nghiêm trọng về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc đang xảy ra mỗi ngày, và ngày càng thường xuyên hơn ở quốc gia tỷ dân này. 

Đột kích nơi sản xuất đồ siêu bẩn, siêu độc hại ở Trung Quốc

Những vụ bê bối trong ngành công nghiệp thực phẩm xảy ra ngày càng thường xuyên tại Trung Quốc, khiến quốc gia này được coi là nơi phát sinh nhiều căn bệnh lạ và virus độc hại. 

Một clip đã hé lộ toàn bộ công nghệ chế biến thực phẩm siêu độc hại tại Trung Quốc. Nhiều trong số đó là món ăn hằng ngày, món ăn đường phố và các chất phụ gia được sử dụng trong chế biến thực phẩm như:

  • Dầu ăn bẩn vét từ cống rãnh
  • Dưa, măng ướp trong bể bốc mùi hôi thối
  • Nước ép từ hoa quả bẩn
  • Mực khô phơi sấy bẩn đầy ruồi
  • Chân gà tẩm ướp bằng “công nghệ” dẫm bằng ủng
  • Chuối xanh nhúng trong bể hóa chất 
  • Mía, ngô, khoai tẩm hóa chất độc hại

Không chỉ tại Trung Quốc, rất nhiều công nghệ và các loại chất độc này đã được nước này “xuất khẩu” ra toàn thế giới, trong đó Việt Nam được coi là điểm trũng hứng các sản phẩm độc hại “made in China”.

Bạn sẽ phải rùng mình khi biết những thứ mình vẫn ăn hàng ngày lại được tẩm ướp hóa chất của Trung Quốc từ A đến Z. 

  • Dưa chua, măng ngâm trong bể bẩn thỉu

Những món ăn ưa chuộng hằng ngày trong mâm cơm của nhiều gia đình như món dưa muối, hay măng lại được chế biến trong những chiếc thùng bẩn thỉu hệt như xe chở rác. 

Clip cho thấy cảnh hãi hùng khi một người phụ nữ ngoáy gáo trong một bể nước vàng khè. 

Thực tế, đối với một số chủ cơ sở sản xuất măng tại Việt Nam, điều này không có gì quá xa lạ. Cách đây vài năm, công an Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã từng thu giữ 2.950 kg hóa chất màu vàng tại một cơ sở sản xuất măng. 

Chủ cơ sở khai đã mua số hóa chất trên với giá 6.000 đồng/kg từ Trung Quốc về để ủ măng. Chỉ cần đem hóa chất này ủ măng trong vòng 4 – 5 giờ rồi đem phơi thì măng sẽ có màu vàng rất đẹp, và không hề bị nấm mốc trong thời gian dài. 

  • Chuối xanh ngâm hóa chất

Clip cũng cho thấy một nhóm người đang cắt buồng chuối ra thành từng nải rồi nhúng vào bể nước có pha hóa chất màu trắng đục. 

Đây được cho là công nghệ thúc chuối chín “siêu tốc” bằng hóa chất, có thể biến chuối xanh, có đốm đen trở thành chín vàng rộm trông rất đẹp mắt chỉ sau một đêm. 

Tại Việt Nam, công an huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cũng từng phát hiện cơ sở kinh doanh chuối của ông Hoàng Phú Tới dùng hóa chất lạ mang nhãn mác Trung Quốc để ngâm chuối bán ra thị trường. Theo lời khai, loại hóa chất này có tác dụng dùng để kích thích cho trái chuối tươi và xanh lâu hơn… 

  • Biến váng rác thải thành dầu ăn

Clip cũng cho thấy một người phụ nữ đang hớt váng dầu từ cống rãnh. Công nghệ chế biến dầu ăn bẩn lần đầu tiên được phanh phui tại Trung Quốc vào năm 2000 khiến cả châu Á choáng váng, khi một quán ăn đường phố tại nước này bị phát hiện sử dụng dầu ăn bẩn.

Vụ phát hiện dầu ăn “siêu bẩn” ở Trung Quốc đã gây chấn động khi có thông tin loại dầu nhiễm bẩn này đã được tuồn sang 12 quốc gia trong đó có Việt Nam. Đã có nhiều vụ bắt giữ dầu ăn bẩn tại Việt Nam, như năm 20218 công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ vụ vận chuyển hơn 6.000 lít dầu ăn đã qua sử dụng. Chủ lô hàng khai mua từ 1.000 đến 2.000 đồng/lít nhưng không có hóa đơn, chứng từ. 

  • Công đoạn sơ chế độc hại

Clip cho thấy hàng đống hoa quả lăn lóc dưới đất bẩn thỉu được xúc trước khi đem đi tẩm ướp hoặc ép để làm nước trái cây. Tiếp theo là công đoạn mía được bơm thuốc trước khi xuất ra thị trường để tạo ngọt và kéo dài thời gian không bị thiu hỏng. 

Chân gà nướng là món ăn được người Trung Quốc ưa chuộng đã được clip ghi lại cho thấy, công xưởng chế biến bẩn thỉu, gia cầm bị vứt xuống sàn nhà, chân gà được tẩm ướp trong chậu bằng cách dẫm chân đi ủng trực tiếp lên sản phẩm. 

Clip cũng cho thấy món ngô luộc hay khoai lang nướng đều được sử dụng hóa chất độc hại để làm chín. Điều này cũng không quá xa lạ với người Việt Nam khi đã có  các cuộc điều tra thực tế của phóng viên tới các lò nấu bắp trên địa bàn TP.HCM. 

Những người bán bắp hay còn gọi là món ngô luộc này đã hé lộ “chiến thuật” để nấu nhanh chín hơn, thơm ngon ngọt hơn và có thể để lâu mà không bị ôi thiu, thì chỉ cần dùng hóa chất rồi cho một cục pin là không đến 2 tiếng đồng hồ, nồi ngô 200 bắp sẽ chín vàng đẹp. 

Có thể nói đồ ăn bị tẩm ướp hóa chất độc hại đang được sử dụng tràn lan. 

Việt Nam – “điểm trũng” hứng các sản phẩm độc hại từ Trung Quốc 

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc dài hơn 1.449 km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh. 

Với địa hình đồi núi hiểm trở và sông ngòi ngăn cách, hải quan Việt Nam khó có thể kiểm soát các hoạt động buôn lậu với rất nhiều các mặt hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, thành phần… tại một số tuyến biên giới. 

Trong đó, rất nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân Việt Nam từ gia cầm, hải sản cho đến rau củ quả, gia vị… đã bị hàng bẩn, hàng nhiễm độc, hàng lậu, và cả hàng chính ngạch của Trung Quốc đang chiếm lĩnh.

Trong những tuần gần đây, giá dầu ăn thế giới khan hiếm và đang tăng chóng mặt cũng có thể là cơ hội để loại dầu ăn bẩn “cống rãnh” trà trộn vào thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Á.

Việc Trung Quốc từ lâu đã đổ vào Việt Nam đủ các loại thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại hẳn là vừa nhằm kiếm lợi, và về lâu dài có thể hủy hoại sức khỏe, thể chất và tinh thần người Việt Nam. 

Đông Bắc

Related posts