Video tiệc cưới ở Tứ Xuyên vô tình phơi bày sự giả dối của ĐCSTQ

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát ở Tứ Xuyên. Trong thời gian này, trên mạng Internet đã lan truyền một đoạn video quay cảnh tiệc cưới của người Di ở Lương Sơn, Tứ Xuyên. Tuy rằng từ đầu đến cuối đều không chỉ trích chính phủ, nhưng tình hình thực tế trong video lại phơi bày sự giả dối của công cuộc “xóa đói giảm nghèo”.

Trên mạng Internet lan truyền một đoạn video về bữa tiệc cưới của người Di ở Lương Sơn, Tứ Xuyên. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 9/6, một bài viết có tiêu đề “Người quay cảnh đám cưới ở Lương Sơn bị gọi điện ‘hỏi thăm’” lan truyền trên Weibo, nội dung đề cập đến thực trạng cư dân mạng Trung Quốc quay lại cảnh người Di ở Lương Sơn ăn tiệc cưới ngay nơi bùn đất ven đường.

Các món đãi tiệc gồm canh đậu phụ dưa chua, bánh ngọt, thịt bò … Ngôi nhà mới của đôi vợ chồng rất đơn sơ, hầu như không có bàn ghế và đồ điện, môi trường cũng khá bừa bộn. Nhưng trong đoạn video, một người dân trong làng nói: “Đây là một gia đình tương đối khá giả trong làng.”

(Nội dung tweet: Tác giả đăng video tiệc cưới ở Đại Lương Sơn, Tứ Xuyên đã bị cảnh sát mạng triệu tập.)

Những năm gần đây, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quảng bá về những thành tựu “xóa đói giảm nghèo”, cố gắng tạo ra một diện mạo về sự thịnh vượng của Trung Quốc.

Đoạn video liên quan đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong công chúng. Nhiều cư dân mạng tỏ ra ngạc nhiên và bàn tán sao lại có nơi nghèo như vậy. Một số cư dân mạng còn cho rằng: “Đây đã là một bữa tiệc quá sang trọng rồi. Ở địa phương này, chỉ trong một sự kiện trọng đại như kết hôn, mới được ăn một bữa như thế này.”

Theo Đài Á Châu Tự Do, vào ngày 7/6, đoạn video được đăng tải vào cuối tháng Năm này đã thu hút sự chú ý của chính quyền địa phương. Trần Kiến, người Trung Quốc trực tiếp đăng tải đoạn video trên, cũng nhận được cuộc gọi từ nhân viên giám sát mạng của chính phủ và được mời đi “uống trà”. Theo mô tả của Trần Kiến sau đó, anh ấy đã viết một bản tường trình và ký tên, lăn dấu vân tay trên “Bản cam kết lan tỏa năng lượng tích cực” này.

Hiện video tiệc cưới này đã bị “gỡ bỏ” khỏi mạng Internet Trung Quốc. Các bài báo liên quan cũng bị giới chức xóa.

Ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người sáng lập “Sức mạnh công dân”, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, tập trung vào các quyền chính trị và xã hội của người Trung Quốc, tin rằng đoạn video không qua chỉnh sửa này đã làm nổi bật “thành tựu xóa đói giảm nghèo” mà ĐCSTQ tuyên truyền chỉ là giả. Các quan chức địa phương lo sợ ông Tập Cận Bình, người coi công cuộc “xóa đói giảm nghèo” là một thành tựu chính trị to lớn, sẽ không hài lòng.

Mặc dù nội dung video không liên quan đến những vấn đề hay nhận xét nhạy cảm, hơn nữa ở nhiều quốc gia khác cũng vẫn tồn tại vấn nạn nghèo khó, nhưng ở Trung Quốc, giới chức này sẽ coi sự vô tình của người dân là cố ý, chỉ có thể dùng từ “sợ bóng sợ gió” để tổng kết về vụ việc này.

Tiến sĩ Tạ Điền, ​​một giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken, thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, cũng nói video này khiến “công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn diện và một xã hội khá giả” của Trung Quốc trở thành vai hề độc tấu do chính Ủy ban Trung ương ĐCSTQ thể hiện. “Vô tình phơi bày cảnh tượng ‘xóa đói giảm nghèo’, ‘phồn vinh thịnh vượng’ giả của ĐCSTQ. Rốt cuộc còn bao nhiêu sự thật bị che giấu ở nước này? Người dân Trung Quốc cũng sẽ suy ngẫm về nó, vì vậy ĐCSTQ sẽ sợ hãi.”

Tháng 11/2020, Tân Hoa Xã đưa tin, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã chấp thuận cho 7 huyện, gồm huyện Butuo (Bố Đà), huyện Zhaojue (Chiêu Giác) và huyện Meigu (Mỹ Cô) ở tỉnh tự trị Lương Sơn của dân tộc Di rút khỏi danh sách huyện nghèo đói. Đến nay, Đại Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, được biết đến là một trong những “góc nghèo khó nhất của Trung Quốc”, “về tổng thể đã thoát khỏi nghèo”.

Đến năm 2021, trước thềm “Lưỡng hội” ở Bắc Kinh, giới chức của ĐCSTQ thống nhất tuyên truyền ra bên ngoài, rằng 98,99 triệu người nghèo ở nông thôn, 832 huyện nghèo và 128.000 làng nghèo của Trung Quốc đã “thoát nghèo toàn diện”. Thậm chí, ông Tập Cận Bình còn mô tả đây là “công cuộc xóa đói giảm nghèo tạo ra kỳ tích tại nhân gian”.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Tứ Xuyên vào ngày 8/6, nhưng không hề đích thân đến thăm người dân ở các khu vực nghèo và kiểm tra công tác xóa đói giảm nghèo ở Lương Sơn như đã từng làm vào năm 2018.

Hiện từ khóa tìm kiếm nóng “Lương Sơn” và “xóa đói giảm nghèo” trên Sina Weibo, hầu hết cho kết quả là những “cảnh tượng tươi đẹp”, khá giả do truyền thông nhà nước ĐCSTQ đưa ra.

Một số người mỉa mai rằng: “Đây là cách xây dựng một xã hội thịnh vượng khá giả một cách toàn diện trên Sina Weibo: Cấm video đám cưới Đại Lương Sơn trên toàn bộ mạng Internet.”

Ông Tập Cận Bình mới tuyên bố vào tháng Hai rằng gần 100 triệu người nghèo của Trung Quốc đã “thoát nghèo”. Gần đây, huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây đã bị tiết lộ việc làm giả dữ liệu xóa đói giảm nghèo, các hộ nghèo về căn bản không sống trong các khu tái định cư; nhiều hộ gia đình nghèo trong khu vực không có nước dùng, thậm chí phải gánh nước xuyên tỉnh.

Làng Tam Tinh, thị trấn Linh Khẩu cũng nằm trong danh sách những ngôi làng thoát nghèo vào năm 2019. Tuy nhiên, theo cô Kiều Xuân Nga, một người dân ở làng Tam Tinh, thị trấn Linh Khẩu, vòi nước trong nhà họ không bao giờ có nước chảy, chỉ là một vật trang trí mà thôi. Cô chỉ vào một hồ chứa nước phủ đầy rong rêu, đường kính chưa đầy 2m và nói rằng đây là nguồn nước sinh hoạt của hơn chục hộ dân gần đó. Không những vậy, chuẩn nghèo của Trung Quốc thậm chí còn chênh lệch hơn một nửa so với tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 11/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát biểu khi kết thúc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Bắc Kinh. Bài phát biểu nói về “việc làm linh hoạt” của hơn 200 triệu người đã khơi dậy sự chú ý của ngoại giới. Một số người cho rằng “nói dễ nghe là việc làm linh hoạt, kỳ thực đó chính là công việc bán thời gian.”

Bình Minh (t/h)

Related posts