Các nhà đầu tư ngoại quốc bán phá giá đồng nhân dân tệ và rời khỏi Trung Quốc

Antonio Graceffo

Một nhân viên đếm các xấp tiền nhân dân tệ Trung Quốc và dollar Mỹ tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/07/2005. (Ảnh: Trung Quốc/Getty Images)

Các cuộc phong tỏa COVID-19 của Trung Quốc và việc cắt giảm lãi suất đang khiến đồng nhân dân tệ lao dốc và làm trầm trọng thêm tình hình tháo chạy vốn.

Ông Massimo Bagnasco, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc, nói với Bloomberg hôm 17/05: “Bất ổn thực sự là từ khóa, bởi vì không có quan điểm, không có triển vọng về việc điều này có thể kéo dài bao lâu và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau Thượng Hải.”

Hồi tháng Ba, các nhà đầu tư Hồng Kông đã bán bớt một khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ trị giá kỷ lục 24.2 tỷ USD. Làn sóng từ giã các khoản đầu tư vào Trung Quốc được thúc đẩy bởi lo ngại về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc giảm sút, lợi suất trái phiếu giảm, và lãi suất đầu tư của Hoa Kỳ cao hơn.

Cùng lúc với việc Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đang tăng lãi suất để chống lạm phát, thì ngân hàng trung ương Trung Quốc lại xem xét cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Hồi tháng Tư, ngân hàng trung ương nước này đã giảm yêu cầu dự trữ từ 9% xuống 8% trong một nỗ lực để tăng cung tiền.

Các nhà đầu tư đang đổi tiền của họ từ nhân dân tệ sang dollar Mỹ, việc này đẩy giá đồng dollar Mỹ lên, đồng thời dìm giá đồng nhân dân tệ xuống. Trong bốn tuần qua, tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ đã mất hơn 6% so với đồng dollar Mỹ. Các nhà phân tích của UBS dự kiến đồng nhân dân tệ sẽ còn trượt giá thê thảm hơn nữa, phá vỡ mức 7 tệ đổi 1 USD. Tương tự, Barclays đã hạ dự báo đồng nhân dân tệ của mình xuống 6.9 nhưng cho biết đồng nhân dân tệ có thể chạm mức 7 nếu tình trạng phong tỏa và gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục.

Các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc vào năm 2021 vì các cuộc phong tỏa COVID đang tiếp diễn, các vấn đề về chuỗi cung ứng, và các cuộc đàn áp của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đối với nhiều lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả công nghệ và giáo dục. Những vấn đề này đi kèm với cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra với các công ty nổi tiếng như Evergrande, đang đứng trước bờ vực vỡ nợ, cũng như sự nguội lạnh chung của ngành địa ốc, vốn thường là động lực quan trọng của nền kinh tế nói chung.

Kể từ đầu năm nay, cuộc chiến Ukraine và các lệnh trừng phạt tiềm tàng đối với Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ và khiến họ từ bỏ tài sản bằng đồng nhân dân tệ của mình. Việc các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP lặp đi lặp lại đã làm trầm trọng thêm tình hình tháo chạy vốn.

Hôm 18/05, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 4%. Ngay cả mức dự báo lạc quan hơn một chút của Economist Intelligence Unit là 4.4% đến 4.7% cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5.5% của Bắc Kinh.

Một con đường không bóng người được nhìn thấy ở Khu Thương mại Trung tâm Thượng Hải (CBD) trong thời gian bị phong tỏa, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào hôm 16/04/2022. (Ảnh: Aly Song/Reuters)

Hồi tháng Tư, chứng khoán Trung Quốc (.SSEC) mất 6% giá trị, và tỷ trọng của chúng trong danh mục các thị trường mới nổi đã giảm từ mức đỉnh vào cuối năm 2020 là 38.3% xuống còn 29% vào tháng Tư. Các nhà đầu tư ngoại quốc đã thoái lui 6.2 tỷ USD trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào tháng Tư, đánh dấu ba tháng bán tháo liên tiếp, là đợt bán tháo dài hơi nhất kể từ năm 2015. Bà Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered Bank Plc, đưa ra giả thuyết rằng sự sụt giảm mạnh của đồng nhân dân tệ cũng đang tiếp đà cho những đợt bán trái phiếu này.

Bất chấp những vấn đề rõ ràng trong nền kinh tế Trung Quốc, một số nhà ngân hàng đầu tư vẫn lạc quan. Hồi tháng Tư, ông Jean-Charles Sambor, người đứng đầu bộ phận nợ của thị trường mới nổi tại BNP Paribas Asset Management cho biết, bất chấp việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ và cắt giảm lãi suất ở Trung Quốc, trái phiếu của Trung Quốc vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn sau khi được điều chỉnh theo lạm phát.

Ông Aninda Mitra, người đứng đầu chiến lược đầu tư và vĩ mô Á Châu tại BNY Mellon Investment Management, tỏ ra kém lạc quan hơn về triển vọng của Trung Quốc, cho rằng việc Hoa Kỳ tiếp tục tăng lãi suất có thể làm tăng dòng vốn chảy ra ngoài.

Mặc dù cả đồng tiền lẫn nền kinh tế Trung Quốc dường như đang suy yếu, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/05 thông báo sẽ tăng tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong rổ tiền tệ được gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ đã tăng từ 10.92% lên 12.28%. Đây là lần đánh giá đầu tiên kể từ khi đồng tiền này được thêm vào rổ tiền tệ năm 2016. Tỷ trọng đồng dollar Mỹ trong rổ tiền tệ SDR cũng tăng từ 41.73% lên 43.38%, trong khi tỷ trọng của đồng euro, yên Nhật và bảng Anh giảm.

Quyết định của IMF được đưa ra dựa trên mức tăng giá trị mà đồng nhân dân tệ đã đạt được trong sáu năm qua. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn là đồng tiền không mong muốn của các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương, chỉ chiếm 2.79% dự trữ ngoại hối quốc tế.

Nhằm đối phó với sự gia tăng tỷ trọng trong SDR, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cam kết mở cửa hơn nữa thị trường tài chính của mình và cải thiện việc công bố thông tin. Điều này diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Trung Quốc ngừng báo cáo một số giao dịch của ngoại kiều. Kể từ hôm 11/05, Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc, nền tảng giao dịch trái phiếu chính cho các nhà đầu tư ngoại quốc, đã ngừng báo cáo về những việc bán. Hành động này có thể được thực hiện để ngăn không cho họ nhận ra rằng đã có một đợt bán tháo lớn khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào đồng nhân dân tệ.

Ngoài việc đồng tiền giảm giá và các nhà đầu tư ngoại quốc rời bỏ trái phiếu chính phủ Trung Quốc, các phòng thương mại của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu báo cáo rằng các thành viên của họ đang tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ phong tỏa là những lý do chính được trích dẫn. Trong khi Thượng Hải được báo chí đưa tin nhiều nhất, ít nhất 32 thành phố vẫn bị phong tỏa tính đến hôm 13/05.

Các cuộc phong tỏa đã gây ra nhiều gián đoạn với hậu quả sâu rộng. Các nhà máy bị mất những ngày sản xuất. Tình trạng thiếu lao động và gián đoạn trong lĩnh vực hậu cần và chuỗi cung ứng cũng đã xảy ra. Ngoài ra, các vụ phong tỏa đã phong bế các cảng, ngừng giao thông đường bộ ở một số nơi, và đã ngăn không cho các nhân viên ngoại quốc vào nước này hoặc đến thăm các văn phòng Trung Quốc của họ.

Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nói với Bloomberg hôm 17/05, rằng mặc dù ông không nghĩ rằng các công ty của ngoại quốc sẽ lập tức rời khỏi thị trường này, nhưng ông dự tính đầu tư vào Trung Quốc sẽ giảm trong những năm tới.

Hôm 16/05, Phòng Thương mại EU đưa tin rằng nhiều thành viên đã ngừng đầu tư vào Trung Quốc và đang cân nhắc việc rời khỏi nước này. Phòng Thương mại Đức báo cáo rằng một cuộc khảo sát với 460 thành viên cho thấy rằng 30% nhân viên ngoại quốc của họ đang có kế hoạch rời đi vì những cuộc phong tỏa.

Chủ tịch Phòng Thương mại EU Joerg Wuttke cho rằng việc Hoa Kỳ tăng lãi suất sẽ khiến dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ thắt chặt kiểm soát dòng vốn chảy ra để tránh đồng nhân dân tệ giảm giá thêm. Trong một biện pháp khắc nhằm ngăn không cho tiền mặt rời khỏi đất nước, Bắc Kinh đã công bố một lệnh cấm hôm 13/05 cấm không cho công dân thực hiện chuyến đi không thiết yết ra khỏi đất nước.

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).

Vân Du biên dịch

Related posts