Trung Quốc vươn sức ảnh hưởng tới Trung Á giữa khói lửa Nga-Ukraine

Huyền Anh

Trung Quốc vươn sức ảnh hưởng tới Trung Á giữa khói lửa Nga-Ukraine
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự một cuộc họp báo trong phiên họp tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, tại Bắc Kinh, hôm 8/3/2018. (Ảnh: Fred Dufour/AFP/Getty Images)

Trung Quốc đã tăng cường kết giao với 5 quốc gia Trung Á trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine bước sang tháng thứ tư. Theo giới phân tích, các quốc gia này có thể sẽ đánh giá lại mối quan hệ song phương của họ với Moscow và ‘lặng lẽ’ tách khỏi Nga.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ ba giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á (C + C5) tại Nur-Sultan, Kazakhstan hôm 8/6. Các quốc gia C5 gồm: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, các bên đã nhất trí thiết lập cơ chế họp định kỳ giữa nguyên thủ 6 nước và đây là kết quả quan trọng nhất của hội nghị lần này.

Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngoài các văn kiện, các bên cũng đã đạt được đồng thuận về hợp tác trên 10 lĩnh vực, như kế hoạch thúc đẩy Sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” (BRI) với chất lượng cao, kết nối giao thông khu vực, an ninh Afghanistan, kinh tế và đầu tư thương mại.

Ông Vương cũng đã gặp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trước hội nghị thượng đỉnh, trong đó ông kêu gọi các quốc gia Trung Á tránh rơi vào “xung đột quyền lực lớn” hoặc buộc phải chọn bên.

Cả hai bên bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tác động lan tỏa nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng Ukraine”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Các nhà phân tích cho biết cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến các quốc gia Trung Á phải “đánh giá lại” mối quan hệ song phương lâu dài của họ với Nga, vốn đã hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi họ xâm lược Ukraine.

“Chúng tôi tin rằng các quốc gia Trung Á sẽ lặng lẽ tách mình khỏi Nga nếu có thể mà không gây ra bất kỳ phản ứng nào, đồng thời quan sát những thay đổi về cục diện địa chính trị trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine đang leo thang”, bộ phận nghiên cứu và phân tích của The Economist Group cho biết.

Công Ty Tư Vấn Đầu Tư Dezan Shira & Associates cho rằng, “Trung Á ngày càng có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc do cuộc xung đột Nga-Ukraine”. Điều này đã hạn chế các liên kết chuỗi cung ứng trực tiếp giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

“Các giải pháp thay thế hiện cần tăng cường đầu tư vào Trung Á, trong đó Nga cũng là đối tác hưởng lợi và đồng hành trong chiến lược này”, công ty cho biết.

Trung Quốc đã kiềm chế không lên án Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, viện dẫn lý do “những lo ngại chính đáng về các vấn đề an ninh” của Moscow. Hai quốc gia đã tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn” vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh hôm 4/2. Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đồng ý tham dự Thế vận hội Mùa đông 2021 tại Trung Quốc sau khi các quan chức hàng đầu ở các nước khác tẩy chay. (Ảnh: Getty Images)

Hoa Kỳ cũng đã nỗ lực tăng cường mối bang giao với Trung Á. Tháng trước, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, Donald Lu, đã dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong chuyến công du 5 ngày tới Cộng hòa Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kazakhstan.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tajikistan, mục tiêu là tăng cường quan hệ của Washington với khu vực và thúc đẩy “nỗ lực hợp tác để tạo ra một Trung Á kết nối, thịnh vượng và an toàn hơn”.

Washington cũng đã phát triển một chiến lược ở Trung Á vào tháng 2/2020, nhằm mục đích “thúc đẩy các giá trị của Hoa Kỳ và tạo đối trọng với ảnh hưởng của các nước láng giềng trong khu vực”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts