Người gửi tiền bị đóng băng tài khoản, ông Akio Yaita: ĐCSTQ có thể hết tiền

Trung Nguyên

Vào ngày 25/6/2022, những người gửi tiền không thể rút tiền từ ngân hàng thôn trấn ở Hà Nam đã đến Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Hà Nam để tố cáo quan chức không làm tròn trách nhiệm. Họ mong rằng sẽ không còn xảy ra những bi kịch không rút được tiền và mất người thân. (Ảnh do người trả lời phỏng vấn Epoch Times cung cấp)

Ông Akio Yaita, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, chỉ ra rằng gần đây có nhiều báo cáo trên khắp Trung Quốc về vấn đề thanh khoản của các ngân hàng, việc tiền của người gửi bị đóng băng và bị hạn chế rút tiền. Ông cho rằng rất có thể Chính phủ Trung Quốc đã cạn tiền.

Kể từ ngày 18/4 đến nay, tiền của khách hàng tại 4 ngân hàng thôn trấn ở Hà Nam, Trung Quốc, đã bị đóng băng mà không hề có cảnh báo trước khiến dư luận hoang mang. Bloomberg trích dẫn các nguồn tin cho biết, sự việc này liên quan đến ít nhất hàng chục tỷ nhân dân tệ.

Ông Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của Sankei Shimbun, Nhật Bản, người từng được cử đến công tác tại Bắc Kinh trong 10 năm, nói trên Facebook rằng theo báo cáo của phương tiện truyền thông trong nước Trung Quốc, các ngân hàng thôn trấn ở Hà Nam đột ngột đóng băng tiền gửi của khách hàng mà không có cảnh báo vào cuối tháng Tư, với khoảng 400.000 nạn nhân và tổng trị giá khoảng 40 tỷ nhân dân tệ không thể rút, dẫn đến các cuộc phản đối của người gửi tiền.

Ông Akio Yaita cho biết, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, một trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, đã đột ngột đưa ra hạn mức rút và chuyển tiền hàng ngày là 1.000 nhân dân tệ vào tháng Năm. Ông nói 1.000 nhân dân tệ không đủ trả tiền vay mua nhà, học phí, thậm chí mời bạn bè đến ăn tối cũng không đủ, động thái này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ông nói Alipay dường như cũng có vấn đề. Theo truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục như tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin, ông Vu, một người sống ở Cáp Nhĩ Tân, đã gửi tất cả 460.000 nhân dân tệ của mình vào tài khoản tiết kiệm ở Alipay, và bất ngờ được thông báo rằng tài khoản bị đóng băng trong 3 năm. Nguyên nhân là do Alipay nhận được tố cáo rằng tài khoản của ông Vu có thể liên quan đến hành vi vi phạm quy định như cờ bạc trực tuyến, đầu tư bất hợp pháp. Do không rút được tiền, ông Vu đành phải vay tiền của một người bạn để sống qua ngày. Sau nhiều lần khiếu nại và báo cáo của phương tiện truyền thông, Alipay cuối cùng đã hủy phong tỏa tài khoản của ông Vu 2 tuần sau đó.

“Những điều này cho thấy những rủi ro trong ngành tài chính của Trung Quốc.” Ông Akio Yaita cho biết trước đây khi ở Bắc Kinh, ông đã sử dụng các loại tiền điện tử như WeChat Pay, Alipay. Mặc dù rất tiện lợi nhưng vẫn có nguy cơ bị chính quyền nắm hết thông tin cá nhân như thường ăn ở đâu, mua sách gì và đã quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện nào, chính quyền ĐCSTQ đều biết về điều đó. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông chưa nghe thấy có việc tài sản bị đóng băng.

Ông Akio Yaita nói rằng trong những năm gần đây, tài khoản của một số nhà hoạt động nhân quyền hoặc ủng hộ dân chủ đã bị đóng băng vì bị nghi ngờ đánh bạc trực tuyến, và tiền điện tử đã trở thành một thủ đoạn mới để chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Ông nhắc đến việc ông Tập Cận Bình trong 10 năm, vừa duyệt binh vừa tổ chức Thế vận hội, giống như ông già Noel đi khắp nơi và vung tiền ra nước ngoài, còn lập ra “Sáng kiến Vành đai và Con đường” làm lãng phí tiền của của người dân. Gần đây, với động thái đóng băng và hạn chế rút tiền, rất có thể Chính phủ Trung Quốc đang thực sự cạn kiệt tiền.

Ông nói, Nhật Bản đã phá sản vào những năm 1920 khi Ngân hàng Watanabe tại Tokyo không thể thanh toán các khoản rút tiền, gây ra cơn hoảng loạn tài chính Chiêu Hòa (Shōwa financial crisis) nổi tiếng trong lịch sử. Không rõ ĐCSTQ có lặp lại những sai lầm của Nhật Bản trong tương lai không?

Về việc các ngân hàng ở Hà Nam không thể trả tiền cho người gửi, cư dân mạng bày tỏ: “Tín dụng ngân hàng nhỏ sụp đổ”; “Còn ai dám giửi tiền vào ngân hàng nhỏ”. Có người phân tích, theo mức độ rủi ro của các tổ chức tiết kiệm và cho vay, tệ nhất là P2P, tiếp theo là các ngân hàng thôn trấn, sau đó là các ngân hàng thương mại nông thôn, sau đó là các ngân hàng thương mại thành phố, sau đó là các ngân hàng cấp tỉnh, các ngân hàng cổ phần lớn, cuối cùng là 4 ngân hàng lớn. “Dự kiến ​​tình huống xấu nhất sẽ xảy ra trong tương lai chính là các hàng thương mại thành phố vỡ nợ.”

Theo trang tin tài chính kinh tế tại Trung Quốc Đại Lục “Yicai.com”, tính đến cuối năm 2021, cả nước Trung Quốc có 1.651 ngân hàng thôn trấn, chiếm 36% tổng số tổ chức tài chính ngân hàng cả nước. Theo thống kê của ngân hàng trung ương Trung Quốc, đến Quý 2 năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 122 ngân hàng thôn trấn là tổ chức có rủi ro cao, chiếm khoảng 22% tổng số các tổ chức có rủi ro cao.

Nhà bình luận thời sự Vương Hách cho biết, từ năm 2021, 63 người đứng đầu của các ngân hàng vừa và nhỏ ở tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt. Tháng Mười năm ngoái, đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra các đơn vị tài chính, và 17 quản lý cấp cao đã bị “ngã ngựa”. “Điều đó cho thấy rủi ro tài chính của Trung Quốc là rất nghiêm trọng. Đặc biệt, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, và ngân hàng thôn trấn có thể trở thành ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc.”

Ông phân tích rằng 4 ngân hàng quốc doanh lớn hiện đang hạn chế các giao dịch gửi tiền, rút ​​tiền hoặc chuyển khoản trực tuyến. “Điều này cho thấy nhu cầu tiền mặt trong nước [Trung Quốc] đang ở mức cao, và một trong những nguyên nhân quan trọng là sự thiếu tin tưởng vào các ngân hàng, và rủi ro người gửi tiền đổ xô rút tiền mặt có khả năng lan rộng ở một số khu vực.”

Theo Trung Nguyên, Epoch Times

Related posts