Những tuyên bố công khai của ông Tập Cận Bình che đậy sự thật

Stu Cvrk

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn qua liên kết video tới lễ khai mạc Diễn đàn Á Châu Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc hôm 21/04/2022. (Ảnh: Huang Jingwen/Tân Hoa Xã qua AP) Trung Quốc

Lật tẩy một số lời nói dối gần đây của Bắc Kinh

Có một câu ngạn ngữ cổ được nhiều người yêu thích: “Làm thế nào chúng ta biết được rằng một chính trị gia đang nói dối? Khi môi ông ấy mấp máy.” Nếu “chính trị gia” được thay thế bằng “người cộng sản” thì độ chính xác của câu ngạn ngữ này sẽ gần như 100%.

Chúng ta hãy xem xét những lời nói dối trơ trẽn gần đây nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, được các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc thổi phồng và tuyên truyền một cách nghiêm túc.

‘Dân chủ nhân dân toàn diện’

Hôm 27/06, ông Tập đã vận động lấy ý kiến công chúng về các vấn đề để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 20 sắp diễn ra vào mùa thu năm nay. Theo tờ Trung Hoa Nhật báo (China Daily), ông Tập tuyên bố rằng “việc thu thập ý kiến ​​công chúng trực tuyến là một ví dụ về nền dân chủ nhân dân toàn diện.”

Tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) do nhà nước điều hành, viết: “Dân chủ nhân dân toàn diện bao gồm bầu cử dân chủ, tham vấn, ra quyết định, quản lý và giám sát. Điều này hòa nhập với ý chí của nhà nước.”

Tất nhiên, ý chí của nhà nước được thể hiện bằng các quy tắc và mệnh lệnh chuyên chế độc đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều đó chắc chắn không dựa trên nguyện vọng và ý kiến của người dân Trung Quốc bình thường. Đây là cách giải thích đúng nhận xét của ông Tập: chúng tôi sẽ vui lòng chấp nhận ý kiến ​​đóng góp của công chúng, nhưng ĐCSTQ sẽ quyết định điều gì là tốt nhất cho Trung Quốc.

“Dân chủ nhân dân toàn diện” của ông Tập đã dẫn đến sự tham nhũng toàn diện của các phe phái chính trị được ĐCSTQ chấp thuận; sự kiểm soát toàn bộ quá trình lựa chọn ứng cử viên cho các vị trí “được bầu” ở tất cả các cấp chính quyền; sự đe dọa, ép buộc và kiểm soát tâm lý đối với công dân Trung Quốc để thích ứng và tuân theo việc ĐCSTQ ra quyết định trong mọi trường hợp.

Đây chắc chắn không phải là nền dân chủ như thế giới nhận thức, và quan điểm cho rằng ý kiến của công chúng là quan trọng lại thì lại là ngớ ngẩn trong các cuộc thảo luận của ĐCSTQ.

Ở nước Trung Quốc cộng sản, có công dân nào dám mạo hiểm sự đàn áp của nhà nước bằng cách đệ trình một đề xướng thay đổi thiết thực đi ngược lại với ĐCSTQ hay không?

Có lẽ ông Tập chỉ là đang kêu gọi lấy ý kiến ​​đóng góp từ 95 triệu đảng viên ĐCSTQ, những người có thể kỳ vọng được là phục tùng. Hoặc có lẽ ông ấy thậm chí còn khôn khéo hơn nữa.

Bài báo [của Nhân dân Nhật báo] còn đề cập rằng “nhiều đề xướng từ ​​công chúng được tìm kiếm thông qua nền tảng internet, được đưa vào Báo cáo Công việc của Chính phủ, được đưa ra tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.”

Vì không có ví dụ cụ thể nào được đưa ra, có lẽ để truyền đạt nền dân chủ giả hiệu, ông Tập thực sự có thể đang sử dụng các đảng viên ĐCSTQ đưa ra ý kiến ​​trực tuyến để làm cho Trung Quốc cộng sản có vẻ như là một nền dân chủ toàn dân theo ý nghĩa phương Tây – nhưng mang “những đặc điểm Trung Quốc.”

Ảnh chân dung các luật sư nhân quyền Trung Quốc bị giam giữ, Giang Thiên Dũng (Jian Tianyong, bên trái) và Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) được các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông cầm giữ trong một cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc bên ngoài Tòa Chung thẩm Hồng Kông tại trung hoàn Hồng Kông, vào ngày 09/07/2017. (Ảnh: Tengku Bahar/AFP/Getty Images)

Ông Tập kêu gọi hợp tác toàn cầu

Hôm 26/06, Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập đã kêu gọi “quan hệ đối tác chất lượng cao cho một kỷ nguyên phát triển toàn cầu mới” trong một cuộc họp trực tuyến về cái gọi là “Đối thoại cao cấp về phát triển toàn cầu.”

Những người tham gia họp trực tuyến bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao và Tổng thống Iran Seyyed Ebrahim Raeisi, cũng như các tổng thống và thủ tướng từ hàng chục quốc gia phần lớn là Á Châu và Trung Đông khác. Các quốc gia này đang theo đuổi các giải pháp thay thế cho hệ thống kinh tế, luật pháp và tài chính thế giới mà phương Tây đang chiếm ưu thế.

Trong vài năm qua, ông Tập đã thúc đẩy kế hoạch lớn của Liên Hiệp Quốc (LHQ), được gọi là “Chuyển đổi Thế giới của Chúng ta: Nghị trình năm 2030 vì sự Phát triển Bền vững” (“Transforming Our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development”), vốn được đưa vào cuộc họp trực tuyến này. Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi quan điểm của LHQ và các cơ quan khác của tổ chức này dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, đồng thời thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Việc thúc đẩy kế hoạch của LHQ sẽ giúp đạt được những mục tiêu đó.

“Phát triển bền vững” là một uyển ngữ bao hàm sự tích hợp của bốn yếu tố: xã hội, môi trường, văn hóa, và kinh tế. Đối với ông Tập, yếu tố môi trường là chìa khóa quan trọng vì Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp tấm pin quang năng lớn nhất thế giới và cái gọi là “công nghệ xanh” khác. Rốt cuộc, đối với chính quyền Trung Quốc, “bền vững” có nghĩa là kim tiền. Những yếu tố còn lại là sự ba hoa, rỗng tuếch và thích hợp đối với các mục tiêu dài hạn là thống trị và lãnh đạo thế giới của ĐCSTQ.

Quan hệ đối tác chất lượng cao” của ông Tập chính xác hơn là tập trung vào ‘sự sắp xếp như mạng nhện’ trong Sáng kiến ​​Nhất Đới Nhất Lộ (BRI, còn được gọi là “Một Vành đai, một Con đường”), trong đó mạng lưới gài bẫy các quốc gia khác vào bẫy nợ vì lợi ích của Trung Quốc (con nhện ở trung tâm của mạng lưới). Tóm lại, những quan hệ đối tác mà ông Tập đề cập được thực hiện theo luận điệu của Trung Quốc, không phải là quan hệ đối tác thực sự theo thuật ngữ thông thường được nhiều người hiểu.

Ông Tập có ủng hộ nghị trình 2030 của LHQ không?

Một phần của tuyên bố ảo tưởng cho kế hoạch đó bao gồm câu này: “Chúng ta vạch ra ra một thế giới tôn trọng phổ quát đối với nhân quyền và phẩm giá con người, pháp quyền, công lý, bình đẳng và không phân biệt đối xử; tôn trọng chủng tộc, dân tộc và đa dạng văn hóa; và cơ hội bình đẳng cho phép phát huy hết tiềm năng của con người và đóng góp vào sự thịnh vượng chung.”

Trong cuộc họp trực tuyến, ông Tập tuyên bố: “Chỉ khi người dân trên khắp thế giới có cuộc sống tốt hơn thì sự thịnh vượng mới có thể được duy trì, an ninh được bảo vệ và nhân quyền có cơ sở vững chắc.”

Người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công, người theo đạo Cơ Đốc, và các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác, vốn từ lâu đã bị đàn áp ở Trung Quốc, hoàn toàn hiểu rằng ĐCSTQ không ủng hộ nhân quyền. Theo định nghĩa của ông Tập, nhân quyền với các đặc điểm Trung Quốc thực sự có nghĩa là các trại cải tạo và tra tấn của ĐCSTQ.

Những người biểu tình cầm các tấm biểu ngữ liên kết hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh đang diễn ra, trong một cuộc tập hợp trước đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul, Nam Hàn, hôm 09/02/2022. (Ảnh: Jung Yeon-je/AFP qua Getty Images)

Cũng trong cuộc họp trực tuyến đó, ông Tập tuyên bố rằng mục tiêu của ông ta là giúp “xây dựng một nền kinh tế thế giới rộng mở, và định hình một hệ thống quản trị toàn cầu và môi trường thể chế công bằng và bình đẳng hơn.”

Liệu chúng ta có tin rằng nhà lãnh đạo của Trung Quốc theo chủ nghĩa trọng thương — có một nền kinh tế được kiểm soát chặt chẽ và được quản lý nghiêm ngặt, cũng như một chính quyền toàn trị, vốn đang đẩy nhanh việc sử dụng các biện pháp kiểm soát xã hội để giám sát và thực thi hành vi của tất cả công dân Trung Quốc được ĐCSTQ chấp thuận — bằng cách nào đó quan tâm đến một hệ thống quản trị toàn cầu “công bằng và bình đẳng hơn” so với các tổ chức quốc tế hiện có, hay không? Xin mời.

Hôm 20/06, tờ Trung Hoa Nhật báo (China Daily) của nhà nước đã trích dẫn những nhận xét của ông Tập về việc chống tham nhũng được đưa ra trong một phiên nghiên cứu nhóm của Bộ Chính trị thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Ông Tập tuyên bố rằng “cần phải làm nhiều việc hơn nữa để giảm cơ hội cho các quan chức tham nhũng, bao gồm các biện pháp tập trung vào các bộ ngành chịu trách nhiệm hoạch định chính sách, phê duyệt, giám sát, và chấp pháp.”

Các chiến dịch chống tham nhũng từng là dấu ấn của ĐCSTQ kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Các chiến dịch này mang lại ba lợi ích cho ông Tập: các biện pháp chống tham nhũng là cái cớ thuận tiện để thanh trừng các đối thủ phe phái; được công chúng biết đến, những người chứng kiến ​​sự tham nhũng trong các quan chức của ĐCSTQ hầu như hàng ngày; và được sử dụng để đánh lạc hướng công chúng khỏi kết quả tồi tệ trong các chính sách của ĐCSTQ.

Mười năm sau khi tuyên bố “cuộc chiến chống tham nhũng” lần đầu tiên, ông Tập nêu lại vấn đề này tại cuộc họp bộ chính trị hồi tháng 06/2022. Theo tờ Trung Hoa Nhật báo “các cơ quan chống tham nhũng trên toàn quốc đã điều tra hơn 4 triệu vụ [tham nhũng] từ tháng 11/2012 đến tháng 10/2021, trong đó có 4.37 triệu quan chức, bao gồm 484 quan chức cao cấp, phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình.”

Nếu ông Tập tuyên bố rằng tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn sau chiến dịch mười năm chống tham nhũng thì hoặc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – cơ quan chính quyền chủ chốt tham gia vào các nỗ lực chống tham nhũng – tự nó đã tham nhũng hoặc ít nhất không có khả năng thích hợp, hoặc có lẽ một hoặc nhiều trong ba lý do trên thực sự là nguyên nhân đằng sau những phát ngôn công khai gần đây nhất của ông Tập về “tham nhũng.”

Kết luận

Không có gì mà ông Tập tuyên bố công khai có thể đáng tin. Để xác định ý nghĩa thực sự của ông ấy, người ta phải giải mã cẩn thận từng uyển ngữ và cụm từ của chủ nghĩa Marx. Ba phát ngôn công khai gần đây là các trường hợp: kêu gọi lấy ý kiến công chúng, kêu gọi quan hệ đối tác chất lượng cao, và chống tham nhũng.

Đặc biệt, các định nghĩa của ông Tập khác biệt rất nhiều so với cách mà những người phi-cộng sản định nghĩa những cụm từ đó như thế nào. Mỗi cụm từ đó sẽ được mô tả chính xác nhất bằng cách thêm cụm từ này phía sau: “với các đặc điểm của Trung Quốc cộng sản.”

Ông Stu Cvrk đã về hưu với tư cách là một thuyền trưởng sau 30 năm phụng sự trong Hải quân Hoa Kỳ ở nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau, cùng với kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm của một nhà phân tích hệ thống và nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục tự do chính thống đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho các bài bình luận chính trị của ông.

Yến Nhi biên dịch

Related posts