Bắc Kinh cho biết họ rất ‘bất bình’ với Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ vì các quốc gia này đã lên án hành động phóng tên lửa đạn đạo quân sự vào vùng biển xung quanh Đài Loan, gọi đó là hành động ‘đổ lỗi’ và ‘hoàn toàn không thể chấp nhận được’.
Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Úc Penny Wong, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh quyết định tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.
Các ngoại trưởng cũng lên án việc Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo quân sự vào vùng biển xung quanh Đài Loan.
“Các Bộ trưởng ngoại giao kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay các cuộc tập trận quân sự”, tuyên bố chung cho biết.
“Không có thay đổi nào trong chính sách ‘Một Trung Quốc’, cũng như các lập trường cơ bản đối với Đài Loan của Úc, Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ”.
Đáp lại, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cáo buộc Mỹ là “kẻ phá hoại lớn nhất” đối với hòa bình ở eo biển Đài Loan và cho rằng Bắc Kinh là nạn nhân của “hành động khiêu khích chính trị”.
Bắc Kinh cũng chỉ trích Úc đứng về phía Hoa Kỳ trong việc lên án hành động của Bắc Kinh, hơn là “bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ” với đối tác thương mại lớn nhất của quốc đảo này.
Giữ nguyên hiện trạng trong khu vực
Trong một tuyên bố riêng vào ngày 05/8, bà Wong nói rằng việc phóng tên lửa là “không cân xứng và gây mất ổn định” cho khu vực, đồng thời bà kêu gọi Trung Quốc “kiềm chế và giảm leo thang”.
Bà Wong cũng lưu ý rằng không có sự thay đổi nào đối với chính sách ‘Một Trung Quốc’ của Úc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cũng ra thông cáo đáp lại tuyên bố của bà Wong, một lần nữa cáo buộc Hoa Kỳ phá vỡ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Cơ quan này cũng cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu “mọi hậu quả” nếu tiếp tục “thay đổi hiện trạng” trong khu vực.
Tuy nhiên, Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố rằng ông không muốn “thay đổi hiện trạng”.
“Chúng tôi muốn duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực và không muốn thay đổi hiện trạng. Đó cũng là lập trường của Hoa Kỳ”, ông nói với đài ABC.
Thủ tướng không đưa ra bình luận nào về quyết định thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, nói rằng đó là “vấn đề của Trung Quốc”.
Ông Albanese nói: “Chúng tôi cần duy trì lộ trình mà chúng tôi đang đi, đó là tìm kiếm sự hợp tác và quan hệ tích cực với Trung Quốc, nơi chúng tôi có thể bảo vệ các giá trị và lợi ích quốc gia của Úc”.
“Trong đó bao gồm Luật Biển, cho phép tự do hàng hải và đi lại an toàn ở khu vực Biển Đông”.
Úc duy trì chính sách ‘Một Trung Quốc’, không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập mà là một phần của Trung Quốc.
ĐCSTQ duy trì nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’, trong đó tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được thống nhất với đại lục. Nước này không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ. Và chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh của Đài Loan đảm bảo rằng, quốc đảo này có đủ năng lực để duy trì mối quan hệ thương mại lành mạnh với nhiều cường quốc toàn cầu.
Lam Giang
Theo The Epoch Times
Đại sứ Myanmar bất ngờ qua đời tại Trung Quốc
Đại sứ Myanmar U Myo Thant Pe đột ngột qua đời hôm 7/8 tại thành phố Côn Minh, miền Tây Nam Trung Quốc, theo hãng tin Reuters. Được biết, ông là đại sứ thứ 4 mất tại Trung Quốc trong vòng 1 năm qua, sau đại sứ của các nước Đức, Ukraine, Philippines.
Cáo phó của Bộ Ngoại giao Myanmar dành cho Đại sứ U Myo Thant Pe không nêu rõ nguyên nhân cái chết của ông. Dẫu vậy, các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh và một báo đài tiếng Trung của Myanmar cho biết ông có thể qua đời vì cơn đau tim.
Theo một bản tin địa phương, ông U Myo Thant Pe được nhìn thấy xuất hiện lần cuối vào hôm 6/8, khi gặp một quan chức địa phương ở tỉnh Vân Nam, giáp biên giới Myanmar. Đại sứ quán Myanmar tại Trung Quốc vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Ông U Myo Thant Pe được bổ nhiệm làm đại sứ tại Trung Quốc vào năm 2019 và vẫn giữ chức vụ này sau khi quân đội Myanmar bắt đầu cuộc chính biến, lên nắm quyền vào tháng 2/2021.
Trước đó, Đại sứ Đức Jan Hecker, 54 tuổi, qua đời vào hồi tháng 9/2021, chưa đầy 2 tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ ở Bắc Kinh. Đại sứ Ukraine Serhiy Kamyshev, 65 tuổi, đã qua đời vào tháng 2 trong hoặc ngay sau chuyến thăm tới địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Trong khi đó, đại sứ Philippines Jose Santiago “Chito” Sta. Romana, 74 tuổi, đã qua đời trong khu cách ly ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, vào tháng 4.
Phan Anh
Nền kinh tế đại lục tiếp tục suy thoái, người Trung Quốc bắt đầu bán đi hàng xa xỉ
Sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, cộng với việc phong tỏa nhiều lần và kiểm soát dịch bệnh, đã gây ra tác động đáng kể đến các ngành công nghiệp khác nhau. Trong số đó, nhiều cửa hàng đồ cũ đóng cửa, một số phụ nữ thậm chí đã bán hơn chục chiếc túi hàng hiệu để hỗ trợ công việc kinh doanh đang đổ bể của chồng.
Theo một báo cáo của Đường dây nóng Thượng Hải, giá của Hermes “thương hiệu túi hàng đầu”, đã giảm xuống. Anh Điền là một nhà thẩm định hàng xa xỉ nổi tiếng trên mạng. Nhiều cô gái mua được những chiếc túi hàng hiệu từ anh đã tìm đến anh để bán lại với giá chiết khấu.
Anh Điền cho biết, một trong những chiếc túi “Himalayan” của thương hiệu Hermes từng được bán với mức giá “ngất trời” gần 1,5 triệu NDT (khoảng 220.000 USD), nhưng trong hai năm trở lại đây, giá của chiếc túi Himalayan cũng giảm, trong năm nay anh đã nhận được 6 chiếc Himalayan, nhiều hơn những năm trước, nhưng chỉ bán được hai chiếc và giá giảm khoảng 10%.
Một phụ nữ ở Hàng Châu đã bán một lúc hơn chục chiếc túi Hermes để lấy tiền mặt. Theo bài báo, một số trong số những chiếc túi này là quà mà chồng cô đã mua cho cô khi công việc kinh doanh còn thuận lợi, và một số đã được người phụ nữ này mua của anh Điền vào năm ngoái. Anh Điền hỏi cô tại sao lại muốn bán chiếc túi trong khi gửi đi để được xác thực trước. Cô nói với anh rằng công ty của chồng cô làm ăn không tốt, và dòng tiền sắp cạn kiệt.
Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng do phong tỏa và kiểm soát dịch bệnh là tác động đầu tiên và quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh ngoại thương. Hầu hết các khách hàng đến với anh Điền để bán túi xách hàng hiệu đều kinh doanh ngoại thương. Các doanh nhân từng tạo ra sự giàu có ở Nghĩa Ô và những nơi khác, khi đối mặt với chính sách kiểm soát dịch bệnh, gần như không thể tìm thấy một nơi để đi.
Sina Finance cho biết, những chiếc túi mà anh Điền thu mua nhiều nhất không phải từ các nhà bán lẻ, mà là từ các cửa hàng đã đóng cửa của những người bạn cùng ngành với anh. Dịch bệnh nửa đầu năm khiến nhiều cửa hàng kinh doanh đồ cũ xa xỉ hầu như không có khách, hàng bán trực tuyến bị tồn đọng ở các cửa hàng chuyển phát nhanh, không thể vận chuyển. Hàng về tay người buôn tích trữ nhiều năm trước đây không thể bán được, và chuỗi vốn cũng theo đó mà đứt gãy.
Trên thực tế, không chỉ Hermes mà rất nhiều thương hiệu khác đã xuất hiện tình trạng giảm giá trên thị trường thứ cấp. “Thương hiệu đồng hồ hàng đầu” Patek Philippe cũng không ngoại lệ. Hai tháng trước, giá đồng hồ Rolex và Patek Philippe đột ngột tăng vọt, tăng 10.000 đến 20.000 NDT (khoảng 1.500-3.000 USD) chỉ trong một ngày. Hai người bạn của anh Điền đã mua một chiếc đồng hồ Patek Philippe với giá gần 1,2 triệu NDT (khoảng 180.000 USD), định lợi dụng việc tăng giá để kiếm lời, không ngờ rằng chiếc đồng hồ này đã bất ngờ giảm giá mạnh sau khi tăng giá.
Lý Di, người cũng làm trong ngành hàng xa xỉ, cũng thu mua được rất nhiều hàng xa xỉ trong năm nay. Cô nói: “Một người đàn ông khoảng 30 tuổi mang theo những món hàng hiệu trị giá 3 triệu NDT (khoảng 440.000 USD), bao gồm đồng hồ, túi xách và một số đồ trang sức”.
Cửa hàng của Lý Di nằm trong một tòa nhà văn phòng gần trung tâm tài chính của Hàng Châu. Cô kể: “Một ngày tháng 4, cửa hàng nhận được gần 30 tin nhắn muốn đến cửa hàng để bán túi hàng hiệu, trong đó có một số là từ giới tài chính đang làm việc ở gần đây”.
Lý Di có cảm giác năm nay túi không bán được. Hầu hết những chuyên viên tài chính này đến cửa hàng đều bán đi hàng hiệu sau khi giám định, thậm chí có người vào mua hàng cũng lịch sự hỏi giá. Do ảnh hưởng của dịch, nên trong túi ai cũng không có tiền.
Nhất Phàm Đối (一凡对), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là nhà bình luận về các vấn đề thời sự, nói với Epoch Times rằng sự suy giảm tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc, kết hợp với tác động của việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh nhiều lần, đã làm chậm lại hoặc thậm chí ngừng tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi. Tất cả các ngành đều suy thoái. Doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ lần lượt đóng cửa, chính phủ không quan tâm, người dân chỉ biết tự giúp mình, trong trường hợp không có bảo hộ và chỉ có thể tự giúp mình thì người dân không dám tiêu dùng và không có tiền để mua hàng xa xỉ. Thậm chí, để duy trì cuộc sống, họ còn phải bán những món hàng xa xỉ hiện có, điều này sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai.
Nhất Phàm Đối tin rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm và không thể dừng lại được.